'Đánh thức' tiềm năng du lịch cộng đồng ở Như Xuân

Như Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh.

 

Người Thái làm du lịch...

Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng (homestay) xuất hiện tại một số vùng của huyện miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.

Vùng sáu Thanh (gồm các xã Thanh Quân, Thanh Sơn, Thanh Phong, Thanh lâm, Thanh Xuân, Thanh Hòa) được biết đến như “vùng lõm” của huyện Như Xuân. Do mưa lũ, đất đá sạt lở khiến nhiều thung lũng ruộng bậc thang nơi đây bị san lấp, bà con không còn nơi canh tác, gây lãng phí rất lớn tài nguyên đất dẫn đến đời sống kinh tế người dân khó khăn.

Dù được biết đến như “vùng lõm” phát triển của huyện Như Xuân, nhưng dường như điều đó lại không ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái trắng nơi đây. Thậm chí, vùng đất này còn được ví như cái nôi nuôi dưỡng văn hóa truyền thống của người Thái huyện Như Xuân giữa lúc văn hóa tộc người đang mai một dần. Người Thái ở sáu Thanh có phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết riêng, có truyền thống trồng lúa nước, chăn nuôi và dệt thổ cẩm.


Thung lũng hoa tam giác mạch xã Thanh Quân, Như Xuân

Về Thanh Quân hôm nay, du khách sẽ ngất ngây, đắm chìm trong cánh đồng hoa tam giác mạch đang kì nở rộ. Đây là loài hoa mang vẻ đẹp dân dã, chân quê được trồng ở khắp nơi trên những thửa ruộng hoang hóa lâu ngày, thấp thoáng sau những ngôi nhà sàn miền sơn cước hoặc e ấp uốn mình bên những cung đường đã tạo nên một sức hút, sự hấp dẫn kỳ lạ.


Đền Chín gian là một tín ngưỡng đặc sắc của người Thái

Đặc biệt, tại khu vực phát triển du lịch cộng đồng có Đền Chín gian là một tín ngưỡng đặc sắc của người Thái nơi đây với lễ hội dâng Trâu tế trời diễn ra vào trung tuần tháng giêng.

Đền Chín gian tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pỏm (Đồi Tròn), cao 250m thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, cách thị trấn Yên Cát của huyện Như Xuân khoảng 38km. Nơi đây xung quanh là đồng ruộng, đồi núi và bản làng của đồng bào người Thái sinh sống,

Với kiến trúc và không gian văn hóa của người Thái, đền Chín Gian sẽ là điểm đến du lịch tâm linh không chỉ cộng đồng dân tộc Thái huyện Như Xuân mà còn là của cộng đồng người Thái khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Với những giá trị về lịch sử văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho khôi phục lại lễ hội “dâng trâu tế trời ” của dân tộc Thái trong “Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”.

Tham quan du lịch cộng đồng tại xã Thanh Quân, du khách có cơ hội khám phá rừng nguyên sinh, các thác nước, phong tục tập quán của đồng bào người Thái nơi đây; tham quan, trải nghiệm với các nghề truyền thống và cộng đồng dân cư sở tại, tìm hiểu đời sống văn hóa tinh thần, hoạt động kinh tế chủ đạo của đồng bào các dân tộc hay giao lưu văn hóa, văn nghệ, đốt lửa trại, thưởng thức các món ăn, đặc sản ở địa phương.

Sự vào cuộc của các cấp chính quyền

Việc phát triển du lịch đang được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, xem đây là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Bên cạnh việc xác định phát triển mạnh sản phẩm du lịch biển, đẩy mạnh xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa, tỉnh cũng đang quan tâm và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong những năm gần đây, huyện Như Xuân đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, phấn đấu đến năm 2020 du lịch Như Xuân được đưa vào tour, tuyến du lịch của tỉnh.

  • Cụ thể, chỉ trong 2 năm (2016 và 2017), huyện đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hạ tầng cơ bản, cải tạo cảnh quan tại thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ), thác Cổng trời (xã Xuân Quỳ) và nhanh chóng đưa vào khai thác, phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, huyện còn đặc biệt chú trọng xây dựng phương án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các sản phẩm ẩm thực truyền thống, cùng với đó là các loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu nhằm mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách và tạo nên sự đặc sắc, hấp dẫn trong bức tranh du lịch của huyện.

Để khu du lịch cộng đồng và sinh thái đi vào hoạt động có hiệu quả địa phương cũng tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch ở đây.


Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân phát biểu tại buổi lễ khai trương du lịch văn hóa cộng đồng và lễ hội hoa tam giác mạch

Phát biểu tại lễ khai trương khu du lịch cộng đồng và Thung lũng hoa tam giác mạch huyện Như Xuân lần thứ I năm 2018 tại Đền Chín gian, xã Thanh Quân, ông  Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Sự kiện khai trương khu du lịch văn hóa cộng đồng và lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ nhất là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà nhằm quảng bá tiềm năng du lịch và giới thiệu những nét đẹp văn hóa của quê hương con người Như Xuân đến với nhân dân và du khách thập phương”.

Để khai thác hiệu quả khu du lịch văn hóa tâm linh Đền Chín gian, công ty du lịch quốc tế EAGLE Như Xuân đã phối hợp với UBND xã Thanh Quân và nhân dân Làng Trung triển khai xây dựng khu du lịch văn hóa cộng đồng và trồng hoa tam giác mạch với quy mô 3 ha.

“Với thời gian chưa đầy 8 tháng thi công, công ty đã triển khai được nhiều hạng mục như: Hệ thống nhà nghỉ, nhà ăn, khu bán đồ lưu niệm, khu trồng hoa tam giác mạch, đào tạo cho bà con nhân dân về cách trồng, chăm sóc hoa, cách nấu ăn, cách làm du lịch, tạo được nhiều việc làm cho nhân dân trong xã. Tuy mới chỉ là khởi đầu, xong đã góp phần thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân và định hướng phát triển kinh tế địa phương, đó là phát triển kinh tế du lịch thay cho sản xuất nông nghiệp  thuần túy, là giải pháp vươn lên thoát nghèo bền vững của cộng đồng dân cư xã Thanh Quân”- ông Hùng cho hay.

Ông  Đàm Văn Thông, Trưởng  phòng VHTT huyện Như Xuân cho biết: “Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, bên cạnh sự hỗ trợ các nguồn vốn của tỉnh, Trung ương, huyện cũng chú trọng công tác xã hội hóa phát triển du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa - tâm linh, làng nghề truyền thống. Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch một cách bài bản và bền vững, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh”.

 Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/6/2018, UBND huyện Như Xuân đã có tờ trình tới UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt đề cương, nhiệm vụ, dự toán kinh phí Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục đích của đề án nhằm phát triển du lịch của huyện theo hướng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại thung lũng hoa tam giác mạch trên địa bàn xã Thanh Quân bên cạnh di tích lịch sử tâm linh Đền Chín gian không chỉ giúp đề cao, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, mà còn giúp du khách có thêm hiểu biết đối với văn hóa, môi trường, phong tục, nếp sống... của người dân huyện Như Xuân.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận