Homestay ở làng xa

Với cách làm du lịch của mình, anh A Ngưi - ở làng K'Giang, xã Kong Lơng Khơng, Kbang, Gia Lai cho thấy, vùng sâu vùng xa có sức hấp dẫn không thể chối từ.

 

Khách phố hào hứng lên rừng

Khi mặt trời mới lấp ló sau rặng núi, sương còn chưa tan trên những chiếc lá trong vườn, khu bếp nhà A Ngưi (người dân tộc Bahnar) đã rộn ràng tiếng cười nói. Bỏ một bữa lên nương nhưng ai cũng phấn khởi vì hôm nay A Ngưi báo có đến 3 đoàn khách du lịch cùng đặt chỗ.

Trong ngôi nhà sàn lớn, A Ngưi đặt hơn 10 chiếc nệm để phục vụ khách đoàn. Ở vườn, anh dựng những phòng ngủ độc đáo hình chòi cho khách đơn hoặc đôi. Ngoài ao cũng có những phòng ngủ tương tự, để tùy khách lựa chọn cảnh vườn xanh tươi hay trăng trong gió nhẹ, tiếng cá quẫy nước đớp mồi. Chòi chừng 6m2, trang thiết bị tối giản nhưng có giá dao động từ 300 đến 500 ngàn đồng/đêm. Ông Lưu Hạnh Phúc, du khách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, cảnh nắng sớm trăng khuya, tiếng chim chóc vui tươi hay côn trùng rả rích ở homestay này đều rất quý giá đối với những người ở thành phố, vốn chìm trong nhịp sống hối hả. “Ấn tượng với ngôi nhà rông, nhà dài, du khách được ngủ tập thể. Hơn nữa, cảnh vật núi rừng, giếng nước thoáng mát, người dân thân thiện. Mong muốn những cơ sở này được mở rộng thêm cho mọi người biết đến, tham quan nhiều hơn và chủ sẽ xây dựng cơ sở homestay ngày càng tốt hơn”, ông Phúc bày tỏ.

A Ngưi trên một cây cầu nối vào khu homestay của mình.

Khách thành phố yêu cảnh sắc, thanh âm và sự dung dị êm đềm ở làng K’Giang, còn dân làng K’Giang cũng yêu quý các vị khách từ thành phố. Càng nhiều khách, dân làng càng có cơ hội làm cơm phục vụ, được biểu diễn nhạc cụ, có cơ hội giới thiệu các sản phẩm thủ công từ đan lát, dệt vải cho đến chế tác nhạc cụ do chính mình làm ra, thậm chí có người được làm hướng dẫn viên dẫn đoàn tham quan các danh thắng của địa phương. Bà con cũng vui vì được quảng bá về quê hương Kbang với nhiều sản vật độc đáo, qua đó có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Trong khu homestay rộn rã của mình, A Ngưi chia sẻ, anh cảm thấy mình đang có được thành quả xứng đáng sau hành trình dài nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Và theo anh: “Khó nhất là làm sao giữ được cái hồn cốt như mình mong muốn, Thứ hai là vấn đề quảng bá, tiếp cận còn rất vụng về, dù mình cố gắng học hỏi kinh nghiệm ở cả miền Nam và miền Bắc. Cái khó thứ ba là làm sao để bà con cùng làm với mình. Hướng của A Ngưi từ khi bước vào làm du lịch là cả cộng đồng cùng chung tay, vì như vậy mới có một không gian buôn làng thật sự. Nhưng bà con chưa quen, chưa thấy được tiềm năng. Cái khó thứ tư là về kinh phí”.

Khó khăn thì kể mãi không hết. Nhưng may mắn là ở chàng trai Bahnar này, "cái khó đã ló cái khôn". Anh nhận ra mình phải tiên phong, tạo ra mô hình hiệu quả rồi mới thuyết phục được bà con đồng hành. Thế là, những chuyến dẫn khách tham quan, nhờ vốn hiểu biết về văn hóa Bahnar, nhớ sự tích kỳ thú của từng tên thác, tên rừng đã giúp A Ngưi có được những khoản thù lao kha khá. Anh dồn hết để cải tạo mảnh vườn, xây dựng nhà sàn, mà mục tiêu ban đầu chỉ để du khách có nơi ăn, chốn nghỉ.

Một đêm nhạc rạo rực ở làng xa K'Giang.

Những món ăn dân dã, quen thuộc của dân làng K’Giang được du khách hào hứng đón nhận; từ cơm lam, cà đắng, lá mì rồi đến ốc đá, gà nướng trở thành thực đơn được ưa chuộng. Du khách truyền tai nhau trên các trang mạng xã hội, tìm đến với homestay A Ngưi ngày một đông, vượt quá khả năng phục vụ của 2 vợ chồng. A Ngưi tìm đến nhờ họ hàng, tiếp đó là những người trong làng. Từ chỗ nghi ngờ, e ngại, dần dần mọi người tham gia cùng A Ngưi ngày một nhiều hơn. Giờ đây chỉ cần A Ngưi báo trước một tiếng, ai cũng sẵn sàng tham gia việc bếp núc, trở thành những đầu bếp ngày một chuyên nghiệp. Khi được yêu cầu, sẽ có cả đội cồng chiêng cùng với dàn thiếu nữ múa xoang bên ánh lửa bập bùng.

Quả ngọt sau những ngày gian khó

Men rượu cần chếnh choáng, nhịp chiêng ngân xa không chỉ mang đến cho du khách một món ăn tinh thần đậm đà bản sắc mà còn tưới mát tâm hồn những người con của núi rừng Tây Nguyên. Có lẽ vì thế mà thương hiệu về mô hình du lịch của A Ngưi vượt khỏi ranh giới của làng, của xã, mời gọi thêm nhiều người tham gia vào công việc tương đối mới mẻ này. Như anh Hoang - một thanh niên Bahnar đến từ thị trấn Kbang, trước đây chỉ làm ruộng, rẫy. Khi có thời gian thì làm nhạc cụ, đàn tơ-rưng, nhưng cũng chỉ để chơi vui. Khi gặp A Ngưi, được kể cho nghe về mô hình du lịch cộng đồng đón du khách, Hoang đã tới học hỏi. “A Ngưi rủ mình về nhà A Ngưi cùng làm. Lúc đầu cũng thấy lạ nhưng quen rồi thì mình thấy làm du lịch không khó. Mình làm đàn, vừa biểu diễn vừa bán cho khách, kể chuyện cho mọi người biết về buôn làng. Công việc mới rất vui, lại có thu nhập nhiều hơn so với trước” - Hoang hồ hởi chia sẻ niềm vui những ngày làm quen với nghề mới.

Những trải nghiệm của du khách thành phố tại homestay của A Ngưi.

Dù chưa đủ tự tin để trao đổi bằng tiếng phổ thông nhưng trong ánh mắt lấp lánh niềm hy vọng và nụ cười rạng rỡ của anh Hoang khi đón nhận tràng pháo tay mà du khách dành tặng lại có thừa quyết tâm để mang mô hình này về với buôn làng mình. Thế mới thấy, homestay của A Ngưi không chỉ mang lại cơ hội việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số mà còn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các thanh niên từ những di sản của dân tộc mình. Nhận định về cách làm du lịch của A Ngưi, thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, Phó Trưởng phòng tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện khởi nghiệp của một cá nhân, mà còn là sự vươn lên của cả một vùng văn hóa. “Những người trẻ Bahnar đã mạnh dạn xây dựng mô hình homestay như thế này trên chính quê hương. Họ đang sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc. Đây là cái vốn rất tốt để khai thác, phát triển du lịch. Có thể nói, A Ngưi là người tiên phong đã tạo ra điểm đến du lịch văn hóa, khai thác chính các giá trị di sản truyền thống để phục vụ du lịch địa phương” - thạc sĩ Hoàng Thanh Hương nhận định.

Được thiên nhiên ưu ái về cảnh sắc, lại có vốn văn hóa cổ truyền độc đáo, đậm đà, Gia Lai đang tập trung nguồn lực để đánh thức tiềm năng du lịch, với kỳ vọng ngành này sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế, giúp những vốn quý cổ truyền tiếp tục được phát huy. Điều đáng mừng là không chỉ ngành chức năng mà nhiều người dân đã và đang chung tay để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra.

Cả cộng đồng sẵn sàng cùng A Ngưi làm du lịch.

Mô hình homestay của chàng trai Bahnar A Ngưi và dân làng K’Giang thành công đang cho thấy làng xa cũng có sức hấp dẫn không thể chối từ. Phát triển dịch vụ, du lịch sẽ giúp các thôn làng dân tộc thiểu số vừa gìn giữ được cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đạt được mục tiêu về kinh tế. Còn với cá nhân A Ngưi, anh đang có những kế hoạch rất cụ thể và đang cố gắng hết mình để năm 2021 này, ở làng K’Giang có thêm nhiều homestay. A Ngưi cũng tin tưởng rằng, thời gian tới, không chỉ ở làng K’Giang mà còn ở cả huyện Kbang, ở tỉnh Gia Lai sẽ có thêm những buôn làng vươn lên nhờ phát triển du lịch./.

 

“Những người trẻ Bahnar đã mạnh dạn xây dựng mô hình homestay trên chính quê hương. Họ đang sở hữu một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc. Đây là cái vốn rất tốt để khai thác, phát triển du lịch. Đó không chỉ là câu chuyện khởi nghiệp của một cá nhân, mà còn là sự vươn lên của cả một vùng văn hóa”.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận