Chuyện từ làng trống cổ

Đến làng trống Bình An, người ta choáng ngợp bởi những mảnh sân phơi đầy gỗ sao, lồng mứt, những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng.

 

Cứ mỗi bận cuối năm, khi cây mai vàng bên nhà len lén ươm nụ cũng là lúc nhà nhà làm trống tại làng trống truyền thống Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tất bật hoàn thành các khâu cuối của công đoạn làm trống, kịp giao cho các đoàn lân, sư, rồng, chùa chiền phục vụ mùa Tết.

Tiếng đục đẽo, tiếng bịt trống, tiếng thử trống vang lên rộn ràng khắp một vùng quê.

Đến làng trống Bình An, ấn tượng đầu tiên khiến người ta phải “choáng ngộp” là những mảnh sân phơi đầy gỗ sao, lồng mứt, những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng. Các loại trống nhạc, trống chùa, trống lân... đủ kích cỡ chất đầy nhà.

Dân làng nghề tự hào kể, những năm 1950 của thế kỷ trước, trống Bình An vang danh khắp miền Nam, miền Trung, vang tận các nước Đông Dương. Theo nhiều tài liệu còn ghi chép lại, nghề làm trống ra đời cách đây hơn 170 năm.

Một chiếc trống đang được phủ da, căng dây - Ảnh Báo Thanh Niên

Người khai sinh ra những chiếc trống nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh này là ông Nguyễn Văn Ty. Thời đó, ông Ty có ghe chài chuyên đi mua bán nước mắm từ Long An sang các tỉnh miền Tây. Trong quá trình đi buôn bán, ông Ty phát hiện dọc sông Vàm Cỏ nhiều người làm thịt trâu bỏ phần da. Thấy vậy, ông mang da trâu về phơi khô rồi mày mò làm trống. Do không kinh nghiệm nên trống ông làm ra tiếng kêu không hay. Vì quá đam mê, ông đến tận Rạch Gầm, Xoài Mút, Tiền Giang để học cách làm trống và quay về quê hương, truyền nghề cho con cháu.

Nối gót cụ Ty, những thế hệ tiếp theo như ông Tịnh, ông Phùng, ông Dương… cũng được nhiều người biết đến. Trải qua năm thế hệ nối nghiệp tổ, đến nay những nghệ nhân như Năm Mến, Út Lương, Hai Phú… cũng đã dành cả cuộc đời để giữ lại gia sản quý báu này.

Chiếc trống Bình An vang danh nức tiếc nhờ những bí quyết riêng mà không phải người làm trống ở nơi nào cũng có được. Theo những nghệ nhân trong làng Bình An, để có được tiếng trống ấm, vang xa, dùng được bền, tất cả đều phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản, đó là da trâu bịt trống và gỗ làm thân trống. Để cho ra “lò” một sản phẩm, người thợ phải trải qua hơn 20 công đoạn từ chuyện căng da trâu, phơi gỗ, đốt than để uốn cong thành gỗ, đẽo chuốt dăm trống, đến ghép từng thanh gỗ thành thùng trống, đóng mây:

"Làm nghề thì các công đoạn nào cũng phải quan trọng hết, mà cái quan trọng nhất là mình phải làm da".

"Mặt da mình muốn chọn da nào tốt, mình phải chọn mặt da không phải bị trầy, rồi mình phải gạn. Mà lúc gạn khó lắm, phải biết thùng trống đó mỏng hay dày, để theo đó mình làm mặt da. Chứ không phải trống nào cũng làm một mặt da thì âm thanh không chuẩn".

Theo nhiều chủ lò trống, trước ngày đi mua da, những người thợ “kỳ cựu” phải “trông trời, trông đất, trông mây”, tức là người dân phải xem dự báo thời tiết. Chỉ ngày nắng tốt mới đi mua, bởi khi đem về là phải phơi ngay. Nếu trời đổ mưa, da không được nắng, chủ cơ sở sẽ mất đi tiền triệu. Trong hai tuần, dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, da trâu sẽ được hong khô, lấy cỡ mặt trống, cắt da tròn rồi mới bịt….

Để có tấm da trống tốt, nhất định phải dùng da nguyên tấm của con trâu già và tươi. Vùng da bụng, da cổ và da đùi đều không dùng vì khi đánh sẽ làm rách mặt trống. Muốn tiếng trống kêu vang, xa, trước khi bịt, da phải được bào thật kĩ. Người thợ làm trống phải hết sức thận trọng khi tính mức dày mỏng khác nhau giữa mặt trống, vòng ngoài và vòng mép trống, mỗi phần chênh lệch khoảng 3mm.

Khi bào da, người thợ phải ở trong tâm thế thanh tịnh, để hết tâm trí vào công việc, chỉ cần sai sót một chút, nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn theo “tiêu chuẩn” là tiếng trống sẽ không theo ý muốn. Đây là một khâu rất “đặc trưng” của nghề làm trống. Sau đó, những tấm da hoàn chỉnh sẽ được đem căng lên mặt trống. Lúc này, người thợ sử dụng giàn chò cùng những sợi dây da trâu, sau đó cầm búa gõ vào con đội, mặt trống sẽ được kéo căng hết cỡ.

Những chiếc trống hoàn thiện với nhiều kích thước, loại khác nhau - Ảnh Báo Thanh Niên

Để kiểm tra độ căng này, thậm chí người thợ còn dẫm, nhảy trên mặt trống. Có lẽ, chỉ có ở làng trống Bình An mới có cách thử đặc biệt này, bởi mặt da trống phải rất tốt mới chịu được sức nặng của một thanh niên khỏe mạnh. Tùy theo từng loại trống mà có cách làm da và bịt khác nhau, như trống lân thì làm da dày và bịt thẳng để kêu bong tiếng; trống nhạc lễ thiết kế khi đánh lên nghe tiếng âm dương, cao thấp.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Mến chia sẻ thêm: "Khâu kỹ thuật rất nhiều công đoạn, kết hợp lại thì trống mới tốt. Ví dụ trống lân thì sao, trống chùa thì âm vang, trống nhạc lễ thì phải cho chút tiếng âm dương. Mỗi trống đều làm da khác".

Một bí quyết của nghề làm trống Bình An đó là thùng trống được khép khít chặt bởi các thanh gỗ bào mịn không dùng bất cứ một loại keo dán nào, trong mỗi chiếc trống mới, những người thợ lại gắn vào trong thùng một vài sợi lò xo thép, một “linh vật” làm cho tiếng trống thêm phần hào hùng, lắng đọng. Gỗ tốt, da bền là chưa đủ, để có một chiếc trống có âm thanh vang vọng, trầm bổng, đòi hỏi người làm nghề phải có kinh nghiệm cảm âm.

Chính vì thế, để tạo ra một chiếc trống chất lượng cao, thì người nghệ nhân phải đặt hết cái “tâm” của mình vào từng sản phẩm. Thường chỉ người say nghề và hiểu trống nhiều năm, mới nghe và cảm được đứa con tinh thần của mình. Do vậy mà uy tín của trống Bình An luôn được giữ vững suốt mấy thế kỷ qua.

Làng trống Bình An hiện đã làm đủ các loại trống: trống sấm, trống trầu, trống đình, trống trường học, trống lân, trống chiến, trống lệnh, trống cơm, trống cái, trống bát, trống bồng… Dẫu vậy, về mặt thực tế, thị trường đầu ra vẫn là một trong những điều mà địa phương quan tâm cho sự phát triển của làng nghề và sự ổn định đời sống kinh tế của bà con địa phương.

Ông Huỳnh Hữu Lợi trăn trở: "Làng nghề ở đây làm toàn trống đặt với trống chợ thôi, chứ gặp cạnh tranh của trống Trung Quốc nhiều quá, nên đầu ra bấp bênh quá".

Hơn 170 năm mặc cho “thế cuộc đổi dời”, những tiếng “cắc cắc, tùng tùng” từ làng trống Bình An vẫn đều đặn vang lên bên dòng sông Vàm Cỏ Tây. Tuy có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chính nhờ lòng nhiệt thành và tình yêu nghề, mà suốt năm thế hệ qua, những người con Bình An đã phát triển và làm rạng danh quê hương mình.

Cùng với tình yêu nghề và quyết sống chết với nghề, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, những nông dân chân chất ở Bình An luôn giữ gìn để truyền lửa cho các thế hệ mai sau, và để tiếng trống Bình An mãi vang vọng theo năm tháng.

Và những âm thanh rền vang, giòn giã của tiếng trống giữa khung trời thanh bình của xóm làng như một lời khẳng định những truyền thống quý báu sẽ còn được gìn giữ và phát huy trên mảnh đất này.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận