'Vị Tết' ở Chennai

Với cộng đồng người Việt tại thành phố Chennai, tiểu bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, Tết còn mang những nỗi niềm xa xứ.

 

Tết Cổ truyền luôn mang ý nghĩa đặc biệt với mọi người dân Việt. Đó là dịp nhà nhà đoàn viên, vui vầy, người người hội ngộ sau những tháng ngày xa cách để cùng thưởng thức hương vị Xuân. Với cộng đồng người Việt tại thành phố Chennai, tiểu bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ, Tết còn mang những nỗi niềm xa xứ.

Cộng đồng Việt duy nhất tại Ấn Độ

Chennai, thủ phủ của tiểu bang Tamil Nadu ở cực Nam Ấn Độ nằm cách thủ đô New Delhi gần 3 giờ đồng hồ máy bay. Trung tâm công nghiệp và thương mại lớn thứ 3 của Ấn Độ được biết tới nhiều với các kiến trúc đền đài và di sản văn hóa đặc trưng Ấn. Chennai cũng là một trung tâm nghệ thuật múa và nhạc cổ điển miền Nam Ấn. Còn trong thế giới hiện đại, Chennai nổi tiếng với tên gọi “Detroit của Nam Á” với các sản phẩm ô tô, phụ tùng và là địa điểm sản xuất điện thoại iPhone của Ấn Độ.

Với người Việt Nam, cái tên Chennai thật xa lạ. Xa lạ như chính khoảng cách và những sợi dây liên hệ giữa hai quốc gia. Bởi vậy, ít người biết rằng, nơi đây đang tồn tại một cộng đồng gốc Việt sinh sống qua nhiều thế hệ. Họ hằng ngày vẫn đang nói tiếng Việt và gìn giữ những giá trị làm nên hồn Việt.

Chennai một ngày cuối năm. Cơn mưa rào trái mùa của miền biển Nam Ấn giúp làm dịu bớt bầu không khí oi ả, huyên náo của đô thị. Tôi có cuộc hẹn với chị Shalima, một người gốc Việt đã gần nửa thế kỷ có mặt ở mảnh đất này. Ông nội chị là người Ấn, theo quân đội đồng minh Anh sang miền Nam Việt Nam để giải giáp phát xít Nhật vào năm 1945. Hoàn thành nhiệm vụ, ông cùng nhiều người lính Ấn khác ở lại và nên duyên với các cô gái Việt. Thế hệ đầu tiên của những người mang dòng máu Việt - Ấn ra đời ở miền Nam Việt Nam những năm sau đó.

Tết cộng đồng tại Chennai tháng 2/2022. (Nguồn ảnh: Đại sứ quán VN tại Ấn Độ)Trong căn nhà nhỏ ở một khu phố lao động của Chennai, chị Shalima kể lại những mẩu chuyện về tuổi thơ nghèo khó ở Sài Gòn những năm cuối 1960. Những bữa cơm đơn sơ, đạm bạc nhưng đầm ấm tình người. Chị kể cả chuyện Tết Mậu Thân 1968 khó khăn ra sao, rồi ngày Giải phóng năm 1975 vui buồn lẫn lộn. Thế rồi, theo dòng người rời khỏi đất nước sau ngày 30/4/1975, chị cùng gia đình lên máy bay sang Ấn Độ - quê hương thứ hai của mình, với mong muốn tìm được cơ hội sống tốt hơn ở đất nước thứ ba. Nhưng vận may không mỉm cười, chị cùng gia đình ở lại Chennai, lấy chồng và sinh con.

Chị Shalima chỉ là một trong rất nhiều bà con người Việt có cùng hoàn cảnh. Họ ra đi với hy vọng về một cuộc sống mới, nhưng số phận chưa đủ may mắn và thành công để tìm về miền đất hứa. Họ ở lại đây - thành phố Chennai, mảnh đất ở miền Nam Ấn Độ này, tạo nên một cộng đồng gốc Việt mà ít ai biết tới.

Câu chuyện của những người gốc Việt “bị kẹt” lại Chennai chắc sẽ bị trôi vào quên lãng nếu như không có các nỗ lực suốt nhiều năm của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Nguyên đại sứ Tôn Sinh Thành, người từng gắn bó nhiều năm với đất nước Ấn Độ nhớ lại cơ duyên biết tới cộng đồng này. Ông kể lại, quãng những năm 2003 - 2004, khi còn là Tham tán Công sứ của Đại sứ quán ở thủ đô New Delhi, qua các bạn bè, đối tác Ấn Độ, ông được biết một số người gốc Việt đang sinh sống, làm ăn tại Tamil Nadu, cụ thể là tại Chennai. Cộng đồng này không lớn, hầu hết là những người làm công ăn lương bình dân, phần lớn lại là phụ nữ nên chính quyền sở tại không nắm được. Cơ quan đại diện ngoại giao càng khó tiếp cận, tập hợp. Kế đó, việc tiếp xúc, nắm tình hình của bà con cộng đồng được đưa vào chương trình làm việc của Đại sứ quán. “Sau này, cứ mỗi dịp có chuyến công tác xuống Tamil Nadu và Chennai, tôi lại tranh thủ gặp gỡ bà con, thăm hỏi và tìm hiểu cuộc sống của người gốc Việt ở đây”, ông Tôn Sinh Thành kể.

Bà con ở đây ai cũng hiểu và yêu Tết Việt. Bởi đây là lý do tự nhiên nhất, là cơ hội tốt nhất để cả cộng đồng được quây tụ, hàn huyên và được nhớ lại cái “phần Việt” trong mình. Và ai cũng mong muốn được thêm nhiều nhiều những dịp như vậy, với sự quan tâm từ trong nước và sự cố gắng của cả cộng đồng ở đây.

Những sợi dây kết nối

Theo thống kê mới nhất của Ban Liên lạc người Việt tại Chennai, số công dân Việt Nam và số người gốc Việt đang sinh sống, làm việc khoảng gần 100 người. Đây là cộng đồng gốc Việt định cư lâu và lớn nhất tại quốc gia Nam Á này. Ngoài những người tới đây theo gia đình gốc gác Ấn, khoảng hơn chục năm qua, nhiều phụ nữ Việt cũng lấy chồng, lập gia đình với người Ấn, định cư tại Chennai. Đa phần họ là phụ nữ, phụ thuộc nhiều vào gia đình, ít tiếng nói và quan hệ xã hội. Công việc của họ cũng đều là lao động có thu nhập trung bình hoặc thấp. Chính vì vậy, đây đều là các đối tượng cần được hỗ trợ nhất. Chị Alima, Chủ tịch Ban liên lạc người Việt tại Chennai cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên chủ chốt trong nhóm vẫn cố gắng động viên, chia sẻ giúp đỡ những chị em gặp hoàn cảnh hay những khi có rắc rối về thủ tục, pháp lý. “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn làm là duy trì những sợi dây kết nối cộng đồng, giúp bà con trong cuộc sống và luôn hướng về nguồn cội”, chị Alima cho biết. Dù không có điều kiện gặp gỡ thường xuyên do cuộc sống mưu sinh, nhưng những thành viên của Ban Liên lạc vẫn cố gắng san sẻ, giúp đỡ mỗi khi các gia đình có việc hiếu hỉ, ốm đau.

Nhưng một nỗi trăn trở của bà con gốc Việt tại Chennai nhiều năm qua vẫn còn. Đó là làm sao để duy trì cái căn căn cốt văn hóa Việt, truyền lại cho các thế hệ sau. Trong đó, việc đầu tiên là truyền dạy tiếng Việt, chữ Việt cho các thế hệ Ấn - Việt thứ hai, thứ ba. Từng có một lớp học tiếng Việt mở ra tại Chennai vài năm trước, với một giáo viên tình nguyện. Thế nhưng vì nhiều khó khăn khách quan, không nhiều gia đình có thể cho con em mình theo lớp. Việc giữ gìn tiếng Việt, chữ Việt trong cộng đồng lại để ngỏ. Thiếu lớp học, bà con ở đây lại mất đi một tụ điểm để cùng hội ngộ, chia sẻ về cuộc sống thường ngày. Và suốt nhiều năm, cộng đồng người Việt ở Chennai vẫn đang mong chờ những sợi dây kết nối bền vững hơn để lưu truyền giá trị Việt nơi đất khách quê người.

Giá trị của Tết Việt

Sau nhiều lần cân nhắc và chuẩn bị, năm 2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ chính thức mang Tết Cộng đồng - Xuân Quê hương về tổ chức tại Chennai. Đây không chỉ là sự động viên, thăm hỏi mà đại sứ quán dành cho bà con, mà còn là dịp để chính cộng đồng Việt được hội ngộ, cố kết. Chị Alima nhớ lại: “Mọi người phấn khởi lắm. Đây là lần đầu tiên có một sự kiện được đại sứ quán đứng ra tổ chức quy mô như vậy. Ai cũng muốn đến dự để được gặp lại anh em, bà con, được trò chuyện, được hát những bài hát Việt”.

Có lẽ đó là lần đầu tiên sau hơn 40 năm đặt chân tới nơi này, chị Shalima mới có cảm giác xúc động như vậy. “Thường ngày mọi người đều bận rộn, ai biết việc người nấy. Mỗi người lại ở một nơi, cả năm rất ít khi gặp mặt. Mỗi năm phải nhờ tới một buổi Tết, mình mới được gặp hết bà con ở đây. Mừng lắm. Vui vì được nhớ lại cái Tết ngày xưa. Được nhớ về nguồn cội của mình. Chỉ nhắc tới ngày Tết là ai cũng tới liền”, chị Shalima xúc động bày tỏ.

Bà con ở đây ai cũng hiểu và yêu Tết Việt. Bởi đây là lý do tự nhiên nhất, là cơ hội tốt nhất để cả cộng đồng được quây tụ, hàn huyên và được nhớ lại cái “phần Việt” trong mình. Và ai cũng mong muốn được thêm nhiều nhiều những dịp như vậy, với sự quan tâm từ trong nước và sự cố gắng của cả cộng đồng ở đây.

Tết này, bà con lại trông đợi ngày lễ Cộng đồng và mong nó sẽ trở thành một thông lệ.

Với chị Shalima, Tết này lại càng vui hơn. Shehnaz, con gái út của chị tốt nghiệp đại học ngành Văn học Anh đã về Hà Nội làm giảng viên tiếng Anh được 5 tháng. Hằng ngày chị lại lên mạng, nghe đài, đọc báo để có thêm thông tin trong nước, về tình hình của con gái. Vậy là thêm một sợi dây kết nối với quê hương./.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận