Gia Lâm,Dự án bị 'biến tướng' gây ngập úng

Người dân tố cáo dự án 'biến tướng' dẫn đến một số hệ lụy như ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh, tiềm ẩn mầm bệnh do ngập úng.

 

Phương án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất - phát triển kinh tế theo hướng trang trại Khu ao cá giống và mương tuyến 3, xã Đông Dư- huyện Gia Lâm - Hà Nội” có dấu hiệu bị ‘biến tướng”, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Sử dụng sai mục đích

Báo TNVN nhận được đơn phản ánh của người dân xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội về việc: Phương án (Dự án) “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất - phát triển kinh tế theo hướng trang trại khu ao cá giống và mương tuyến 3, xã Đông Dư - huyện Gia Lâm -Hà Nội” có dấu hiệu bị “biến tướng”. Các hạng mục của dự án bị sử dụng sai mục đích, cứng hóa bê tông, gây ngập úng, lụt lội và ảnh hưởng lớn tới đời sống của cư dân xung quanh.

Theo nội dung đơn thư phản ánh của nhiều hộ dân đang sinh sống tại thôn 2, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội, người dân nơi đây vô cùng lo lắng,bức xúc về việc sử dụng sai mục đích một số hạng mục của Dự án. Cụ thể, theo phản ánh trong đơn, “Khu vực mương tuyến 3 nằm trong quỹ đất công ích đã được sử dụng là đất chuyên dùng. Trước kia mương tuyến 3 nguyên là mương chìm, rộng khoảng 4m, sâu khoảng 2m; một bên bờ mương mỗi bên rộng khoảng 4,5m2 và một bên rộng khoảng 5m2 được sử dụng để tưới tiêu và làm dân sinh để nhân dân đi lại chăm sóc, thu hoạch ổi. Nhưng khi thực hiện dự án, toàn bộ diện tích mương và bờ mương được lấp để thay thế bằng mương bê tông và đường bê tông. Sau khi hoàn thành mương, đường, chủ đầu tư cho xây tường rào ngăn cách với khu dân cư và ruộng ở hai bên mương, đường làm lối đi riêng của Dự án,không cho người dân đi lại. Điều này đã dẫn đến hậu quả mương không thoát được nước, mỗi khi trời mưa to là ngập úngvà làm cản trở đi lại của nhân dân.Do ngập úng nênảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân gây mất vệ sinh và tiềm ẩn nhiều mầm bệnh”.

Cũng theo đơn thư, có 3 công trình đang được chủ đầu tư sử dụng sai mục đích gồm: Công trình thứ nhất có diện tích khoảng 1250m2 được chủ đầu tư (CĐT) cho một công ty sản xuất kinh doanh sữa thuê lại với giá khoảng 70.000.000đ/tháng; Công trình thứ 2 với diện tích ước chừng 500m2 được cho thuê lại khoảng 25.000.000đ/tháng, dùng để chứa đồ chơi trẻ em nhập từ Trung Quốc; Công trình thứ 3 có diện tích tầm 200m2 xây ngay trên đầu đường và mương bê tông, chặn đường đi lại của nhân dân, dùng để sản xuất và kinh doanh đá xẻ, được cho thuê lại với giá khoảng 50.000.000đ/tháng.

Nhiều hộ gia đình đang sinh sống ở đây rất bức xúc về việc dự án bị “biến tướng” vàđã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Đông Dư, nhưng tới nay phía chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.

Giặt quần áo cũng… bị ngập

Để xác minh, làm rõ nội dung đơn thư, phóng viên đã tới gặp một số hộ dân ở đây.Nhiều hộ dân cho biết, trước kia nhà họ chưa bao giờ bị ngập nhưng từ khi có dự án “Cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất - phát triển kinh tế theo hướng trang trại khu ao cá giống và mương tuyến 3, xã Đông Dư - huyện Gia Lâm - Hà nội”, nhà họ cứ hễ mưa là bị ngập.

Trao đổi với phóng viên,chị Phạm Thị Trần Dự ở thôn 2, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm cho hay: “Ngày xưa nhà tôi không bao giờ bị ngập nhưng từ khi có dự án chỉ cần mưa to một chút đã bị ngập lên tận sân. Thậm chí, có những lúc giặt quần áo nhiều thì nước không có đường thoát cũng gây ngập cả ngõ”. Gia đình chị và nhiều gia đình khác trong xóm đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên xã nhưng không được giải quyết. “Khi trời mưa, gọi cán bộ xã đến thì cũng chỉ biết nhìn mà không giải quyết được gì,ngập vẫn hoàn ngập…Chỉ khổ dân thôi !”, chị Dự bức xúc.

Con mương rộng 5m nay chỉ còn là cống rộng 60cm, gây ngập úng trầm trọng

Anh Ngô Văn Chương,người dân thôn 2, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên xã phản ánh về việc lấp mương, rào đường đi của chủ đầu tư và tình trạng ngập lụt cũng như việc sử dụng dự án không đúng mục đích của chủ đầu tư. Ngày 21/7/2018, UBND xã Đông Dư đã mời chúng tôi lên làm việc. Tuy nhiên tại buổi làm việc, UBND xã vẫn không tiếp thu ý kiến của chúng tôi nên sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án “Cải tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất - phát triển kinh tế theo hướng trang trại khu ao cá giống và mương tuyến 3, xã Đông Dư - huyện Gia Lâm - Hà Nội” được giao cho hộ gia đình bà Phạm Thị Tuyết, ở thôn Thượng, xã Đông Dư,huyện Gia Lâm, Hà Nội theo Quyết định số 2199/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của huyện Gia Lâm và Quyết định số 2884/QĐ-UBBND ngày 20/12/2013 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt và công nhận kết quả trúng thầu thực hiện phương án. Mục tiêu của Dự án là: Đầu tư cải tạo mặt bằng đưa vào sử dụng diện tích đất khu Ao trại cá và mương tuyến 3; quy hoạch bố trí lại sản xuất, xây dựng thành vườn trồng cây ăn quả, rau an toàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải tạo môi trường xanh, sạch, đẹp….

Tuy nhiên trên thực tế, Dự án đã có một số sai phạm được thể hiện rõ tại thông báo số 94/TB-UBND của xã Đông Dư “Về việc kết luận trả lời đơn thư đối với ông Ngô Văn Chương và các hộ dân thôn 1,2 xã Đông Dư”có tình trạng ngập úng tại khu vực dân kiến nghị“ nhưng chỉ ngập tạm thời” và có tình trạng cho thuê, sử dụngđất chưa đúng mục đích của chủ đầu tư, xã đã lập biên bản xử lý yêu cầu chủ đầu tư cam kết chấm dứt tình trạng này.

Như vậy có thể nói, phản ánh của người dân thôn 2, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội về Dự án “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất - phát triển kinh tế theo hướng trang trại Khu ao cá giống và mương tuyến 3, xã Đông Dư- huyện Gia Lâm - Hà Nội” là có cơ sở. Để có hướng xử lý cụ thể, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nhưng ông này đề nghị phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Văn Tuấn, phòng Kinh tế để làm việc. Mặc dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Tuấn để đặt lịch làm việc nhưng phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ ông Tuấn. Ngày 15/1, phóng viên tiếp tục liên hệ lại với ông Tuấn thì ông này cho biết hiện đang bận, liên hệ lại sau, rồi tắt máy.

Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

 

 

Nước ngập úng vào tận nhà dân

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận