Lớp vẽ miễn phí Xóm Phố

Sáng thứ Bảy ở làng Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội), có một lớp học đặc biệt với 20 học sinh nhiều lứa tuổi.

 

Đám trẻ háo hức ngồi xúm quanh những chiếc bàn giữa không gian ngổn ngang tranh, tượng, đồ gỗ decor... cặm cụi tô vẽ. Đó là lớp học vẽ miễn phí của vợ chồng họa sĩ Tô Ngọc Trang - Hương Thảo.

“Xóm Phố” làng sơn mài

Cứ mỗi 10 - 20 phút, em thì “ý kiến” con vẽ đẹp chưa, em thì đòi uống nước, em thì khen bánh nhà cô rất ngon, em thì dỗi bạn ngồi riêng một chỗ, em thì xin thêm bút màu, em thì tập trung say sưa vào sản phẩm của mình từ đầu cho đến cuối… Mỗi em một kiểu, lớp học xôn xao, ríu rít tiếng trẻ thơ. “Quan trọng các con cảm thấy vui và thích vẽ. Thấy các con trông ngóng đến ngày cuối tuần mà chúng tôi cảm thấy hạnh phúc” - cô Hương Thảo chia sẻ.

Cuối mỗi buổi học, thầy trò cùng nhau xếp tác phẩm lên nền nhà để ngắm nghía thành quả. Mỗi bức tranh mang những nét hồn nhiên, ngộ nghĩnh riêng.

Trẻ em ở làng Hạ Thái mong ngóng đến ngày cuối tuần để được đến lớp học vẽ của thầy Trang, cô Thảo.

Nếu như ở trường các con được học vẽ theo mẫu, theo mẫu đề tài, thì thầy Tô Ngọc Trang lại để các con được tìm hiểu những đề tài cơ bản, được lựa chọn đề tài theo sở thích để được tự do bộc lộ khả năng, rồi  sau đó lắp ghép lại với nhau để phát triển thành bức tranh hoàn chỉnh.

Các bé trai thích vẽ ô tô, nhà cửa, các bé gái thích cây hoa, công chúa, hoàng tử. Bé thì thích màu sắc nhẹ nhàng, giản đơn, bé thì tạo nên những bức tranh sinh động với đủ màu sắc. Họa sĩ Tô Ngọc Trang tâm sự: ““Nét chữ nét người, mà nét vẽ cũng là nét người. Những năm gắn bó với việc dạy vẽ đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị, từ đó tôi hiểu học trò và biết cách để các con được tự do phát triển khả năng của mình. Trong khi rất nhiều trẻ trên phố được bố mẹ đưa đón, tạo điều kiện để được học vẽ nhưng lại mải mê với các trò giải trí trên điện thoại, đến lớp học một cách miễn cưỡng,  thì ở đây trẻ con rất hào hứng với việc học vẽ nhưng lại ít có cơ hội. Khi các con khao khát được vẽ thì tại sao chúng ta không tạo cho các con một sân chơi?!”.

Là những người con của “phố”, không sinh ra và lớn lên từ làng, nhưng chỉ ngay một năm sau khi chuyển về làng Hạ Thái tìm không gian cho xưởng vẽ và làm đồ decor, dường như thầy Trang, cô Thảo đã có tình cảm đặc biệt với mảnh đất này, như đã có mối nhân duyên từ kiếp trước. Một nhà xưởng ẩm thấp bỏ không nhiều năm được vợ chồng thầy Trang, cô Thảo biến thành không gian hội hoạ sống động với nhiều loại cây xanh, tranh, tượng… Yêu trẻ trẻ đến nhà, lũ trẻ con quanh làng mỗi chiều đi học về cứ phải tạt qua loanh quanh nghịch ngợm, tô vẽ, chạm tay vào những bức tranh, bình hoa, chào hỏi thầy cô những câu thật ngô nghê mà dễ thương rồi mới về nhà.

Xưởng vẽ nơi có lớp học Xóm Phố như mang đến một cơn gió mới mát lành cho ngôi làng đang vốn rất yên tĩnh.

Cô Hương Thảo tâm sự: “Mỗi bức vẽ như những câu chuyện trong tưởng tượng rất dễ thương được các bé thể hiện bằng nét bút và những sắc màu với sự hồn nhiên trong veo, khiến chúng tôi cảm thấy việc mình mở lớp học thêm phần ý nghĩa”.

Từ phố về làng

Tạm xa phố xá chật hẹp nơi sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô để tìm không gian yên tĩnh phù hợp với giá vẽ màu cọ. Chuyển về làng sống được một năm, cùng hít thở bầu không khí của làng, chia sẻ những câu chuyện cùng với người dân làng, rồi hiểu về làng, hoạ sĩ Tô Ngọc Trang và vợ càng cảm thấy mình nên làm một điều gì đó cho làng.

Ẩn sâu bên trong lớp “áo” ồn ào, không khí ô nhiễm từ các loại động cơ trên con đường cao tốc dẫn vào cửa ngõ Thủ đô là một làng nghề nhỏ bé, thanh bình - Làng nghề sơn mài Hạ Thái.

 Dường như khó có thể tìm thấy sự tất bật, vội vã trên những khuôn mặt, dáng đi của người dân nơi đây. Hàng xóm hồn nhiên mời chào nhau từng nắm rau sạch, từng chén rượu gạo. Hạ Thái thong thả chuyển mình theo một cách rất riêng.

Sống ở làng một thời gian, thầy cô nhận thấy niềm say mê hội hoạ của đám trẻ trong làng nhưng lại rất thiếu nơi để cho chúng được thỏa sức khám phá và phát triển khả năng vẽ, trong khi đó, phần lớn người dân làng lại mải mê chú tâm vào các công đoạn để hoàn thành sản phẩm. Những đứa trẻ của làng lớn lên hồn nhiên trong nghèo khó, tự nhiên như cây cỏ. Sân chơi chủ yếu trên những cánh đồng và ngoài con đê. Ở một làng nghề có truyền thống làm tranh mà trẻ con lại không có cơ hội học vẽ là một điều đáng tiếc. Thu nhập của người dân ở làng thấp, cho con cái đi học thêm các môn văn hóa đã là cố gắng chứ nói gì đến việc học hội họa nên bọn trẻ ít có cơ hội được học vẽ một cách bài bản. Vợ chồng thầy Trang cùng học trò của mình là chị Việt Nga - một người yêu trẻ và mê vẽ tranh - quyết định cùng nhau mở lớp học vẽ miễn phí cho các con vào thứ bảy hằng tuần.

Thế là lớp học vẽ Xóm Phố ra đời. Và trẻ con làng Hạ Thái có thêm một sân chơi mới.

Với phương pháp dạy riêng để các con có cơ hội được tự do phát triển khả năng, thầy Trang tâm sự: “Người thầy dạy vẽ cũng như nhà tâm lý, hiểu học sinh muốn gì để giúp các em đạt được bằng thị giác. Có con đến chỉ thích vẽ ô tô. Có con vẽ đẹp nhưng không muốn thi vào trường mỹ thuật, mà chỉ muốn vẽ đẹp như họa sĩ”.

Hạ Thái nổi tiếng với nghề làm tranh và các sản phẩm sơn mài, xuất đi thị trường châu Âu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu từ các thị trường này giảm xuống, đặc biệt khi năm 2020 cả thế giới đang hứng chịu “cơn bão” Covid-19 thì hoạt động này gần như đóng băng. Phần lớn thanh niên làng đi tìm công việc mới ở các khu công nghiệp hay chuyển sang nghề khác.

Để một tác phẩm sơn mài ra đời cần rất nhiều công đoạn: Phác thảo bố cục tranh, lên vóc, vẽ trên vóc, mài - vẽ, gắn trứng, gắn trai, toát sơn, đánh bóng… Vẽ là một công đoạn của quy trình này cần nhiều sáng tạo. Ngoài tranh, sơn mài còn được thể hiện qua các sản phẩm decor, mỹ nghệ… Tuy nhiên, thợ vẽ ở làng ngày càng ít. Những người thợ vẽ giỏi giờ con cháu lại không theo nghề. Làng chủ yếu làm theo mẫu đặt hàng từ Nhật, châu Âu, việc tạo ra mẫu mới, sáng tạo rất ít. Trong khi đó, làng muốn phát triển nghề thì khâu tạo mẫu rất quan trọng, nhưng mẫu lại rất thiếu.

Họa sĩ Tô Ngọc Trang tâm sự: “Khó hình dung nổi tương lai làng nghề trong 10 - 20 năm nữa. Hiện có hơn 10 họa sĩ từ nơi khác về làng sinh sống, nhưng lớp trẻ của chính ngôi làng lại không theo nghề nữa là điều đáng tiếc cho một làng nghề đã hàng trăm năm tuổi. Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện cho các con nâng cao thẩm mỹ, có chỗ chơi lành mạnh, tạo cảm hứng, và cũng là để tạo nguồn nhân lực vẽ sau này cho làng nghề. Hy vọng lớp vẽ sẽ định hướng được một lớp họa sĩ, nghệ nhân mới sau này”.

Từ những buổi học vào thứ bảy mỗi tuần của lớp vẽ Xóm Phố, có thể lạc quan nhìn thấy những nghệ nhân kế cận cho làng nghề Hạ Thái vốn đang dần mai một./.

Họa sĩ Tô Ngọc Trang là cựu binh hải quân, tốt nghiệp chuyên ngành sơn mài trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sau một thời gian làm nhiều công việc khác nhau, từ designer, họa sĩ minh họa, bích họa, sáng tác tranh trên nhiều chất liệu, nay về làng Hạ Thái, anh mới tìm thấy môi trường thích hợp để phát triển sơn mài. Anh từng công tác tại báo điện tử VN Media, là người lập trang web về nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam Vietnamfineart.com, tham gia triển lãm tại Thụy Điển với video art ấn tượng mang tên “Super Connection”…/.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận