Nơi gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt tại Thái Lan

Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt là nơi gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế tại Thái Lan.

 

Không chỉ là điểm gắn kết kiều bào và cộng đồng người Việt tại Thái Lan, Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt còn góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế tại Thái Lan.

“Góc Việt Nam” tại Bangkok

Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt (VLK) do chị Đỗ Thúy Hà, giảng viên tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Bộ môn Ngôn ngữ Phương Đông, Khoa Ngữ văn của trường Đại học Chulalongkorn sáng lập. Theo lời kể của chị Hà, cuối những năm 1990 khi chị là thỉnh giảng viên dạy tiếng Việt tại Trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Việt Nam chỉ mới mở cửa và Việt Nam là một khái niệm gì đó rất mới đối với người Thái. Tiếng Việt cũng là ngôn ngữ rất khó tìm ở trên đất Thái Lan lúc bấy giờ. Khi đó Internet cũng chưa phát triển, tài liệu về Việt Nam bằng tiếng Anh để người Thái tiếp cận cũng rất ít.

Một buổi gói bánh chưng cộng đồng trước dịp Tết cổ truyền Việt Nam tại Thái Lan do trung tâm VLK tổ chức.Chị Thúy Hà chia sẻ, thường khi người Thái muốn tìm hiểu về ngôn ngữ nước ngoài, nhất là những ngôn ngữ hiếm hay ít thông dụng, nơi đầu tiên họ nghĩ đến là trường đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok. Vào thời điểm đó, rất nhiều người Thái tìm đến khoa chị giảng dạy để hỏi về việc học tiếng Việt, hỏi về những chính sách đầu tư, cũng như cách thức sang Việt Nam du lịch. Chính những nhu cầu rất lớn muốn tìm hiểu về Việt Nam khi đó đã khiến chị lên ý tưởng mở một trung tâm để người Thái có thể tới giao lưu, tìm hiểu về những thông tin, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. “Khi quyết định thành lập Trung tâm VLK, tôi chỉ muốn đó như là một Vietnam Corner (góc Việt Nam) nho nhỏ tại Bangkok để những người yêu văn hóa Việt Nam có thể đến  gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ tình yêu với Việt Nam”, chị Thúy Hà kể lại.

Với không ít sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, đây là những chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời do chính các em tự tay gói.

Tại trung tâm VLK, các thành viên tham gia hoạt động vì tấm lòng yêu Việt Nam, muốn quảng bá văn hóa Việt Nam chứ không đặt nặng mục đích kinh tế hay thu nhập. Nguồn kinh phí đến từ hoạt động của Trung tâm (nếu có), sau khi trừ các chi phí vận hành, sẽ được bỏ vào quỹ để dành cho công tác tổ chức những hoạt động về quảng bá văn hóa Việt Nam như lễ Vu lan, ngày Quốc khánh Việt Nam tại Thái Lan, ngày Tết cổ truyền dân tộc, hay thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại các trường học ở vùng sâu, vùng xa của Thái Lan.

Hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận từ năm 2006, Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt (VLK) là trung tâm đầu tiên ở Bangkok, Thái Lan, được thành lập với mong muốn giới thiệu những thông tin, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tới bạn bè người Thái yêu tiếng Việt, yêu đất nước Việt Nam. Trung tâm còn phối hợp tổ chức các khóa đào tạo ngôn ngữ và văn hóa ngắn hạn cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp Thái Lan như tập đoàn SCG, Tổng công ty Dầu khí Thái Lan PTT, hay tập đoàn Amata, trước khi họ sang Việt Nam công tác.

Chị Thúy Hà (áo đỏ) chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên Việt Nam tại Thái Lan trong một buổi gói bánh chưng cộng đồng do Trung tâm VLK tổ chức.Nơi phát huy nét đẹp văn hóa Việt

Chị Thúy Hà nhớ lại thời điểm khi chị mới sang sinh sống tại đất nước chùa Vàng, số lượng người Việt ở đây còn rất ít. Chính vì lẽ đó, chị Thúy Hà luôn mong muốn vào những dịp đặc biệt của Việt Nam sẽ được gặp gỡ bà con kiều bào, bà con người Việt sinh sống và làm việc tại Thái để chia sẻ, tham gia hoạt động nào đó để cùng nhớ về quê hương.

Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, khi biết tại Thái Lan có hơn 20 ngôi chùa Việt có lịch sử lâu đời trên 200 năm, (riêng ở Bangkok đã có tới 7 ngôi chùa Việt), chị Thúy Hà muốn làm điều gì đó để giới thiệu nét văn hóa của những ngôi chùa này tới đông đảo cộng đồng người Việt tại đây.

Lễ Vu Lan báo hiếu do Trung tâm VLK tổ chức tại chùa Quảng Phước (Wat Ananamnikayaram) ở thủ đô Bangkok hôm 28/8/2022.

“Nếu ở Thái có Lễ của Mẹ vào ngày 12/8 thì người Việt cũng có Lễ Vu Lan vào rằm tháng 7 (cũng vào tháng 8 dương lịch), gọi là lễ của mẹ, của cha. Dịp này, người dân thường tới chùa thực hiện nghi lễ báo hiếu ông bà, tổ tiên. Và lễ Vu Lan báo hiếu, cầu siêu tại các ngôi chùa Việt ở thủ đô Bangkok do Trung tâm VLK tổ chức khởi điểm vào năm 2009 được duy trì đều đặn tới tận bây giờ”, chị Thúy Hà chia sẻ.

Bạn Wangnakorn Pholloke quê ở tỉnh Nakhon Phanom, một người Thái gốc Việt đã từng có 4 năm học tập tại Việt Nam, cho biết, trong các nước ASEAN, văn hóa Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét giống nhau. Nếu như lễ Songkhran của Thái giống dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam thì dịp Ngày của Mẹ bên Thái cũng giống lễ Vu Lan của người Việt. “Ngày của Mẹ hay Lễ Vu Lan không chỉ là dịp tỏ lòng hiếu hạnh với đấng sinh thành, mà còn giúp bà con Việt kiều cùng cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Thái cảm nhận được tình yêu dành cho quê hương, gia đình”.

Một buổi đi lễ chùa đầu năm tại chùa Khánh Vân (Wat Upairadbamrung) ở Bangkok. Là người Việt đã sinh sống tại Thái Lan hơn 4 năm, và hiện đang theo học ngành Nhân chủng học tại Đại học Chulalongkorn, bạn Đỗ Thị Thúy Hằng chưa bao giờ bỏ lỡ các hoạt động văn hóa truyền thống do VLK tổ chức. “Từ ngày ở Thái, năm nào em cũng tham dự Lễ Vu Lan tại đây. Khi được hỗ trợ mọi người làm sự kiện, được ngồi nghe và quan sát mọi người thực hành nghi lễ và các hoạt động liên quan đến ngày lễ này, em càng thêm hiểu ý nghĩa của ngày lễ báo hiếu”.

Ngoài Lễ Vu Lan, Tết cổ truyền của Việt Nam cũng là ngày rất đặc biệt với những người Việt Nam sống xa quê hương. Đây cũng là dịp để “giữ nếp nhà” - những nét văn hóa đẹp của người Việt mà Trung tâm VLK hướng đến ngay từ những ngày đầu thành lập: đi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới, đảnh lễ các Hòa thượng, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của những ngôi chùa Việt tại Bangkok...

Chị Thúy Hà cho biết, vào dịp trước Tết Nguyên đán, Trung tâm thường tổ chức những buổi gói bánh bánh chưng cộng đồng để tất cả mọi người có thể tham gia, chỉ cần đăng ký trước để Ban tổ chức chuẩn bị đầy đủ lá dong, gạo, đậu… Những dịp này, các trường trung học hoặc đại học tại Thái Lan còn đưa các sinh viên Thái đến để học hỏi và tìm hiểu về nét đẹp truyền thống văn hóa người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về.

“Những buổi sinh hoạt cộng đồng đó tự nhiên lại thành ngày hội của người Việt tại Bangkok, không giới hạn là ai, tất cả những người yêu văn hóa Việt Nam đều có thể tham dự. Nhiều người Việt ở bên này còn đưa bạn bè là người nước ngoài đến dự”, chị Thúy Hà vui mừng cho biết thêm: Tại những dịp này, nhiều em sinh viên Việt Nam rất phấn khởi khi tự tay gói những chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời. Dù bánh có thể chưa đẹp như ý nhưng ai nấy đều phấn khởi, hân hoan.

Đỗ Thúy Hằng (hàng đầu, thứ 4 từ trái sang) tham gia chương trình ngày lễ Vu Lan tại chùa Khánh Vân, Bangkok, Thái Lan.Với Đỗ Thị Thúy Hằng, những hoạt động Tết cổ truyền của Trung Tâm VLK đã giúp bạn vơi đi nỗi nhớ nhà, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Hằng chia sẻ: “Năm nào em cũng tham gia các hoạt động lễ Tết ở Trung tâm; được thưởng thức những món ăn đặc trưng của Việt Nam vào dịp Tết, được chia sẻ những câu chuyện của gia đình, bản thân với những người Việt khác, em thấy bớt nhớ nhà và gắn kết với mọi người hơn”.

Những ngày này, khi cả thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, dù bận rộn, chị Thúy Hà và những thành viên Trung tâm VLK luôn mong mỏi có điều kiện mở lại những lớp dạy tiếng Việt cho các em có bố hoặc mẹ là người Thái, được sinh ra tại Thái Lan, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với tiếng Việt hay văn hóa Việt Nam.

Rất nhiều dự án còn đang ở phía trước, Trung tâm VLK vẫn sẽ miệt mài với sứ mệnh lan tỏa tình yêu với tiếng Việt, văn hóa Việt tại Thái Lan./.

Ngọc Diệp/VOV-Bangkok

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận