'Kỷ lục' Eximbank và câu hỏi trách nhiệm?

Trên 5.000 bài báo phản ánh những sự kiện kinh ngạc dư luận diễn ra tại Eximbank (EIB) suốt từ 1/1/2015 đến nay, với những 'kỷ lục' mang tên gọi EIB.

 

“Kịch bản”, “vở diễn”, “sóng ngầm”, “tranh giành quyền lực”… và “Chuyện gì đang xảy ra ở Eximbank?” - là những từ khóa gắn với tên của trên 5.000 bài báo phản ánh những sự kiện gây kinh ngạc dư luận diễn ra tại Eximbank (EIB) suốt từ 1/1/2015 đến nay, với những “kỷ lục” mang tên gọi EIB. Ngân hàng này đang có tổng tài sản trên 160 nghìn tỷ đồng, với trên 130 nghìn tỷ đồng là tiền tiết kiệm của người dân. Trong khi đó, tìm kiếm keyword “trách nhiệm” gắn với bất ổn EIB, lại không có?

“Kỷ lục” 2 năm, 8 lần đổi “ghế nóng”!

Đỉnh cao là “sự kiện” ngày 13/4. Theo Thông báo của EIB, sáng 13/4, HĐQT đã họp và ban hành 2 nghị quyết (NQ) liên quan Đơn từ nhiệm của Chủ tịch Yasuhiro Saitoh.

HĐQT đã họp bầu Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu được Chủ tịch mới. Các cuộc họp đã diễn ra từ 10h15' đến 11h10'.

Kết quả, “Chủ tịch tạm thời” Nguyễn Quang Thông ký NQ 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh. Tiếp đó, lại ra NQ 157 bầu ông Yasuhiro Saitoh vừa bị miễn nhiệm trở lại chức Chủ tịch HĐQT và do chính ông Yasuhiro Saitoh ký.

Nghị quyết 156/2021 thông qua việc miễn nhiệm ông Yasuhiro Saitoh, bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank (nguồn: Eximbank.com.vn)

Như vậy, chỉ chưa đầy 1 tiếng, EIB có tới 3 lần đổi “ghế nóng”, từ Yasuhiro Saitoh, sang Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh. Sự kiện của EIB đã làm “nóng” các mặt báo với gần 100 tin, bài, gây kinh ngạc dư luận vì cực kỳ khó hiểu.

Tính từ 1/3/2019 đến 15/6/2020, EIB từng có 5 lần “đổi ghế” Chủ tịch: Từ Lê Minh Quốc, sang Lương Thị Cẩm Tú, trở lại Lê Minh Quốc, sang Cao Xuân Ninh, rồi về Yasuhiro Saitoh.

Cộng với 3 lần “đổi ghế” vừa diễn ra, EIB đi vào lịch sử ngân hàng với 8 lần “đổi ghế” chỉ trong 2 năm có lẻ.

“Kỷ lục” gây xáo trộn trước Đại hội

Lần thứ nhất, vào ngày 22/3/2019, EIB ban hành NQ 112, bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào “ghế nóng” thay ông Lê Minh Quốc bị bãi nhiệm. Sự kiện tân Chủ tịch là nữ doanh nhân trẻ sinh năm 1980, có cổ phần cá nhân lớn nhất (1,12%) tại EIB, được kỳ vọng sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch tiền nhiệm sinh năm 1951 Lê Minh Quốc đã lấy lại “ghế” một cách “ngoạn mục”. Ông làm Đơn khởi kiện ra TAND TP.HCM, đề nghị và được Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng thực hiện NQ 112 từ ngày 27/3/2019.

Đến ngày 14/5, ông lại rút Đơn khởi kiện. Tòa đình chỉ vụ án và ra Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp “có hiệu lực thi hành ngay” từ ngày 14/5. Theo đó, NQ 112 có hiệu lực, ông Quốc tiếp tục bị bãi nhiệm, bà Tú lại là Chủ tịch.

Tuy nhiên, đúng ngày 15/5, HĐQT họp. Và dù không được bầu làm Chủ tọa, ông Quốc vẫn cùng 4 thành viên có 5/8 chữ ký vào Biên bản tạo lập. Chủ tọa không biết nên Biên bản không có chữ ký Chủ tọa, Thư ký và 3/8 thành viên dự họp. Căn cứ “Biên bản”, ông Quốc lấy tư cách “Chủ tịch HĐQT” ký NQ 231 hủy bỏ NQ 112 và ban hành ngay khi cuộc họp chưa kết thúc.

Chủ tọa và nhiều thành viên phản đối, ra văn bản khẳng định NQ 231 không có giá trị pháp lý. Nhưng với đồng thuận của nhóm 6/9 thành viên HĐQT, NQ 231 vẫn triển khai dù tranh chấp pháp lý căng thẳng; mở đầu quá trình 8 lần  “đổi ngôi” đầy bất ngờ “lặp đi, lặp lại”.

Hầu hết các lần “đổi ghế” đều diễn ra khi thời gian đại hội cận kề. Bà Tú “lên ngôi” khi chỉ còn 1 tháng là khai mạc ĐHĐCĐ thường niên 2019.

Ông Quốc lấy lại “ghế nóng”, rồi trao cho ông Cao Xuân Ninh bằng NQ 231 và 238 đầy tranh cãi, đến mức 1 tháng sau, ông Ninh phải làm đơn từ nhiệm. Nhưng phải 1 năm sau, với Đơn từ nhiệm lần 2, ông mới rời “ghế nóng” để ông Yasuhiro Saitoh thế chỗ. Đó là ngày 24/6/2020, cách thời điểm diễn ra ‘liên hoàn” hai  đại hội thường niên và bất thường của EIB có… 4 ngày.

Hiện tại, EIB sắp tổ chức 3 đại hội thường niên 2020, 2021 và bất thường vào ngày 26, 27/4 và 14/5. Ông Yasuhiro Saitoh lại bất ngờ có Đơn từ nhiệm vào ngày 6/4; đến ngày 13/4, sau khi được bãi nhiệm chưa đầy 1 tiếng, Yasuhiro Saitoh lại ngồi lại “ghế nóng” để điều hành đại hội khi ngày khai mạc chỉ còn có… 13 ngày.

“Kỷ lục” làm Chủ tịch… 55 phút!

Với kết quả “tương tác” giữa NQ 112, Quyết định của Tòa án và NQ 231, bà Lương Thị Cẩm Tú ghi “kỷ lục” ngồi “ghế nóng” ngắn nhất trong lịch sử EIB: 5 ngày.

Tuy nhiên, với sự kiện kinh ngạc sáng 13/4 vừa qua, “kỷ lục” đó đã bị ông Nguyễn Quang Thông phá vỡ, với thời gian đảm nhiệm chức danh Chủ tịch EIB của ông này là… 55 phút!

“Kỷ lục” 9 lần dời, hoãn, tổ chức bất thành Đại hội

Ngày 11/1/2019, Chủ tịch Lê Minh Quốc thông báo họp ĐHĐCĐ 2019 vào ngày 26/4/2019. Sumitomo Mitsui Banking Corpoation (SMBC) - cổ đông chiếm 15% vốn điều lệ tại EIB - đã gửi Văn bản kiến nghị bổ sung 03 nội dung vào chương trình nghị sự: Xem xét việc ông Yasuhiro Satoh từ chức; Những vấn đề tồn tại của EIB và khuyến nghị của Ủy ban Chỉ đạo độc lập thuộc HĐQT; Thanh lọc, cắt giảm qui mô HĐQT (từ 10 xuống 5-7 người).

Do bị từ chối nhiều lần, SMBC đã yêu cầu triệu tập đại hội bất thường để xem xét kiến nghị của mình. Đồng thời, SMBC có Thông báo gửi HĐQT: “từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không phải là một viên chức, nhân viên, người được ủy nhiệm hay đại diện của SMBC”.

Ông Yasuhiro Saitoh (nguồn: Eximbank.com.vn)

Việc từ chối kiến nghị của SMBC đã gây bức xúc cho nhiều cổ đông, khiến HĐQT bị chi phối, phải dời, hoãn, không tổ chức hoặc tổ chức bất thành các đại hội.

Kết quả là một “kỷ lục” mới được lập ra: 2 năm, 9 lần dời, hoãn hoặc tổ chức bất thành ĐHĐCĐ, khiến EIB trở thành ngân hàng duy nhất không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2019, không có Tổng Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật, Kế toán trưởng.., hiện 8/9 thành viên HĐQT đang bị các nhóm cổ đông kiến nghị bãi nhiệm…

Câu hỏi trách nhiệm?

Chìm trong tranh đấu quyền lực kéo dài, mất đoàn kết nghiêm trọng, EIB từ một ngân hàng top đầu, trở thành một nhà băng ở nhóm sau, với lợi nhuận thua xa những “đàn em” một thời như OCB, TPBank, VIB...

Các cổ đông có thể không đứng cùng chiến tuyến, nhưng HĐQT thì phải có năng lực và đạo đức, phải đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp thực sự của các cổ đông. Thế nhưng EIB lại vi phạm liên tục, kéo dài.

Và trách nhiệm đã được gọi tên. Ngày 5/12/2019, do xâm phạm quyền cổ đông SMBC, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN (TTGSNH) đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm về hành vi “không tổ chức hoặc tổ chức ĐHĐCĐ không đúng qui định” đối với các ông: Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Yasuhiro Saitoh.

Ngày 26/10/2020, Văn phòng Chính phủ  có Công văn số 8912/VPCP-V.I thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “NHNN khẩn trương ban hành Kết luận Thanh tra (KLTT) tại EIB theo đúng quy định pháp luật; chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của Công ty Thắng Phương, SMBC, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của EIB; báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 11/2020”. Tuy nhiên, phải tới ngày 18/12/2020, KLTT số 4661/KL-TTGSNH2 mới được ban hành và công bố vào ngày 24/12 tại EIB.

KLTT xác định hàng loạt vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Các TCTD và Điều lệ EIB trên tất cả các nội dung thanh tra thời kỳ từ 01/01/2017 đến 30/9/2019.

Eximbank vẫn chưa có sự ổn định về nhân sự cấp cao.

Trong đó, HĐQT chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn; Chưa kịp thời bổ nhiệm kế toán trưởng; Chưa báo cáo NHNN về việc thay đổi Tổng giám đốc – Người đại diện theo pháp luật; Chưa xây dựng hoàn thiện mô hình tổ chức, quy chế hoạt động của các tiểu ban; Chưa chuẩn bị và phê duyệt đầy đủ nội dung trình ĐHĐCĐ thông qua năm 2019 theo quy định…

Chủ tịch Lê Minh Quốc chưa thực hiện đầy đủ việc đánh giá thành viên HĐQT, kết quả hoạt động của các ủy ban thuộc HĐQT… Trong quá trình triệu tập và tổ chức các cuộc họp HĐQT đã liên tục dời, hoãn, không tổ chức họp theo quy định, thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm Chủ tịch HĐQT; ký văn bản từ chối kiến nghị của SMBC là chưa đúng quy định, vi phạm quyền của cổ đông…

Chủ tịch Cao Xuân Ninh chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn trong phân công nhiệm vụ đối với các thành viên HĐQT.

Các thành viên chưa thực hiện đầy đủ quy định tham dự các cuộc họp HĐQT, không thực hiện ủy quyền khi vắng mặt.

Về Biên bản họp HĐQT ngày 15/5/2019 (ban hành NQ 231) gây tranh cãi, NHNN báo cáo Thủ tướng: “thiếu chữ ký của thư ký cuộc họp và 3/8 thành viên dự họp tại thời điểm ký ban hành NQ dẫn đến nội dung, hình thức biên bản họp chưa đầy đủ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 71 và Quy chế quản trị nội bộ EIB, việc các thành viên dự họp không ký biên bản sẽ ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu đối với nội dung được thông qua trong cuộc họp”.

Sau thanh tra, EIB tiếp tục rơi vào tình trạng mất đoàn kết, quyền cổ đông tiếp tục bị vi phạm; khiếu nại, tố cáo, kể cả khiếu nại KLTT vẫn tiếp tục diễn ra.

Cho thấy, EIB vẫn tiếp tục mất ổn định và có nhiều vi phạm vẫn chưa được kết luận thuyết phục, trước, trong và sau thời kỳ thanh tra, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn trước sự thành công của ba Đại hội cổ đông sắp diễn ra vào ngày 26, 27/4 tới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận