Người chở đò hạnh phúc

Với tấm lòng yêu mến con trẻ và sự nhiệt huyết của cô giáo Phạm Thị Huyền mà lớp học xoá mù chữ, gieo tình thương đã tồn tại hơn 25 năm qua giữa lòng Hà Nội.

 

Cho đời những đóa hoa thơm

Đều đặn vào lúc 7 giờ sáng từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, tại nhà Hội họp G5 phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội lớp học ghép của cô Phạm Thị Huyền, sinh năm 1954, giáo viên đã nghỉ hưu thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, với khoảng 15 học sinh ở nhiều lứa tuổi và nhiều trình độ khác nhau lại vang lên những thanh âm trong trẻo, tiếng học sinh tập đọc, tập tính, tiếng cô giáo giảng bài.

Lớp học của cô giáo Huyền không giống bất cứ lớp học nào ở Hà Nội. Mỗi học sinh một hoàn cảnh, một lứa tuổi khác nhau nên khả năng tiếp thu cũng khác nhau. Học sinh ở đây, có em bố mẹ ly hôn, có em thì bố hoặc mẹ vướng vào vòng lao lý, hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn không có tiền đi học, em thì bị bệnh tự kỷ… Thế nên trong lớp, các em được cô giáo Phạm Thị Huyền sắp xếp ngồi từng vị trí khác nhau sao cho phù hợp với khả năng và sức khoẻ của từng em.

Lớp học xóa mù chữ, gieo tình thương của cô giáo Phạm Thị Huyền đã tồn tại được hơn 25 năm.

Không ai nghĩ Trần Thị Hoài, cô bé có dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng cùng khuôn mặt xinh xắn, đã là cô gái 20 tuổi. Sau lần đuối nước được cứu sống, do thiếu ô xy lên não nên em từ một cô bé bình thường đã trở nên chậm phát triển, sợ tiếp xúc với mọi người xung quanh. 4 năm theo học tại lớp học của cô giáo Huyền, cuộc sống của em đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Hoài tâm sự: “Đến lớp con hướng dẫn các em quét nhà, lau nhà, con dạy các em đọc, viết, cô đến muộn thì con dạy các con. Cô mà đi đâu thì con phụ lớp. Cô hiền và tốt bụng giống như người mẹ thứ hai của em. Con yêu cô vì cô tốt, cho con sách vở, cho con học tập. Con ước mơ sau này sẽ làm được những việc giống như cô Huyền để giúp các em lang thang ngoài đường, giúp cô Huyền, giúp các em ở đây tiến bộ”.

Trong lớp học của cô Huyền cũng có cả những học sinh khuyết tật trí não nhưng với các em, mỗi ngày đến lớp là một niềm vui, hạnh phúc, như bé Mai Khánh Linh, bé Ngô Hồng Minh đều thổ lộ: “Chúng con học ở lớp của cô giáo Huyền rất vui, được dạy đọc, dạy viết và muốn ngày nào cũng được đi học”.

 Dù ở tuổi nào thì khát khao đến trường vẫn luôn là niềm mơ ước của trẻ nhỏ. Chu Xuân Phương, cô bé 17 tuổi cao ráo, xinh xắn vui mừng khi cô Huyền thông báo con chuẩn bị được chuyển lớp và tương lai sẽ rộng mở phía trước: “Con rất phấn khởi vì con sắp được chuyển cấp. Con biết ơn cô Huyền nhiều lắm. Con sẽ đến thăm cô và cả lớp. Con muốn sau này mình có công việc ổn định, có thu nhập lo cho cuộc sống của mình và hỗ trợ lớp học”.

Học sinh say sưa làm bài tập trong lớp học của cô giáo Huyền.

Học sinh của cô Huyền không chỉ được học miễn phí mà các em còn được cô hỗ trợ giấy bút, sách vở. Không những được cô Huyền dạy kiến thức, các em còn được dạy dỗ cách làm người, rèn luyện tính kiên trì và nghị lực để vươn lên mọi hoàn cảnh... Những câu chuyện, những đề văn về đạo hiếu, nghĩa cử cao đẹp thường là những nội dung được cô ưu tiên trong quá trình giảng dạy. Bởi vậy, phụ huynh của các em học sinh rất cảm động và biết ơn cô.

Anh Nguyễn Việt Hùng, ở huyện Khánh An, tỉnh Ninh Bình, bố của 2 cháu, một cháu 8 tuổi và một cháu 10 tuổi, mới xin vào học lớp của cô Phạm Thị Huyền được một thời gian ngắn. Do cuộc sống khó khăn, anh Hùng đưa con lên Hà Nội kiếm sống, công việc bấp bênh với nghề bốc vác, không xin được cho con đi học nên các cháu không biết chữ cho đến khi vào lớp học của cô Huyền. Anh Hùng tâm sự: “Vợ chồng tôi ly hôn, tôi đi làm công nhân vất vả không có tiền cho con đi học, không có giấy tờ xin vào trường công nên tôi cho con sang đây học. Con năm nay được học lớp 2, muộn gần 3 năm. Con học ở đây cũng tốt, có bạn bè, không phải ở nhà lủi thủi một mình lại biết cái chữ. Ngày lễ, Tết, cô giáo cũng cho quà. Học ở đây con được nhiều lợi ích, không phải đóng góp gì, sách vở, bút là cô giáo lo hết. Tôi cũng muốn con học giỏi để sau này lo được cho tương lai, đỡ vất vả”.

Phạm Thị Hoài, 20 tuổi đang học kiến thức lớp 5, làm lớp trưởng, giúp cô giáo quản lý lớp và chăm sóc cho các bạn nhỏ hơn.

Người thầy truyền cảm hứng

Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, học sinh bình thường học cùng các bạn tự kỷ, thiểu năng trí tuệ nhưng gia đình các em luôn yên tâm bởi nơi đây các bạn được sống hòa nhập, không có sự phân biệt và luôn đoàn kết, thương yêu nhau. “Tiếng lành đồn xa”, có những gia đình ở ngoại thành cũng tìm đến lớp cô Huyền xin học cho con. Chị Nguyễn Thị Lan, ở Chương Mỹ, Hà Nội xúc động chia sẻ: “Em tôi bị chậm so với các bạn đồng trang lứa. Trước đây đi học, em tôi không hòa nhập được với các bạn do học kém. Học đến lớp 6 rồi nhưng suốt thời gian đấy chỉ ngồi một mình, đi học thi thoảng còn bị các bạn bắt nạt, rồi đỉnh điểm là bố mẹ bắt đi học cũng không đi. Từ lúc học lớp cô Huyền thì em tôi thích đi học, được cô chỉ dạy, mục tiêu là cho em biết con chữ và nhờ cô chỉ dạy cho em tôi về kỹ năng sống”.

Tâm huyết cũng như tình yêu của cô Phạm Thị Huyền với những đứa trẻ kém may mắn đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ là giáo viên trong tương lai. Lê Thị Huệ, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đứng trước những khó khăn của hiện tại nhưng cô Huyền vẫn giữ được niềm đam mê nghề, luôn luôn đặt hết tâm huyết của mình vào nghề giáo. Em thấy cảm động và học tập được ở cô rất nhiều, đặc biệt là tấm lòng cho đi không cần nhận lại để giúp đỡ những trẻ em khó khăn. Cô giáo Huyền đã truyền cảm hứng cho em nói riêng cũng như các bạn trẻ khi theo nghề sư phạm”.

Trong lớp học ghép của cô Phạm Thị Huyền có nhiều trình độ khác nhau.

 

“Tôi cũng tuổi cao rồi nên cũng muốn tìm thêm giáo viên đồng hành với mình để những lúc tôi ốm, mệt thì có người đứng lớp thay. Tôi như người chở đò, mỗi chuyến đò qua sông an toàn là tôi thấy hạnh phúc”.

Cô giáo Phạm Thị Huyền

Gắn bó với học sinh như người thân trong nhà, 25 năm qua, cô Phạm Thị Huyền đã dạy dỗ hơn 200 học sinh. Tốt nghiệp rồi lại tuyển mới nhưng cô không quên bất cứ bạn nào. Những câu chuyện, hoàn cảnh của mỗi học trò có thể khiến người ngoài bất ngờ, nhưng với cô thì không có gì xa lạ. Chính tình cảm của học trò và gia đình các em dành cho cô nên dù tuổi đã cao, cô vẫn tiếp tục đứng lớp. Cô Phạm Thị Huyền chia sẻ: “Nhiều kỷ niệm không thể quên, đó là những cháu đánh giày, bán báo, bán tăm bông từ Thanh Hóa ra được cô dạy hết lớp 5, đọc thông viết thạo, trở về quê, đi làm ở khu công nghiệp, học nấu ăn, thỉnh thoảng vẫn đến thăm cô. Các con yêu mến cô, phụ huynh cũng yêu mến”.

Ông Lại Đông Biên, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 3, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân cho biết: “Cô Huyền là người có tình cảm sâu nặng đối với ngành giáo dục, đối với học sinh, nhiệt tình dành cho nghề rất lớn. Năm nay cô đã 70 tuổi rồi nhưng các cháu vẫn thiết tha muốn học cô Huyền nên cô rất day dứt. Tổ dân phố chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho cô Huyền, cho các cháu về cơ sở vật chất để các cháu có điều kiện học tập tốt hơn”.

Dưới sự dìu dắt chỉ bảo của cô giáo Phạm Thị Huyền, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được biết cái chữ. Điều tưởng chừng đơn giản ấy lại là niềm vui vô bờ bến của các em trong lớp học này. Coi việc dạy học vừa là niềm vui, vừa là việc thiện nguyện, cô không từ chối học sinh nào có nhu cầu đến lớp học chữ, bởi còn khỏe ngày nào, lớp học tình thương của cô sẽ vẫn mở cửa để đón các thế hệ học trò đến theo học. Lớp học của cô không chỉ gieo chữ mà còn gieo cả tình người. “Tôi nguyện gắn bó với lớp học xóa mù chữ cho đến khi sức khỏe buộc tôi phải dừng lại”, cô nói như nhắn nhủ với chính lòng mình./.

Kể từ năm 1998 đến nay, cô Phạm Thị Huyền đã dạy học cho hơn 200 học sinh không đồng đều về lứa tuổi. Học sinh của cô có thể là một bác xe ôm muốn biết chữ để đọc được tên đường phố, một cậu học sinh chậm phát triển trí tuệ hay một cô bé tự kỷ,... Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của cô giáo Huyền, nhiều em được vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Các em sau khi tốt nghiệp, có được việc làm ổn định, có thể tự chăm lo cho cuộc sống của mình.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận