Cửa tiệm đặc biệt của Hằng

Tại chuỗi tạp hóa xanh Limart - Zero Waste có rất nhiều dự án cộng đồng thú vị, truyền cảm hứng bảo vệ môi trường đến mọi người.

 

Chuỗi tạp hóa xanh tại TP.HCM mang tên Limart - Zero Waste chỉ bày bán những vật phẩm phục vụ cho nhu cầu “sống xanh”. Không những thế, tại đây có rất nhiều dự án cộng đồng thú vị, truyền cảm hứng bảo vệ môi trường đến mọi người.

Những chiếc túi tái chế

Tại Limart, sản phẩm khiến nhiều người quan tâm nhất là túi thời trang làm từ nylon tái chế. Ban đầu, khách hàng chú ý vì túi thiết kế đẹp, đủ kích thước, tiện dụng và màu sắc độc đáo. Thế nhưng, khi nghe nhân viên tư vấn giới thiệu về xuất xứ cùng cách tạo ra những chiếc túi lạ đời, nhiều người bắt đầu tò mò, thích thú. Họ không tin những mẩu nylon cũ nhàu thường bị mọi người thẳng tay vứt bỏ có thể tạo nên những chi tiết đẹp trên chiếc túi thời trang.

Tại khu vực làm túi thời trang từ nylon tái chế, ba nhân sự yếu thế đang cùng nhau làm việc.

Phạm Thị Kim Hằng (29 tuổi) - người đang điều hành chuỗi tạp hóa xanh sau 5 năm gầy dựng kể, cuối năm 2019, trong một lần đọc thông tin trên mạng và biết môi trường sống đang chịu tác động ngày càng tiêu cực từ rác thải nhựa, chị muốn làm một điều gì đó. Thu gom chai nhựa? Thu gom rác?... Giải pháp nào cũng khó khả thi cho một mô hình khởi nghiệp rất nhỏ mà Hằng đang nắm trong tay. Vậy rồi, chị nghĩ đến việc tạo ra sản phẩm thân thiện giúp tận dụng tối đa nguồn nylon đã sử dụng tại các hộ gia đình.

Phấn khởi với ý tưởng sáng tạo của bản thân được vài ngày, lúc chuẩn bị bắt tay vào việc thu gom nylon, Hằng nhận ra mình chưa biết gì về phân loại rác thải nhựa, cách xử lý nylon tốt nhất hay thiết kế và may một chiếc túi thời trang với nylon thì cần chuẩn bị những gì. Cô nàng 9X bắt đầu việc học để thực hiện cho bằng được dự án này. Chị dành nhiều thời gian lên mạng internet tìm hiểu về rác thải nhựa, nylon với mong muốn tìm ra phương pháp xử lý khoa học và hiệu quả nhất. Học cắt may, tìm hiểu về thiết kế xong chưa đủ, chị còn ra tận ngoài Bắc học cách dệt thủ công rồi gom toàn bộ tiền tiết kiệm mua về khung dệt tay rất lớn. Có máy ở nhà, chị bắt đầu mày mò cách dệt nylon. Đây là quá trình mất nhiều thời gian nhất. Bạn bè nhìn cách Hằng say sưa bên đống nylon khẽ lắc đầu, tự hỏi “Sao tự làm khổ mình đến vậy?”.

Tiệm tạp hóa Limart của Hằng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hướng dẫn tái chế rác thải nhựa.

Dệt vải thủ công đã khó, dệt nylon cũ còn gian nan hơn nhiều. Khung dệt được bổ sung thêm cái này, cái kia sao cho việc dệt nylon thuận tiện, hạn chế hư hỏng phải bỏ đi. Nylon sau khi thu gom về, Hằng cắt nhỏ thành sợi, đưa vào máy dệt thành tấm trang trí cho túi. Ngày chiếc túi thời trang từ nylon tái chế đầu tiên thành hình sau hơn 2 năm tìm tòi, làm đi làm lại, Hằng mừng lắm, khoe khắp nơi. Thế nhưng, khi tung sản phẩm ra thị trường và háo hức chờ ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, điều chị nhận về chỉ là sự lặng im. Bao công sức chuẩn bị không thu được kết quả như mong muốn, Hằng buồn và đôi chút thất vọng. “Nhưng đó cũng là lúc tôi học cách nghĩ khác đi, bước ra vùng an toàn lâu nay và đầu tư mọi thứ kỹ càng hơn. Chiếc túi đầu tiên quá đơn giản, không làm bật được nét độc đáo của nylon sau khi tái chế. Tôi bắt đầu lại mọi thứ và thay đổi sao cho sản phẩm vừa đẹp, vừa ấn tượng. Cuối cùng, mọi cố gắng đã được đáp đền. Túi nylon tái chế hiện đang là sản phẩm bán chạy nhất của hệ thống. Tôi hạnh phúc khi mọi người phản hồi rất tốt và đánh giá cao ý tưởng tái chế này”, Hằng cho hay.

 Hoàn chỉnh các công đoạn, Hằng bắt tay vào tập huấn cho nhân viên để mọi người triển khai dự án. Sau gần 1 năm tung ra thị trường, đến nay, gần 20.000 túi thời trang làm từ nylon tái chế của công ty Hằng đã được tiêu thụ. Những chiếc túi có giá bán từ 79.000 đồng đến 450.000 đồng nhận về nhiều lời khen cho tính thời trang, tiện dụng và yếu tố bảo vệ môi trường. Mỗi chiếc túi nylon dệt như thế sẽ tái tạo vòng đời cho 15 - 30 chiếc túi nylon đã qua sử dụng. Chỉ riêng từ năm 2021 đến nay, công ty của chị đã tái chế được hơn 2 tấn nylon đã qua sử dụng. Phần nylon dư ra sau khi làm túi nylon dệt sẽ chuyển sang làm chất liệu cho túi nylon ép, giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường. Túi nylon ép làm đơn giản, phối nhiều mẫu hơn nên dễ dàng đáp ứng các đơn hàng số lượng lớn. Doanh thu nhờ vậy tăng lên, khách hàng cũng có thêm nhiều chọn lựa.

Gần 80% thành viên của chuỗi tạp hóa xanh Limart - Zero Waste là người khuyết tật.

Không dừng lại ở việc kinh doanh túi tái chế, tại các tiệm tạp hóa trong chuỗi hệ thống, Hằng tổ chức nhiều buổi hướng dẫn làm túi từ nylon đã qua sử dụng theo cách đơn giản nhất. Các buổi hướng dẫn đều miễn phí. Nhiều người tìm đến chỉ vì tò mò nhưng khi trở về lại gật gù với ý tưởng và bắt đầu chuẩn bị mọi thứ để có thể tự làm chiếc túi tái chế của riêng mình. Hằng vui với những điều bé mọn mình đã làm vì chị tin rằng thêm một người bớt thải rác, môi trường sẽ trong lành hơn. Hằng cho biết bản thân đang ấp ủ khá nhiều dự định và sẽ triển khai dần trong hai năm tới nhằm truyền cảm hứng “sống xanh” đến cộng đồng.

Các cộng sự đặc biệt

Hệ thống tạp hóa xanh của Hằng bày bán 100% các sản phẩm thân thiện với môi trường. Có món Hằng lên ý tưởng để cộng sự cùng nhau sáng tạo, có món chị tìm mua từ các kênh uy tín về bày biện, giới thiệu đến mọi người. Tại các không gian trưng bày, yếu tố tái chế luôn được ưu tiên. Nhìn chiếc kệ đẹp mắt làm từ can nhựa trắng thu mua của các cô ve chai, ai cũng hỏi cách làm. Tái chế nhưng vẫn đẹp mắt, tiện dụng nên Hằng nhận về khá nhiều lời khen từ cộng đồng. Bên cạnh việc thu gom nylon đã qua sử dụng tại hệ thống cửa hàng, Hằng còn thiết kế nhiều dự án cộng đồng để kết nối những người có cùng mối quan tâm. Bịt mắt làm nến, tự tạo các sản phẩm xanh phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, sáng tạo sản phẩm từ rác… Buổi hướng dẫn nào cũng đông vui, rộn ràng.

Thế nhưng, điều khiến mọi người ấn tượng nhất khi đến các cửa tiệm lại chính là nhân viên nơi đây. Công ty của Hằng hiện có 15 thành viên thì gần 80% là người khuyết tật. Vận hành hệ thống tiệm tạp hóa xanh là phần việc Hằng giao cho các nhân viên khiếm thị. Để cộng sự đảm đương tốt từ khâu tư vấn, kinh doanh đến chăm sóc khách hàng, chị dành rất nhiều thời gian hướng dẫn, quan sát và đồng hành. Ngày được nhận vào làm cửa hàng trưởng tại quận 7, Thư vừa vui vừa sợ. Là cô gái duyên dáng, chịu thương chịu khó và ham học hỏi nhưng khả năng di chuyển, quan sát và làm việc của Thư bị hạn chế do thị lực kém.

Các bạn khiếm thính và điếc với sản phẩm túi tái chế từ ny-lông.

Những ngày đầu làm quen với cửa hàng, cũng như bao người khiếm thị khác, Thư lóng ngóng, làm rơi cái này, đổ cái kia. Nhưng rồi nhờ sự hướng dẫn và động viên từ Hằng, Thư tập tành từng việc nhỏ, làm quen với mỗi góc trưng bày đến khi thuộc nằm lòng mọi thứ. Về sau, Hằng đưa Thư sang làm quản lý chính tại xưởng để cùng mình đồng hành với các cộng sự đặc biệt khác. Cách đây không lâu, khi cửa tiệm tạp hóa mới của Limart khai trương tại quận 1, Thư trở thành người “cầm tay chỉ việc” cho một nhân sự khiếm thị mới. “Được tin tưởng, được giao việc và được lắng nghe, em và nhiều bạn khuyết tật khác cảm nhận rõ sự thương yêu của chị Hằng khi gắn bó với công ty. Càng ý nghĩa hơn khi công việc nuôi sống tụi em lại có tác động tốt đến môi trường”, Thư vui vẻ cho hay.

Nhìn cách Thư chia sẻ kinh nghiệm làm việc với đồng nghiệp mới, Hằng mỉm cười, biết mình đi đúng hướng. Khi bắt đầu mô hình khởi nghiệp này, điều Hằng luôn muốn làm là tạo không gian làm việc chuyên nghiệp và thu nhập ổn định cho người khuyết tật.

Dẫn khách dạo một vòng tham quan cửa tiệm tạp hóa mới, Hằng khoe từng ý tưởng của nhân viên. Chị nói, chọn điều hành công ty với phần lớn nhân sự là người khuyết tật, ban đầu sẽ rất khó khăn, lắm lúc kiệt sức vì phải học quá nhiều thứ, gánh thêm nhiều việc. Nhưng khi dành thời gian tìm hiểu kỹ khả năng và tính cách từng nhân sự, biết thế mạnh điểm yếu của mỗi người rồi phân đúng chỗ, công việc nhờ vậy mà suôn sẻ, hiệu quả hơn rất nhiều. Như việc phân loại, xử lý và dệt, ép nylon, Hằng phân cho ba nhân sự điếc và khiếm thính.

Thịnh là chàng trai có mức khuyết tật nhẹ nhất trong ba người thuộc nhóm xử lý nylon nên em thường được chọn giao tiếp với các anh chị điều hành công ty rồi chia sẻ thông tin với hai đồng nghiệp. Cả không gian làm việc của ba anh em luôn “đinh tai nhức óc” với tiếng động cơ máy dệt, người bình thường khó có thể ngồi được. “Vậy mà, ba anh em ngồi vui vẻ cả ngày không sao. Khi đặt người khuyết tật vào đúng vị trí giúp họ phát huy tốt nhất các điểm mạnh, chúng ta sẽ bất ngờ. Điều tôi thấy rõ ở các cộng sự yếu thế của mình là các bạn luôn nỗ lực làm việc và học hỏi. Tôi còn học được ở các bạn tinh thần cống hiến. Khi đến phỏng vấn xin việc, các bạn không nhờ sự giúp đỡ, xin thêm chế độ mà luôn trình bày các ý tưởng đóng góp cho công ty, cho cộng đồng. Thực sự, tôi thấy bản thân quá may mắn khi có các cộng sự đặc biệt đồng hành”, chị Hằng chia sẻ./.

 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận