Trải nghiệm Tết Songkran trên đất Thái

Đừng cố giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng thật nhiều hạnh phúc trong năm mới, bị té nước trong dịp Tết Songkran không chỉ giúp gột rửa điều xui xẻo...

 

Đừng cố giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng thật nhiều hạnh phúc trong năm mới, bị té nước trong dịp Tết Songkran không chỉ giúp gột rửa điều xui xẻo của năm cũ mà còn là lời nguyện ước cầu chúc một năm mới nhiều may mắn.

“Sawadee pee mai”

“Sawadee pee mai” là câu nói đầu tiên mà tôi nghe được khi ra khỏi cửa máy bay tại sân bay Suvanabumi, thủ đô Bangkok trong hành trình khám phá, trải nghiệm Tết Songkran (Tết té nước) trên xứ sở chùa vàng. “Sawadee pee mai” có nghĩa là xin chào năm mới, cũng có nghĩa là chúc mừng năm mới. Đây là chuyến du lịch tự túc mà tôi đã chuẩn bị kỹ càng từ rất sớm với mục tiêu chính là trải nghiệm nét độc đáo của Tết té nước trên đất Thái Lan. Chúng tôi lựa chọn Bangkok làm nơi trải nghiệm tết Songkran bởi không có nhiều thời gian, nếu lựa chọn Pattaya, Chiềng Mai hay Khon Khaen thì sẽ mất thêm nhiều thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng…

Người dân và du khách trong “tận chiến” nước tại trung tâm Siam. Ảnh: TC

Tết Songkran, Tết té nước hay Lễ hội té nước là lễ hội lớn nhất trong năm ở Thái Lan. Đây chính là tết cổ truyền của người Thái, là thời điểm kết thúc một năm cũ, bắt đầu một năm mới theo Phật lịch.

Ở các quốc gia Đông Nam Á mà Phật giáo là quốc giáo như Lào, Thái Lan, Myanmar hay Campuchia đều có chung phong tục đón Tết mừng năm mới theo Phật lịch. Tùy theo phong tục mỗi nước mà tên gọi và nghi thức lễ hội sẽ khác nhau. Người Myanmar gọi là Tết Thingyan, người Lào gọi là Tết Bunpimay, Người KhmerCampuchiagọi là Tết Chol Chnam Thmey và người Thái Lan gọi là Tết Songkran.

Songkran là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là sự dịch chuyển, hàm ý nói đến khoảng thời gian mà mặt trời di chuyển từ cung hoàng đạo Song Ngư đến Bạch Dương, chu kỳ khởi đầu năm mới theo Phật lịch. Theo đó, Tết Songkran được tổ chức từ ngày 13 - 15/4 hằng năm. Mỗi ngày lại là một nghi thức đặc biệt: Ngày đầu tiên là ngày Wan Sungkharn Long. Vào ngày này người dân dành nhiều thời gian dọn dẹp nhà cửa để gói ghém những cái cũ và chờ đón những điều tốt đẹp đến trong năm mới. Ngày thứ hai là ngày Wan Nao. Mọi người dành riêng ra một ngày để chuẩn bị đồ ăn và các thứ cần thiết cho tiệc mừng năm mới và những ngày lễ sắp tới, tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam. Ngày cuối cùng, cũng là ngày quan trọng nhất Wan Payawan. Đây là “ngày mùng một tết” của năm mới và cũng là ngày Phật đản. Vào ngày này, người dân sẽ tham gia Lễ tắm Phật được tổ chức tại tất cả các ngôi chùa. Mọi người dân và du khách đến lễ chùa đều có thể tham gia nghi lễ tắm Phật, buộc chỉ tay. Sau lễ tắm Phật, phần vui nhất của Tết Songkrn bắt đầu chính là lễ hội té nước truyền thống.

Người Thái Lan tin rằng, té nước vào người khác trong những ngày Tết Songkran giúp họ thoát khỏi những thứ xui rủi của năm cũ, đồng thời sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Việc té nước vào người khác cũng giống như lời chúc mừng, cầu mong những điều may mắn dành cho mọi người. Cũng bởi vậy mà không ai ngại ngần khi bị té nước vào người trong những ngày lễ hội bởi điều này mang ý nghĩa tốt đẹp.

Người đi đường luôn sẵn sàng chiến đấu với các loại vũ khí nước. Ảnh: TC

Lễ hội của âm nhạc và... ướt

Sau 3 năm không tổ chức Tết Songkran vì ảnh hưởng của dịch Covid-19,Tết Songkran 2023 tại Bangkok được chính phủ tổ chức trở lại với sự “bùng nổ” nhiều hoạt động lễ hội chào mừng năm mới. Tại các khu vực nhộn nhịp như Banglamphu, quảng trường Hoàng gia Rattanakosin, đường Khao San, Wisut Kasat, khu trung tâm Siam hoặc Phra Athit đều là những địa điểm đông vui nhất.

Sáng ngày 14/4, nhóm chúng tôi bắt đầu khám phá, trải nghiệm tết cổ truyền Songkran với 1 tour ngắn dọc sông Chao Phraya, thủ đô Bangkok, thăm cung điện The Grand Palaca và rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, như: chùa Wat Arun (Chùa bình minh), Wat Phra Kaew (Chùa Phật ngọc), Wat Phra Chetuphon (Chùa Đức Phật ngồi tựa lưng)… lễ chùa và trải nghiệm các nghi thức tắm tượng, buộc chỉ tay theo phong tục cổ truyền của người Thái.

Chiều tối, trên đường trở về khách sạn, chúng tôi ghé vào khu chợ người Hoa mua súng phun nước và chuẩn bị trang phục bảo vệ đơn giản cho phần quan trọng nhất - lễ hội té nước.

Mey, cô nhân viên lễ tân khách sạn nơi tôi ở tại khu Siam chia sẻ, khác với mọi năm, năm 2023, Tết té nước Songkran sẽ có rất nhiều sân khấu âm nhạc và các hoạt động văn hóa tại các khu trung tâm. Năm nay, chính phủ không cho phép té nước ở mọi nơi như trước kia mà tổ chức thành các điểm lễ hội với hàng loạt sự kiện văn hóa, giải trí quy mô lớn, bao gồm từ các màn trình diễn văn hóa và nghi thức tôn giáo đến những sự kiện âm nhạc và lễ hội quốc tế. Theo đó, sự kiện nổi bật nhất dịp Tết Songkran 2023 ở Bangkok là “International Amazing Splash 2023 @ Bangkok” với điểm nhấn là các hoạt động “International Caravan” và “Amazing Splash of the World”.

Đường phố Pattaya trở thành “chiến trường” nước náo nhiệt và hoang dã. Ảnh: TC

Tại sảnh khách sạn, chúng tôi gặp một nhóm du khách châu Âu cũng đang chuẩn bị bước vào “trận chiến” nước trên đường phố với không khí háo hức như những đứa trẻ, hồn nhiên, ầm ĩ, hào hứng, tươi vui.

Khi biết đây là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm Tết té nước, Luke & Naomi, du khách người Ireland trong nhóm hồ hởi chia sẻ: "Hôm nay là ngày thứ 2 chúng tôi ở Bangkok và tham gia “cuộc chiến” nước “hoang dã” nhất thế giới. Songkran có nghĩa là “đi qua” hoặc “tiến về phía trước” và “cuộc chiến” nước này ở Bangkok đã chứng minh Thái Lan có thể trở nên “hoang dã” như thế nào. Sau hôm nay nhóm chúng tôi sẽ đi Pattaya vì ở đây Songkran kéo dài 7 ngày. Tôi muốn xem “bữa tiệc” Songkran năm 2023 diễn ra ở Pattaya như thế nào và thật háo hức tham gia “cuộc chiến” nước trên bờ biển. Tôi nghĩ nó sẽ thật hoang dã, thật điên rồ! Cuộc sống về đêm sôi động nhất của Pattaya sẽ diễn ra các “trận chiến đấu” nước Songkran khét tiếng!".

Những du khách từ nhiều nơi trên thế giới cùng nhập thành một nhóm và rời khách sạn, đi bộ tới điểm tập kết được chính phủ quy định từ trước, thuộc khu Siam - một trong những nơi tập trung nhiều du khách nhất tại thủ đô Bangkok, chính thức tham gia vào lễ hội truyền thống vui nhộn nhất Thái Lan.

Còn cách khu vực té nước vài con phố, chúng tôi đã nghe được những âm thanh nhộn nhịp hòa lẫn tiếng người ào lên từng đợt. Rất nhiều sân khấu âm nhạc được tổ chức dọc hai bên đường phố, trên vỉa hè và ở trước các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… Đây là lần thứ 2 có mặt tại tết Songkran nhưng Mike và Ashley, cặp đôi đến từ Mỹ không giấu nổi sự phấn khích giơ cao khẩu súng phun nước trong tay, tự cổ vũ. “Với súng nước trong tay, chúng ta sẽ “tự vệ” và “chiến đấu” hết mình. Sẽ khiến “trận chiến” nước Songkran trở nên hoang dã, và chúng ta sẽ không thất vọng”, Mike hò hét.

Người lớn, trẻ em, du khách đều nhiệt tình....té. Ảnh: TC

Khi tới quảng trường nơi diễn ra “cuộc chiến” nước, trước mắt chúng tôi là bầu không khí đầy phấn khích của hàng vạn người nối nhau di chuyển. Người dân, du khách cùng nhau cùng nhảy múa, và “chiến đấu” bất chấp khoảng cách. Một bầu không khí vui nhộn, bùng cháy với nước và âm nhạc, mọi người cùng hết mình chỉ với một mục tiêu khi kết thúc “trận chiến” tất cả đều tắm trong làn nước may mắn.

Adam, du khách đến từ Australia hào hứng: "Tôi thích đi du lịch, gặp gỡ những người mới, khám phá những địa điểm mới, trải nghiệm văn hóa và tất nhiên là ăn những món ngon! Và sự kiện năm mới Songkran của Thái Lan thực sự tuyệt vời, nó khiến cảm xúc của tôi như thổi bay chính tôi, và tôi nghĩ nó sẽ thay đổi con người bạn. Hôm nay là ngày thứ hai trong trải nghiệm Songkran của tôi tại quảng trường CentralwOrld và Siam, và thành thật mà nói, Songkran ở Bangkok đã thay đổi cuộc sống của tôi".

Là “đặc sản” không thể thiếu của lễ hội nên ngoài các khu vực được quy định tổ chức lễ hội té nước, nhiều người dân còn ngồi trên xe ô tô diễu qua các con phố, bắn súng nước vào người đi đường. Nhiều người thích dùng loại “vũ khí” thô sơ là xô, chậu... thậm chí là mang bể nước lên xe ô tô rồi dùng máy bơm phun vào người đi đường trên con phố đông đúc…

Trải nghiệm Tết té nước Songkran sẽ là kỷ niệm khó quên trong ký ức của chúng tôi khi được thoải mái hòa mình vào dòng người thân thiện, cùng vui vẻ té nước hết mình vào những người không quen biết như những đứa trẻ, cùng mọi người hô vang câu chúc mừng năm mới “Sawadee pee mai”./.

Người Thái Lan tin rằng, té nước vào người khác trong những ngày Tết Songkran giúp họ thoát khỏi những thứ xui rủi của năm cũ, đồng thời sẵn sàng đón nhận những điều tốt đẹp trong năm mới. Việc té nước vào người khác cũng giống như lời chúc mừng, cầu mong những điều may mắn dành cho mọi người.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận