Đài phát sóng Nam Trung bộ: Tăng cường năng lực phủ sóng TNVN ở biển Đông

Từ quý IV/2020, Đài TNVN sẽ đầu tư xây dựng Đài phát sóng Nam Trung bộ nhằm tăng cường năng lực phủ sóng TNVN khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN.

 

Tiếng nói Việt Nam “vươn” ra biển Đông

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định quan điểm chỉ đạo, định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Đài TNVN là đài phát thanh Quốc gia được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng là truyền tải những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các thông tin kinh tế, văn hoá, giải trí góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân trong nước và bạn bè xa gần trên thế giới.

Ngay từ những năm 1990, Đài TNVN đã xây dựng Quy hoạch Phát triển Truyền dẫn Phát sóng (TDPS) TNVN giai đoạn 1990-2000 và sau năm 2000, trong đó có hạng mục xây dựng một đài phát thanh sóng trung tại khu vực Nam Trung bộ nhằm phủ sóng khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế nước ta lúc đó còn nhiều khó khăn, Đài TNVN mới chỉ thực hiện được một phần Quy hoạch phát triển TDPS TNVN giai đoạn 1990-2000 và sau năm 2000, đó là xây dựng Đài phát sóng phát thanh Bắc bộ và Đài phát sóng phát thanh Nam bộ và 10 đài phát sóng trung công suất nhỏ (10kW) tại các địa phương.

Năm 2007, Đài TNVN đã xây dựng dự án “Phủ sóng Biển Đông” với mục tiêu phát cùng lúc 3 làn sóng ngắn tại mỗi vùng biển nước ta. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư có hạn, năm 2009, Đài TNVN mới hoàn thành giai đoạn 1 dự án “Phủ sóng Biển Đông”, trong đó mới chỉ phủ sóng một làn sóng ngắn cho mỗi vùng biển. Chiến sĩ và ngư dân hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Nam Trung bộ có thể thu được các sóng ngắn phát từ đất liền. Tuy nhiên do đặc điểm truyền lan của sóng ngắn qua tầng điện ly nên chất lượng sóng phát thanh thấp và không ổn định, thường xuyên thay đổi theo mùa và theo thời gian trong ngày.

Hiện nay, Đài TNVN đang vận hành khai thác một số đài phát sóng tại khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ như Đài PSPT Đồng Đế (Nha Trang); Đài PSPT Quán Tre (TP. HCM) và Đài PSPT VN2 (Cần Thơ). Các đài phát sóng Đồng Đế và Quán Tre sử dụng máy phát công suất nhỏ (50kW và 100kW), hệ thống anten định hướng vào đất liền. Đài PSPT VN2 sử dụng máy phát công suất 500kW và hệ thống anten vô hướng nhưng cự ly thông tin từ nơi phát đến nơi thu khá xa (1000km). Ngoài ra, đài PSPT VN2 còn sử dụng máy phát 1000kW tần số 1242kHz cùng hệ thống anten định hướng phục vụ phát thanh đối ngoại bằng sóng trời sóng trung với các góc

 500 , 1400 , 2300 , 3200.

Bên cạnh hệ thống các đài phát thanh sóng trung, Đài TNVN còn sử dụng một số hệ thống phát sóng FM công suất nhỏ (5-10kW) tại Đồng Đế (Nha Trang), Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Phan Thiết (Bình Thuận) để phủ sóng cho các thành phố và khu vực lân cận. Các đài phát này mới chỉ có khả năng phủ sóng ổn định cho vùng đất liền và vùng ven biển gần bờ, không có khả năng phủ sóng mạnh, ổn định cho các vùng biển xa như khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta.

Đoàn công tác Đài TNVN khảo sát khu vực xây dựng Đài Phát sóng Nam Trung bộ. Ảnh PVSự cần thiết phải xây dựng dự án

Hằng ngày, nước ta có hàng triệu người dân và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển: ngư dân, hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, vận tải biển, thăm dò - khai thác dầu khí, các hoạt động dịch vụ trên biển.... Họ thường thiếu đói thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, giáo dục, giải trí...

Do đặc tính kỹ thuật nên các loại hình truyền thông như truyền hình, điện thoại di động, wifi, internet không thể phủ sóng tới các vùng biển xa bờ. Các lực lượng chức năng trên biển chỉ có thể dùng máy thông tin vô tuyến điện để liên lạc khi cần thiết. Ngư dân ta khi ra khơi cũng có máy bộ đàm, nhưng tính năng rất hạn chế, đi xa bờ thì khó liên lạc hoặc mất.

Việc cung cấp thông tin cho các lực lượng trên biển lâu nay có hai loại hình chủ yếu: Các chương trình phát thanh của Đài TNVN được phủ sóng ra biển Đông trên làn sóng ngắn từ năm 2009 nhưng do đặc tính truyền sóng (sóng ngắn) nên chất lượng thấp, không ổn định, tần số thay đổi theo mùa nên rất khó bắt sóng và khó nghe. Còn hệ thống thông tin duyên hải (do Bộ NN&PTNT quản lý) phát trên các dải sóng MF/ HF/VHF và vệ tinh thì chỉ làm nhiệm vụ thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trong khi đó, các đài phát thanh của nước ngoài phát sóng vào các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta rất mạnh về công suất, nhiều về thời lượng, rộng về phạm vi phủ sóng, phức tạp, bất lợi về nội dung.

Vì vậy, chủ trương của lãnh đạo Đài TNVN là phải đầu tư xây dựng Đài Phát sóng Nam Trung bộ nhằm tăng cường năng lực phủ sóng Tiếng nói Việt Nam khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam góp phần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tới đồng bào, ngư dân hoạt động trên biển và các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia tại các quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đài TNVN, phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, Quy hoạch TDPS PT-TH Việt Nam, Quy hoạch phát triển Đài TNVN./.

Dự án Đài phát sóng Nam trung bộ có diện tích khoảng 11,2ha, gần đường ven biển Ninh Thuận, cách bờ biển khoảng 2km, nằm trong khu vực địa giới hành chính tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022.

 

Dự án Đầu tư xây dựng Đài phát sóng Nam Trung bộ là bước đi tiếp theo nhằm từng bước thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Quy hoạch TDPS TNVN giai đoạn 1990-2000 và sau năm 2000.

Minh Thư

 

Bình luận

    Chưa có bình luận