Tín hiệu xanh từ cây cao su: Thêm động lực cho vùng biên Gia Lai

Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thiên tai, nhưng giá mủ cao su phục hồi, vùng biên Gia Lai vẫn được tiếp thêm động lực và có bước khởi sắc.

 

Bình minh lại rạng

Mặt trời vừa ửng đỏ trên những cánh rừng cao su ở xã biên giới Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, ông Rơ Ma Nhót ở làng Ngo Leh 1 đã xong việc trên vườn cao su của gia đình, dẫn theo mấy cháu ngoại đi dự hội thi cạo mủ cao su do Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) tổ chức.

Sáng sớm cuối năm, giữa khoảng rừng rộng giăng kín cờ hoa và sôi trào nhạc vui, ông Rơ Ma Nhót cho biết, bà con trong làng có nhiều người làm công nhân cao su. Ưu điểm của nghề này là làm việc gần nhà, thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, đủ nuôi gia đình.

Ngoài ra, nhờ làm công nhân cao su, bà con học hỏi được các kỹ thuật cần thiết để canh tác và khai thác sản phẩm nên cũng tranh thủ trồng riêng từ 1 - 3ha, đem lại nguồn thu đáng kể để chi tiêu những việc lớn. Đặc biệt là thời điểm cuối năm dương lịch có nhiều việc phải chi, cũng là lúc cây cao su cho năng suất, chất lượng mủ cao nhất. Năm 2020 này, giá mủ cao su phục hồi lên mức 32 - 37 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 10 triệu đồng/tấn so với giai đoạn khó khăn, thu nhập của bà con càng được cải thiện. “Trong làng, hộ ít có 7 đến 8 sào, hộ nhiều có 2 đến 3ha. Trước thì diện tích này chỉ cho hàm lượng mủ 27 - 29%, nhưng nay là 30 - 32, có khi 35%. Những hộ có 2 - 3ha có thể thu được 20 - 30 triệu đồng mỗi tháng” - ông Rơ Ma Nhót cho hay.

Buổi sớm trên vườn cao su của Công ty 75, xã Ia Nan, Đức Cơ, Gia Lai.

Cũng làm công nhân cao su và nhờ đó trồng được 2ha cho riêng gia đình, anh Trần Văn Vấn, xã Ia Krêl hiện có 3 nguồn thu: Tiền lương hưu, tiền bán mủ cao su hằng tháng và tiền làm thêm ngoài giờ. “Từ khi làm công nhân, tôi đã xác định khi nào về hưu thì phải có cao su cạo nên đã trồng từ trước. Sinh năm 1975 nhưng tôi về hưu rồi vì công nhân cạo mủ đi làm đêm nhiều nên được về hưu sớm. Giờ chỉ cạo cao su của nhà thôi. 2 hoặc 3 ngày cạo một lần vào sáng sớm, còn lại hầu như rảnh rỗi làm việc khác. Như năm nay cao su được giá hơn mấy năm trước, mỗi tháng cũng kiếm 15 - 16 triệu đồng”.

Người trồng cao su có đời sống khởi sắc, doanh nghiệp cao su cũng thấy rõ tương lai sau những năm tháng ngành cao su chìm trong khủng hoảng.

Thượng tá Trịnh Hà Tâm, Giám đốc Công ty Cao su 75, Binh đoàn 15 cho biết, năm nay, nhiều diện tích cao su tái canh của đơn vị đã bắt đầu được cạo, nâng tổng diện tích cao su kinh doanh lên hơn 3.600ha. Thêm vào đó, giá mủ cao hơn hẳn năm ngoái, dao động trên dưới 34 triệu đồng/tấn nên doanh thu của đơn vị chắc chắn sẽ đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Trong khi đó, nhờ tối ưu hóa được quy trình sản xuất, giá thành mỗi tấn cao su mủ khô không quá 25 triệu đồng, nên hiệu quả kinh tế rất chắc chắn.

Với đà tăng giá như đã thấy, theo thượng tá Trịnh Hà Tâm, đơn vị có điều kiện để tăng quỹ phúc lợi, tăng các nguồn thưởng cho người lao động vào mỗi dịp lễ, Tết; có quỹ để dựng nhà, trang bị phương tiện sinh hoạt cho công nhân mới vào ngành. Đặc biệt, việc tuyển công nhân mới có thể sẽ nhờ thế mà bớt khó khăn hơn trước. “Chúng tôi đã bắt đầu vững chắc về tài chính, tối ưu hóa được sản xuất, không phụ thuộc vốn vay. Tự cây cao su đã nuôi được cây cao su, đảm bảo không lỗ dù giá mủ có xuống thấp đến 25 triệu đồng/tấn. Chỉ cần đại dịch Covid-19 lắng xuống, kinh tế thế giới phục hồi, thì ngành cao su, tôi tin là sẽ rất sáng sủa” - Thượng tá Trịnh Hà Tâm lạc quan.

Đổi mới trên nền rừng cao su

Bước vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Lãnh đạo UBND xã nhận định: Trong số 12/19 tiêu chí chưa đạt, khó nhất là tiêu chí về hộ nghèo, thu nhập, nhà ở và vệ sinh môi trường. Thu nhập bình quân của người dân Ia Nan mới chỉ đạt gần 25 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng, trở lại Ia Nan vào một ngày cuối năm 2020, địa phương đã mang một bộ mặt khác hẳn. Cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được hoàn thành, với thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng.

Cao su tăng giá, người làm cao su ở biên giới Gia Lai lại vui với hội thi cạo mủ.

Ông Ksor Thi, người dân làng Tung, xã Ia Nan cho biết, với riêng gia đình ông, 5 năm vừa qua là 5 năm nhảy vọt về kinh tế nhờ kịp thời tổ chức lại sản xuất, trồng thêm điều, cà phê. Năm 2020, những cây trồng này, dù mới chỉ cho thu hoạch năm thứ nhất, thứ hai, nhưng đã đạt 100 triệu đồng. Và theo Ông Kso Thi những đổi thay như vậy có rất nhiều ở làng Tung: “Trước đây ruộng người ta bỏ hoang, bây giờ thì không còn tình trạng ấy nữa. Mình cũng học theo người ta nên biết cách làm. Trẻ em ngày trước toàn bỏ học theo bố mẹ lên rẫy, bây giờ trẻ em đi học hết”.

So với làng Tung, làng Sơn, xã Ia Nan còn đi trước một bước. Từ năm 2019, đã trở thành làng đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai xây dựng thành công nông thôn mới. Theo ông Rơ Lan Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, đổi thay ở làng Tung, làng Sơn hay toàn thể xã Ia Nan, là kết quả của sự kết hợp hiệu quả các nguồn lực: Của nhân dân, của Nhà nước và doanh nghiệp. “Để đạt được kết quả này là nhờ sự chung tay của các DN trên địa bàn đã giúp đỡ địa phương hàng trăm triệu đồng để làm đường, sửa chữa nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng; huy động hàng nghìn ngày công để cùng  người dân dọn dẹp vệ sinh đường làng...” - ông Đức cho biết.

Cao su phục hồi giá, các cây trồng mới cho thu hoạch, cả người dân và doanh nghiệp vùng biên giới đã hái liền 2 quả ngọt sau hơn 5 năm kiên nhẫn với cây cao su và tích cực các kế hoạch chuyển đổi.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng, chủ quản của nhiều doanh nghiệp cao su trên biên giới Gia Lai cho biết: Đến cuối năm 2020, các nỗ lực tối ưu hóa sản xuất và thử nghiệm tái cơ cấu của binh đoàn đều đã ghi nhận kết quả. Năng suất lao động tăng từ 20 - 30% so với trước. Sản xuất kinh doanh cao su cơ bản được khép kín, từ khâu trồng mới, khai thác, chế biến đến tái canh; đảm bảo trong mọi điều kiện bất lợi của thị trường, sản xuất cao su đều đứng vững. Các trang trại chăn nuôi mà binh đoàn mở thêm, cũng đã tìm thấy công thức để có lãi, có thể phát triển nhân rộng. Quan trọng nhất là hầu hết bà con các thôn làng trên địa bàn của đơn vị đều được đào tạo thành người có nghề, có kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp.

“Sắp tới, theo chủ trương chuyển đổi của tỉnh Gia Lai, chúng tôi sẽ mở rộng chăn nuôi, xây dựng một nhà máy chế biến gỗ cao su để khép kín hoàn toàn sản xuất, không còn phải bán lượng lớn gỗ thô từ các vườn tái canh hàng năm. Giá mủ cao su giữ mức tăng như hiện nay thì chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện được các kế hoạch. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp mà kinh tế nói chung của các địa phương sẽ bền vững”.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng

Chúng tôi rời những cánh rừng cao su trên biên giới Gia Lai trong chiều cuối năm, khi những tin tốt đẹp về thị trường tiếp tục được báo về: Cao su đồng loạt đi lên trên thị trường thế giới. Giá cao su sàn Osaka (OSE) tiếp tục tăng nhờ tiến trình đàm phán về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ đang tiến triển tích cực và chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thúc đẩy tâm lý thị trường… Giá cao su kỳ hạn đã tăng kể từ ngày 11/12, tiến gần đến mức cao nhất trong 3 năm, do sản lượng toàn cầu bị giảm do lũ lụt và bệnh nấm ở Đông Nam Á. Đồng thời, nhu cầu về găng tay y tế tăng mạnh trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng và từ ngành công nghiệp ô tô tiếp tục hỗ trợ giá… Mỗi tin tốt về thị trường là một lời khích lệ cho những người dân, doanh nghiệp và lãnh đạo các địa phương vùng biên giới Gia Lai. Với nhiều năm gắn bó, cả “3 nhà” ở đây biết rõ cách để tận dụng cơ hội, tích cực đổi mới để phát triển bền vững./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận