Làng rau không nghỉ Tết

Có một làng rau suốt 500 năm chỉ làm rau sạch, rau hữu cơ. Làng rau này trở thành điểm du lịch 'xanh' và nổi tiếng.

 

Có một làng rau suốt 500 năm chỉ làm rau sạch, rau hữu cơ. Chính vì thế, làng rau trở thành điểm du lịch “xanh” và nổi tiếng. Tiếng cười, tiếng nói nhiều ngôn ngữ khác nhau rộn ràng hòa vào sắc màu làng rau Trà Quế, làm cho không khí Tết thêm náo nhiệt.

1. Theo tục lệ, ngày 28 tháng Chạp dựng cây nêu là bắt đầu Tết. Mọi chuyện đồng áng, vườn rau… tạm gác lại để chuẩn bị đón chào năm mới. Đợi đến ngày mồng 7 tháng Giêng lễ cúng hạ nêu mới ra đồng tịch điền. Nhưng tại làng rau Trà Quế 500 năm tuổi ở xã Cẩm Hà, TP. Hội An, từ bà con nông dân đến chủ nhà hàng, villa lại ra đồng đón Tết với du khách.

Dạo chơi làng rau.

Tờ mờ sáng mồng Một Tết Quý Mão, người người kéo nhau ra mộ dâng hương ông bà tổ tiên, người áo dài khăn đóng về nhà thờ thắp hương ông bà, đình chùa… thì người dân làng rau Trà Quế lại rộn ràng ra đồng.

Cô Tuyết đã 70 tuổi, trong trang phục đẹp, đội chiếc nón tre đan với hoa văn mới tinh, tay cặp những chiếc rổ tre thủng thẳng lội vào những luống rau tỏa mùi thơm lựng. Những cặp khách Tây thấy bà Tuyết thì lại xem bà thu hoạch rau, họ cùng trò chuyện tiếu táo, bà Tuyết cười hiện lên hàm răng ăn trầu đỏ chót, khiến du khách thích thú.

“Không nghỉ Tết hả cô?”, tôi hỏi. Cô Tuyết chậm rãi trả lời: “Ưng nghỉ lắm chứ, nhưng mấy nhà hàng là bạn hàng ruột của mình họ đặt rau tươi, mình đã nhận lời cung cấp nên phải làm”. “Ngày Tết thì giá cả có tăng lên không cô?”. Bà nhìn tôi, nói: “Ngày mô cũng như ngày nớ thôi, chỉ một giá, vì họ là bạn hàng mười mấy năm ni rồi”. Hai từ “bạn hàng” thật uy tín như sào đất quanh năm suốt tháng của bà vẫn thủy chung một màu rau xanh. Bởi vậy, không phải kinh tế khó khăn, hay tham công tiếc việc, dù cái tuổi 70 mà mà ngày này sang tháng nọ bà vẫn cần mẫn những luống rau.

Nhưng lạ! Hầu hết những người trồng rau là những người lớn tuổi. Tôi dò hỏi cô Tuyết, “sao không thấy thanh niên làm rau rứa cô?”, cô Tuyết cười, trả lời: “Cái đám trẻ, thanh niên chừ hắn đi làm du lịch hết, ba cái rau màu ni thu được mấy đồng mà bọn hắn ham hố”.

2. Với diện tích hơn 20ha, ở giữa là đồng rau hữu cơ Trà Quế, xung quanh là nhà dân với khoảng 200 hộ chuyên canh tác rau sạch cung cấp cho thị trường Hội An và Đà Nẵng, Trà Quế là đồng rau xanh tồn tại hơn mấy trăm năm vẫn giữ cách gieo trồng truyền thống. Bao đời nay, người dân vẫn vớt cây rong từ sông Cổ Cò về để trồng rau. Chính cây rong là thành phần hữu cơ đã tạo mùi thơm cho các loại rau rất đặc trưng. Không chỉ tạo thương hiệu cho cây rau Trà Quế, mà cả du khách khắp năm châu cũng thích thú tìm đến để trải nghiệm.

Du khách học cách tưới rau.

Hiếm khi người nông dân bận rộn như những ngày Tết. Nhìn chú Nguyễn Dũng trong bộ đồ vest sang trọng hối hả, vừa tắt máy xe, chú vội vã vác cuốc chạy ra cuốc đất. “Ngày Tết có vẻ bận rộn quá chú?”. Chú Dũng vừa thở vừa trả lời: “Cứ sáng mồng Một Tết phải lên nghĩa trang liệt sĩ viếng hương, rồi tranh thủ về băm đất để tý có đoàn khách đến học trồng rau”.

Chú Dũng, người cựu chiến binh vừa dứt lời, chú Ngô Năng làm rau gần đó châm chọc: “Làm nhiều rứa tiền để ở mô cho hết?”. “Nói thì nói vui rứa thôi, chứ cái nghề mà, từ khi sinh ra theo cha theo mẹ ra đồng. Tuổi thơ cũng lớn lên trên đồng rau, rồi đi bộ đội, qua Campuchia cũng nhớ cái gàu trên vai gánh nước tưới rau. Ra quân trở về cũng quanh quẩn với rau. Mấy năm trời dịch Covid hành hạ, chừ có khách du lịch đến thăm làng rau, họ học cách trồng, mừng, vì mình có thêm thu nhập càng vui hơn”, chú Dũng chia sẻ.

Nói về thu nhập trồng rau của người làng Trà Quế, chú Năng thổ lộ: “Nói thiệt chứ có đời nhà ai làm nông mà giàu mô có. Như sào đất canh tác rau quanh năm cũng giỏi lắm kiếm được vài chục triệu đồng là cùng. Người mô may mắn có các tour du lịch kiếm thêm vài chục nữa. Còn không cũng đủ tiền chợ búa”.

3. Từ khi Hội An đưa làng rau Trà Quế vào khai thác du lịch, nơi đây trở nên nổi tiếng. Làng rau trở thành sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An, thu hút du khách khắp nơi trên thế giới đến trải nghiệm. Diện mạo của làng cũng phát triển theo chiều hướng dịch vụ du lịch, vẫn giữ được nét cũ xưa. Chỉ có khác là làng trở thành trung tâm lưu trú và nhà hàng. “Làng đẹp, rau nơi đây sạch và rất thơm, phong cảnh thật yên bình, được sông bao bọc quanh làng, không khí trong lành”, chị Etta James - du khách Anh lưu trú ăn Tết Việt tại làng nhận xét.

Nơi đây, nếu người lạ đến chắc sẽ ngạc nhiên, bởi một vùng quê nhỏ mà có hơn 40 villa, gần 30 nhà hàng, chủ yếu phục vụ khách Tây. Các chủ villa cho hay, khách Tây rất thích đến đây ở. Sau khi về, họ giới thiệu bạn bè đến ở tiếp. Vì thế, làng lúc nào cũng vui nhộn.  Chính vẻ đẹp và sự thanh bình của làng rau đã thu hút du khách đến tham quan, lưu trú và trải nghiệm, mê hoặc nhiều du khách trẻ ở châu Âu đến thuê nhà ở rồi tìm việc làm tại Hội An. Đôi bạn trẻ Jordan và Clémence gắn bó với mảnh đất lành nơi đây chia sẻ: “Năm 2017, chúng tôi đến thăm một người bạn ở Đà Nẵng quen thân khi bạn ấy du học tại Pháp. Sang Việt Nam, chúng tôi đi tham quan hết từ đầu đến cuối, nơi đâu cũng đẹp. Nhưng Trà Quế là nơi chốn đẹp và bình yên để chúng tôi chọn dừng chân”.

Những ngày Tết, trên đồng rau lúc nào cũng lô nhô những ông Tây bà đầm trong bộ bà ba nâu đội nón lá ra đồng cuốc đất, trồng rau, người tập gánh nước tưới rau không quen trượt ngã, nhìn rất ngộ nghĩnh. Chị Mỹ, người chuyên dạy Cooking Class (dạy khách nước ngoài học nấu các món ăn Việt) ở Hội An cho biết: “Đến nay là năm thứ 18 tôi chuyên dẫn khách châu Âu đến làng rau, nhưng chỉ ngày thường. Chỉ vài năm gần đây, ngày Tết mới đưa khách ra Trà Quế, trừ những năm dịch”.

Du khách học cách trồng rau.

Các hướng dẫn viên của các hãng lữ hành quốc tế cho biết, năm nay, lượng khách Âu đến Việt Nam rất đông. Từ khi được nhà nước nới lỏng và cấp thị thực lên 90 ngày, lượng khách Âu đăng ký đến Việt Nam tăng cao. Có đến gần 60% họ chọn Hội An là điểm đến chính và lưu trú nhiều ngày nhất, còn những điểm du lịch khác trong nước, họ chỉ lướt qua.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho biết, năm 2023 lượng khách du lịch đến với Trà Quế chưa đông bằng những năm trước dịch Covid, tuy còn khiêm tốn nhưng tiền bán vé tham quan từ làng rau thu về gần 1 tỷ đồng. “Xã đang làm văn bản trình lên HĐND thành phố để xin cơ chế chia phần trăm cho bà con trồng rau. Tiền được trích từ nguồn bán vé tham quan làng rau, để bà con có thêm thu nhập và gìn giữ nét văn hóa cùng nghề trồng rau”, ông Hùng cho biết.

Tôi nhìn những người nông dân nay đều ở cái tuổi sáu đến bảy mươi, một nắng hai sương, bao đời bám chặt với đất, với rau nhưng gương mặt rạng ngời như chứa niềm tin vào năm mới đầy hy vọng./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận