Trăm năm làng dệt choàng

Nằm cuối sông Mê Kông và đầu dòng sông Tiền, có một làng dệt choàng lênh đênh bao đời như con nước lớn, nước ròng. Số phận làng cũng chìm nổi cả trăm năm.

 

Số phận làng cũng chìm nổi cả trăm năm như con nước của dòng sông “mẹ” Cửu Long.

Dù làng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”, vẫn hình hài chân quê, nhưng đầy tươi mới, hiện ra trên hành trình của chúng tôi hứa hẹn về sự chuyển động của “vùng biên” này trong tương lai gần để hồi sinh điểm du lịch, mà nó đã từng vang bóng một thời là trung tâm buôn bán mậu dịch xứ Phù Nam.

1. Bị lôi cuốn bởi bản tình ca “Hồng Ngự mang tên em” của cố nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tới xứ sen hồng Đồng Tháp, tôi quyết liều một phen đến Hồng Ngự. Mùa nước nổi, Đồng Tháp Mười đẹp mê hồn, màu phù sa nhấn chìm những cánh đồng rộng bao la. Người dân vào mùa bắt cá linh, hái bông điên điển nhộn nhịp. Cảnh đẹp khiến tôi đi lạc hết đường, chỉ một chuyến đò là đến đất tỉnh Prey Veng, Campuchia.

Những người trẻ bỏ làng đi nay trở về với nghề.

Cơ duyên đưa tôi đến ngay làng dệt choàng (khăn rằn). Con đường làng bê tông khiêm tốn, vừa đủ 2 xe máy tránh nhau. Hai bên đường những cuộn sợi phơi kéo dài khoe đủ sắc màu đẹp đến lạ. Thì ra đây là làng dệt hơn 100 năm tuổi, làng nằm ngay biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh An, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tiếng thoi dệt ở làng từ những khung cửi vọng vang cả vùng. Bởi đây là thủ phủ dệt khăn rằn của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản phẩm của làng phân phối cả nước và xuất khẩu.

Tôi nhìn vài người với nụ cười thân quen, cố lục lại trí nhớ, trong nhà vọng ra tiếng mời: “Anh Hai, mời anh vào nhà uống nước”. Dường như tính cách con người nơi đây hiền hòa, mến khách, chất phác lại phóng khoáng bao đời trở thành nét văn hóa đặc trưng của người miền Tây. Họ không cần quen biết, chỉ thấy người lạ vẫn chào mời như người thân, ngay cả trẻ em gặp người lạ vòng tay, cúi đầu chào như chào ông bà, cha mẹ ở nhà.

Ngay nếp nhà cũng khác lạ, lối nhà sàn quá đẹp, không giống nhà của người Khơ Me, hay người Tây Nguyên, Tây Bắc càng không phải. Chủ nhà Tám Nạt tâm sự: “Không biết kiến trúc nhà sàn do ai sáng lập, nhưng nó tồn tại từ xa xưa, các thế hệ sau cứ dzậy mà làm theo”. Có người cho rằng, xưa kia vùng này chuyên bị ngập bởi mùa nước nổi, làm nhà kiểu này để tránh lũ. Tuy chưa có nghiên cứu nào công bố, nếp nhà đẹp ở làng dệt choàng vẫn còn là ẩn số.

Người làng dệt choàng vui khi nghề trăm năm được sống lại.

Theo số liệu của huyện Hồng Ngự, Số lượng nhà cổ trên địa bàn còn nguyên vẹn 12 căn, có niên đại từ khoảng 98 đến 130 năm, tập trung tại ấp Long Thạnh. Trong đó, hiện có 4 nhà cổ có niên đại từ 98 đến 120 tuổi còn giữ y kiến trúc và kết cấu.

2. Đứng ở đình thờ Tiên Sư (ông Tổ nghề dệt), người dân nơi đây tôn kính gọi Long Khương Miếu. Phóng tầm mắt ra phía sông, dòng nước Mê Kông dùng dằng trải qua hành trình 6 quốc gia, với mấy ngàn km chuẩn bị hòa nhập vào sông Tiền, một màu phù sa có vẻ mệt mỏi lững lờ trôi, dòng chảy êm đềm hơn, không còn hung dữ như trong phim tài liệu “Mê Kông ký sự”.

Ông Hồ Văn Tài - người trông coi Long Khương Miếu nói nửa đùa, nửa thật: “Hổng biết vì sao mà nước chảy đến đoạn này lại êm ru. Hình như dòng nước chào Tổ thần Long Khương Miếu chúng tôi, hay khi hòa vào sông Tiền nó như chàng trai gặp cô gái đành hạ mình để lấy lòng người đẹp. Chỉ có đoạn này nước chảy êm thôi, chứ đầu trên, đầu dưới nước chảy mạnh dữ lắm”!

Chị Đặng Thị Yến Trinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Hồng Ngự cho biết: “Nhờ dòng nước ở đoạn này chảy êm nên tàu du lịch Mê Kông chọn neo đậu và đưa khách du lịch đến làng tham quan, trải nghiệm, mua sắm hàng lưu niệm”.

Cả trăm năm làng vẫn giữ nghề dệt khăn rằn.

Theo số liệu của huyện, 6 tháng đầu năm 2023, làng đón hơn 50 ngàn lượt khách, trong đó có 970 lượt khách quốc tế, chủ yếu khách du lịch châu Âu trên tàu Mê Kông ghé đến làng dệt choàng. Người dân làng dệt xưa kia, tất cả người làng dệt choàng toàn dệt thủ công, sản phẩm rất tinh tế, nhưng số lượng rất ít. Người nào dệt giỏi thì mỗi ngày được 4 chiếc. Giá bán sỉ mỗi chiếc từ 40 đến 60 ngàn đồng, tùy theo loại và chất liệu vải. “Tuy sản phẩm thủ công của làng rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhưng không đủ sản phẩm để cung cấp. Và gặp lúc các sản phẩm dệt công nghiệp của Trung Quốc ra cạnh tranh với giá rẻ như bèo, nhấn chìm sản phẩm của chúng tôi. Để trụ và gìn giữ nghề, chúng tôi phải đầu tư mua sắm máy móc”, chị Tám Nạt, một trong những cơ sở dệt lớn ở làng chia sẻ.

Nhờ sử dụng khung dệt máy nên số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp 4 - 5 lần so với dệt thủ công. Trung bình mỗi năm, làng sản xuất từ 2 - 2,5 triệu chiếc khăn choàng và sản phẩm từ khăn choàng. Hiện nay, nhờ đa dạng hóa mẫu mã nên sản phẩm đang hút hàng, tiêu thụ mạnh ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và Campuchia.

Du khách đến tìm mua các sản phẩm từ khăn rằn.

3. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A vẫn duy trì cho đến nay. Hiện tại, làng nghề dệt choàng Long Khánh A có 60 hộ làm nghề, 142 khung dệt, tạo việc làm cho gần 400 lao động địa phương. Tùy theo số lượng sản phẩm làm ra nhiều hay ít mà trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày. Con số còn khiêm tốn với tiềm năng, nhưng thu hút nhiều người quay lại với nghề, trong đó có nhiều người trẻ bỏ làng đi nay quay về quê để sống nghề dệt choàng. Để làng nghề phát triển bền vững, đưa đời sống của người dệt choàng ngày càng khá lên, huyện Hồng Ngự tổ chức lớp tập huấn cho người dân làng dệt làm du lịch bằng cách đưa ra Hội An học tập mô hình làng nghề và kinh nghiệm. Sau chuyến đi, người dân về bắt tay ngay vào sản xuất các mặt hàng, không còn bó hẹp chỉ là dệt khăn rằn, bà con đã sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ nguyên liệu khăn choàng như áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt…

“Sau chuyến học tập từ Hội An, các sản phẩm của làng như áo sơ mi, áo dài, túi xách, mũ, cà vạt, đèn lồng... đa dạng hơn. Đặc biệt, nó giải quyết thêm công ăn việc làm, như nghề may, giải quyết được những chiếc khăn dệt bị lỗi trước kia bỏ đi gây lãng phí, nay tận dụng làm túi xách, may mũ, hay làm đèn lồng, tạo nên sản phẩm đa dạng để du khách lựa chọn”, bà Nguyễn Thị Kim Chiều - chủ cơ sở dệt cho biết.

Du khách tàu Mê Kông thích thú với các sản phẩm của làng.

Ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch huyện Hồng Ngự - vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi muốn phát triển mạnh làng nghề theo xu hướng bền vững như ở Hội An: Vẫn bảo tồn nét đặc trưng văn hóa làng nghề, làm mới và phát triển làng nghề, du lịch dựa trên nền tảng cũ để thu hút du khách đến làng trải nghiệm, lưu trú homestay nhà dân và mua sắm, may mặc... Qua đó đưa người dân nơi đây ngày càng giàu lên từ làng nghề, và người dân chính là hạt nhân, là chủ thể gìn giữ bản sắc văn hóa của mình”.

Với bề dày lịch sử, làng dệt choàng được Bộ VH-TT&DL đã công nhận “Nghề dệt của làng là Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.

Đến nay, làng nghề không chỉ sản xuất và cung ứng cho thị trường hơn 8 triệu chiếc khăn choàng, mà còn có hàng ngàn chiếc túi xách, ba lô mini, mũ, áo dài, đèn lồng… các loại. Làng dệt choàng nay trở thành điểm đến của tàu du lịch Mê Kông. Mỗi tuần tàu Mê Kông ghé làng 3 chuyến, chủ yếu là khách châu Âu. Trong tương lai gần, làng dệt choàng sẽ là điểm du lịch nổi bật không chỉ ở đất Sen hồng, mà của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận