Tác giả của 'Thủ thỉ Vietnam' và 'Hanoi Hanoi': Nói về Việt Nam qua những bức ảnh

Minh Phạm đi khắp Việt Nam để khám phá và cho ra mắt 2 cuốn sách ảnh 'Thủ thỉ Vietnam' và 'Hanoi Hanoi' bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italia.

 

19 tuổi rời quê hương sang định cư ở Mỹ, hơn 25 năm làm việc cho Liên hợp quốc, năm 2020, Minh Phạm có dịp trở lại Việt Nam sinh sống trong 3 năm. Ông đi khắp cả nước để khám phá và cho ra mắt 2 cuốn sách ảnh “Thủ thỉ Vietnam” và “Hanoi Hanoi” bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Italia. Tất cả số tiền từ bán sách, ông dành tặng nạn nhân chất độc da cam.

“Tôi yêu cái nhìn của Minh Phạm về Việt Nam!”

“Mặc dù chưa từng đến Việt Nam, nhưng hợp tác với Minh trong việc biên tập tít của hai cuốn sách ảnh, nghe những mô tả và giải thích của anh ấy, tôi đã có trải nghiệm như đi du lịch Việt Nam qua những tấm ảnh. Tôi ngày càng thêm yêu đất nước này. Tôi yêu cái nhìn của Minh Phạm về Việt Nam” - nhà báo, nhà sản xuất phim tài liệu người Italia gốc Thụy Điển Paola Boncompagni đã thốt lên như vậy khi nghe tác giả Minh Phạm “nói” về Việt Nam qua những bức ảnh.

Minh Phạm - tác giả hai cuốn sách ảnh Thủ thỉ Vietnam và Hanoi Hanoi.

“Thủ thỉ Vietnam” gồm hơn 80 bức ảnh đen trắng mà tác giả Minh Phạm chụp trong những chuyến đi từ Sapa đến Côn Đảo. Những bức ảnh thể hiện cuộc sống bình dị thường ngày của người dân, chứa đựng cảm xúc và cách nhìn của tác giả về những nơi lần đầu tiên được đặt chân tới. Những hình ảnh anh chụp mang cảm xúc mới mẻ của người lần đầu được khám phá Việt Nam. “Tôi muốn tìm hiểu về nơi tôi được sinh ra và lớn lên trong suốt 19 năm đầu đời. “Thủ thỉ Vietnam” như một cuốn nhật ký của tôi, là cây cầu nối giữa Việt Nam trong quá khứ, tuổi trẻ của tôi và Việt Nam hiện đại mà tôi đang chứng kiến”, tác giả cuốn sách bày tỏ.

Dọc hành trình, Minh Phạm chụp khá nhiều về những con người bình dị, những cảnh tượng dân dã, cuộc sống lao động phổ thông,… Ông chia sẻ: “Vẻ đẹp không cần giàu sang. Khi chụp, tôi tìm tâm hồn của người và cảnh. Tâm hồn - nhất là của người khốn khó - là nguồn chính của vẻ đẹp”.

Cuốn sách ảnh Thủ thỉ Vietnam.

Chia sẻ về tấm hình cô gái trẻ được chọn làm ảnh bìa cuốn sách, tác giả Minh Phạm cho hay: “Khi tôi tới thăm Lăng Khải Định ở Huế, tôi bất chợt gặp hai cô gái trong trang phục áo dài, quàng khăn đang ríu rít nói chuyện và chụp ảnh cho nhau. Huế hôm ấy nắng đẹp và nụ cười duyên dáng, nét đẹp hồn nhiên, lạc quan của hai cô gái pha với bối cảnh lịch sử khiến tôi xúc động, thấy tin tưởng vào tương lai của đất nước. Hai cô gái đó đúng là biểu tượng cho tinh thần của thế hệ trẻ Việt Nam: Nghị lực và tràn đầy năng lượng. Cũng vì lý do này, tôi đã chọn ảnh của hai cô gái ấy làm bìa sách.

Những vật dụng giản đơn như mũ cối, túi vải, chiếc xe đạp thồ hay hình ảnh về một nghĩa trang đã gợi cho Minh Phạm nhớ đến một thời đau buồn của chiến tranh, sự mất mát và những nạn nhân chất độc da cam. Chứng kiến và chụp nhiều ảnh về Covid-19 khi dịch này đang hoành hành ở Việt Nam và thế giới, anh chia sẻ: “Tôi thấy tinh thần kỷ luật và chịu đựng của người Việt rất cao. Tôi phục tình đoàn kết của người Việt giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. ATM gạo là một ví dụ điển hình”.

Tác giả Minh Phạm (người ngồi) ký tặng độc giả.

Trước đó, năm 2022, cuốn “Hanoi Hanoi” được xuất bản gồm 90 ảnh đen trắng về đời sống thường nhật của người dân Hà Nội. Đó là hành trình của một người Hà Nội gốc xa quê đi tìm lại ký ức của cuộc sống thời cha mình ở thành phố này.

Với “Thủ thỉ Việt Nam”, nguồn cảm hứng đặt tên ảnh đến từ âm nhạc thời sinh viên của tác giả như nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên và lời thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử,… hay các tác giả nước ngoài như nhạc sĩ Nina Simone, nhà thơ Robert Fort hay Emily Dickinson; hoặc tác giả lấy chính thông tin có trong bức ảnh để đặt tên, hay ngắm ảnh và suy nghĩ rồi mới đặt tên. Tựa đề các bức ảnh trong cuốn “Hanoi Hanoi” được tác giả đặt một cách ngẫu hứng pha chút hài hước. Tùy theo từng bức ảnh và cảm hứng, tác giả ghép lời nhạc hoặc thơ làm tựa đề cho ảnh. Minh Phạm bảo: “Những lời tựa trở thành lời thủ thỉ của chính tôi về quê hương của mình, về sự chuyển động của cuộc sống và ý nghĩa của thời gian, gửi đến người đọc”.

Hai cuốn sách ảnh của Minh Phạm đều được trình bày giản dị với các bức ảnh đen trắng thay vì ảnh màu, “giúp cho tôi và hy vọng cho cả người xem cảm nhận được nhiều hơn tâm hồn của người và cảnh trong ảnh. Tôi chụp theo bố cục, nhiều lúc phải chờ cho đến khi cảm thấy đó là bố cục mà tôi muốn chụp. Nhưng cũng có khi chỉ là một khoảnh khắc ngẫu nhiên. Tôi rất vui vì “Hanoi Hanoi” được đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2022”, Minh Phạm hào hứng.

Những bức ảnh mà tác giả Minh Phạm trong hành trình khám phá Hà Nội.

Món quà của một người con đất Việt

Gia đình Minh Phạm gốc ở Hà Nội, sau đó chuyển nhà vào Sài Gòn. Năm 1975, gia đình ông sang Mỹ định cư. Trước một thế giới mới, ông luôn nhớ lại khung cảnh gia đình, từng con đường, góc phố gần nhà mình ở Việt Nam. “Trong tôi luôn luôn có hai thế giới - một ở Việt Nam và một bên Mỹ. Tôi là cây cầu giữa hai thế giới, để rồi hai thế giới ấy nhập lại, tạo ra con người của tôi hôm nay”, Minh Phạm chia sẻ.

Tốt nghiệp trường Đại học Columbia tại New York năm 1989, ông đã làm việc cho Liên hợp quốc hơn 25 năm. Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cử làm Trưởng đại diện của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tại một số quốc gia như Lào, Jamaica và Maldives, kiêm đại diện của UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) tại đó. Năm 2014, ông nghỉ hưu.

 “Tôi hãnh diện mình là người Mỹ gốc Việt. Ấn tượng của mọi người trong Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế về Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Khi nhắc tới Việt Nam, ít người nước ngoài còn nói tới chiến tranh và chết chóc. Họ nói đến sự thân thiện của người Việt Nam, đến ẩm thực Việt, vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam”, ông cho hay.

Cuốn sách ảnh Hanoi Hanoi.

Tác giả đến Đèo Ngang.

Lần đầu tiên Minh Phạm trở lại Việt Nam vào năm 1990, sau 15 năm xa quê. Khi làm trưởng đại diện của Liên hợp quốc tại Lào (năm 2011 - 2014), tôi thường xuyên về Việt Nam, thậm chí nhiều dịp cuối tuần ông về Việt Nam 2, 3 ngày. Ông chia sẻ, Việt Nam lúc này phát triển rất nhanh. Hạ tầng cơ sở đường phố phát triển. Cuộc sống của người dân khá hơn rất nhiều. Nghị lực, sự siêng năng của người Việt chưa từng thay đổi, đáng nể phục. “Tôi nhìn thấy một quốc gia đang vươn lên để giành một chỗ đứng quan trọng trong cộng đồng thế giới và quyết tâm trở thành một quốc gia giàu mạnh trong tương lai. Có nhiều người Việt đã thành công. Tôi cảm phục tinh thần cầu tiến, sáng tạo, hiếu học và giỏi giang của các bạn trẻ Việt. Đó là cơ hội lớn cho thế hệ trẻ và là tương lai của đất nước”, Minh Phạm chia sẻ.

Thế nhưng, nạn nhân chất độc da cam là một nốt trầm trong lòng ông. “Tình cảnh khó khăn của họ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác đã gần 50 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi ước giúp đỡ được nhiều cho cộng đồng nạn nhân nhiễm chất độc da cam”, ông trải lòng. Theo Minh Phạm, hiện nay, phần lớn hỗ trợ từ bên ngoài là để tẩy chất độc dioxin đã thấm sâu trong đất. Việc này rất quan trọng nhưng không đủ. Cần phải có thêm một chương trình trợ cấp thẳng cho những nạn nhân đang chịu bệnh từ thế hệ này tới thế hệ sau. Cũng bởi vậy, ông muốn được đóng góp cho đất nước trong khả năng của mình. Và số tiền thu được từ việc bán hai cuốn sách ảnh sẽ được Minh Phạm gửi tặng các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA). Tôi trân trọng anh bởi sự từ tâm, thiện nguyện của ông dành cho mảnh đất “chôn rau cắt rốn” không cần đao to búa lớn, mà lặng thầm trong suốt hành trình của mình.

Tác giả Minh Phạm nhận bó hoa của Hội VAVA.

Tác giả Minh Phạm xem người dân làm đặc sản Huế.

Tác giả Minh Phạm và các bạn trẻ ở Hà Nội.

 

“Ngày Tết Nguyên đán, gia đình tôi mặc áo dài truyền thống và giữ phong tục lì xì. Cả hai cháu đều rất mê cơm Việt và ẩm thực Việt Nam. Các cháu rất thích về thăm Việt Nam. Mỗi năm, tôi đều tổ chức cho hai con về Việt Nam, gặp họ hàng để biết gốc gác nơi bố mẹ sinh ra, lớn lên”.

Minh Phạm

Tiếp xúc với Minh Phạm, tôi thấy ông vẫn đậm chất Việt như chưa từng sống xa quê. Yêu nơi mình sinh ra và lớn lên nên ông giữ nếp sinh hoạt của người Việt. Nhà ông vẫn giữ bàn thờ ông bà, bố mẹ. Ông thắp nhang mỗi ngày, dạy các con cúng lễ ông bà. Ở nhà anh, các thành viên giao tiếp bằng tiếng Việt. “Bởi thế, “vốn liếng” tiếng Việt của con gái tôi rất khá, còn con trai nhỏ nói được ít hơn nhưng nghe là hiểu. Ngày Tết Nguyên đán, gia đình tôi mặc áo dài truyền thống và giữ phong tục lì xì. Cả hai cháu đều rất mê cơm Việt và ẩm thực Việt Nam. Các cháu rất thích về thăm Việt Nam. Mỗi năm, tôi đều tổ chức cho hai con về Việt Nam, gặp họ hàng để biết gốc gác nơi bố mẹ sinh ra, lớn lên”, ông hóm hỉnh khoe.

Phải rời Việt Nam vào những ngày Xuân đã cận kề, Minh Phạm lưu luyến: “Tuy không sống ở Việt Nam nhưng tôi vẫn sẽ về Việt Nam thường xuyên. Việt Nam là quê hương và mãi trong tim của tôi”./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận