Nhà hát Đài TNVN: Chiếc nôi nuôi dưỡng, rèn luyện tài năng âm nhạc nước nhà

Đúng dịp kỉ niệm 75 năm ngày thành lập Đài TNVN, Nhà hát Đài TNVN vinh dự được đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 Đây là niềm tự hào không chỉ với những ai đã và đang gắn bó với Nhà hát Đài TNVN mà là niềm vui chung của Đài TNVN.

Âm nhạc xuất hiện cùng lời xướng 

Cách đây gần 75 năm, Đài TNVN ra đời trong cao trào cách mạng Tháng Tám lịch sử. 11h30 ngày 7/9/1945, lần đầu tiên trên bầu trời độc lập, tự do của Tổ quốc truyền đi chương trình phát thanh đầu tiên với lời xướng đĩnh đạc, hào hùng: "Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Trong chương trình phát thanh ấy, cùng với danh xưng là nhạc hiệu của Đài TNVN, bài "Diệt phát xít" của tác giả Nguyễn Đình Thi đã vang lên qua giọng ca của 10 cô gái Thủ đô. Đó là lời ca, tiếng nhạc đầu tiên phát trên Đài phát thanh Quốc gia. Từ buổi đầu ấy, âm nhạc luôn đồng hành với mỗi chương trình phát thanh của Đài TNVN.

Những ngày đầu Đài TNVN được thành lập, ca nhạc trên sóng phát thanh đều do các nghệ sĩ, ban nhạc yêu nước do Đài mời đến thể hiện. Phải đến cuối năm 1949, Nhóm Ca nhạc Đài TNVN mới hình thành và hoạt động chuyên trách với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ như Đỗ Lạc (nhạc sĩ Cầm Phong), Đỗ Nhự, Trần Thụ, Thương Huyền, Nguyễn An, Mai Khanh, Trần Tất Toại, Lê Lôi... Sau này, Đoàn Ca nhạc lấy ngày 15/12 là ngày thành lập.

Khi mới hình thành, phần ca nhạc chỉ bao gồm ca nhạc mới. Đến giai đoạn cuối 1952 và 1953 bắt đầu có dân ca cổ truyền (nhóm nhạc cổ truyền), và có tiết mục dạy hát trên đài. Điều thay đổi cơ bản là các tiết mục âm nhạc bắt đầu được thu thanh bằng băng dây (dây thu thanh nhỏ như sợi chỉ) để phát đi phát lại được nhiều lần.

Năm 1954, Thủ đô giải phóng, Đài TNVN chuyển về Hà Nội. Nhóm Ca nhạc phát triển thành Phòng Ca nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu làm trưởng phòng, gồm có 2 ban là: Ban Ca nhạc và Ban Biên tập nhạc. Ban Ca nhạc thời kỳ này sau là Đoàn Ca nhạc và nay là Nhà hát Đài TNVN. Còn “Ban biên tập nhạc” nay là Ban Âm nhạc.

Phòng Ca nhạc tuyển mộ thêm thành viên mới từ nhiều nguồn trên khắp cả nước. Tới năm 1957 thành lập thêm Đội Ca Huế và Đội Cải lương, gồm các nghệ sĩ tập kết từ miền Nam ra. Năm 1958, thành lập đội ca thiếu nhi Sơn Ca - tiếng hát của các em nhỏ trên sóng phát thanh. Tuy không thuộc biên chế của Đài nhưng đây là nơi đào tạo một số nghệ sĩ nổi tiếng sau này cho đất nước. Năm 1960, Phòng Ca nhạc thu nhận đội chèo Đông Đào của Hà Nội (tiền thân của Đội Chèo Đài TNVN).

Trưởng Phòng Ca nhạc (kiêm nhạc trưởng) Nguyễn Hữu Hiếu là một nghệ sĩ tài ba và tâm huyết. Ông là người đã đặt nền móng cho sự phát triển của Nhà hát Đài TNVN ngày nay.

70 năm qua, Nhà hát Đài TNVN trở thành “mái nhà chung” cho nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ trưởng thành. Ảnh TrubeTiếng hát át tiếng bom

Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, từng chiến dịch, phong trào, sự kiện, mỗi chiến thắng, mỗi giờ phút thiêng liêng, hào hùng của đất nước đều được Đoàn ca nhạc Đài TNVN phản ánh bằng lời ca, tiếng nhạc của nghệ sĩ trong đoàn.

Những đóng góp ấy được ghi lại bằng các ca khúc đọng mãi trong tâm trí người nghe như “Tình trong lá thiếp”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”, “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy”, “Quảng Bình quê ta ơi”… qua giọng hát của nghệ sĩ như Thanh Hoa, Thu Phương, Tiến Thành, Phan Muôn, Hương Giang… Khó ai quên được giọng chèo xao xuyến của Như Hoa, Hồng Ngát, Minh Tâm…; giọng ca cải lương đằm thắm của Kim Nhụy, Thúy Đạt, Trang Nhung…; giọng hò lưu luyến của Châu Loan, Lài Tâm, Hoàng Thanh…; hay giọng ngâm thơ trầm bổng của Trần Thị Tuyết, Kim Dung, Kim Cúc…

Ngoài nhiệm vụ chính là thu thanh để phát trên làn sóng, Đoàn còn đi biểu diễn để phục vụ những ngày lễ lớn, phục vụ bà con địa phương, các đơn vị bộ đội…

Từ khoảng năm 1975 - 1987, Đoàn Ca nhạc trở thành một đoàn có số lượng diễn viên đông nhất, chất lượng nghệ thuật cao nhất trong nước với đủ các bộ môn âm nhạc từ Nam đến Bắc: Dàn nhạc giao hưởng nhỏ + Dàn hợp xướng quy mô gần 50 người + Đội ca và nhạc chèo + Đội ca và nhạc Huế + Đội ca và nhạc cải lương Nam bộ + Một số nghệ sĩ ca bài chòi Liên khu 5 - Đội ca và nhạc dân tộc (quan họ và miền núi) + Hợp xướng thiếu nhi Sơn Ca.

Là một người gắn bó với Nhà hát Đài TNVN hơn 40 năm qua, nghệ sĩ NSND Phan Muôn chia sẻ: "Phòng thu 58 Quán Sứ ghi dấu biết bao sự kiện thăng trầm của đất nước. 70 năm qua, những thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn ca nhạc Đài TNVN đã dệt lên một tượng đài bằng âm thanh. Những tiếng hát đi qua những cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc”.

NSND Hồng Ngát, Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN cho rằng, các chương trình ca nhạc trên Đài TNVN là đội quân nghệ thuật đồng hành với chiến sĩ ra trận trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ khốc liệt. Âm nhạc của Đài TNVN là tiếng nói của lương tri và lòng yêu chuộng hòa bình, là khát vọng độc lập, tự do của dân tộc.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm nhà hát Đài TNVN (tổ chức ngày 27/12/2019), Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ đánh giá cao và ghi nhận những thành tích to lớn mà tập thể, cá nhân Nhà hát Đài TNVN đã gặt hái trong chặng đường 70 năm qua. Tổng giám đốc nhấn mạnh, các thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Đài TNVN trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, luôn lạc quan yêu đời, giữ vững phẩm chất của người cán bộ kháng chiến, đem lời ca, tiếng nhạc phục vụ quân và dân ta trên mọi nẻo đường, góp phần đưa các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đi đến thắng lợi. Mỗi sự kiện, mỗi trận đánh, mỗi phong trào… đều có những bài hát mới vang lên khích lệ, động viên kịp thời tinh thần chiến đấu của bộ đội, thanh niên xung phong trên các chiến trường; cổ vũ, động viên nhân dân hăng hái lao động sản xuất.

Chiếc nôi nuôi dưỡng để các nghệ sĩ trưởng thành

70 năm qua, Nhà hát Đài TNVN trở thành “mái nhà chung” cho nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ trưởng thành. Không ít “cây đại thụ” trong âm nhạc Việt Nam đã từng gắn bó với Đài TNVN. Đã từng có thời gian, Nhà hát Đài TNVN là đoàn lớn nhất về số lượng và mạnh nhất về nghệ thuật trong cả nước; là nơi tụ hội các nghệ sĩ lớn của cả 3 miền đất nước, và hầu hết sau này đã được tặng (hoặc truy tặng) danh hiệu NSND và NSƯT. Cụ thể, Nhà hát Đài TNVN đã có 6 nghệ sĩ được phong tặng NSND, 38 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT, 10 nghệ sĩ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước

 Đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Đài có nhiều đóng góp vào sự trưởng thành và lớn mạnh của làn sóng tiếng nói Việt Nam. Và cũng qua làn sóng, công chúng biết đến tên tuổi của các nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Phan Muôn chia sẻ, hơn 40 năm qua, con đường sự nghiệp của ông gắn chặt với Đài TNVN. Qua làn sóng, thính giả biết đến ông. Đài TNVN là bệ phóng, là điểm tựa cho tiếng hát của ông cùng các nghệ sĩ khác bay đến mọi miền Tổ quốc.

Với NSƯT Hồng Liên thì Nhà hát Đài TNVN là ngôi nhà thứ 2 của chị, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và rèn rũa giọng ca để chị trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. “Những ngày tháng gắn bó với Nhà hát Đài TNVN, tôi nhận được sự sẻ chia, yêu thương của anh chị đồng nghiệp. Thời đó với chúng tôi chỉ có những gì chân chất, mộc mạc nhất. Lời ca hay âm nhạc cũng mộc mạc trong trẻo và đáng yêu như thế”- NSƯT Hồng Liên chia sẻ.

Hơn 10 năm gắn bó với Nhà hát Đài TNVN, NSƯT Mai Hoa chưa bao giờ hối tiếc vì lựa chọn của mình, bởi môi trường làm việc ở đây đã giúp chị được nhiều thính giả biết đến và cho chị có những thuận lợi nhất định cho những dự án âm nhạc riêng. Những sản phẩm âm nhạc của chị thường có sự giúp sức của nhạc sĩ Doãn Nguyên, nhạc sĩ Đức Minh và các nhạc sĩ phối khí khác của Đài TNVN.

Còn với ca sĩ Đăng Dương thì yêu đài ngay từ nhỏ. Đài TNVN là kênh duy nhất Đăng Dương thường xuyên nghe, rồi dần bị hút hồn bởi các giọng hát của các thế hệ đi trước. Dương yêu thích dòng nhạc cách mạng cũng từ những giọng ca tên tuổi trên làn sóng. Vì thế khi được về công tác tại Nhà hát Đài TNVN là niềm hạnh phúc và vinh dự đối với anh. Môi trường làm việc đã giúp ca sĩ Đăng Dương phát huy được thế mạnh và thỏa niềm đam mê ca hát. Anh cho rằng, Nhà hát là cái nôi nghệ thuật giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng thành.

Tại buổi lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà hát Đài TNVN, Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: “Nhà hát Đài TNVN là nơi hội tụ, là chiếc nôi nuôi dưỡng, rèn luyện tài năng âm nhạc của nước nhà”.

71 năm qua là một chặng đường đầy khó khăn thử thách nhưng cũng là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ với những thành tựu rất đỗi tự hào của Nhà hát Đài TNVN. Nhà hát Đài TNVN đang tiếp tục đổi mới để có những thành công mới./.

Nhà hát Đài TNVN đã đón nhận nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì…

Minh Thư 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận