Nhà báo Việt Cường: 37 ngày từ điểm nóng Hoàng Sa

Đã hơn 6 năm trôi qua, nhưng ký ức về chuyến tác nghiệp sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của nhà báo Nguyễn Việt Cường vẫn vẹn nguyên.

 

“Từ giờ phút này các đồng chí đã là chiến sĩ…”

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 (HD - 981) tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982. Việc làm của Trung Quốc gây xôn xao dư luận quốc tế và khu vực. Cả nước hướng về Hoàng Sa, từng phút, từng giây mong chờ tin tức. Đài TNVN là một trong những cơ quan báo chí tiên phong cử phóng viên tác nghiệp tại thực địa kịp thời cập nhật tình hình diễn biến trên Biển Đông một cách đầy đủ, khách quan, chân thực nhất. Những bản tin đầy sức thuyết phục, tố cáo mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, đồng thời phản ánh sự kiên cường, khéo léo, mềm dẻo trong đấu tranh của các chiến sĩ cảnh sát biển (CSB), kiểm ngư Việt Nam liên tục được chuyển về từ Hoàng Sa và phát trên sóng Đài TNVN, đáp ứng được sự mong mỏi của triệu triệu thính giả, trở thành cầu nối giữa biển khơi và đất liền, giúp người dân cả nước vững tin hơn vào cuộc đấu tranh chính nghĩa.

Đằng sau những thông tin quý giá ấy là đóng góp thầm lặng của những phóng viên, nhà báo không sợ hiểm nguy, góp công sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Việt Cường là một trong số những nhà báo ấy. Việt Cường để lại ấn tượng sâu đậm bởi anh có thời gian tác nghiệp tại Hoàng Sa có thể nói là lâu nhất. Trong khi phóng viên của các cơ quan báo chí khác tác nghiệp khoảng 10 - 15 ngày là về để đoàn khác ra thay, thì Việt Cường trực chiến liên tục nơi đây trong 37 ngày đêm.

Nhà báo Việt Cường sinh năm 1979. Anh được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen vì đã có Thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, năm 2014; Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài TNVN “ Là điển hình tiên tiến Đài TNVN giai đoạn 2010-2015”, năm 2015; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với thành tích xuất sắc trong tuyên truyền hoạt động của ngành; Đạt giải B, giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2020.

Những ngày ở lại là những ngày đấu tranh ác liệt. Khi ấy, anh là phóng viên duy nhất có mặt trên con tàu CSB 4033 - một trong những tàu thiện chiến của lực lượng CSB Việt Nam, được giao nhiệm vụ “mũi nhọn”, thực hiện nhiệm vụ chấp pháp trên biển, đồng thời cũng là tàu xông pha tuyến đầu, tiến gần nhất có thể tiếp cận giàn khoan HD-981, đấu tranh thực thi pháp luật.

Được các chiến sĩ CSB đón chuyển tàu

Tiếp tôi tại Ban Thời sự (VOV1), nơi anh làm việc, những câu chuyện cùng với những cung bậc cảm xúc mà theo lời nhà nhà báo Việt Cường chia sẻ là “có một không hai và giá trị vô cùng” về những ngày anh lênh đênh trên tàu chấp pháp cùng lực lượng CSB Việt Nam đấu tranh thực địa bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Anh kể, một ngày các chiến sĩ CSB đấu tranh hai lần với Trung Quốc để gây sức ép. Sáng bắt đầu 7h đến 10h, chiều từ 14h đến 17h. Hằng ngày, lực lượng chiến đấu của mình có 5 tàu, trong khi phía Trung Quốc là mấy chục tàu, lại toàn tàu lớn. Lực lượng của mình dù ít nhưng tinh và mạnh. Các chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, bình tĩnh trong mọi tình huống. Tận mắt chứng kiến các chiến sĩ trẻ mưu lược, dũng cảm đấu tranh với hành vi sai trái của các tàu Trung Quốc, Việt Cường thầm cảm phục và trào dâng tình yêu đất nước, tự hào dân tộc.

Đã hơn 6 năm trôi qua nhưng nhà báo Việt Cường vẫn không thể nào quên, có những lúc tàu Trung Quốc bám đuổi sát nút, các chiến sĩ người nào người nấy bám vị trí chiến đấu, tập trung cho nhiệm vụ. Đặc biệt, đồng chí Thành thuyền trưởng sinh năm 1984, ở tình huống sinh tử chỉ trong gang tấc vẫn bình tĩnh đưa ra những quyết định chính xác tuyệt đối để vừa lao vào đấu tranh, vừa có thể né tránh khi bị truy đuổi

Những giây phút đó thật sự căng thẳng. Là phóng viên lần đầu tham gia “chiến trận”, Việt Cường không khỏi lo lắng xen chút sợ hãi. Với độ sâu ở chỗ nông nhất cũng đã là 1,5km nếu bị rơi xuống biển là đồng nghĩa với hy sinh. Dù vậy, anh luôn trong tâm thế sẵn sàng làm nhiệm vụ, kể cả hy sinh cũng không bỏ cuộc. Lúc ấy, anh nhớ lại lời chính trị viên khi anh cùng đồng nghiệp bắt đầu bước chân xuống tàu: “Từ giờ phút này các đồng chí đã là chiến sĩ. Nếu có hy sinh, các đồng chí cũng được ghi danh là liệt sĩ”.

Những vất vả nơi “chiến trận” không giấy bút nào kể hết, không phần thưởng, danh hiệu hay tiền bạc, vật chất nào có thể bù đắp được. Sinh hoạt đời thường của chiến sĩ cũng vô cùng thiếu thốn. Nước ngọt là thứ quý giá với lính biển. Nhà báo Việt Cường nhớ lại: “Anh em chiến sĩ một tuần mới được tắm một lần. Riêng tôi là phóng viên được ưu ái 4 ngày một lần. Từng giọt nước chảy ra từ điều hòa nhiệt độ cũng được các chiến sĩ tận dụng cho sinh hoạt”.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng ngoài những giây phút làm nhiệm vụ, các chiến sĩ vẫn đàn ca những bài hát về biển, kể cho nhau nghe những câu chuyện tình lãng mạn, những chuyện tiếu lâm cười đến chảy nước mắt…

Luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu

Sau bữa cơm chia tay bịn rịn với các chiến sĩ tàu CSB 8033 (con tàu anh tác nghiệp 12 ngày đầu tại Hoàng Sa), Việt Cường xuống tàu CSB 2016 và tìm cho mình một chỗ nằm tạm ổn để về nhà. Đang thiu thiu ngủ, bỗng anh nghe tiếng loa chắc nịch phát ra từ tàu bên cạnh: “Xin mời đồng chí Nguyễn Việt Cường, phóng viên Đài TNVN ra nhận điện khẩn của lãnh đạo Đài. Nội dung điện báo: “Tổng Giám đốc Đài TNVN đề nghị đồng chí Nguyễn Việt Cường tiếp tục ở lại nhận nhiệm vụ đến khi có người ra thay”.

Thế là anh lại xách ba lô trở lại tàu 4033. Cảm xúc khi ấy thật bồi hồi khó tả, bởi chỉ có mình anh là phóng viên trên tàu. Và cho đến mãi sau anh mới biết tàu CSB 4033 khi ấy đang trên đường ra thực địa để thực hiện nhiệm vụ ghé vào đón phóng viên của Đài TNVN. Việt Cường tâm sự: “Mảng thời sự của Đài TNVN là tuyến đầu trong thông tin, nên bất kể nhiệm vụ gì lãnh đạo đã giao là chấp hành, không cần biết lý do”.

Trong chuyến công tác dài ngày này, đây là lần thứ hai anh nhận được lệnh khẩn. Lần đầu nhận nhiệm vụ ra Hoàng Sa đúng lúc anh sau nhiều năm mới quyết định gạt bỏ công việc sang một bên để hai vợ chồng sinh con. Trước đó, vợ đã xin nghỉ một tháng, anh cũng thế. Làm thời sự bộn bề công việc, dòng chảy thông tin cuốn thời gian đi nhanh khiến phóng viên theo mảng này có rất ít thời gian cho gia đình. Anh cười: “Cái số của mình nó thế hay sao ấy”. Nghĩ lại anh thấy thương vợ.

Có điều đến bây giờ anh cũng không hiểu vì sao trong suốt thời gian xa nhà, anh không một cuộc gọi về cho vợ. Dù được cơ quan cấp cho chiếc điện thoại vệ tinh nhưng anh chỉ dùng cho công việc, đó là hằng ngày đưa tin về cơ quan. “Không biết mình nguyên tắc quá không. Các chiến sĩ trên tàu nhờ để gọi về anh cũng xin lỗi không được vì đây là điện thoại cơ quan”, anh tâm sự.

Chị Nguyễn Hồng Huệ, vợ nhà báo Việt Cường chia sẻ: “Gọi hỏi tin chồng thì được các anh ở Đài nói yên tâm. Ngày nào mình cũng đón nghe thời sự trên Đài TNVN, ngày nào nghe thấy giọng chồng là biết anh ấy còn bình an”.

Phỏng vấn chiến sỹ trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa

Anh nhớ nhất đúng ngày đầu tiên anh ra Hoàng Sa thì tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm. Bình thường, tàu Việt Nam chỉ vào cách giàn khoan HD - 981 khoảng 12 hải lý là bên phía Trung Quốc cho tàu ra truy đuổi. Hôm ấy, tàu CSB 4033 và tàu kiểm ngư nhận lệnh tiếp tục tiến sâu hơn nữa. Và khi cách giàn khoan khoảng 8 hải lý thì tàu Trung Quốc lao ra truy đuổi và xảy ra đụng độ. Anh đã tường thuật một cách ngắn gọn nhưng chi tiết, truyền tải đầy đủ thông tin về cho đồng nghiệp thu và phát luôn trong chương trình thời sự 18 giờ ngày hôm đó.

Sự kiện ấy chỉ có Đài TNVN đưa tin trực tiếp từ hiện trường. Giọng nói khỏe khoắn, đĩnh đạc cùng những chứng lý thuyết phục của phóng viên Việt Cường từ hiện trường giúp thính giả cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhiều nước trên thế giới thấy được hành động hung hãn, trái luật pháp của Trung Quốc.

Anh kể, đưa tin trong điều kiện vô cùng khó khăn. Khi ở trên biển, phương tiện liên lạc duy nhất là điện thoại vệ tinh. Để chiếc điện thoại này có thể bắt được sóng cần điều chỉnh đúng hướng.

Cho đến tận bây giờ, nhà báo Việt Cường vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng khó diễn tả khi đặt chân lên đất liền sau nhiều ngày lênh đênh. “Tôi chạy một vòng quanh đảo Lý Sơn khi tàu quay về đây nhận tiếp tế lương thực. Chạy cho đã đời, cho thỏa “cơn khát” đất liền. Trải nghiệm này đối với tôi thật đáng quý mà có lẽ tôi không bao giờ có được lần thứ hai. Hơn bao giờ hết tôi cảm nhận rất rõ nhiệm vụ giữ từng tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng vô cùng”, nhà báo Việt Cường chia sẻ./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận