BOT Mỹ Lộc với những câu hỏi không thể bỏ ngỏ

  • 18/07/2019 03:56:25
  • Quang Tuấn - Vân Hồng
  • Pháp luật
  • 0

Báo TNVN vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định về những vấn đề liên quan đến trạm BOT Mỹ Lộc.

 

Chủ tịch tỉnh Nam Định chưa trả lời báo chí

Ngày 23/05/2019, Báo Tiếng nói Việt Nam có bài: “Vì sao trạm BOT Mỹ Lộc vẫn... “nóng”?”, với nội dung phản ánh, dù Sở GTVT tỉnh Nam Định đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Công ty cổ phần TASCO tổ chức họp báo để chia sẻ thông tin đến các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và người dân về trạm BOT Mỹ Lộc, nhưng đến nay Báo TNVN vẫn nhận được nhiều ý kiến của người tham gia giao thông không đồng tình với mức thu phí, cũng như phương án thu phí trước 2 năm khi tuyến đường hoàn thành đi vào sử dụng của Công ty cổ phần TASCO; vị trí đặt trạm không đảm bảo lợi ích của người dân…

Để làm rõ những vấn đề liên quan đến trạm BOT Mỹ Lộc, ngày 06/06/2019, Báo TNVN có công văn số 52/CV - BVOV, gửi ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định. Theo đó, Báo TNVN đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định trả lời, cung cấp thông tin tài liệu sau: Hợp đồng, phụ lục hợp đồng BOT liên quan tới trạm BOT Mỹ Lộc; Doanh thu thu phí từ khi tiếp nhận Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (đặt trên Quốc lộ 21A), từ ngày 1/8/2009 cho đến khi Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; Hồ sơ mời thầu; Doanh thu Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (đặt trên tuyến tránh thành phố Nam Định) tính từ khi hoàn thành đến nay; Hồ sơ quyết toán và hồ sơ bản vẽ hoàn công; Kết luận kiểm toán liên quan tới dự án này; Quyết định kỷ luật ngày 8/1/2019 đối với ông Lê Nguyên Khính, nguyên Giám đốc sở Giao thông Vận tải Nam Định, về sai phạm liên quan đến dự án; Hồ sơ quyết toán và hồ sơ bản vẽ hoàn công.

Ngày 2/7/2019, Báo TNVN tiếp tục có công văn lần thứ hai đề nghị ông Phạm Đình Nghị trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới trạm BOT Mỹ Lộc.

Có hay không lợi ích nhóm ở trạm BOT Mỹ Lộc?

Theo tìm hiểu của phóng viên, để triển khai dự án BOT Mỹ Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định là người đại diện của UBND tỉnh Nam Định (Bên A) đã ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư (Bên B) là Công ty cổ phần TASCO. Bởi thế, những vấn đề liên quan đến dự án BOT Mỹ Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phải trả lời và công khai, minh bạch thông tin trước dư luận, báo chí.

Cần phải nhắc lại rằng, trước đó phóng viên Báo TNVN đã liên hệ với ông Phạm Đình Nghị và được ông Nghị đề nghị gửi công văn để có cơ sở trả lời, cung cấp thông tin. Làm theo hướng dẫn của ông Nghị, Báo TNVN gửi công văn nhưng đến nay đã hơn một tháng trôi qua, Báo TNVN vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía ông Phạm Đình Nghị.

Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngại đặt câu hỏi: Nếu trạm BOT Mỹ Lộc được triển khai thu phí đúng theo quy định thì tại sao Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định lại “né” những vấn đề báo chí và dư luận phản ánh?

Cần phải công khai, minh bạch

Trong giai đoạn 2011-2016, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực lớn của ngành giao thông vận tải mà hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhiều dự án BOT giao thông đã giúp các phương tiện giao thông di chuyển thuận lợi hơn, nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu...

Thế nhưng, thời gian qua BOT giao thông cũng bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại như: Chủ đầu tư BOT đang “tay không bắt giặc” khi thực hiện dự án không cần kinh nghiệm, ít vốn, bởi hầu hết kinh phí đều đi vay ngân hàng; Chỉ định thầu; Gian lận vị trí đặt trạm, thiếu minh bạch..., tạo nên không ít bức xúc, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Cuối năm 2017, khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố kiểm toán 24 dự án BOT giao thông thì thời gian giảm thu phí là trên 63 năm. Sự thật này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi cả một quy trình thẩm định BOT giao thông rất chặt chẽ, có sự tham gia của các bộ, ngành, tỉnh, sở, hóa ra lại bị KTNN phát hiện ra “lỗ hổng” to tướng. Và nếu như KTNN không phát hiện ra “lỗ hổng”, chắc hẳn người tham gia giao thông đã phải trả phí oan trong nhiều năm.

Trở lại dự án BOT Mỹ Lộc, Báo TNVN đã phản ánh những bất cập tại trạm BOT này: Thứ nhất, đến 29/01/2010 dự án mới khởi công và tháng 9/2019 mới hoàn thành đưa vào sử dụng, nghĩa là người tham gia giao thông chưa sử dụng tuyến tránh BOT tại sao phải trả phí?; Thứ hai, chủ phương tiện có thể sẽ không lựa chọn hướng di chuyển sử dụng tuyến tránh BOT sao phải trả phí? Thứ ba, vị trí đặt trạm BOT trên Quốc lộ 21B đã đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, người dân?

Bên cạnh đó, dù Thông tư 35, ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, cho phép chủ đầu tư lựa chọn phương thức thu phí theo lượt hoặc thu phí theo chặng thì vẫn còn đó những băn khoăn, thắc mắc từ phía người tham gia giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư BOT Mỹ Lộc đang áp dụng Thông tư 35 một cách có lợi nhất cho mình. Theo đó, phụ lục I cho phép nhà đầu tư thu phí tối đa 52.000đồng/lượt đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng nên tại BOT Mỹ Lộc nhà đầu tư đưa ra mức phí 15.000 đồng. Còn tại phụ lục II, thì phí tối đa đối với các loại xe tương tự như trên chỉ vào khoảng 9.000 đồng cho quãng đường 4,4km.

Ở một góc nhìn khác, nhiều ý kiến cho rằng, nếu cả cung đường gần 26km từ Phủ Lý đến thành phố Nam Định được đầu tư theo hình thức BT thì người tham gia giao thông không phải trả phí. Thế nhưng trên cung đường gần 26km thì lại có khoảng 4,4km để cho doanh nghiệp đầu tư BOT giao thông, rồi thu phí. Sự thật này khiến dư luận không khỏi hoài nghi lợi ích nhóm ở BOT Mỹ Lộc?

Để dư luận, người tham gia giao thông đồng thuận, chia sẻ thì những câu hỏi về BOT Mỹ Lộc mà Báo TNVN đã gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định không thể bỏ ngỏ.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận