Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Hàng loạt sai phạm do buông lỏng quản lý

Ki-ốt mọc nhan nhản trên đất không được phép xây dựng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, họp chợ dưới lòng đường - đó là hệ quả của việc buông lỏng quản lý của UBND phường Trung Văn, phường Đại Mỗ, gây nhức nhối trong dư luận…

 

Hà Nội bao giờ chấm dứt tình trạng 'bát nháo' xe khách vi phạm?

Hàng loạt sai phạm bám dọc tuyến phố…

Thời gian qua, Báo TNVN nhận được phản ánh của độc giả về tình trạng hàng loạt lều quán, ki ốt được dựng trái phép trên những khoảng đất trống dọc tuyến đường Tố Hữu thuộc địa bàn phường Trung Văn, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm nhưng không được xử lý, tạo tiền lệ xấu cho sai phạm mới phát sinh, ảnh hưởng đến trật tư và văn minh đô thị. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh, buôn bán chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, một phần tạo sức ép gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường này, và tiềm ẩn tai nạn giao thông. Cụ thể:

 Khu đất cạnh dự án MHD, 29 Tố Hữu (đối diện toà nhà Ecolife) có đến hành chục ki-ốt được xây dựng...

Tại phường Trung Văn, theo khảo sát của phóng viên, khu đất cạnh dự án MHD, 29 Tố Hữu (đối diện toà nhà Ecolife) có đến hành chục ki-ốt được xây dựng tương đối kiên cố với tường xây lợp mái tôn để kinh doanh buôn bán. Đặc biệt, chủ các công trình này “hồn nhiên” gắn số cho ki-ốt của mình…

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, lực lượng chức năng ở đâu?

Tương tự, cùng phía tòa nhà chung cư Ecolife đến đường Trung Văn (58, 60 Tố Hữu) người dân tự ý phá dỡ rào tôn được cơ quan chức năng quây để dựng lều quán với khung sắt thép và mái phủ bạt dứa hoặc lưới đen để kinh doanh buôn bán, chủ yếu là mặt hàng gốm sứ, chậu hoa, cây cảnh.

Mặc nhiên dựng kiot để kinh doanh, chính quyền có biết?

Theo tìm hiểu của phóng viên, toàn bộ khu đất này là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/CP cho các hộ dân tại phường Trung Văn để trồng lúa. Theo quy hoạch phân khu đô thị H2-2, tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6631/QĐ- UBND ngày 2/12/2015, khu đất nằm trong quy hoạch hồ điều hòa và cây xanh, nhưng chưa thực hiện thu hồi đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích khu đất này đã bị một số cá nhân, tổ chức mua, thuê của các hộ dân rồi chia năm xẻ bảy, xây dựng lều quán một cách tràn lan.

Vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ "len lỏi" cùng phương tiện, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Chính quyền sao không xử lý?

Tại phường Đại Mỗ, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp cũng không hề thua kém. Cây cảnh, đồ gốm sứ, vật liệu xây dựng, cốt pha phục vụ công trình… phủ kín vỉa hè.

Ùn tắc giao thông, có sự góp sức không hề nhỏ từ việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường...

Bên cạnh đó, trên tuyến đường Tố Hữu thuộc địa bàn hai phường Đại Mỗ, Trung Văn với sự góp mặt của “đội quân” xe máy thồ, xe tải, xe đạp vô tư dừng đỗ buôn bán dưới lòng đường. “Chợ cóc” lưu động này nhộn nhịp kẻ mua, người bán tạo “vết đen” trên tuyến phố sầm uất, khang trang, hiện đại và văn minh.

Quận Nam Từ Liêm đang xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại " Sáng, xanh, sạch, đẹp" bằng góp nhặt những "điểm"  "chợ cóc"...

Anh Ng.T. H hằng ngày đi làm qua tuyến đường này bức xúc: “Hoạt động mua bán diễn ra thường xuyên chiếm hết vỉa hè, lòng đường, kẻ mua, người bán gây ách tắc, xung đột giao thông vào những giờ cao điểm, tiềm ẩn tai nạn giao thông”.

Quận Nam Từ Liêm có thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố?

Liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại đường Tố Hữu, phóng viên có buổi làm việc với UBND phường Trung Văn. Đối với vi phạm tại khu đất số 58, 60 Tố Hữu, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường khẳng định: “Khu đất đó là đất nông nghiệp, người dân cho các gian hàng như phản ánh thuê để kinh doanh buôn bán. Đây là địa điểm phức tạp, hoạt động buôn bán ảnh hưởng đến an toàn giao thông và không đảm bảo văn minh đô thị”.

Dư luận đang đặt câu hỏi, Quận Nam Từ Liêm bao giờ giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...

Được biết, trước đây cũng tại khu đất này rất nhiều nhà xưởng trái phép mọc lên. Năm 2017, cơ quan chức năng đã tiến hành cưỡng chế toàn bộ vi phạm, chỉ còn sót lại một số cọc sắt từng được sử dụng làm khung nhà xưởng. Tuy nhiên, từ 2017 đến năm 2020, những vi phạm mới lại tiếp diễn như phản ánh.

Về xử lý vi phạm ngày 23/11/2020, UBND phường Trung Văn đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra lập biên bản vi phạm tại khu đất 58, 60 đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, trong đó ghi rõ nội dung: Từ ngày 23/11/2020 đến ngày 27/11/2020: Triển khai Kế hoạch, tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm; Từ ngày 28/11/ 2020 đến hết năm 2020: Hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm, tuyên truyền vận động các đối tượng vi phạm tự tháo dỡ công trình, thu dọn hàng hoá trả lại mặt bằng; Tổ chức cưỡng chế nếu các đối tượng không tự tháo dỡ.

Hàng loạt sai phạm trong sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tuyến đường Tố Hữu thuộc quản lý của quận Nam Từ Liêm, dư luận đang đặt câu hỏi, quận Nam Từ Liêm có nghiêm túc chấp hành chỉ thị 08-CT/TU; Quyết định 04/2019/QĐ- UBND TP Hà Nội?

Tuy nhiên, đến nay các công trình đó vẫn ngang nhiên tồn tại. Lý giải về việc này, ông Đặng Quốc Hùng cho biết: “Thời điểm đó đang là Đại hội Đảng toàn quốc nên phường chưa tiến hành cưỡng chế. Tiếp sau đó, là thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các hộ kinh doanh xin UBND phường để họ tranh thủ bán hết hàng hoá và cam kết tự tháo dỡ trước ngày 11/01/2020 Âm lịch”.

Cam kết là thế nhưng các hộ kinh doanh không thực hiện đúng. Đến ngày 20/03/2021 UBND phường Trung Văn tiếp tục xây dựng Kế hoạch kiểm tra lập biên bản vi phạm với thời hạn đến hết tháng 5/2021 sẽ tiến hành cưỡng chế nếu các hộ trên không tự nguyện tháo dỡ và tháng 6/2020 tổ chức rào tôn chống lấn chiếm.

Đối với vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất cạnh dự án MHD 29 Tố Hữu, sau khi phóng viên cung cấp hình ảnh, ông Đặng Quốc Hùng cho rằng khu đất này không thuộc địa phận quản lý của phường Trung Văn mà thuộc quản lý của UBND phường Mễ Trì. UBND phường Trung Văn chỉ quản lý nhân khẩu khu đất đó, chứ không quản lý đất đai.

Để chứng minh cho điều này, ông Hùng đã chỉ đạo cán bộ địa chính phường mang bản đồ và chỉ rõ cho phóng viên đoạn đường ghi trên bản đồ thuộc “xã Mễ Trì”.

“Những công trình vi phạm trước ngày 1/7/2014, được phép giữ nguyên hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi” - ông Hùng cho biết. Một câu hỏi đặt ra cho UBND phường Trung Văn, hiện nay trên tuyến đường Tố Hữu có bao nhiêu công trình vi phạm trước ngày 1/7/2014 và bao nhiêu công trình vi phạm sau ngày 1/7/2014?

Để làm rõ trách nhiệm quản lý thuộc phường nào, phóng viên mang toàn bộ hình ảnh đó đến làm việc với UBND phường Mễ Trì. Tại đây, ông Đỗ Đức Thông cũng chỉ đạo cán bộ địa chính phường kiểm tra thông tin, và khẳng định khu đất đó trước đây thuộc UBND xã Mễ Trì quản lý, nhưng hiện nay đã bàn giao cho UBND phường Trung Văn quản lý. Để chứng minh điều này, cán bộ địa chính đã cung cấp cho phóng viên văn bản số 1479/CV-UBND, ngày 30/12/2020 của UBND phường Trung Văn về việc đề nghị cung cấp hồ sơ địa chính để phục vụ cho việc xử lý vi phạm đất đai, mà theo cán bộ này vị trí vi phạm đó nằm trong khu đất mà phóng viên vừa cung cấp hình ảnh, trong đó ghi rõ: “Bà Nguyễn Thị Hiền và chồng là Nguyễn Văn Mạnh là chủ đầu tư công trình tại số 11 đường Tố Hữu, phường Trung Văn quận Nam Từ Liêm. Do vị trí công trình vi phạm của bà Nguyễn Thị Hiền có một phần diện tích trước đây do UBND xã Mễ Trì quản lý… đề nghị UBND phường Mễ Trì cung cấp thông tin, hồ sơ địa chính tại vị trí trên cho UBND phường Trung Văn trước ngày 06/01/2019”.

Hàng loạt sai phạm trong sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên tuyến đường Tố Hữu thuộc quản lý của quận Nam Từ Liêm, dư luận đang đặt câu hỏi, quận Nam Từ Liêm có nghiêm túc chấp hành chỉ thị 08-CT/TU; Quyết định 04/2019/QĐ- UBND TP Hà Nội?

Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có nội dung:

Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự đô thị; tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường… Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, nhất là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân, đi đôi với xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng công an, Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn. Trường hợp để vi phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét xử lý cán bộ quản lý ở cấp cao hơn.

Ngày 18/3/2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2019/QÐ-UBND về Quy định quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố yêu cầu, những công trình xây dựng phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch…

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận