Trở lại đường 20 Quyết Thắng

Tháng 5/2019, tôi cùng hơn 100 cựu thanh niên xung phong (TNXP) Thanh Hóa trở lại chiến trường xưa - Đường 20 Quyết Thắng.

 

Vấn đề phiên hiệu và chính sách cho cựu TNXP cứ ám ảnh tôi. Vì sao lâu rồi chưa được giải quyết dứt điểm? Những người lính già TNXP sắp "đi" cả rồi...

Huyền thoại Đường 20 Quyết Thắng

Điểm đầu tiên của con đường 20 là điểm bắt đầu của khu du lịch nổi tiếng thế kỷ XXI: Phong Nha Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng... Con đường 20 để lại 5 nghĩa trang TNXP, trong đó chúng tôi đến viếng 3 nghĩa trang ở tỉnh Quảng Bình: Nghĩa trang TNXP Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh); nghĩa trang Thọ Lộc (huyện Bố Trạch) và nghĩa trang Tân Ấp (Tuyên Hóa). Ba nghĩa trang ấy cùng chung một điểm đặc biệt là có nhiều liệt sĩ quê ở Thanh Hóa và hy sinh cùng một ngày.

Trước năm 1965, chưa có đường 20. Miền Bắc chi viện cho miền Nam theo đường Trường Sơn độc tuyến. Mùa mưa, xe qua Xeng Phan (Lào), đường  ngập trong nước, vận tải vào Nam bị cắt suốt mấy tháng. Cấp bách, Bộ Tư lệnh 559 quyết định mở tuyến vượt khẩu thứ hai: Đường 20 Quyết Thắng tránh Xeng Phan, phá thế độc tuyến. Sau hơn 3 tháng quyết liệt, ngày 14/4/1966, Đường 20 Quyết Thắng khai thông, dài 125km. Bắt đầu những huyền thoại: Hang Tám cô, Hang Y tá Nguyễn Thị Sặng, anh hùng phá bom nổ chậm Nguyễn Thị Liệu...

Các cựu TNXP Thanh Hóa viếng đồng đội tại nghĩa trang TNXP Vạn Ninh, Quảng Bình.

Huyền thoại về Hang Tám cô, người ta nói nhiều rồi. Khách du lịch chưa đến đây nhầm tưởng họ là người Quảng Bình hay người Nghệ An anh hùng. Nhưng tất cả đều là người Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Mà không phải là 8 cô gái, có cả con trai và tuổi đều từ 18 - 20. Hang Tám cô, nơi hy sinh của 8 TNXP Thanh Hóa ngày 14/11/1972, mà bom Mỹ đánh, bị kẹt trong hang đến 9 ngày sau vẫn còn sống, vẫn kêu cứu nhưng không có cách nào cứu được họ. Hang Tám cô! Huyền thoại cho sân khấu, phim ảnh, tiểu thuyết nhiều rồi. Mười cô gái TNXP Đồng Lộc hy sinh. Người đời sau đã dựng tượng. Con đường 20 Quyết Thắng có hàng trăm TNXP Thanh Hóa hy sinh ở đây, có ngày mấy chục người hy sinh. Cần dựng tượng họ để muôn đời sau thấy những anh hùng TNXP lồng lộng trên bầu trời Đường 20.

Hang Y tá, hay còn gọi là Hang chị Sặng, đã thành huyền thoại. Anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, kể: "Chị Sặng thuộc đơn vị C211, người phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa. Chị làm y tá, cấp dưỡng. Khi máy bay đến, TNXP trú ở hang ven đường 20, nơi chị Sặng chăm sóc, băng bó thương binh. Lính lái xe và TNXP gọi là hang y tá. Chị Sặng hy sinh ở đây năm 1972. Sau này rất nhiều huyền thoại về chị. Hang Chị Sặng quen thuộc và thiêng liêng với TNXP và lính lái Trường Sơn đến nỗi lái xe qua đây, từ Bắc vào hay từ Nam ra, đều dừng xe thắp hương cho chị, mong chị phù hộ cho xe an toàn. Nhà bia này là lính lái xe và anh em giao thông quyên góp tiền dựng để thờ chị...”. Họ đã khởi xướng việc làm hay, xây miếu thờ một y tá bình thường nhưng đã có hành động, việc làm anh hùng, nhân văn, đã băng bó vết thương cho họ để họ lái xe mang vũ khí cho bộ đội đánh giặc. Những người lính lái xe, người này bảo người kia, kể cho nhau nghe về chị Sặng. Họ tôn thờ chị như thờ thần hộ mệnh. Chị Sặng được nhân dân, chiến sĩ ở Đường 20 gọi là Nữ chúa rừng xanh. Hiện nay, mộ chị đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, nhưng tên chị vẫn còn trên Đường 20 và đã thành huyền thoại.

Anh Lê Mạnh Dũng, TNXP Thanh Hóa thời kỳ 1971-1972, người cùng đi trong đoàn, kể lại: "Chị Sặng cùng đơn vị với tôi, C211, đội N75. Một ngày đầu tháng 9/1972, lệnh trên là tiếp tục hạ dốc Ba Thang Đường 20 để thuận tiện cho xe ta vào chiến trường đỡ phải leo dốc. Sáng, sau khi hạ dốc Ba Thang xong, buổi chiều Mỹ biết, ném bom luôn. Đường mới, đất mới khác màu, địch phát hiện rất nhanh. Lệnh trên phải sơ tán ngay vào rừng sâu. Nhưng hôm sau, chưa kịp ổn định chỗ ở, máy bay lại đánh chỗ sơ tán. Chị Sặng hy sinh đúng hôm đó. Sau chiến tranh, đơn vị tôi về thăm lại Đường 20 thì ngay cửa Hang chị Sặng, thấy một bia đá có tên: “Y tá Nguyễn Thị Sặng, hy sinh ngày... tháng 9 năm 1972, quê Thanh Hóa. Họ tên, địa điểm hy sinh là chính xác nhưng mộ chị thì đã được đưa về quy tập ở nghĩa trang Thọ Lộc (Quảng Bình) chứ không phải ở nơi đặt bia”.

Anh Nguyễn Hữu Oanh, sinh năm 1950, đơn vị TNXP 115, đơn vị anh hùng, kể lại: "Sáng 27/10/1967, đơn vị tôi ra mặt Đường 20. Không may, toàn đơn vị bị lộ. Máy bay Mỹ đã tập trung hỏa lực dội bom bi, làm hầu hết TNXP bị hy sinh. Cứu thương cấp cứu không kịp. Nhiều người bị thương không nặng nhưng máu chảy nhiều quá mà chết. Tối hôm ấy, chôn cất đồng đội xong, những người còn lại trở về lán trại trong rừng. Nhìn hai chảo cơm to, nấu xong còn nguyên. Nhiều người sáng ra mặt đường, tối không về nữa. Những người ngồi vào mâm không ai cầm được nước mắt, họ lại đứng dậy. Làm sao nuốt nổi cơm khi đơn vị vơi người đi quá nhiều... Vào sạp trong lán còn tang thương hơn. Những ô nằm của đồng đội như những ô ăn quan trò chơi thời trẻ. Những chiếc màn màu xanh rủ xuống là có người ngủ, những sạp không bỏ màn là những đồng đội đã không bao giờ về nữa. Đếm bao nhiêu màn không bỏ xuống sạp là biết bấy nhiêu người đã hy sinh".

 

Bao giờ có chính sách cho TNXP tình nguyện?

Trong đoàn đến viếng 3 nghĩa trang TNXP kể trên đều có những người bạn của các cựu TNXP. Trong 100 người đi viếng thì 2/3 là nữ TNXP. Xem tên ghi trên bia mộ có tên bạn chiến đấu là họ bật khóc. Đến nghĩa trang Tân Ấp, một chị cựu TNXP khóc bạn gái: "Th. ơi, hôm ấy đáng lẽ mi không chết nhưng mi xung phong ra mặt đường thay cho tau vì tau đến tháng, mà mi chết. Hu hu...". Tôi không kìm được nữa, bật khóc!

Nhiều câu chuyện TNXP trên Đường 20 Quyết Thắng được thêu dệt với những tình tiết ly kỳ... Những TNXP cùng đi trong đoàn đã đính chính lại, chân thực hơn. Nhưng rồi tôi nghĩ khác. Khi những người anh hùng TNXP đã thành huyền thoại, họ sống mãi trong lòng dân tộc dù trên Đường 20 Quyết Thắng hay những cung đoạn khác trên đường Trường Sơn thì không chính xác một chút cũng không quan trọng. Chỉ cần biết rằng họ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Trong chuyến về lại Đường 20, vấn đề phiên hiệu và chính sách cho Thanh niên tình nguyện Thanh Hóa cứ mãi ám ảnh tôi. Trước khi chia tay Đường 20 Quyết Thắng, trò chuyện với anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa, tôi được biết, có 3 vấn đề cấp bách nhất với TNXP Thanh Hóa hiện nay là: Phiên hiệu TNXP tình nguyện, chính sách cho phiên hiệu đó và một số trường hợp về thương binh - liệt sĩ. Thanh Hóa có nhiều TNXP được huy động đi làm nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng kinh tế nhưng lại mang phiên hiệu khác và có tên là Thanh niên tình nguyện. Bản chất họ làm nhiệm vụ TNXP nhưng chính vì phiên hiệu khác nên chính sách cho họ theo TNXP sau này rất khó giải quyết. Về thương binh - liệt sĩ, còn một số trường hợp thanh niên tình nguyện đi làm đường bị đất đá lấp mà hy sinh hay bị thương nhưng chứng minh chưa rõ ràng nên chưa được giải quyết.

Tôi hỏi anh Sơn: - Đã báo cáo tỉnh chưa? Anh Sơn trả lời: Hội đã báo cáo UBND tỉnh và Sở Nội vụ, nhưng còn chờ ý kiến của trên.

Một cựu TNXP đứng sau tôi nói: Còn chờ đến bao giờ nữa, họ sắp "đi" cả rồi.

Tôi giật mình quay lại. Bác TNXP nói tiếp: Nhiều Thanh niên tình nguyện đã ngoài 70, bao năm không có chế độ gì. Khi viết đơn xin đi TNXP, họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Đi phục vụ Tổ quốc. Câu nói ấy như một lời đề nghị cấp trên: Chính sách dù ít thôi nhưng cần có ngay như một lời tri ân, kẻo họ đã sắp "đi" rồi.

Tôi nghĩ rộng ra. Thanh Hóa thì biết rồi, còn các tỉnh khác thì sao? Nhiều năm, Bộ Giao thông Vận tải có Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, nhưng quĩ ấy chỉ là hỗ trợ. Tôi hỏi anh Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội TNXP Trung ương, anh nói rằng: Về cơ bản, chính sách TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết ổn thỏa, chỉ còn một số rất ít tồn đọng. Ít là bao nhiêu? Riêng Thanh Hóa còn 25.000 TNXP mang tên Thanh niên tình nguyện, con số ấy không ít!./.

Đến năm 2019, về cơ bản chính sách chế độ cho TNXP chống Pháp và chống Mỹ đã giải quyết, nhưng còn tồn đọng chưa giải quyết chính sách được là hơn 25.000 người có liên quan đến phiên hiệu. Trong số thanh niên tình nguyện đó, có 9.772 người đi trước 30/4/1975 và 15.500 người đi sau 1975.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận