Giữ nét gốm xưa

Cuối tuần và dịp lễ, kỳ nghỉ hè, xưởng Vườn Nhà Gốm (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhộn nhịp bạn trẻ tới lui.

 

Có người đến để trải nghiệm một lần làm gốm thủ công, có người lại chọn học cho được cái nghề cực khổ nhưng đầy thú vị này.

Lần đầu biết gốm

Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Bình Dương nhưng mãi đến hôm triển khai bài tập thực tế về giáo dục địa phương, Vũ Huy Thủy (học sinh lớp 10, Trường THPT Trịnh Hoài Đức) mới có cơ hội tìm hiểu rồi tự tay thực hiện một sản phẩm gốm thủ công. Khi nhận yêu cầu từ giáo viên bộ môn, Thủy cùng nhóm bạn suy nghĩ mãi, cuối cùng tự hỏi “Tại sao mình không giới thiệu di sản văn hóa của quê hương: gốm Lái Thiêu?”. Trước khi đến Vườn Nhà Gốm tìm hiểu về quy trình sản xuất gốm thủ công và tham gia lớp trải nghiệm thì Thủy và các bạn đã ghé một xưởng gốm gần trường hỏi thăm thông tin. Ban đầu mục tiêu đặt ra chỉ là hoàn thành bài tập trên lớp nhưng càng tìm hiểu về gốm thủ công, nhóm bạn trẻ càng mê mẩn.

Nhóm học sinh đến từ Trường THPT Trịnh Hoài Đức say sưa làm gốm thủ công.

Thích nhất là khi cả nhóm lần đầu chạm tay vào đất sét, được vỗ nhẹ nước rồi vuốt vuốt, tạo hình sản phẩm theo sở thích lúc bàn xoay chậm rãi đánh vòng. Từ lóng ngóng, bối rối, méo chỗ này gãy đoạn kia, chỉ vài phút sau, dưới sự hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Dương Minh Tâm, nhóm bạn trẻ đã hoàn thành phần tạo hình ly chén bằng đất sét, chuyển sang công đoạn trang trí. Vừa hướng dẫn cặn kẽ cách nhào đất sét sao cho đỡ tốn sức lại mau mềm dẻo, anh Tâm vừa kể chuyện mình bén duyên với nghề gốm thủ công. Các bạn trẻ say sưa nghe chuyện, thi thoảng hỏi thêm vài chi tiết. Thủy cùng nhóm bạn còn xin phép xưởng quay video các công đoạn làm gốm thủ công làm chất liệu cho phần báo cáo tại trường. Các anh chị trong xưởng chẳng những đồng ý mà còn hỗ trợ, hướng dẫn cách giới thiệu sao cho ấn tượng, chính xác.

Mấy tiếng đồng hồ lụi cụi mới làm xong chiếc ly gốm đơn giản nhất, Thủy cẩn trọng đắp thêm đất sét trang trí theo ý thích trước khi vẽ màu. Cạnh đó, nhiều bạn trẻ cũng say sưa với thành phẩm mộc mạc do mình tự tạo ra. “Tự tìm hiểu, thực hiện mới biết để có được một sản phẩm gốm thủ công như vậy người thợ phải bỏ nhiều công sức, tâm huyết. Trước khi chọn làm đề tài này, nhìn thấy một sản phẩm gốm thủ công, tụi em cứ thắc mắc nhìn đơn giản tại sao giá thành lại nhỉnh hơn gốm công nghiệp. Làm rồi mới biết một cái chén, cái ly là biết bao mồ hôi. Cái hay của lớp trải nghiệm làm gốm thủ công này là tụi em được nắm kiến thức, kỹ thuật cơ bản nhưng vẫn thoải mái sáng tạo ý tưởng nên sản phẩm luôn mang chất riêng. Trở về sau buổi học này, em sẽ nhìn gốm thủ công với ánh mắt ngưỡng mộ và yêu quý hơn. Thật lòng mà nói, có đến đây nghe các anh chị kể chuyện, tụi em mới hiểu được tại sao nghề gốm thủ công vẫn đủ sức hút sau bao thăng trầm”, Thủy chia sẻ.

Các xưởng gốm thủ công ở Lái Thiêu đang tất bật cho những đợt hàng cuối năm.

Chị Bùi Ngọc Ánh, phụ trách truyền thông của Vườn Nhà Gốm cho hay, nhiều năm trở lại đây, các lớp học nghề và trải nghiệm làm gốm thủ công tại cơ sở này thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia. Các bạn chủ yếu sinh sống tại TP.HCM và Bình Dương, tham khảo thông tin trên mạng, thấy thích thú, tò mò nên muốn được thử sức. Với các buổi trải nghiệm làm gốm thủ công kéo dài vài tiếng đồng hồ, nghệ nhân chủ yếu hướng dẫn thông tin cơ bản, giới thiệu quy trình và dành tối đa thời gian cho khách thực hành, sửa lỗi trên sản phẩm. Với những khóa đào tạo từ ngắn hạn đến dài hạn, lý thuyết lẫn kỹ thuật thực hành sẽ được chăm chút tỉ mỉ để ai đến học cũng có thể ra nghề. Ở Vườn Nhà Gốm, nếu gốm Biên Hòa, gốm Cây Mai đắp nổi thu hút người sưu tầm vì sự sắc sảo thì kỹ thuật vuốt gốm thủ công Lái Thiêu lại được chọn lựa vì chất mộc mạc, thô ráp nhưng đậm chất riêng.

Vừa có xưởng thực hiện tất cả công đoạn vừa có lớp hướng dẫn, sau giờ lý thuyết, các học viên được tham quan quy trình rồi mới từng bước tập làm quen với đất sét, bàn xoay. Nhìn các bạn trẻ háo hức khoe nhau, chụp hình hoặc quay clip giới thiệu về sản phẩm do mình tự tạo ra, chị Ánh hay nói vui: “Học xong lớp này tự dưng yêu thợ làm gốm thủ công hơn đúng không mọi người?”. Đáp lời là hàng loạt cái gật đầu cùng ánh nhìn rất vui. Chị Ánh cho biết, từ những lớp trải nghiệm và khóa đào tạo như thế này, Vườn Nhà Gốm cũng chọn ra được không ít bạn đồng hành có năng khiếu và đam mê.

Ngày càng nhiều bạn trẻ dành thời gian tìm hiểu về nghề làm gốm thủ công.

Thế hệ kế thừa

Là người truyền nghề, nghệ nhân xoay gốm vuốt tay Dương Minh Tâm kể, mấy chục năm làm gốm thủ công, trải qua bao vui buồn, thậm chí đau khổ cùng làng nghề, chưa ngày nào anh thôi mê mẩn các món đồ dày công thực hiện. Với anh, mỗi ngày chỉ cần đôi tay chạm vào đất sét và nước, múa trên bàn xoay thì lưng có mỏi, mắt có mờ đôi chút cũng thấy hạnh phúc. Hồi còn nhỏ, nhà gần làng nghề gốm thủ công, cũng vì mê mẩn mấy món gia dụng mộc mạc làm từ đất sét mà anh theo học lỏm nghề, nặng nợ luôn với gốm mấy chục năm trời. Có lúc nghề gốm thủ công tại Lái Thiêu suy thoái, nhiều xưởng đóng cửa, việc thưa, tiền thiếu, nhiều người bấm bụng chuyển nghề nhưng lòng vẫn mong chờ ngày gặp lại gốm. Những ngày đó, sáng làm nghề khác để mưu sinh, tối tối anh Tâm vẫn bật đèn ngồi nghiên cứu vẽ, tạo hình mẫu gốm.

Thời gian gần đây, gốm thủ công được ưa chuộng trở lại, anh Tâm phấn khởi lắm. Mẫu nào thiết kế xong cũng nghe xưởng báo hết hàng, anh biết những ngày vui đang quay lại với gốm vuốt tay. Mỗi lần đứng lớp, giữa những kỹ thuật, thông tin, các câu chuyện về nghề, về làng của anh Tâm luôn khiến học viên thích thú. Nhờ có anh, nhiều bạn trẻ hiểu để yêu thêm, sau này chọn gắn bó với gốm.

Nét vẽ mềm mại trên nền gốm Lái Thiêu mộc mạc của chị Trần Thị Yến.

Tại Lái Thiêu, số lượng xưởng gốm thủ công đang tăng trở lại. Cùng với đó là sự “trẻ hóa” của những người thợ tạo hình, vẽ men. Họ phần nhiều là con cháu, người thân của bao lớp thợ ở làng khi trước, vì mê mẩn các sản phẩm do ông bà, cha mẹ làm ra rồi quyết định nối tiếp giữ nghề. Ngồi tỉ mẩn với từng nét vẽ cá, vẽ gà mềm mại bên chồng chén dĩa gốm Lái Thiêu, chị Trần Thị Yến (thợ vẽ gốm lâu năm tại xưởng Thủ Biên, Bình Dương) khoe với các đồng nghiệp trẻ rằng “Con gái cô nó đăng ký học nghề gốm thủ công rồi. Vậy là thời gian tới, hai má con sẽ thành đồng nghiệp của nhau. Vui quá!”. Ngồi gần đó, những người thợ trẻ trong xưởng tay vẫn thoăn thoắt thực hiện phần việc của mình, miệng cười giòn tan, chúc mừng cô đồng nghiệp lớn tuổi đã truyền lửa thành công cho thế hệ kế thừa.

“Là lớp trải nghiệm hay học ra nghề thì tôi cũng dạy cho các bạn thật kỹ từng công đoạn. Làm sao trong thời gian ngắn nhất, các bạn có thể tiếp thu được những thao tác và có phương pháp tạo hình tốt nhất. Các bạn trẻ tìm đến đây nhiều, với tôi là tín hiệu đáng mừng vì những hoạt động như thế này không chỉ lan tỏa nét đẹp của nghề mà còn chung tay bảo tồn giá trị của gốm thủ công. Muốn biết giá trị của gốm thủ công chi bằng hãy chạm tay vào đất sét và trực tiếp làm nó”.

Nghệ nhân xoay gốm vuốt tay Dương Minh Tâm

Chị Yến kể, ngày xưa cũng vì ở trong làng, xung quanh toàn người làm gốm thủ công, tiếp xúc mãi thành thích thú, mê say đến tận bây giờ. Nghề vẽ men này cũng là chị tự học khi làm công nhân tại các xưởng gốm có tiếng trong vùng. Có năng khiếu lại chịu thương chịu khó, chị nắm bắt kỹ thuật rất nhanh, làm ra sản phẩm ai cũng ưng ý. Vẽ dân gian, mỗi sản phẩm đôi ba nét nhưng không hề đơn giản. Phải vẽ sao cho sản phẩm có hồn, các chi tiết thật mềm mại để cầm từng món lên, khách phải gật gù khen đẹp, hài lòng thì đó mới là đạt chuẩn. Giữ từng nét cọ trên gốm truyền thống, giờ giữ được nghề cho con gái, với chị Yến là niềm vui lớn. Tại xưởng gốm này, chị Yến lúc nào cũng bận bịu nhưng chỉ cần bạn trẻ nào cần hướng dẫn, giúp đỡ, người thợ vẽ ấy luôn sẵn lòng hỗ trợ. Chị mong sao, sẽ có thêm nhiều thợ trẻ ở lại với nghề. Khi đó, chị chẳng còn sợ mình già đi, tay run vẽ không ra nét vì đã có người tiếp nối những đường cọ mộc mạc nhưng đẹp mê hồn./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận