Lãng phí từ những Dự án chuyển giao khoa học, công nghệ tại tỉnh Thanh Hóa:

Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa là cơ quan chủ trì của 2 dự án chuyển giao khoa học và công nghệ thuộc trung ương và tỉnh quản lý với tổng kinh phí đầu tư thực hiện gần 17 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ và tỉnh nghiệm thu, các dự án nằm 'đắp chiếu' gây lãng phí tiền ngân sách nhà nước.

 

Bài 1: Nghiệm thu xong, dự án nằm “đắp chiếu”!

Thấy gì từ hai đề án chuyển giao khoa học?

Dự án thứ nhất: “Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa”.

Ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ -TTg về việc phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1747/QĐ -TTg.

Tại Quyết định, phân cấp quản lý các dự án của Chương trình theo nguyên tắc: “Các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có tính chất tác động liên vùng do Bộ Khoa học và Công nghệ trực tiếp quản lý; Các dự án có quy mô nhỏ, không có tính chất tác động liên vùng thì ủy quyền cho UBND các tỉnh, thành phố quản lý”.

Ngày 26/10/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 12900/UBND-NN về việc giao triển khai thực hiện Quyết định số 1747/QĐ -TTg gửi Sở Khoa học và Công nghệ. Văn bản nêu rõ, giao Sở khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1747/QĐ-TTg

Căn cứ vào tờ trình số 619/TTr- SKHCN ngày 27/6/2017 của Sở Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị phê duyệt kinh phí đối ứng thực hiện dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, dự án bắt đầu thực hiện từ năm 2017.

Đến ngày 07/7/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2413/QĐ - UBND về việc: “Phê duyệt kinh phí đối ứng thực hiện các dự án khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi do Trung ương quản lý, bắt đầu thực hiện từ năm 2017”.

sau khi hội đồng nghiệm thu khoa học cấp bộ đánh giá, nghiệm thu, dự án “đắp chiếu” không thể đi vào hoạt động..

Nội dung của Quyết định thể hiện: “Dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa”, cơ quan chủ trì dự án là: Trung tâm cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 12,5 tỷ đồng. Trong đó: Kinh phí ngân sách khoa học trung ương là 4,99 tỷ đồng; Kinh phí ngân sách khoa học của tỉnh là gần 1,2 tỷ đồng; kinh phí khác là hơn 6,3 tỷ đồng.

Thế nhưng, sau khi hội đồng nghiệm thu khoa học cấp bộ đánh giá, nghiệm thu, dự án “đắp chiếu” không thể đi vào hoạt động, dẫn đến cơ sở, trang thiết bị xuống cấp trầm trọng.

“Xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề cho đối tượng cai nghiện” với tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án là hơn 4 tỷ đồng

Dự án thứ hai: “Xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm theo hướng VietGAP gắn với giáo dục dạy nghề cho đối tượng cai nghiện” với tổng kinh phí đầu tư thực hiện dự án là hơn 4 tỷ đồng. Sau khi hội đồng thẩm định khoa học cấp tỉnh đánh giá, nghiệm thu xong, hiện nay cũng cùng chung cảnh ngộ “chết yểu” dẫn đến tất cả các hạng mục công trình hiện nay xuống cấp, hoang tàn, không hoạt động, để phơi sương phơi nắng.

Hjang mục công trình chăn nuôi  xây dựng dang dở, bỏ hoang nhiều năm...

Dự án được đánh giá cao rồi “chết yểu”

Để có thông tin khách quan, phóng viên Báo TNVN đã làm việc với ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1. Tại buổi làm việc, ông Thanh cho biết : “Tôi mới vừa về đây công tác được tám tháng, trước đó, hai đề án này được thực hiện từ thời ông Lê Chí Cường là giám đốc, nay ông Cường được điều chuyển giữ chức vụ trưởng phòng, phòng chống tệ nạn xã hội của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội.

Liên quan đến dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung từ đá mạt, cát và nguyên liệu sẵn có khác tại tỉnh Thanh Hóa, mới đây, ngày 26/5/2022, Bộ khoa Khọc và Công nghệ đã có văn bản số 257/TTKHCN về việc báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện.

Theo tìm hiểu của phóng viên, văn bản số 257/TTKHCN với nội dung, cung cấp thông tin ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật và thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2025”.

Trên thực tế, sau khi Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp bộ đánh giá, xếp loại, dự án không phát huy hiệu quả. Ông Thanh nói: “Tôi cũng chia sẻ thật từ khi tôi về đây cũng không đụng chạm gì đến dự án này, tôi được biết đề án thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 là kết thúc. Sau khi kết thúc dự án, nghiệm thu xong là không họat động cho đến tận bây giờ. Mặt khác, tôi về đây cũng chưa được nhận bàn giao các dự án này”.

Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên Báo TNVN đã làm việc với ông Lê Chí Cường - nguyên giám đốc cơ sở, hiện là Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Trao đổi với phóng viên, ông Cường cho biết: Mô hình VietGAP tổng vốn hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 1,3 tỷ đồng, kinh phí còn lại là đối ứng, thời gian thực hiện từ cuối năm 2017 đến năm 2020 là kết thúc, nội dung thực hiện là xây dựng mấy mô hình nuôi lợn, nuôi cá nước ngọt, gà lai và các loại rau màu. Trong quá trình triển khai dự án về phía cơ sở cai nghiện ma túy số 1, đã tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện. Vốn đối ứng đến từ hiệu quả sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi để đầu tư cơ sở hạ tầng”.

“Làm đề án khoa học công nghệ khi đã được nghiệm thu nghĩa là kết thúc nhiệm vụ khoa học công nghệ, còn việc anh chuyển giao mô hình, phát triển đề án như thế nào thì phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế” - ông Cường khẳng định.

Đồng thời ông Cường chia sẻ: “Dự án này đã được nghiệm thu bàn giao và nhận được sự đánh giá cao của Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh, quá trình thực hiện dự án được Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân giám sát đánh giá rất cao…”.

Dự án dây chuyền gạch không nung triển khai trong vòng 24 tháng, từ cuối năm 2017 đến 2020 thì kết thúc. Dự án này cũng được Hội đồng Khoa học cấp bộ nghiệm thu đánh giá cao và được báo cáo điển hình. “Đây là đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ” - ông Cường cho hay.

“Làm đề án khoa học công nghệ khi đã được nghiệm thu nghĩa là kết thúc nhiệm vụ khoa học công nghệ, còn việc anh chuyển giao mô hình, phát triển đề án như thế nào thì phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế” - ông Cường khẳng định.

Như vậy, hai dự án chuyển giao khoa học công nghệ của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 “tiêu tốn” gần 17 tỷ đồng, sau khi Hội đồng nghiệm thu cấp bộ, cấp tỉnh đánh giá, xếp loại, đã bị “đắp chiếu”, không tiếp tục hoạt động gây lãng phí ngân sách nhà nước. Điều đó khiến dư luận đang đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các dự án này. Dư luận cũng đặt câu hỏi về giá trị lan tỏa của các dự án chuyển giao khoa học công nghệ này có được như kỳ vọng nêu ra theo tinh thần Quyết định số 1747/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ? Báo TNVN tiếp tục phản ánh vụ việc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận