Để thế hệ trẻ thấy nghệ thuật truyền thống không xa lạ

Gần 20 năm diễn cải lương chuyên nghiệp, với nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh, sân khấu tại các trường học bao giờ cũng là sân khấu đặc biệt nhất.

 

Gần 20 năm diễn cải lương chuyên nghiệp, với nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, TP.HCM), sân khấu tại các trường học bao giờ cũng là sân khấu đặc biệt nhất, bởi ở đó, anh và đồng nghiệp không chỉ hát diễn mà còn lan tỏa tình yêu nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến thế hệ tương lai.

Thương lắm tiếng vỗ tay

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh bén duyên cùng các chương trình đưa cải lương tuồng cổ đến với học sinh bậc THCS, THPT tại TP.HCM tới nay đã 6 năm tròn. Anh nói, diễn ngoài trời với sân khấu dã chiến, âm thanh chưa thể như mong muốn, thời tiết nóng bức, nhiều lúc thấm mệt vì khoác trên mình bộ giáp quá dày, mũ mão, phụ kiện, đạo cụ nặng trịch, vậy mà chỉ cần nghe bên dưới sân trường rộn ràng tiếng reo hò, vỗ tay, gương mặt nào cũng rạng rỡ lại thấy con tim rộn ràng niềm hứng khởi. “Tôi đi diễn ở nhiều trường nhưng lần nào cũng thấy hồi hộp, hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi hát ở sân khấu đông khán giả đến vậy”, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh chia sẻ.

Chuẩn bị thật kỹ trước khi lên sân khấu.

Mới đây, anh cùng các nghệ sĩ Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long bắt đầu chuyến “Du xuân học đường” tại 5 trường học trên địa bàn thành phố. Tại sân khấu đầu tiên ở Trường THPT Gia Định, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh cùng nghệ sĩ Cao Mỹ Châu khiến gần 1.000 học sinh có mặt rưng rưng nước mắt vì xúc động. Hóa thân vào vai vị tướng quân chia tay vợ ra sa trường bảo vệ đất nước trong trích đoạn vở cải lương tuồng cổ “Khói lửa biên thùy”, từ tạo hình đến giọng ca, vũ đạo của nam nghệ sĩ đều khiến khán giả ấn tượng. Đứng giữa sân khấu ngoài trời với bộ giáp đỏ xám lấp lánh cùng chiếc mão trang trí công phu, mỗi bước di chuyển, mỗi cái nhướng mày, từng câu ca của nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh đậm chất oai phong. 

Thường vào vai kép tướng, chọn trích đoạn cải lương tuồng cổ gắn liền với các nhân vật lịch sử, nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh muốn khán giả trẻ tuổi của mình vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa bổ sung thêm kiến thức về các sự kiện quan trọng của nước nhà. Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh cho biết, các nghệ sĩ luôn ưu tiên chọn những sự kiện, nhân vật quen thuộc trong sử Việt rồi dựng làm sao cho đẹp từ tạo hình đến nét diễn, vũ đạo, thông điệp. Mục tiêu đặt ra là phải giúp các em học sinh, sinh viên thấy cải lương không xa lạ, thấy lịch sử chứa đựng bao điều thú vị nếu chúng ta chọn góc khai thác phù hợp. Anh chia sẻ: “Chúng tôi tìm cách tái dựng lại lịch sử bằng nhiều vở diễn để các bạn trẻ thấy được cái hay từ những truyền tích, những câu chuyện ông cha để lại, qua đó, hiểu thêm phần nào về truyền thống hào hùng của dân tộc, của những người đã làm nên lịch sử. Chúng tôi tiếp cận với các bạn trẻ từng bước, ban đầu là hình ảnh thật đẹp, nội dung đơn giản, dễ cảm nhận rồi từ từ khai thác sâu hơn. Ở từng trường sẽ có kịch bản với các trích đoạn khác nhau. Nghe các bạn nhỏ reo lên “Coi cái này hấp dẫn quá, hay quá, trang phục đẹp quá!” là anh em nghệ sĩ ấm lòng rồi. Mỗi ngày thêm một chút, tôi tin sẽ có nhiều bạn trẻ yêu thích các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống”.

Nghệ sĩ Hoàng Quốc Thanh và nghệ sĩ Cao Mỹ Châu đang biểu diễn và giao lưu với học sinh Trường THPT Gia Định, TP.HCM.

Tạo thêm môi trường tiếp cận

“Có bạn nào tò mò muốn biết bộ giáp các nghệ sĩ đang mặc nặng như thế nào không? Nếu muốn hãy xung phong lên đây để trải nghiệm và tập thử vài động tác biểu diễn ngay tại trường nào!”. Nghe người dẫn chương trình hỏi, Hồ Tấn Phong, học sinh lớp 10 chuyên Lý của trường đứng dậy giơ tay ngay lập tức dù đây là lần đầu em tiếp cận với nghệ thuật cải lương. Trong phòng phục trang, khi được ướm thử bộ giáp của kép tướng rất đẹp, Phong quay sang nói như reo: “Dễ gì có cơ hội để em thử một lần làm nghệ sĩ cải lương. Mới mặc bộ đơn giản nhất đã toát hết mồ hôi vì rất nặng và cồng kềnh. Vậy là đủ thấy sự cực khổ, kỳ công của các cô chú nghệ sĩ theo bộ môn này. Trên sân khấu, họ mặc bộ giáp rất nặng, đội mũ và nhiều phụ kiện nhưng vẫn di chuyển rất mềm mại, hát rất hay, em ngưỡng mộ vô cùng”.

Đến phần tập vài động tác vũ đạo cơ bản, Phong trở nên lóng ngóng với những bước di chuyển, múa tay nhưng mắt vẫn dõi theo nghệ sĩ hướng dẫn vì thích thú xen lẫn tò mò. Lúc lên sân khấu biểu diễn, cậu trò hơi bối rối, quên vài động tác nhưng em vẫn rất vui khi vừa may mắn có được một trải nghiệm thú vị ngay trong giờ học. Thấy bạn biểu diễn trên sân khấu, bên dưới, các học sinh đồng loạt cổ vũ, reo hò, vỗ tay. Trong phần giao lưu sau mỗi trích đoạn, tiết mục biểu diễn được các nghệ sĩ giới thiệu về một số động tác cơ bản hoặc lồng ghép những thông điệp ý nghĩa giúp các em học sinh hiểu hơn về loại hình nghệ thuật này.

Bạn trẻ Hồ Tấn Phong (bên trái) thích thú khi được trải nghiệm tìm hiểu về nghệ thuật cải lương tuồng cổ ngay tại sân trường.

Đây là năm học đầu tiên học sinh khối lớp 10 Trường THPT Gia Định bắt đầu chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, trong đó có môn “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” yêu cầu nhà trường đưa học sinh ra khỏi lớp học để tìm hiểu bao điều mới mẻ. Với nội dung tìm hiểu nghệ thuật dân tộc và tìm hiểu văn hóa địa phương, từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã chủ động thiết kế nhiều chương trình học ngoài trời bổ ích. Trước khi mời Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long về biểu diễn, ban giám hiệu nhà trường đã từng tổ chức chương trình giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc và cho tất cả học sinh trải nghiệm. Các em tỏ ra vô cùng thích thú với những loại nhạc cụ mà trước giờ chủ yếu thấy trên ti vi, báo đài hay mạng internet.

Sắp tới nhà trường sẽ tổ chức chuỗi hoạt động tham quan bảo tàng để học sinh tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc theo cách trực quan, sinh động. Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định cho biết, học sinh rất hào hứng với những tiết học “ngoài lớp” như thế này. Ba tiết học tại lớp được thiết kế thành các chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp dựa trên cơ sở lắng nghe nguyện vọng của học sinh. “Một trong những nhiệm vụ của giáo dục là giúp cho học sinh có ý thức bảo tồn những nét đẹp của văn hóa, nghệ thuật dân tộc và phát huy nó. Do vậy, nhà trường rất chú trọng nội dung này. Thật vui khi các em học sinh tỏ ra thích thú với các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh việc duy trì các câu lạc bộ, nhà trường còn thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu về mức độ quan tâm của học sinh với nghệ thuật dân tộc để có cách tiếp cận hiệu quả”, ông Khoa cho biết thêm.

Mong nhiều bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân tộc

Sau nhiều lần cùng cây sáo trúc đến biểu diễn tại các trường học trên địa bàn TP.HCM, nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen) vui mừng khi nhận ra khá nhiều bạn trẻ hứng thú với thể loại âm nhạc dân tộc. Nhật Minh đang lên kế hoạch cho các hoạt động ấn tượng hơn để đưa các bạn học sinh, sinh viên đến thật gần với nghệ thuật âm nhạc dân tộc nói chung và nhạc cụ âm nhạc dân tộc nói riêng. Hơn 15 năm đồng hành với cây sáo trúc, kho giải thưởng Nhật Minh có được khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thế nhưng, điều mọi người cảm thấy hứng thú hơn cả ở nghệ sĩ sinh năm 1996 này là cách anh bay bổng cùng âm nhạc dân tộc trên nền âm nhạc hiện đại. Bên cạnh việc biểu diễn chuyên nghiệp định kỳ và nghiên cứu nâng cao chuyên môn, Nhật Minh còn sáng tạo khá nhiều sản phẩm âm nhạc độc đáo khi kết hợp sáo trúc trên nền nhạc điện tử với phong cách đầy trẻ trung, sống động.

Nghệ sĩ sáo trúc Đinh Nhật Minh vẫn còn nhiều ấp ủ trong hành trình đưa âm nhạc dân tộc đến gần với giới trẻ ngày nay.

Tham gia nhiều chuyến lưu diễn nước ngoài và biểu diễn phục vụ du khách quốc tế tại TP.HCM, điều khiến Nhật Minh tâm đắc nhất là khán giả luôn dành cho âm nhạc dân tộc những tình cảm chân thành. Từ năm 2004, anh đã cùng gia đình thành lập một chương trình biểu diễn phục vụ riêng cho khách du lịch quốc tế theo nhóm để giới thiệu về nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Được khoác trên mình chiếc áo dài, cầm cây sáo trúc và thổi lên những giai điệu quen thuộc giữa phố đi bộ Nguyễn Huệ hay Bưu điện Thành phố, Nhật Minh thấy mình thật may mắn khi được hoạt động trong lĩnh vực này.

Hiện nay, Nhật Minh và gia đình cũng duy trì những lớp học chơi nhạc cụ truyền thống miễn phí tại TP.HCM với mong muốn chung tay giữ gìn, lan tỏa tình yêu nhạc cụ dân tộc. Lần nào có dịp diễn cho các bạn học sinh, sinh viên, nam nghệ sĩ luôn dành thời gian trò chuyện, chia sẻ những điều thú vị của nhạc cụ dân tộc như một cách truyền cảm hứng. Không chỉ thường xuyên góp mặt trong các chương trình biểu diễn phục vụ khán giả trẻ, Nhật Minh còn tích cực quảng bá hình ảnh sáo trúc cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc trên các kênh tương tác trên mạng xã hội. Năm 2023, sau chuyến lưu diễn tại nhiều quốc gia, Nhật Minh quay về với công việc chính là biểu diễn nghệ thuật trong nước và lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến các bạn trẻ bằng những sản phẩm sáng tạo. Nam nghệ sĩ đang ấp ủ kế hoạch thực hiện một album sáo trúc mang phong cách mới lạ cho riêng mình. “Chỉ cần có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục đưa sáo trúc cùng nhiều nhạc cụ dân tộc khác đến các trường học biểu diễn. Là người trẻ, tôi muốn tạo ra nhiều sản phẩm mang tính giao thoa để đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả thời nay ở một phiên bản mới mẻ nhưng vẫn giữ được âm hưởng của Việt Nam”, nghệ sĩ Nhật Minh vui vẻ cho hay./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận