Đưa người trái phép vào Việt Nam có thể bị phạt đến 15 năm tù

Về hành vi đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Báo TNVN đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc hãng luật TGS, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

 

Luật sư đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của việc đưa người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp?

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là hành vi đặc biệt nguy hiểm.

Khác hẳn với các bệnh nhân Covid-19 lây từ cộng đồng trong giai đoạn trước, 4 bệnh nhân vừa được ghi nhận dương tính trong hai ngày 25/7 và 26/7 đều không rõ nguồn lây. Vì vậy, nếu kết quả điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch tại khu vực có ca nhiễm mới không tốt thì làn sóng Covid-19 bùng phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc hãng luật TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Quan điểm của luật sư về hướng xử lý và mức hình phạt về xử lý hình sự mà các đối tượng có thể phải đối mặt là gì?

Để xử lý nhóm người này, cần khởi tố “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (BLHS) và mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù giam.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm theo quy định tại khoản 4, Điều 348 BLHS.

Trong trường hợp cơ quan chức năng truy xét được nguồn gốc lây lan dịch bệnh do những đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam gây ra thì còn bị truy tố theo quy định tại Điều 240 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và bị phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Thưa luật sư, những trường hợp trốn khai báo, khai báo không trung thực, trốn cách ly, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch thì xử lý theo quy định nào?

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, việc không khai báo tạm trú hoặc khai báo không trung thực, trốn cách ly, không chấp hành các biện pháp chống dịch là các hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, hành vi trốn cách ly, không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 10, Nghị định 176 năm 2013 về xử phạt hành chính trong y tế.

Ngoài ra, hành vi trốn tránh khai báo, khai báo gian dối thì có thể xem xét áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS về tội: “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Các hành vi trên có thể bị phạt tới 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù cao nhất là 12 năm tùy vào hậu quả từ hành vi của người gây ra.

Trường hợp bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào, thưa luật sư?

Hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc.

Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ bị phạt hành chính từ 15-25 triệu đồng. Nếu là người nước ngoài thì tùy theo mức độ có thể sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Bên cạnh xử phạt hành chính, hành vi bao che, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là theo Điều 348 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Mức phạt từ 1-15 năm tù tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bị bắt vào ngày 27/7/2020.

Trường hợp trong quá trình điều tra nếu phát hiện có hành vi của cán bộ có quyền hạn trong việc giám sát khu vực biên giới nhận hối lộ để tiếp tay cho hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thì người thực hiện hành vi có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo luật sư, nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, có thể tăng nặng mức xử phạt để răn đe hay không?

Hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng nhập cảnh trái phép diễn ra nhiều ở nước ta đó là do chế tài xử phạt chưa thật sự cứng rắn để răn đe. Việc chỉ bị xử phạt hành chính đối với những người vi phạm lần đầu về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” nên chưa tạo được sự răn đe. Nhiều người nghĩ chỉ một lần thôi thì sẽ không sao cả, cùng lắm chỉ bị phạt tiền. Chính vì thế, cần phải có những quy định cứng rắn cũng như rõ ràng hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép.

Dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu, làm hơn nửa triệu người chết, truyền nhiễm cho nhiều người mà hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, với những người tổ chức cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh thì cần thiết phải áp dụng tình tiết tăng nặng hình phạt theo điểm l, Khoản 1, Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để phạm tội.

Luật sư đánh giá gì về chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng chính phủ về xử lý sớm, nhanh các vụ móc nối đưa người nước ngoài vào Việt Nam, điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật?

Tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, hằng ngày có đến hàng chục nghìn ca mắc. Hành vi vượt biên trái phép vào Việt Nam mang lại  mối hiểm họa không thể lường trước được. Những người thực hiện hành vi này khi đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam chưa hề khai bảo y tế cũng như thực hiện các biện pháp cách ly cần thiết là hết sức nguy hiểm. Khả năng làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao. Thậm chí, khi chúng ta phát hiện ra một ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thì cũng không thể xác định được nguồn gốc lây lan từ đâu bởi khi vượt biên trái phép không thực hiện theo đúng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh thì những người này sẽ không khai báo tạm trú dẫn đến việc chúng ta không thể nắm được thông tin của người đó.

Chính vì vậy, việc Thủ tướng chính phủ chỉ đạo kịp thời xử lý sớm các vụ móc nối đưa người nước ngoài vào Việt Nam, xét xử nhanh, thông tin rộng rãi trong nhân dân, điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật là hết sức cần thiết nhằm răn đe cũng như tuyên truyền cho người dân biết được hành vi nhập cảnh, xuất cảnh trái phép sẽ phải chịu trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần ngăn ngừa và nâng cao nhận thức cho người dân.

Xin cảm ơn luật sư!

Ánh Phương (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận