'Bảo tàng Cầm Thi' - nơi lưu giữ đồ xưa độc đáo

Hơn 15 năm qua, ông Nguyễn An Hà đã cất công sưu tầm và sở hữu hàng ngàn món đồ xưa trưng bày tại nhà, với tên gọi 'Bảo tàng Cầm Thi'.

 

Với tâm huyết lưu giữ những nét văn hóa vùng đất Tây Đô qua các thời kỳ, hơn 15 năm qua, ông Nguyễn An Hà đã cất công sưu tầm và sở hữu hàng ngàn món đồ xưa trưng bày tại nhà, với tên gọi “Bảo tàng Cầm Thi”. Đây cũng là điểm tham quan mới được bổ sung vào bản đồ du lịch Cần Thơ.

“Duyên” đến tình cờ

Người đàn ông 44 tuổi có tên Nguyễn An Hà (ngụ tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) đã nổi tiếng từ lâu trong giới chơi kiểng bonsai miền Tây. Vì nhu cầu tìm kiếm những chậu gốm độc đáo để tạo hình cho bonsai, ông đã đi nhiều nơi để săn tìm chậu gốm xưa như gốm Cây Mai, Lái Thiêu… Trong hành trình tìm kiếm đó, ông may mắn bắt gặp và được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật xưa. Ông trở nên đam mê và từ năm 2006, ông bắt đầu sưu tầm cổ vật.

Ròng rã 15 năm, bộ sưu tập của ông Hà ngày càng nhiều và phong phú. Theo ông Hà, đây chính là thời điểm thích hợp để tiến hành phân loại và trưng bày đồ cổ, vừa giúp bản thân thỏa mãn đam mê, vừa góp thêm một địa điểm du lịch văn hóa tìm hiểu về đời sống người dân Nam bộ trong khoảng 100 năm qua.

Cổng vào Bảo tàng Cầm Thi.

Ngay từ cổng dẫn vào bảo tàng, với hàng rào họa tiết xưa đã cho thấy sự kỳ công sưu tầm của chủ nhân. Bên trong, đồ xưa, cũ được ông Hà trưng bày thành 11 chủ đề chính như: Cổng nhà xưa miền Tây, bonke quân sự, xe quân sự cải tạo thành phòng ngủ, nhà cổ Nam bộ, lối bài trí kiến trúc theo mô-típ Nam bộ; vườn bonsai cây cảnh sở hữu hơn 200 giải thưởng trong và ngoài nước, phương tiện giao thông Nam bộ xưa, gần 200 áo dài Nam Bộ xưa; báo chí qua các thời kì; dòng gốm sứ Nam Bộ xưa; cúp bóng đá; các loại đèn, máy hát xưa, đĩa nhạc, tẩu thuốc...

Ông Nguyễn An Hà cho hay, ông đã phải mất hàng chục năm liền để xây dựng và lắp ghép mô hình nhà cổ từ nhiều công trình khác ở Cần Thơ. Gạch lót nền được xin từ trường Châu Văn Liêm - ngôi trường trăm năm tuổi nổi tiếng ở Cần Thơ trong thời điểm trường tiến hành trùng tu. Còn những mảng gạch ốp tường và hàng rào bao quanh căn nhà thì có nguồn gốc từ công viên Lưu Hữu Phước, loại gạch cũ trước khi công viên này được xây mới. Ngay cả cặp ghế đá, bàn ghế trong các phòng trưng bày cũng có lai lịch không hề đơn giản. “Cái ghế đá là của một người nổi tiếng ở Cần Thơ - đó là ông Cả Đài. Hai ghế đá tôi được cháu nội ông tặng lại. Rồi hoành phi câu đối, bàn, ghế, những vật dụng của hầu hết các ngôi nhà cổ ở Cần Thơ. Để có những hiện vật như vậy, tôi sưu tầm và lắp ghép lại thành tổng thể theo phong cách xưa”, ông Hà chia sẻ.

Xe lôi thời xưa ở Nam bộ.

Quá trình tìm kiếm và lưu giữ cũng lắm chông gai, hễ biết được thông tin có đồ xưa từ bộ ghế, chiếc giường, những viên gạch do phá bỏ các công trình để xây dựng mới, những chiếc xe máy cổ lỗ sĩ, những chiếc xe quân sự… ông Nguyễn An Hà đều đến trực tiếp bằng mọi cách mua hoặc xin với suy nghĩ đơn giản: “Tìm để lưu giữ, tích cóp dần dần, tạo nên “bảo tàng” của riêng mình”.

Thổi hồn cho cổ vật     

Xem từng bộ sưu tập được ông Nguyễn An Hà kỳ công sắp xếp theo từng chủ đề, điểm gây ấn tượng với nhiều người là từng câu chuyện riêng ẩn chứa trong mỗi chủ đề đó. Điển hình dàn xe được sử dụng từ trước năm 1975, như những chiếc xe kéo tay, xe lôi đạp, xích lô máy, xe lôi máy, xe lam 3 bánh… trong đó có chiếc xe Honda 67 được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chạy và chiếc xe của Giáo sư Võ Tòng Xuân. Bộ sưu tập hơn 200 áo dài xưa. Đặc biệt, bộ sưu tập báo chí qua các thời kỳ, tiêu biểu là An Hà Báo và bộ báo xuân 1949 - 1954…

Bộ sưu tập Cup.

Bộ sưu tập gần 200 áo dài xưa, trong đó có trang phục của các quan lại và áo dài của quý bà Cần Thơ xưa. Mỗi chiếc áo gắn liền với kỷ niệm về những gia đình xưa, về chủ nhân đã từng mặc… “Hầu hết đều do các gia đình tặng lại khi biết tôi có tâm huyết lưu giữ văn hóa xưa nên tôi rất trân quý. Tôi tìm để lưu giữ lại, từ những hiện vật đó sẽ giúp người lớn tuổi hoài niệm về quá khứ, còn người trẻ sẽ tìm hiểu được nét văn hóa xưa qua từng hiện vật”, ông Hà chia sẻ.

Ông Hà cho biết thêm, khi ông lập bảo tàng thì phải hiểu về hiện vật của mình. Mà duy nhất chỉ có thể thông qua tư liệu từ báo chí là kênh chính thống để mình kể lại những câu chuyện về hiện vật. Từ việc sưu tầm báo chí, tôi mở rộng ra nhiều điều kỳ thú mới mẻ. Đặc biệt, bộ sưu tập hàng trăm cuốn báo xuân được vẽ tay do các họa sĩ nổi tiếng thuở bấy giờ ở Việt Nam như Mai Xuân Thứ, Lê Chung,...

Bộ sưu tập áo dài.

Mỗi điểm trưng bày đều mang trong mình một “linh hồn” riêng với những giá trị của các cổ vật, tài liệu được lưu giữ và sưu tầm. Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ nhận định: Căn nhà đặc biệt của ông Nguyễn An Hà đã khắc họa rõ nét đặc trưng của vùng đất Nam bộ, nhất là Cần Thơ xưa. Ngoài các phương tiện giao thông dân dụng thập niên 50 - 60 thế kỷ trước, bộ sưu tập xe quân sự thời chiến “khó tìm” tại Việt Nam cũng là điểm thu hút thú vị. Chủ nhân bảo tàng còn sáng tạo, cải tạo chiếc xe quân sự thành những phòng nghỉ mang đậm phong cách nhà binh với nội thất đều là những hiện vật thời chiến tranh, càng làm nhiều người muốn khám phá, tìm hiểu lịch sử hơn.

Không chỉ sưu tầm, những hiện vật bị hư hại hoặc mất một số bộ phận như xe xưa, xe quân sự… ông Hà đều thuê thợ về “bắt bệnh”, tìm kiếm phụ tùng thay thế và sửa chữa. Bởi thế, hầu như các hiện vật đều được trở về với nguyên trạng, vẫn còn sử dụng tốt, được lưu giữ kỹ lưỡng.

Căn phòng được bài trí theo kiểu nhà Nam bộ xưa.

Anh Nguyễn Công Dương (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) cùng gia đình tham quan khu trưng bày đặc biệt này bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với những món đồ được trưng bày tại đây, nhất là những bộ sưu tập về báo chí xưa, tranh bìa vẽ tay rất ấn tượng. Tôi cho rằng đây là sự kỳ công của anh Hà suốt hàng chục năm qua, rất giá trị. Không chỉ tham quan để thư giãn, đây còn là chuyến mình học hỏi nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Cần Thơ cũng như Nam bộ xưa”.

Hiện, ông Nguyễn An Hà đang hoàn tất thủ tục để căn nhà đặc biệt của mình được công nhận là Bảo tàng tư nhân; đồng thời, ông còn đưa “Bảo tàng Cầm Thi” vào nhóm hoạt động du lịch liên kết, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Hà cho biết: “Với mô hình du lịch liên kết ẩm thực - nhà vườn thì tôi đã liên kết được 10 nhà vườn trong khu vực phường Thới An Đông này. Bảo tàng là điểm nhấn - câu chuyện kể về văn hóa, kế tiếp là câu chuyện về ẩm thực, về cuộc sống của vùng miền Nam bộ”.

Ròng rã nhiều năm để “săn”, lưu giữ những hiện vật xưa mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử vùng đất Cần Thơ nói riêng, Nam bộ nói chung, ông Nguyễn An Hà đã tạo dựng được không gian độc đáo, thu hút người muốn tìm hiểu về đời sống người dân Nam bộ xưa, cũng như những người muốn có khoảng lặng để nghỉ ngơi sau những bộn bề cuộc sống./.

“Những bộ sưu tập này giúp cho thế hệ đời sau biết được vùng đất Nam bộ cách đây trăm năm đi xe gì, đọc báo gì, mặc áo quần ra sao?... Do đó, bộ sưu tập của ông Hà vừa thú vị, vừa có giá trị giáo dục truyền thống rất cao”.

Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận