Có hay không việc đảng viên, công chức tham gia hoạt động mê tín dị đoan?

Việc cán bộ đảng viên, những trí thức tham gia, thậm chí có thể nói là tiếp tay cho Câu lạc bộ Tình Người là điều đáng tiếc, không thể chấp nhận được.

 

Tại buổi tọa đàm trực tuyến có chủ đề "Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan" do báo Đại Đoàn Kết tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng: Cần rà soát lại có hay không việc đảng viên, công chức tham gia hoạt động mê tín dị đoan tại Câu lạc bộ Tình người? Cần quy trách nhiệm và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động tôn giáo.

Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy: “Câu lạc bộ Tình Người có sử dụng hình ảnh, uy tín của một số cán bộ đã nghỉ hưu, cán bộ có chức vụ trong các cơ quan Nhà nước tham gia một số chương trình của câu lạc bộ để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, trong đó có một số cộng tác viên tham gia tích cực tại câu lạc bộ này là chỉ huy, nguyên chỉ huy trong lực lượng Công an và cơ quan trọng yếu của nhà nước”… Trong danh sách tham gia Câu lạc bộ Tình Người, có người là Phó giáo sư-tiến sĩ, có người giữ chức hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc các trường học; một số người có bằng cấp, vị trí công tác cao. Đó chính là lý do để Câu lạc bộ Tình Người ngang nhiên hoạt động ở Hà Nội, thách thức dư luận.

Vấn đề được dư luận đặt ra là, những công chức tham gia Câu lạc bộ Tình Người đang vi phạm điều gì? Công tác quản lý công chức viên chức có lỗ hổng nào không? Có hay không sự "chống lưng" của những cán bộ công chức tham gia, thậm chí tham gia sâu vào Câu lạc bộ này và có hay không sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của chính quyền sở tại, cụ thể là quận Cầu Giấy, là phường Yên Hòa và các cơ quan ban ngành theo dõi lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng?

PGS.TS Hoàng Chí Bảo. (Ảnh: Quang Vinh)

PGS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Qua từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước đều có các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp để vừa đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan, lễ hội phản cảm, nhưng vẫn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Việc cán bộ đảng viên, những trí thức tham gia, thậm chí có thể nói là tiếp tay cho Câu lạc bộ Tình Người là điều đáng tiếc, không thể chấp nhận được. Chúng ta phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, những ai đi vào con đường này thì tự cảnh tỉnh.

“Chuyện vừa qua ở Câu lạc bộ Tình Người, nếu không sớm có kết luận và không sớm có biện pháp giải quyết thích đáng tôi sợ rằng nó sẽ còn ảnh hưởng xấu, gây những hệ lụy xã hội tiếp theo. Tôi rất muốn lưu ý 2 đối tượng: Thứ nhất là trí thức, văn nghệ sỹ - những người có học lại có sự nhạy cảm, lại có cả sự hiểu biết. Nếu mà mắc vào điều này thì ảnh hưởng của họ đối với xã hội là không nhỏ. Hai là thế hệ trẻ, nếu không được đưa vào một quỹ đạo hoạt động lành mạnh mà sa ngã vào chuyện như thế này để đi lầm đường lạc lối sẽ rất nguy hiểm”, PGS.TS Hoàng Chí Bảo cảnh báo.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quang Vinh)

Đánh giá về báo cáo của UBND quận Cầu Giấy về hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội khóa XIV cho rằng, UBND quận Cầu Giấy đã rất thẳng thắn, chỉ rõ các hoạt động của Câu lạc bộ này là mê tín dị đoan và đưa ra danh sách cán bộ đảng viên, trong đó có những người có chức, có quyền, không bao che. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng tỏ ý lo ngại khi những người này tham gia, trong đó có những người làm ở cơ quan trọng yếu của nhà nước.

“Báo cáo của UBND quận Cầu Giấy thể hiện sự đáng báo động, để chúng ta phải suy nghĩ. Những người thiếu hiểu biết mới dễ dàng rơi vào cảnh u mê. Thế nhưng những người được đào tạo, bồi dưỡng được tin tưởng giao nhiệm vụ còn hoạt động tích cực, chứng tỏ đây cũng là một vấn đề chúng ta phải có đánh giá thêm về công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ hằng năm. Có thể ở đây cũng có sai lầm”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện có hàng chục tôn giáo, tà giáo, phái sinh không mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng được nhà nước thừa nhận. Thực tế, có 43 tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng với 26 triệu người tham gia, nhất là phật giáo và thiên chúa giáo. Ngoài ra, cả nước có 60 cơ sở đào tạo tôn giáo từ sơ cấp đến đại học tôn giáo được cấp giấy chứng nhận. Có thể thấy, Luật Tôn giáo rất cởi mở với những tôn giáo theo đúng nghĩa như Luật Tôn giáo quy định. Với hoạt động của Câu lạc bộ Tình Người là lôi kéo nhiều người, đặc biệt là đảng viên, công chức nhà nước, những người có địa vị… bỏ bê công việc để cầu khấn, góp tiền của lên đến hàng tỷ đồng để tham gia hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, theo ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng, rõ ràng lãng phí thời gian, không đúng với luật pháp.

Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.(Ảnh: Quang Vinh)

“Trong 19 điều đảng viên không được làm, Khoản 4 Điều 18 quy định: các đảng viên không được làm, không được tham gia ủng hộ các hội, các tổ chức, các tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận. Đây là vi phạm pháp luật, đã là công dân vi phạm pháp luật thì chúng tôi đề nghị, một là cần công khai danh tính những cán bộ, công chức, viên chức tham gia câu lạc bộ này. Về phía Đảng thì phải có kỷ luật đảng đối với những người này. Bên cạnh công khai danh tính, tôi đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để tiến tới xét xử và thi hành án đối với những người gây phương hại cho xã hội”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.

Liên quan đến cuốn pháp bảo do Câu lạc bộ Tình Người biên soạn, phát tán hơn 60 nghìn cuốn đến các thành viên tham gia, PGS.TS Hoàng Chí Bảo khẳng định, cần xem xét, xử lý các đơn vị liên quan.

“Tài liệu mà họ tuyên truyền là pháp bảo có cơ quan xuất bản không? Có nhà xuất bản không? Chắc chắn là có. Nhà xuất bản phải liên đới chịu trách nhiệm xung quanh việc này. Họ phải giải trình trước xã hội tại sao cho xuất bản ấn phẩm như thế? Ai cấp phép? Ai duyệt bản thảo? Ai cho công bố mà phát tán với một số lượng lớn như thế. Nó tiêm nhiễm những cái xấu độc vào đầu óc con người, nhất là lớp trẻ. Tôi rất quan tâm đến câu chuyện là phỉ báng. Tại sao lại là “thời mạt”, “vận mạt”, “mạt pháp”. Nó đụng chạm, xúc phạm đến niềm tin của Đảng, của dân tộc, của từng người chúng ta. Những người có đạo đức và có lương tâm không chấp nhận được điều này và điều này phải được xử lý”, PGS.TS Hoàng Chí Bảo đề nghị./.

Kim Thanh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận