Bay lên 'vương quốc tỏi'

Với tôi, mỗi lần đến Lý Sơn đều có cảm xúc mới mẻ như lần đầu bởi sự 'thay da đổi thịt' rõ rệt của mọi mặt đời sống người dân.

 

Với tôi, mỗi lần đến Lý Sơn đều có cảm xúc mới mẻ như lần đầu bởi sự “thay da đổi thịt” rõ rệt của mọi mặt đời sống người dân. Chỉ có một điều dường như không hề thay đổi, ấy là cái tình hồn hậu, dạt dào như sóng biển của người dân huyện đảo.

Tháng 6/2019, huyện Lý Sơn lần đầu tổ chức lễ hội bay dù lượn trên đỉnh núi Thới Lới. Ảnh: T.C

“Vạn lý Hoàng Sa”

Sau tiếng còi chuyển bến, chuyến tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ chỉ mất chừng hơn 30 phút đạp sóng đè gió lướt đi trên sóng biển dập dềnh đã cập bến Lý Sơn. Tôi nhớ hơn 10 năm trước, khi lần đầu tiên ra đảo Lý Sơn, chuyến đi bằng tàu cá mất hơn 3 tiếng vật lộn với sóng, với gió mới vượt qua 16 hải lý từ cảng Sa Kỳ ra đảo.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất nằm ở phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Huyện gồm 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi khác là An Bình. Hòn Mù Cu ở phía đông, nằm sát Đảo Lớn, là đảo nhỏ nhất và không có người ở.

Đảo là vết tích còn lại của một ngọn núi lửa 5 miệng, được hình thành cách đây 25 đến 30 triệu năm. Diện tích của huyện đảo khoảng 10km2 với trên 23 nghìn dân sinh sống. Lý Sơn chính là quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với những dòng họ hùng binh đã đi vào lịch sử xác lập chủ quyền của nước Việt ở Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

Tượng đài Hải đội Hoàng sa kiêm quản Bắc Hải. Ảnh: T.C

Tranh thủ tham quan huyện đảo một ngày trước khi khai mạc Tuần văn hóa du lịch biển đảo Lý Sơn, trong vai người dẫn đường, điểm đầu tiên tôi đưa đoàn đến thăm chính là Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - nơi ghi dấu lịch sử huyện đảo anh hùng.

Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải là cụm tượng đài được dựng bằng đá với đường nét và hình khối mạnh mẽ, hùng tráng hướng ra phía Biển Đông. Người cai đội oai phong, một tay chỉ thẳng về hướng biển, một tay chắc nịch đặt lên cột mốc chủ quyền với bốn chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai binh phu. Một người đứng dựng ngọn giáo uy nghi, can trường, mạnh mẽ. Người còn lại vắt tấm lưới trên cánh tay gân guốc chắc nịch. Phía sau tượng đài, trong nhà trưng bày là câu chuyện lịch sử về hành trình xác lập, khẳng định chủ quyền, chiến đấu bảo vệ biển đảo được kể lại qua từng hiện vật sinh động.

Chúng tôi lặng nhìn những hiện vật tái hiện hành trình của những binh phu vâng mệnh vua ra trấn thủ Hoàng Sa thuở trước. Bão tố, sóng gió, bệnh tật, đói khát… là những mối nguy thường trực mà họ phải đối mặt. Chết chóc là điều không thể tránh. Trên con thuyền buồm mong manh, hành trang của những binh phu chỉ là chiếc niêu đồng, đôi chiếu và mấy thanh tre để lúc sống thì trải ra nằm, khi chết thì đồng đội dùng bó xác thả trôi trên biển; chiếc thẻ bài ghi tên họ, quê hương bản quán chính là điều nhắn gửi cuối cùng để thi thể họ hoà vào muôn trùng sóng biển. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Lý Sơn nổi tiếng có nhiều mộ gió, là những ngôi mộ chiêu hồn cho người đi biển không trở về, chỉ có hình nhân thế mạng bằng đất sét.

Bãi tắm Hang Câu, một bải tắm đẹp bên ngoài cửa Hang Câu với những trầm tích núi lửa hàng triệu năm. Ảnh: T.C

Ở Lý Sơn, dù là tượng đài, chùa chiền hay di tích nào cũng đều có hướng quay ra biển. Chùa Hang, ngôi chùa trong hang đá với bức tượng Phật bà tay bắt quyết án ngữ phía trước hướng nhìn ra biển, tĩnh tại, từ bi như lời tụng cầu sự bình an cho những con người vẫn ngày đêm bám biển, giữ đảo tự ngàn đời.

Khám phá công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh

Sau khi thăm Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhóm chúng tôi thực sự bắt đầu hành trình khám phá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lý Sơn. Đó là những thắng cảnh được kiến tạo từ hoạt động phun trào của ngọn núi lửa từ cách đây hàng triệu năm về trước.

Chùa Hang thâm u, trầm mặc và ẩm ướt bởi những giọt nước trên trần thạch nhũ thỉnh thoảng nhỏ xuống. Chùa Đục thanh thoát, cao chót vót ngỡ chạm tới mây ngàn. Thắng cảnh Hang Câu chiều gần tàn, lòng người dịu lại trước biển trời lồng lộng. Thạch Cổng Tò Vò ríu ran những cặp đôi dìu nhau qua vòm cổng lô xô đá nhọn. “Tương truyền” rằng cặp nào dắt nhau đi trên vòm cổng gập ghềnh mà không buông nhau ra, cặp đó sẽ bách niên giai lão.

Lượn một vòng quanh huyện đảo bằng xe máy thuê tại khách sạn hoặc xe điện, đi hết những con đường trải nhựa bao quanh đảo, từ chân núi lên đỉnh Thới Lới cao nhất ở đảo lớn, dừng chân nhìn ra bốn xung quanh, những cánh đồng trồng hành - tỏi phủ mọi khoảng đất xung quanh từ chân núi ra đến mép nước. Hành, và đặc biệt là tỏi Lý Sơn là đặc sản có thương hiệu nổi tiếng từ lâu, là món quà trong hành trang trở về của mỗi du khách khi ra thăm đảo. Ở đây, 1kg “tỏi cô đơn” được bán với giá 1,2 triệu đồng; tỏi thường có giá 90 - 100 ngàn đồng/1kg; hành tím 30 - 50 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, tỏi chỉ trồng được mỗi năm một vụ từ tháng 10 đến tháng 3, còn lại hầu hết thời gian trong năm người dân chỉ trồng hành tím. Bởi vậy, dù biết tỏi Lý Sơn có chất lượng tốt, du khách sẵn sàng mua với giá cao nhưng cũng không dễ để mua.

Trồng hành tím trên đảo Lý Sơn. Ảnh: T.C

Hơn 10 năm trước, cả huyện đảo chỉ có 1 nhà khách là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, điện cấp theo giờ, thông tin liên lạc rất khó khăn, không có internet, đường giao thông trên đảo hầu hết là đường đất, bụi bặm. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm trở lại đây, những khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch phát triển mạnh mẽ, từ dịch vụ du lịch cộng đồng homestay đến những khách sạn 3-4* đang mọc lên ngày càng nhiều trên đảo. Được biết, năm 2018, Lý Sơn đã đón hơn 230.000 lượt khách du lịch và dự kiến năm 2019 đón khoảng 300.000 lượt khách.

Trao đổi với Giám đốc Sở VH-TT & DL Quảng Ngãi, ông Nguyễn Minh Trí chia sẻ, Tuần văn hóa du lịch biển đảo Lý Sơn lần thứ 2-2019 năm nay lấy điểm nhấn là Giải dù lượn mở rộng được tổ chức lần đầu tiên tại đỉnh núi Thới Lới huyền thoại đã thu hút nhiều VĐV trong nước và quốc tế đến bay trên bầu trời Lý Sơn để thưởng lãm một “vương quốc tỏi” giữa đại dương bao la, trên những ngọn núi lửa hùng vĩ và thơ mộng.

Phi công dù lượn Park Joon Seok đến từ Hàn Quốc bày tỏ cảm xúc ngỡ ngàng của anh khi lần đầu tới nơi được mệnh danh là Hawaii của Việt Nam, anh rất bất ngờ với cảnh đẹp ở đây và thực sự rất ấn tượng sau khi có chuyến bay đầu tiên trên bầu trời huyện đảo. “Ngay trong ngày đầu tiên đến Lý Sơn, tôi đã khám phá đỉnh Thới Lới, Hang Câu, Chùa Hang, Cổng Tò Vò… Sau 3 ngày tôi đã đi được gần hết các địa danh của Lý Sơn. Đảo nhỏ Lý Sơn thật yên bình như chính cái tên của địa danh này”. Park chia sẻ và cho rằng, với anh đây là điều may mắn khi được thực hiện những chuyến bay dù lượn ngay trên miệng núi lửa cách đây 30 triệu năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ông Lê Văn Ninh khẳng định, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, Lý Sơn đã tích hợp và lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa, phong tục tập quán cua người dân biển đảo, điển hình là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ đua thuyền truyền thống Tứ Linh, Lễ cầu ngư và những giá trị đặc sắc về địa chất của vùng lõi Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh…

Chiều tà, dưới ánh hoàng hôn thẫm đỏ, giữa lấp loáng bóng nước phản chiếu vẻ đẹp lạ kỳ của Cổng Tò Vò là những du khách trẻ đang mải mê khám phá. Vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ được tạo ra từ những hoạt động địa chất hàng chục triệu năm trước đang giúp Lý Sơn cất cánh, tạo cho Lý Sơn sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Hơn thế, ấn tượng tốt đẹp từ văn hóa, sự gần gũi, tình cảm của người dân biển đảo là chất keo níu chân du khách đã đến với Lý Sơn thì không thể không mong được quay lại nơi này.

Ở Lý Sơn, dù là tượng đài, chùa chiền hay di tích nào cũng đều có hướng quay ra biển. Chùa Hang, ngôi chùa trong hang đá với bức tượng Phật bà tay bắt quyết án ngữ phía trước hướng nhìn ra biển, tĩnh tại, từ bi như lời tụng cầu sự bình an cho những con người vẫn ngày đêm bám biển, giữ đảo tự ngàn đời.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận