Chuyến vào Nam đầu tiên của 4 phóng viên Đài

Sau ngày 30/4/1975, anh em trong nghề làm báo rất háo hức được vào miền Nam công tác. Tôi may mắn là một trong những người được Đài TNVN cử đi công tác.

 

Những năm đầu thập niên 70 của thế kỉ trước, sau khi được Đài TNVN biệt phái sang làm công tác biên tập tại Ban Văn nghệ (A7) của Đài Phát thanh Giải phóng (CP90) trong 3 năm (1971-1973), tôi lại trở về Tổ phát thanh Công nhân (sau này gọi là Phòng Công nghiệp - Ban Đối nội Đài TNVN) làm nhiệm vụ theo dõi ngành GTVT. Chỉ sau 1 tháng đất nước thống nhất, kĩ sư Nguyễn Viết Thìn, giám đốc Công ty Vận tải ô tô số 3 (Công ty 3) mời tôi đi theo chuyến xe chở hàng từ miền Bắc vào miền Nam. Sau khi báo cáo với cơ quan về lời mời của cơ sở, lãnh đạo Đài TNVN cử thêm 3 người nữa tham gia chuyến công tác này. Nhùng nhằng nhiều thủ tục đến đầu tháng 6 đoàn phóng viên Đài TNVN mới lên đường cùng đoàn xe của Công ty 3. Đoàn gồm 4 người là tôi, Lương Kì (phóng viên cùng tổ) Nguyễn Bích Lưu (Phó tổ Công nhân) và nhà thơ Trần Mạnh Thường (tổ phó Tổ Văn xã).

Đoàn lái xe của Công ty 3 cùng 4 phóng viên Đài TNVN đi thông ngày đêm, chỉ đến khi nào mệt mới nghỉ lấy sức. Khỏi phải nói cảm giác khó tả của 4 chàng phóng viên đang sung sức sau bao năm mới được đi dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam. Chứng kiến bao địa danh nổi tiếng từng được nghe, được đọc, được kể như giới tuyến Hiền Lương, sông Thạch Hãn Quảng Trị, kinh thành Huế, bãi biển Lăng Cô;… Tận mắt nhìn thấy những tàn tích chiến tranh còn lưu lại hiển hiện là những hố bom dọc trảng cát Quảng Bình bên những mái nhà lưỡi rìu “suốt đời sục đất kiếm ăn”, những xác ô tô nhà binh nằm trơ xương bên kho xăng Nại Hiên,…chúng tôi ai nấy đều cảm xúc dâng trào.

Nhà văn Nguyễn Hiếu có nhiều tác phẩm báo chí và Văn học để lại dấu ấn.Đoàn chúng tôi vào Đã Nẵng lúc gần 11 giờ đêm. Ở Đà Nẵng được mấy ngày, 4 anh em tôi đã quen nên ngày nào không xuống cơ sở làm việc là lại lượn ra đường phố, các chợ, nhất là chợ Cồn. Tổ Phó Nguyễn Bích Lưu nổi tiếng là người thận trọng. Ông bảo để chuẩn bị ngân sách cho chuyến đi này, ông đã về quê ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) bán 3 bụi tre. Đến chiều ngày thứ ba ở Đà Nẵng, anh em bất ngờ khi thấy anh dắt về một xe mô-bí-lét. Anh Bích Lưu cười tít mắt bảo “để cơ động đi công tác cơ sở”. Rồi tiện mồm anh phân công “ngày mai chú Hiếu cùng tôi đi kho xăng Nại Hiên viết bài.

Hôm sau, ăn sáng xong, anh Bích Lưu dắt xe máy xuống hất hàm bào tôi  “chuẩn bị máy ghi âm, sổ sách rồi chứ”. Thấy tôi gật đầu anh bảo tôi ngồi lên sau yên xe. Tôi bảo “xe chưa nổ mà đã ngồi là sao?”. “Đồ dốt, ngồi xe nổ rồi đi luôn, chứ với tốc độ xe máy, chú chạy làm sao kịp, lỡ hết công việc”. Chấp hành lệnh thủ trưởng, tôi bảnh chọe ngồi lên yên xe. Tổ phó Lưu lên xe bắt đầu gò lưng tôm đạp. Đi một quãng đến hơn 400m xe vẫn chưa nổ. Mồ hôi anh ướt đẫm lưng áo, nhưng nhất quyết không cho tôi xuống vì “chú ngu lắm, xe nó phải nóng mới nổ, chú cứ ngồi đấy”.

Hôm sau, Lương Kì cũng ra chợ Cồn tha về một “con cá ươn”. Hỏi, y vênh mặt lên “90 đồng đấy. Rẻ. Tuyệt chưa ?”. Thấy hai vị cùng phòng mua được xe, tôi cũng định ra chợ tậu một con, nhưng Trần Mạnh Thường can “còn đi xa, mang đi làm gì cho vướng”. Nghe anh nên lượt trở về đến Đà Nẵng, tôi mua một con “cá ươn” cũng với giá 90 đồng.

Ở Đà Nẵng gần 1 tuần, đoàn chúng tôi được chuyển tải từ Công ty ô tô 3 sang xe bồn chở xăng dầu để vào Nha Trang.

Ở Nha Trang có hơn 1 ngày nên tôi không ấn tượng gì lắm. Ấn tượng nhất có lẽ là bữa tiệc của xăng dầu Nha Trang chiêu đãi đoàn nhà Đài. Đây là lần đầu tiên dân phóng viên miền Bắc biết thế nào là mực, tôm, ốc vú nàng… Biển Nha Trang làm mồi để uống với bia lade và rượu whisky thật tuyệt. Sau khi uống thỏa thuê bia thì tới rượu. Cơ khổ vì đã đủ bia nên chỉ cạn hơn ly rượu, đầu tôi đã choáng, tôi bèn tìm cách bỏ ra ngồi trên ghế đá ngoài bãi biển. Bất đồ một cô nhân viên văn phòng (trong lúc trò chuyện tôi biết là vợ một trung úy Ngụy) chạy ra. Với tinh thần cảnh giác được nhắc từ nhà, tôi cố né tránh, hoặc im lặng không trả lời câu hỏi của cô: “Sao miền Bắc các anh không mặc quần loe nhỉ?”, “Con trai miền Bắc không thích uống lade với đá à ?”

Theo đoàn xe chở xăng dầu Nha Trang vượt chòm chèm 500km vào đến Sài Gòn. Đoàn chúng tôi được bố trí ở khách sạn Arsto, một trong những khách sạn lớn của Sài Thành lúc bấy giờ. Làm xong thủ tục, chúng tôi ra thang máy để lên phòng. Vừa đến cửa thang máy, trong khi chờ nhân viên bấm nút, Tổ phó Bích Lưu thì thào “hình như phòng sát trùng”. Do một lần xem phim ngoại, tôi biết đôi chút về thang máy nên trấn an: “Anh yên tâm, thang máy thôi”.

Đến Sài Gòn được 2 hôm, đến ngày chủ nhật, tôi tìm đến nhà cô ruột ở Võ Duy Nghi - Phú Nhuận. Nghe tôi nói là sinh viên khoa văn Trường Đại học tổng hợp, cô chú tôi cùng 4 cô em họ xúm lại nghe tôi kể chuyện học hành. Chú rể còn bảo em Nga, con gái lớn của chú, dẫn tôi đến những nhà nghệ sĩ nổi tiếng như nhà kì nữ Kim Cương, võ sư Lý Huỳnh…

Nga dẫn tôi đến nhà kì nữ Kim Cương. Biết tôi là kí giả, bà đón tiếp tôi rất nồng nhiệt. Bà cho biết những vở kịch của Ban kịch Kim Cương như “lá sầu riêng”,” dưới hai màu áo”… hình như không hợp với xu thế xã hội bây giờ nên bà đang tìm hiểu thực tế để viết kịch bản mới. Với cách nghĩ như vậy nên chỉ vài năm sau bà là kịch tác gia đầu tiên của Sài Gòn viết những vở kịch có đề tài về Sài Gòn đương đại như: Chìa khóa (nội dung về cải tạo tư bản tư doanh ở Sài Gòn), men trắng (về thanh niên xung phong), Hồi sinh (về biệt động sài Gòn)…. Bà khuyên tôi nên viết kịch bản. Đang nói chuyện thì có một người ăn mặc lôi thôi, râu ria rậm rạp, cổ đeo một chuỗi dây ống bơ đến trước cửa cất tiếng khàn khàn gọi khẽ “kì nữ ơi, kì nữ”. Tôi thấy bà Kim Cương tươi cười bước ra hỏi khẽ “hôm nay muốn gì nào?”. Rồi bà đi vào mang ra cho con người kì dị một túi ni lông nói nhỏ: “Thế nhé. Đang có khách”. Khi quay vào, bà Kim Cương bảo: “Một kì tài của Sài Gòn, thi sĩ Bùi Giáng đấy”.

Từ nhà bà Kim Cương về, tối nào tôi cũng từ khách sạn đi bộ ra ngã tư đường Nguyễn Du và đường Tự Do để theo dõi đám trẻ bụi đời cùng đám gái điếm tụ tập, làm ăn. Thực tế này tôi đã viết trong kịch ngắn “Những hạt bụi ở đời”. Đầu năm 77, tôi đã đưa cho nhà thơ Thế Lữ xem và được ông khen: “Lời thoại rất sinh động và có tính cách nhân vật”./.

Nguyễn Hiếu 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận