Sự sống kỳ diệu của nữ điều dưỡng 'dính' SARS

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mến được coi là bệnh nhân thở máy duy nhất may mắn 'thoát chết' trong dịch SARS lịch sử cách đây 17 năm.

 

Giữa lằn ranh sự sống và cái chết, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mến, Bệnh viện Việt Pháp được coi là bệnh nhân thở máy duy nhất may mắn “thoát chết” trong dịch SARS lịch sử cách đây 17 năm.

Ký ức kinh hoàng

Khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới SARS-CoV-2 diễn biến khó lường, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động trong việc kiểm soát dịch một phần nhờ kinh nghiệm có được từ dịch SARS, MER CoV, cúm A H1N1… Cũng vào dịp này thì ký ức kinh hoàng về những ngày Bệnh viện Việt Pháp oằn mình chống chọi với dịch SARS - giành lại sự sống cho người bệnh lại trở về vẹn nguyên trong điều dưỡng Nguyễn Thị Mến - người may mắn sống sót.

Điều luôn khiến chị Nguyễn Thị Mến đau lòng khi 5 đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi trong dịch SARS năm 2003. (Ảnh: Quý Hoài)

Trò chuyện với phóng viên báo VOV trong căn phòng điều hòa của một bệnh viện hạng sang, một lúc chị Mến phải đứng lên chỉnh quạt gió cho dễ thở bởi hệ hô hấp ảnh hưởng rất nặng sau khi chị mắc SARS cách đây 17 năm. Chị bảo: “Phổi của mình giờ như đứa trẻ. Cứ vào chỗ bí gió lại khó chịu”.

Chị Mến kể: Khởi đầu vào ngày 26/2/2003, một bệnh nhân người Mỹ gốc Hong Kong tên Johny Chen vào Bệnh viện Việt Pháp khám khi có triệu chứng sốt và ho khan, giống như bệnh cúm thông thường nhưng bệnh tiến triển rất nhanh, ho và khạc đờm lẫn máu rất nhiều; 2 phổi trắng xóa chỉ sau vài ngày rồi bất tỉnh mặc dù trước đó thể trạng rất tốt. Ngày 5/3, những bệnh nhân đầu tiên của Bệnh viện Việt Pháp có tiếp xúc gần với bệnh nhân đã phải nhập viện trong đó có chị Mến với các triệu chứng giống ông Chen. Sốt cao, đau toàn thân trước khi chìm vào hôn mê, mọi người nhận định đó là bệnh mới lạ chứ chưa hề biết đến virus chết người mang tên SARS.

“Trong tuần đầu tiên bệnh nhân này đã lây sang 39 nhân viên y tế. Sau đó, tình hình lây lan tiếp tục gia tăng. Bệnh viện phải đóng cửa để chạy đua với thời gian, tập trung vào điều trị và dập dịch không để lây lan ra cộng đồng. 5 bác sĩ và điều dưỡng cả người Pháp và người Việt đã tử vong”, chị Mến rưng rưng kể.

Các y bác sĩ cùng chị Nguyễn Thị Mến chiến đấu giành giật lại sự sống năm 2003. (Ảnh: Facebook nhân vật) Sau nhiều ngày hôn mê, chị Mến tỉnh lại nhưng không thể nhận ra được cơ thể mình đã hoàn toàn thay đổi: cảm nhận chỉ còn như một vỏ xác mà thôi. Không thể nhúc nhích dù chỉ một cử động rất nhỏ, và rất khó thở; cảm giác như bị bóp nghẹt, như bị dìm xuống đáy sông mà không cố ngoi lên được.

“Lúc kiệt quệ muốn buông xuôi thì các đồng nghiệp đã liên tục động viên: Mến ơn cố lên, cố hít thở đi, cố lên. Chúng tớ đã cố hết sức rồi. Cậu phải cố lên. Nếu cậu chết thì công của chúng tớ xuống sông hết. Rồi chị điều dưỡng trưởng người Pháp ôm lấy đầu tôi và hét lên: “Đầu bạn đâu rồi, hãy nghĩ đến các con”. Lúc ấy, nghĩ tới đứa con út chưa đầy 6 tuổi, tôi lại gồng lên cố hít thở, thế rồi cũng đỡ dần, rút được máy thở”, chị Mến bồi hồi nhớ lại.

Theo dõi diễn biến dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Mến thấy có cái khác là, bệnh nhân nhiễm virus SARS khi chưa ho và khạc đờm thì chưa lây truyền virus. Vì trước lúc nhập viện, mọi người có sốt vẫn sống cùng gia đình nhưng không ai bị lây bệnh. Còn với Covid-19 diễn biến bệnh nhẹ nhưng tốc độ lây lan nhanh ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng. “Có lẽ độc lực của SARS-CoV-2 đã biến đổi vì khi bệnh nhân sốt, phổi không thấy trắng xóa như chúng tôi ngày xưa… Tôi rùng mình khi đọc lại bệnh án của mình thấy bệnh quá nặng. Mình sống sót đấy là một kỳ tích”, chị Mến bộc bạch.

Niềm hạnh phúc khi mỗi ngày chị Nguyễn Thị Mến được chăm sóc những đứa trẻ lọt lòng tại Bệnh viện Việt Pháp. (Ảnh: Quý Hoài)

Hơn 1 tháng chống chọi với căn bệnh chết người này, chị Mến đã bình phục, xuất viện. Tuy nhiên, sau đó tâm lý của chị rơi vào khủng hoảng khi biết 5 đồng nghiệp của mình đã mãi mãi ra đi. "Tôi bị ám ảnh rất nhiều bởi nhóm nhân viên y tế đầu tiên thì bệnh nặng nhất. Tôi nghĩ Lượng không được khỏe bằng mình. Nhưng Uyên thì rất khỏe - là người có trình độ và sắp được ký hợp đồng đi Brunei. Bác sĩ Phương còn quá trẻ, giỏi về sản khoa lại mới tu nghiệp ở Pháp về; lúc tôi bị nặng thì Phương vẫn khỏe mạnh bình thường. Còn bác sĩ người Pháp Jean Paul Derosier rất uyên bác… Sự nghiệp của họ đang rộng mở phía trước. Họ là những chiến sĩ áo trắng đã hy sinh lặng thầm vậy mà vẫn chưa được ghi nhận danh hiệu liệt sĩ…”, chị Mến buồn rầu nói.

Niềm vui tột cùng của đồng nghiệp, người thân ngày chị Mến được xuất việnMay mắn là bệnh nhân thở máy sống sót

Một điều nữa khiến chị Mến đau lòng khi trong số những bệnh nhân bị SARS thì có tới hơn một nửa là cán bộ y tế. Chị càng không bao giờ nghĩ rằng những người có kiến thức về y khoa, khỏe mạnh lại bị đánh gục khi SARS bất ngờ ập tới. Chị ví đó như một “cơn sóng thần” không thể đoán trước được. Dù phải mở nội khí quản, thần kinh ảnh hưởng rất nặng khiến chân phải bị liệt nhưng chị vẫn sống một cách thần kỳ. “Khi tôi khỏi bệnh, rất nhiều phóng viên nước ngoài tìm tôi để làm phóng sự. Khi ấy tôi có hỏi: “Các ông đi nhiều có thấy ai nặng như tôi, chân liệt mà có thể hồi phục được không?”, thì nhận được câu trả lời: “Tất cả những người mắc SARS mà phải thở máy đều không qua khỏi”. Và tôi được ghi nhận là bệnh nhân duy nhất phải thở máy được cứu sống trên toàn thế giới năm 2003”, chị Mến cho hay.

Chị Mến được coi là bệnh nhân thở máy duy nhất may mắn “thoát chết” trong dịch SARS lịch sử cách đây 17 năm. (Ảnh: Quý Hoài)

Những di chứng từ SARS khiến một chân phải bị liệt là sự thật khủng khiếp vì đấy là sự tàn phế, phải châm cứu, tập phục hồi chức năng, và điều trị với đủ các loại thuốc ròng rã 5 năm. Và điều khiến chị xót xa lúc trở về nhà chứng kiến sự kỳ thị của mọi người. “Ngày ấy phố Phương Mai vắng bóng người qua lại. Tôi càng đau xót khi chồng con bị xa lánh vì sợ bị lây; rồi cả những người trong gia đình tôi cũng vạ lây vì không ai dám đến gần...vì sợ lây nhiễm bệnh”, chị Mến nhớ lại.

“Với nỗ lực cống hiến lặng thầm của những chiến sĩ mặc áo trắng, đầu tháng 4/2003, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế được dịch SARS. Nhưng nhiều đêm bị mất ngủ, những ký ức kinh hoàng về dịch SARS năm 2003 vẫn là nỗi xót xa khi nghĩ đến những đồng nghiệp không được may mắn như mình”, chị Nguyễn Thị Mến.

Dự định tốt đẹp

Dù đã ở tuổi 62, nhưng vì đam mê công việc, chị Nguyễn Thị Mến vẫn đảm nhận những công việc của một điều dưỡng trưởng, Khoa nhi của Bệnh viện Việt Pháp. Hằng ngày được chăm sóc những trẻ sơ sinh và hướng dẫn các mẹ cách mát-xa cho trẻ, cho con bú, hát… để giúp bé phát triển tốt nhất đó là niềm hạnh phúc với chị.

Chị cho biết, trước khi về làm ở Bệnh viện Việt Pháp (từ đầu năm 2000), chị Nguyễn Thị Mến đã có 20 năm làm ở Bệnh viện Nhi Việt Nam - Thụy Điển. Chị được đào tạo cơ bản cả trong và ngoài nước, lại có nhiều năm làm việc với các các chuyên gia giỏi nên mong ước được truyền đạt kiến thức cho các bạn trẻ sắp làm mẹ và điều dưỡng trẻ…

Chị Mến luôn tràn đầy năng lượng khi nói về chuyên khoa nhi, về những dự định tốt đẹp như muốn trả ơn cuộc đời bởi mình đã may mắn hơn những đồng nghiệp. (Ảnh: Quý Hoài)

“Mình được đào tạo rất kỹ về chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ các chuyên gia nước ngoài nên muốn truyền lại cho các bạn sắp làm mẹ biết cách chăm sóc bản thân từ tiền hôn nhân để sinh ra đứa con khỏe - thông minh - tình cảm”, chị Mến bày tỏ.

Điều khiến tôi cảm mến chị đó là chị luôn luôn tràn đầy năng lượng khi nói về chuyên khoa nhi, về những dự định tốt đẹp như muốn trả ơn cuộc đời bởi mình đã may mắn hơn những đồng nghiệp. Chị tâm đắc với câu nói của người Thụy Điển: Làm thay đổi cuộc sống của người phụ nữ sẽ thay đổi được nhiều thế hệ. Cho nên, những lúc có điều kiện, chị sẵn lòng lên đường giúp đỡ mọi người. Và chị Nguyễn Thị Mến luôn nghĩ rằng, được sống là may mắn, hạnh phúc, và được làm việc nữa thì thật vui dù có mệt, có mỏi. Chị bảo: "Còn sống là tốt lắm rồi. Tất cả những người gặp tôi sau này đều nói như vậy"./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận