Sơn La: Cần làm sáng tỏ việc tranh chấp đất đai tại nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu

  • 10/07/2020 05:34:45
  • Tuyết Lan, Thanh Thủy/VOV Tây Bắc
  • Pháp luật
  • 0

Quá trình triển khai thủ tục để xây dựng nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu xuất hiện tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất giữa một số hộ dân.

 

Quyền lợi hay bị xúi giục?

Thời gian qua, sau khi được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương đầu tư, trong quá trình triển khai các thủ tục để xây dựng nhà máy tinh bột sắn Thuận Châu tại xã Nong Lay đã xuất hiện tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất giữa một số hộ dân. Sau nhiều buổi làm việc, qua xem xét xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, gồm tranh chấp đất đai theo đơn của các hộ và tranh chấp dân sự cho thấy đây thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Theo đó, UBND huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm đơn khởi kiện ra Tòa, song có một nghịch lý là không hộ dân nào thực hiện việc này, đồng thời những hộ có đất thật sự cũng không phối hợp với doanh nghiệp để thỏa thuận nhận đền bù. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về mục đích của việc tranh chấp có thực sự nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân hay họ đang bị xúi giục gây khó dễ cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương?

Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn huyện Thuận Châu được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 129, ngày 15/1/2019. Theo đó, nhà máy được xây dựng tại bản Co Quyên, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu. Quy mô dự án hơn 8,5ha, công suất thiết kế 400 tấn sản phẩm/ngày đêm, chia thành 2 giai đoạn từ năm 2018 - 2020 và từ 2021 - 2022). Chủ dự án là Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu, với mức vốn đầu tư 295 tỷ đồng.

Ông Lường Văn Tắm khẳng định, trong 13 hộ nhận đất chỉ có 3,4 hộ có đất thật nhưng đã bán từ năm 1998

Ngay khi có dự kiến xây dựng Nhà máy đã xuất hiện tình trạng tranh chấp đất đai của nhiều hộ với chủ của khu đất này. Người dân ở đây cho rằng, những diện tích đất này vẫn thuộc sở hữu của họ nên họ có quyền trồng các loại cây nông nghiệp. Chủ của khu đất đang xảy ra tranh chấp tại khu vực dự kiến sẽ xây dựng nhà máy là ông Nguyễn Văn Quân, trú tại bản Co Quên, xã Nong Lay.

Vào tháng 8/2018, gia đình ông Nguyễn Văn Quân đã chuyển nhượng 8,6ha đất nông nghiệp cho Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn Thuận Châu để xây dựng nhà máy. Khu đất này do gia đình ông Quân nhận chuyển nhượng của 14 hộ dân trong vùng từ năm 1999. Ông Nguyễn Văn Quân cho biết: “Khi tôi bán đất cho nhà máy sắn và làm giấy tờ có thông báo với huyện, với xã là khu đất không có tranh chấp gì và xã có xác nhận về điều này và lúc đó cũng không ai kiện cáo gì. Việc tranh chấp chỉ xảy ra sau khi tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này thì mới có kiện cáo. Việc này đề nghị cơ quan công an làm rõ ai đã xúi giục dân và nhằm mục đích gì”.

Trước đó, vào ngày 7/5/2019, 14 hộ dân tại các bản Bó Mạ, Co Kham, Co Quên, xã Nong Lay đã gửi đơn tới UBND huyện Thuận Châu đề nghị giải quyết việc tranh chấp 2,6ha đất giữa họ với ông Nguyễn Văn Quân. Các hộ dân này cho rằng, trước đây họ chỉ cho gia đình ông Quân mượn đất chứ không chuyển nhượng. Chị Hà Thị Xiến ở bản Bó Mạ nói: “Bố mẹ hồi xưa cũng không quan tâm đến đất nữa, tưởng ông Quân là người nhà nước nên cho mượn để ông Quân trồng ngô giống, sau đó ông Quân trồng cà phê. Bây giờ thì bán đất cho nhà máy nên bà con mới làm đơn đòi lại đất”.

Trái với lời của chị Xiến, ông Lường Văn Tắm, nguyên Chủ tịch UBND xã Nong Lay, người trực tiếp tham gia kiểm tra, xác minh các thửa đất cho bà con vào năm 1998 khẳng định, thửa đất của nhà chị Xiến và nhiều nhà khác không nằm trong khu vực xây dựng nhà máy, đồng thời cho biết, ông Quân đã nhận chuyển nhượng của nhiều hộ bằng giấy viết tay: “Trong 13 hộ nhận đất ở đây thì chính thức chỉ có 3,4 hộ có đất thật nhưng đã bán từ năm 1998 có giấy tờ bán cho ông Hải, tức là anh trai ông Quân và năm 1999 đã cấp bìa cho ông Hải, tức là họ không còn có đất ở đây nữa. Còn hộ ông Sáng, ông Tuấn cũng kiện nhưng nương của họ tận góc trên kia tức là thửa 51,52,53 tức là không liên quan đến đất xây dựng nhà máy sắn nhưng khi kiện thì họ chỉ vào khu nhà máy”.

Là một trong những hộ từng có đơn đề nghị giải quyết việc tranh chấp đất với ông Nguyễn Văn Quân, bà Lò Thị Đôi ở bản Bó Mạ sau đó đã rút đơn với lý do chồng bà đã bán mảnh đất này cho ông Quân từ nhiều năm trước: “Trước đây tôi cũng được 13 hộ kia rủ viết đơn cùng, sau đó thì tôi nắm được chồng tôi đã bán đất cho ông Quân rồi nên tôi rút đơn. Khi tôi rút đơn thì 13 hộ kia cũng có ý kiến này nọ và uy hiếp tôi một chút nhưng tôi cũng bảo là chồng tôi bán rồi thì thôi, mình làm sai là vi phạm pháp luật”.

Bà Lò Thị Đôi rút đơn kiện vì mảnh đất đã được chồng bà bán cho ông Quân

Cần giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất

Để giải quyết vấn đề này, huyện Thuận Châu đã nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân trong khu vực xảy ra tranh chấp đất đai; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La rà soát hồ sơ địa chính, quy chủ để phục vụ công tác giải quyết tranh chấp đất đai tại khu vực dự kiến triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn. Huyện cũng thành lập Tổ công tác để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Sau khi thực hiện xác minh theo quy định, ngày 10/01/2020, UBND huyện Thuận Châu đã có công văn số 48 về việc trả lời đơn của 14 công dân liên quan đến khu vực dự kiến xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu tại xã Nong Lay. Theo đó, đề nghị các hộ gia đình, cá nhân khởi kiện ra Tòa để được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các bên tranh chấp không gửi đơn đến Tòa án để được giải quyết theo thẩm quyền mà liên tục gửi đơn kiến nghị, phản ánh, kêu cứu tới các cơ quan từ huyện đến tỉnh và Trung ương dẫn đến phát sinh nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Do đó, không có phương án giải quyết dứt điểm đơn thư do việc giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Tòa án, không thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. Hiện, Ban Thường vụ huyện ủy Thuận Châu đang tiếp tục làm việc trực tiếp, đối thoại với các hộ dân và giao cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan khối nội chính, phân xử, điều tra làm rõ nội dung đơn thư.

 Khu đất dự kiến xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn Thuận Châu.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Để trả lời được câu hỏi là đất đó xác định là đất sử dụng của ai, bản chất giao dịch giữa các hộ với ông Quân là giao dịch gì, cho thuê hay cho mượn hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, huyện đã xin tư vấn của Sở Tài nguyên, Tòa án và một số ngành thì được cho ý kiến là tranh chấp nêu trên thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân được quy định tại điều 203 của Luật đất đai; tại khoản 3, điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó huyện đã đề nghị các bên thực hiện theo đúng điều này. Đối với ý kiến cho rằng ông Hải, ông Quân không có việc mua đất mà các giấy tờ ông Quân cung cấp là giả mạo, để trả lời câu hỏi này thuộc lĩnh vực thẩm quyền của cơ quan điều tra và được thực hiện theo điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự”.

Người dân ở xã Nong Lay, huyện Thuận Châu đang rất mong chờ các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm việc tranh chấp đất tại khu vực xây dựng nhà máy tinh bột sắn để nhà máy sớm được xây dựng, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, sản phẩm sắn làm ra được tiêu thụ với giá thành cạnh tranh, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác. Đồng thời cần làm rõ có hay không việc xúi giục, cố tình gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở địa phương vốn còn nhiều khó khăn này./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận