Cần tách bạch quyền sở hữu và quyền định đoạt đối với xe và biển số xe ô tô

Xuan quanh việc Thí điểm đấu giá biển số xe ô tô từ ngày 1/7/2023

 

Theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2023, cơ quan quản lý cấp biển số đăng ký xe ô tô sẽ thực hiện thí điểm đấu giá biển số. Đây là nội dung nóng hổi được dư luận quan tâm, bởi giờ đây, biển số đăng ký ô tô đã chính thức được coi là tài sản có giá trị và được thực hiện đấu giá để tang nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, dư luận cũng đưa ra rất nhiều câu hỏi về tính khả thi pháp lý và các quyền lợi của người sở hữu biển số.

Báo TNVN có bài phỏng vấn Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM về vấn đề này.

Trước hết, xin được hỏi ông, thế nào là một biển số “đẹp”, ai sẽ là người định lượng về giá trị của một chiếc biển số?

Theo văn hóa phương Đông, xét về phong thủy, biển số xe đẹp là "nhất tứ quý, nhì đồng hoa". Số đẹp là số có âm dương, có tài lộc, đem lại may mắn,... Tuy nhiên, theo quan niệm của nhiều người khác thì số đẹp là số có nghĩa. Tại một số nước, biển số xe đẹp thể hiện vị thế và địa vị chủ xe.

Đối với dân làm ăn, buôn bán, biển số đẹp là biển số có cặp đôi 68, 86 hoặc 66, 88 vì những cặp đôi số này có số 6 đọc theo âm Hán - Việt là "lục" trùng với âm "lộc" và số 8 có âm đọc là "bát" trùng với "phát" sẽ giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi, phát đạt.

Trước đây, với loại biển 4 số, người ta thường quan niệm biển đẹp theo các dòng: tứ quý, số tiến, số gánh, số lặp… Ví dụ như 6868 - "lộc phát, lộc phát", 6886 - "lộc phát, phát lộc"… Những số thuộc hàng tứ quý như: 7777, 8888, 9999 được coi là đẹp nhất. Dạng số đẹp thứ hai là số tiến dần đều như: 1234, 4567, 6789.

Kể từ khi biển 5 số được lưu hành thì quan niệm về số “đẹp” cũng có vài nét thay đổi. các số gánh, số lặp, biển tiến, biển phong thủy, biển có tổng điểm cao,… vẫn được thịnh hành và ưa chuộng. Đối với biển có 5 số lặp nhau từ sẽ giá trị cao hơn Tứ quý (4 số lặp nhau) vì trong 100.000 số mới có một số, và những dãy số này được gọi là “ngũ linh”.

Thế nhưng số đẹp hay không thì cũng do cách nghĩ của từng người, một số người ưa thích biển 5 số còn một số thì cho rằng biển 5 số không thể đẹp bằng biển 4 số vì biển 4 số được bố trí liền nhau, còn biển 5 số bị đặt một dấu chấm ở giữa, dãy số tự nhiên bị tách ra, không còn liền mạch.

Trên thực tế, pháp luật chưa hề quy định thế nào là số đẹp, thế nào là số xấu. Việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô, xe gắn máy được thực hiện theo hình thức bấm số ngẫu nhiên và cơ quan cũng được giao nhiệm vụ làm thủ tục bấm biển số, đăng ký, cấp biển số xe ô tô, xe gắn máy.   

Xin ông cho biết, các quyền sở hữu biển số đấu giá như Nghị quyết đã ban hành có được áp dụng cho mọi biển số khác không thực hiện đấu giá hay không?

Quyền của người trúng đấu gá được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 73/2022/QH15, trong đó có những quyền đặc thù chỉ phát sinh đối với người trúng đấu giá như:

- Được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sau khi nộp đủ số tiền trúng đấu giá; 

- Được giữ lại biển số xe ô tô trúng đấu giá trong trường hợp xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm xe ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu;

- Nếu người trúng đấu giá chết trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký xe để gắn biển thì biển số xe ô tô trúng đấu giá được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe, người thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế được nhận lại số tiền người trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ chi phí đấu giá.

Những quyền trên được quy định áp dụng riêng cho người trúng đấu giá bởi biển số đấu giá là một loại tài sản đặc biệt, mặc dù chỉ là những con số nhưng tùy quan niệm mà có giá trị vô cùng cao, vì điều đó nên cần phải được áp dụng các quyền khác biệt so với những loại biển số bình thường khác.

Khi xác định biển số xe là một loại tài sản, dù là tài sản đặc biệt, đặc thù thì có nghĩa là tài sản đó phải có tối thiểu các thuộc tính cơ bản của nó, đó là những quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản, trong đó có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt theo quy định pháp luật. Theo như Nghị quyết, dường như người mua biển chỉ có quyền sử dụng biển số chứ không phải là sở hữu, ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Quyền sở hữu đối với một tài sản được pháp luật dân sự quy định bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản đó. Nếu xét nội dung của Nghị quyết thì người trúng đấu giá biển số xe đẹp được hưởng các quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đối với biển số đó, riêng quyền định đoạt thì ghi nhận trong các điều khoản này.

Biển số xe không chỉ có chữ số mà còn có các ký tự chữ cái, việc sắp xếp cũng không hề ngẫu nhiên mà sẽ dựa vào địa phận đăng ký và loại xe mà ban hành biển số phù hợp. Xét về bản chất thì biển số xe là nhằm phục vụ cho công tác quản lý phương tiện giao thông khi đưa vào lưu thông, cơ quan chức năng sẽ dùng các biển số này để rà soát phương tiện thuộc sở hữu của ai, tổ chức nào để đảm bảo tình hình giao thông được kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng phát hiện các phương tiện có hành vi vi phạm hoặc phản ứng kịp thời khi xảy ra tai nạn giao thông.

Biển số xe vốn không phải chỉ để “trưng”, không phải gắn vào xe để thể hiện địa vị bản thân hay mưu cầu may mắn mà là để phục vụ cho công tác quản lý an ninh trật tự của bộ máy Nhà nước. Trong thực tiễn hiện nay thì các giao dịch đối với xe có biển số đẹp hầu hết đều được diễn ra với đối tượng là toàn bộ chiếc xe cộng với biển số chứ không chỉ riêng biển số xe, sau đó hai bên sẽ thực hiện thủ tục sang tên, cập nhật thông tin từ chủ cũ sang chủ mới.

Việc hạn chế quyền của chủ sở hữu tài sản đối với loại tài sản này liệu có gây thiệt thòi cho chủ biển số xe, không thu hút được sự quan tâm của nhiều người và sẽ giảm giá trị của những chiếc biển số, qua đó gián tiếp gây thất thu cho Nhà nước không thưa ông?

Khi đã coi biển số xe là một loại tài sản, dù là tài sản đặc biệt, đặc thù thì cũng cần quy định những thuộc tính cơ bản của nó, những quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản, trong đó có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt theo quy định pháp luật. Nếu quy định hạn chế quyền của chủ sở hữu tài sản đối với loại tài sản này thì sẽ gây thiệt thòi cho chủ biển số xe, không thu hút được sự quan tâm của nhiều người và sẽ giảm giá trị của những chiếc biển số. Trường hợp quy định quyền của chủ biển số mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác thì còn có thể khó áp dụng và không đảm bảo tính khả thi.

Biển số xe ô tô cũng như số điện thoại di động là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do Nhà nước quản lý, không có văn bản nào quy định nhưng số máy điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế. Vì vậy quy định biển số ô tô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ô tô được cấp theo hình thức trúng đấu giá, là mâu thuẫn. Cần thiết mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe ô tô để họ có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế, bởi điều này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore, Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á.

Quy định về người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng giá đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác dường như chưa thỏa đáng. Về nguyên tắc họ đã bỏ tiền ra để nhận chuyển quyền sử dụng chiếc biển số xe đó thì họ vẫn phải có quyền định đoạt như người đã tham gia trúng đấu giá trước đó. Ông đánh giá vấn thế nào về mâu thuẫn này?

Dự thảo quy định về việc người trúng đấu giá biển số xe được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình, được quyền chuyển nhượng biển số xe là cần thiết và phù hợp với những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, quy định về người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng giá đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác là không hợp lý.

Về nguyên tắc họ đã bỏ tiền ra để nhận chuyển quyền sử dụng chiếc biển số xe đó thì họ vẫn phải có quyền định đoạt như người đã tham gia trúng đấu giá trước đó. Nên quy định họ có quyền sử dụng biển số xe đó để gắn cho bất kỳ chiếc xe nào thuộc quyền sở hữu của họ, thì mới phù hợp và đảm bảo công bằng trên cơ sở số tiền đã chi ra để được sở hữu biển số. Việc gắn biển số xe cho một chiếc xe là một thủ tục hành chính pháp lý, có sự quản lý của nhà nước. Nếu hạn chế quyền của chủ biển số xe sau khi họ đã nhận chuyển nhượng của người trúng đấu giá, khi họ sử dụng biển số xe như vậy là không hợp lý.

Nếu đã cho phép người trúng đấu giá được quyền chuyển nhượng biển số xe thì đồng nghĩa với việc họ có thể chuyển nhượng mà không cần chuyển nhượng xe. Cũng như quy định về việc họ được quyền giữ lại biển số xe thì đồng nghĩa với việc xe và biển số xe là tách bạch và có thể chuyển nhượng một trong hai thứ. Nhà nước vẫn hoàn toàn có thể quản lý thông qua thủ tục đăng ký sang tên và cấp biển số mới theo quy định pháp luật.

Các biển số có yếu tố phân loại cấp cho một số dòng xe đặc thù như xe bán tải (biển C) hay xe tải van (biển D) sau khi chủ sở hữu bán xe và giữ lại biển mà muốn đổi sang loại xe khác thì phải làm thế nào thưa ông?

Xe bán tải và xe tải van là những dòng xe đặc thù nên đều bị giới hạn niên hạn sử dụng so với các dòng xe khác, các ký tự C, D trên xe là nhằm phân biệt dòng xe này và hỗ trợ cho công tác đăng kiểm, kiểm soát phương tiện lưu thông trên thực tế. Do biển số dành cho các dòng xe này là nhằm thể hiện sự đặc thù riêng của dòng xe nên chủ xe sẽ không thể sử dụng biển số này cho loại xe khác.

Theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA, khi thực hiện thủ tục sang tên, tùy trường hợp sang tên cùng tỉnh hay sang tên khác tỉnh thì sẽ được giữ lại biển số hoặc cấp biển số khác cho xe được sang tên. Như vậy, khi chủ sở hữu bán xe hạng C, D và có nhu cầu đổi biển số cũ sang loại xe khác thì sẽ không khả thi theo quy định hiện hành.

Tại sao lại không thể tách bạch quyền sở hữu và định đoạt đối với biển số xe và xe khi mà trong nhiều trường hợp, giá trị sau đấu giá của một chiếc biển số vượt xa giá trị của chiếc xe thưa ông? Liệu có phải cơ quan quản lý đang quá chú trọng tới việc hạn chế việc đầu cơ biển số mà bỏ qua quyền lợi chính đáng đối với tài sản giá trị cao của người sở hữu hay không?

Biển số xe được xem là tài sản gắn liền với phương tiện và không nên tách rời với phương tiện. Người chủ sở hữu phương tiện phải đồng thời là chủ sở hữu biển số xe. Biển số xe phải gắn liền với phương tiện, là điều kiện đủ để phương tiện có thể lưu thông. Khi phương tiện lưu thông vi phạm pháp luật hoặc gây tai nạn giao thông thì truy tìm phương tiện sẽ thuận lợi hơn. Nếu chủ sở hữu biển số xe không đồng thời là chủ phương tiện, có nghĩa là người mua phương tiện nhưng không đăng ký biển số hoặc đấu giá biển số xe mà mua lại hoặc mượn biển số xe của người khác đã trúng đấu giá thì lúc này việc truy tìm chủ phương tiện sẽ rất khó khăn, phải thông qua chủ sở hữu biển số xe mới biết được chủ phương tiện.

Hiện nay, ở nước ta, không thể tách bạch quyền sở hữu và định đoạt đối với biển số xe và xe vì cơ quan quản lý chưa có cơ chế quản lý và đăng ký lại chủ sở hữu cho xe gắn với biển số xe. Do đó, rất khó khăn trong việc quản lý các chủ sở hữu xe thực hiện quyền sở hữu và định đoạt đối với biển số xe. Theo một số quan điểm, họ băn khoăn vì mục tiêu của biển số xe để quản lý phương tiện mà giờ lại tách rời với phương tiện để như một tài sản có thể chuyển nhượng được, có thể chuyển từ xe nọ sang xe kia. Việc này sẽ rất phức tạp trong quản lý. Chính vì chưa có sự thống nhất trong quan điểm cũng như trong cơ chế quản lý của Nhà nước mà hiện nay ở Việt Nam chưa thể tách bạch quyền sở hữu và định đoạt đối với biển số xe và xe khi mà trong nhiều trường hợp, giá trị sau đấu giá của một chiếc biển số vượt xa giá trị của chiếc xe.

Xu thế của các nước trên thế giới hiện nay là tách bạch quyền sở hữu và quyền định đoạt đối với xe và biển số xe, xem biển số xe là một loại tài sản và không hạn chế quyền đối với loại tài sản này. Để phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới, các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên ban hành cơ chế quản lý và đăng ký biển số xe phù hợp để người dân có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình đối với loại tài sản có giá trị cao này.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận