Trăn trở cây cao su trên đất Điện Biên

Cây cao su Điện Biên được kỳ vọng trở thành cây công nghiệp chủ lực, giúp địa phương này nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân.

 

Sau hơn 10 năm bén rễ tại các tỉnh Tây Bắc nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng, cây cao su đã dần phát triển ổn định, kỳ vọng trở thành cây công nghiệp chủ lực, giúp địa phương này nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.

Những tín hiệu mừng

Tại Điện Biên, cây cao su được trồng tập trung tại 6 vùng với tổng diện tích hơn 5.000ha (chiếm khoảng 43% diện tích cây công nghiệp dài ngày). Từ năm 2017, diện tích trồng cao su đầu tiên bắt đầu cho khai thác mủ và sản lượng liên tục tăng lên qua các năm. Đến nay, 41% tổng diện tích cây cao su hiện có đã cho khai thác với tổng sản lượng mủ đạt gần 1.000 tấn/năm. Cây cao su đã từng bước tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cây cao su Điện Biên đã mang lại công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân Điện Biên.

Là địa phương đi đầu trong phong trào trồng, chăm sóc và phát triển cây cao su, đến nay xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đã có trên 530ha cây cao su, trong đó có khoảng 380ha đã cho khai thác mủ ổn định. Anh Lò Văn Chựa, Trưởng bản Tin Tốc cho biết: Năm 2008, theo chủ trương góp đất trồng cây cao su của tỉnh, 70 hộ dân của bản đã góp gần 100ha đất nông nghiệp để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bằng cây cao su. Sau hơn 8 năm, diện tích cao su của bản và xã, cũng là những diện tích cao su đầu tiên của tỉnh Điện Biên cho thu hoạch. Hiện nay, cây cao su tại Tin Tốc vẫn đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng và chất lượng mủ ổn định. Từ khi góp đất, tham gia trồng cao su, đời sống của dân bản có chuyển biến rõ rệt. “Tôi làm công nhân cạo mủ thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, mua được nhiều tiện nghi sinh hoạt trong nhà. Tỷ lệ hộ nghèo ở bản Tin Tốc giảm từ 100% năm 2008 nay chỉ còn 61%”, anh Chựa cho hay.

Còn chị Phạm Thị Phương ở bản Huổi Chan 1 cho biết, từ khi đi làm công nhân cao su, chị đã có thu nhập ổn định hơn so với làm nông nghiệp, bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng, lại có thời gian để làm việc nhà, chăn nuôi lợn gà.

Tại huyện Tuần Giáo, diện tích trồng cao su đạt gần 1.440ha, với sự tham gia của trên 1.340 hộ góp đất. Anh Lò Văn Hoan, ở bản Nà Sáy 1, xã Nà Sáy chia sẻ: Trồng cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với nương lúa, ngô. Đi khai thác mủ, thời gian đi làm từ 5 - 8 tiếng, lương được 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Nông trường cao su Tuần Giáo cho biết: “Hiện nay, để thu hút thêm nhiều hộ gia đình góp đất trồng cây cao su, đơn vị đang phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy cho người dân, tạo tiền đề cho việc ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất, mang lại niềm tin cho người dân trong vùng dự án. Với các hộ dân góp đất, UBND huyện đã làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Đến nay còn khoảng 200 hộ đang tiếp tục rà soát làm sổ đỏ để được nhận 10% tiền giá trị sản phẩm thu được từ mủ cao su”.

Hiện Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã ký hợp đồng lao động với hơn 600 công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và hơn 150 lao động nhận khoán khai thác mủ cao su, với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số còn được công ty hỗ trợ trồng xen canh trên đất cao su; hỗ trợ tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện thu nhập.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho biết: Trong điều kiện khó khăn như hiện nay nhưng chúng tôi rất quan tâm và đảm bảo việc làm, thu nhập cho những lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Bất cập phương án phân chia sản phẩm

Từ khi dự án trồng cây cao su được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã mở ra cơ hội việc làm và cuộc sống no ấm cho người dân. Mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống. Thế nhưng đến nay, người dân góp đất trồng cao su vẫn chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn vì chưa được chi trả tiền lợi tức từ việc góp đất, hoặc tiền chi trả còn thấp. Việc phân chia lợi nhuận bằng 10% giá trị sản phẩm thu được từ mủ cao su cho người dân góp đất với doanh nghiệp trồng cao su vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, khiến một số hộ dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc trồng cây cao su nên chưa tham gia trồng, chăm sóc cây cao su.

Ông Lù Văn Mấng, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: “Hơn 80 hộ gia đình trên địa bàn tham gia làm công nhân trong đội hiện đều có thu nhập ổn định, đời sống khấm khá. Người lao động được đóng bảo hiểm, hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật. Điều trăn trở nhất là hiện nay dù số lượng mủ khai thác tương đối nhiều, song người dân góp đất trồng cao su tại xã vẫn chưa được hưởng tiền phân chia theo giá trị sản phẩm, hoặc có thì rất thấp”.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho hay, theo biên bản ký kết, tỷ lệ ăn chia sản phẩm theo mủ cao su tươi. Tuy nhiên, khi bán lại là bán cao su sản phẩm, tức là mủ cao su khô, dẫn đến việc quy đổi vẫn chưa được UBND tỉnh Điện Biên thống nhất, vì thế, việc thống nhất về tỷ lệ ăn chia cũng chưa xác định được. UBND tỉnh và Tập đoàn Cao su Việt Nam thống nhất là xác định năng suất bình quân của từng huyện, thị làm cơ sở ăn chia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh thắc mắc giữa người dân các địa phương. “Chính vì vậy, chúng tôi đang kiến nghị UBND tỉnh thống nhất với Tập đoàn Cao su điều chỉnh lại là tính theo năng suất bình quân của toàn tỉnh để tránh việc người dân so bì”, ông Chinh nói.

Về phía Công ty cổ phần cao su Điện Biên, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Công ty đã chi trả tạm ứng 80% giá trị sản phẩm theo mức tạm tính giá mủ khô năm 2017, với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Sau khi đánh giá được năng suất, sản lượng mủ cao su khai thác thì tháng 6/2018, Công ty đã gửi hồ sơ, giấy tờ, phương án tính giá sang Sở Tài chính để thẩm định giá. Trên cơ sở đó, Công ty tiến hành chi trả toàn bộ tiền lợi tức cho người dân góp đất trồng cao su năm 2017. Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Điện Biên cho hay: “Chúng tôi đã chi  tạm ứng 80% cho dân. Khi Sở Tài chính thẩm định xong giá chúng tôi chi tiếp 20% còn lại cho dân. Năm 2018, chúng tôi cũng đã trình phương án, dự kiến nếu xong thì có thể chi trả sản phẩm của năm 2018 vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này”.

Ông Ngô Xuân Chinh cho biết: Để đảm bảo các quyền lợi về kinh tế cho người dân tham gia góp đất, chúng tôi đã đề nghị Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh Điện Biên xem xét làm việc thống nhất với Tập đoàn Cao su để làm rõ một số vấn đề về giá thành sản phẩm cao su cũng như tỷ lệ ăn chia quy đổi từ cao su tươi về cao su mủ dạng khô để làm cơ sở tính toán phân chia quyền lợi của người dân khi tham gia góp đất trồng cao su”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên, còn một khó khăn tồn tại trong việc quản lý các diện tích cao su là vấn đề địa hình. Việc khai thác mủ cao su diễn ra nhiều đợt, do đó, việc giám sát năng suất, sản lượng mủ cao su gặp nhiều khó khăn. Nhiều người dân vẫn băn khoăn không biết những diện tích góp đất trồng cao su của họ cho sản lượng bao nhiêu. Do đó, trước mắt, tỉnh sẽ đề nghị các địa phương cùng tham gia giám sát sản lượng mủ cao su khai thác được.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho rằng: Cây cao su có rất nhiều dòng nên việc giám sát về năng suất, sản lượng mủ vẫn gặp một số khó khăn liên quan đến chu kỳ, năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tỉnh và Tập đoàn sẽ phải có buổi làm việc để thống nhất vấn đề tổ chức thực hiện, phát triển và mở rộng quy mô./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận