Chuyển mình cùng dòng Đà giang

Hơn 30 năm theo nghiệp săn 'thủy quái' trên sông Đà của vợ chồng chị Huyền, anh Hà chỉ kết gọn ở hai chữ 'may rủi', thậm chí đánh cược cả mạng sống để mưu sinh.

 

Ký ức mưu sinh

Nghề lênh đênh sông nước, săn tìm những loài “cá chúa tể” đã vận vào vợ chồng anh Hà, chị Huyền như một lẽ tự nhiên. Trong đêm tối mịt mù, những chuyến ra khơi của 2 vợ chồng anh chị ngày một dày lên nhưng thành quả thu về thì “ngày được, ngày không”…

Khoát tay chỉ về vùng tụ thủy của 3 dòng chảy là sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, chị Lê Thị Huyền, một trong những thợ săn “thủy quái” có tiếng của thị xã “ngã 3 sông” - Mường Lay, tỉnh Điện Biên chậm rãi kể cho chúng tôi những lần chị bắt được “thủy quái”: “Mấy chục năm lênh đênh sông nước, việc bắt được những con cá măng, cá mè nặng cả chục cân là chuyện rất bình thường. Nhưng số lần bắt được cá lăng, cá chiên khủng hàng chục cân thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Con cá chiên lớn nhất mình từng bắt được nặng ngót nghét 50kg và phải rất vất vả, ngụp lặn “đánh vật” hơn 3 tiếng đồng hồ cùng sự giúp sức của các bạn chài mới đưa được nó lên thuyền. Đầu nó nham nhở như một khúc gỗ mục, toàn thân trơn nhẵn, màu sắc loang lổ kỳ dị. Nó quẫy mạnh đến nỗi khiến chiếc thuyền chao đảo, suýt lật nhào xuống lòng sông nên đành phải dùng lao nhọn đâm ngập đầu mới mang được về…”.

Lênh đênh săn tìm những loài “cá chúa tể” trên dòng sông Đà rồi sẽ chỉ còn lại trong ký ức.

Nghề săn “thủy quái” ở vùng sông nước này có từ rất lâu, khi sông Đà vẫn còn chưa bị sẻ núi, ngăn đập làm thủy điện. Lúc đó, những ngư phủ vừa phải chèo chống với thác ghềnh, vừa phải đánh vật với những con cá lăng, cá chiên lớn cả tạ bằng lao, lưới thô sơ. Bởi vậy, nghề săn “thủy quái” trên sông Đà vẫn luôn được coi là nghề nguy hiểm và chỉ dành cho những ai “to gan, lớn mật”. Nguy hiểm là vậy, song đối với nhiều người, hay ngay cả chị Huyền, đi săn tìm loài “cá chúa tể” hung dữ không chỉ là cái nghiệp nhiều đời truyền lại của gia đình, mà đó còn là cái thú để thỏa mãn đam mê chinh phục sông nước của bản thân.

Chị Huyền chia sẻ kinh nghiệm để săn được “thủy quái”: Cá lăng, cá chiên cực kỳ dữ dằn và hung ác nên để săn được loài cá này, ngoài sức khỏe thì người đi săn còn phải biết dùng mưu và phải thật am hiểu về sông nước. Do bị săn bắt ráo riết, cộng với việc lòng hồ sông Đà tích nước đến cả chục mét nên hiện nay ở các khúc sông Đà trên địa phận thị xã Mường Lay gần như không còn sự xuất hiện của những loài cá này nữa. Giờ muốn bắt được cá khủng phải đi thuyền ngược sông cả chục cây số lên khu vực Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) hoặc có khi xuôi thuyền xuống tận Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Thời gian dễ đánh bắt được cá vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, khi mưa xuống mang theo nguồn thức ăn dồi dào, cá nổi lên ăn nhiều. Thời điểm đó, hai vợ chồng chị Huyền đành gửi con lại cho ông bà để lênh đênh sông nước, đi xuyên tận 2 tháng cùng bạn chài đánh cá.

Tấp nập bến Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

“Để bắt được cá khổng lồ, dụng cụ đánh bắt cũng phải “khủng”. Những tấm lưới phải là loại đặc biệt với nhiều lớp bện chắc vào nhau. Như bộ lưới vợ chồng tôi đang sử dụng có chiều cao đến 6m, dài hơn 300m, nặng gần 1 tấn và đầu tư cũng tốn đến 50 triệu đồng”, chị Huyền kể.

Ngoài phương pháp rải lưới, thợ săn “thủy quái” đều giữ riêng cho mình một “bảo bối” là những chùm lưỡi câu “quái vật”. Những lưỡi câu dài chục cm, to bằng nan hoa xe đạp, vô cùng sắc lẹm, cứng, chắc đủ sức ngoạm chặt vào miệng và thân những con cá lớn. Chiều dài dây câu lên tới cả chục mét với hơn 300 trăm lưỡi câu.

Tìm hướng đi mới

Săn “thủy quái” trên sông Đà quả là nghề may rủi bởi độ nguy hiểm cũng như sự khan hiếm của các loài cá lăng, cá chiên. Những người có máu mạo hiểm như chị Huyền, anh Hà theo thời gian cũng không còn đủ sức để bám trụ với nghề. Còn với những người từng chót “ăn đời ở kiếp” bên dòng Đà giang thì tìm hướng đi mới để cuộc sống sôi động hơn. Kể từ khi 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu được khởi công xây dựng đã biến dòng sông đầy ghềnh thác hiểm trở thành mặt hồ rộng gần 600km­­2. Đây là điều kiện to lớn cho người dân đôi bờ sông Đà phát triển thủy sản và đánh thức tiềm năng du lịch.

Kỳ vĩ nhà máy thủy điện Sơn La.

Cuối năm 2012, công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành, kể từ đó mực nước lòng hồ thị xã Mường Lay đã dâng cao 213m, diện tích rộng 100ha. Thị xã vì thế có đến 6 tháng mùa nước nổi, kéo dài từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau. Đến Mường Lay vào mùa nước nổi mới cảm nhận rõ nhịp sống sôi động nơi đây. Sáng sớm ngư dân chèo thuyền thả lưới, đặt rọ tôm lúc hoàng hôn và thu hoạch lúc trời rạng sáng để kịp phiên chợ sớm. Những đoàn khách du lịch cộng đồng, khám phá sông nước Đà giang ngày càng tấp nập, tạo điều kiện cho các bản văn hóa phát triển, hấp dẫn với các hoạt động phục vụ du khách.

Tiếp tục xuôi thuyền và dừng chân bên khu tái định cư bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên), ấn tượng đầu tiên hiện ra là đoạn sông Đà dài hơn 30km, nước ngập mênh mông một màu xanh biếc. Ít ai ngờ rằng, dưới độ sâu hàng chục mét nước này, trước kia là bản làng quần tụ của bà con người dân tộc Dao… Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, họ đã di vén, rời xa mảnh đất dày công khai hoang để đến các điểm tái định cư mới, nhường lại đất đai, ruộng vườn cho sông Đà dâng ngập.

Một góc bản tái đinh cư Huổi Lóng.

Nhiều người dân chia sẻ, từ khi sông Đà tích nước đã mang đến sinh kế mới từ nguồn tôm, cá dồi dào. Người dân trong xã đi các tỉnh Sơn La, Lai Châu và ngược lại cũng dễ dàng khi lợi thế đường thuỷ được phát huy. Nhiều gia đình nắm bắt cơ hội, chung nhau đầu tư vó bè cỡ lớn để đánh bắt thủy sản, đóng xuồng vận chuyển hàng hóa. Từ đó, Huổi Lóng trở nên sầm uất và là cơ hội cho hơn 100 hộ tái định cư phát triển kinh tế thuỷ sản, khai thác đường sông, trao đổi, mua bán hàng hoá…

Vừ A So - một thanh niên năng động, dám nghĩ dám làm và tiên phong trong xã Huổi Só đã quyết tâm làm mô hình nuôi cá lồng lòng hồ thủy điện. Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, So thừa hiểu cuộc sống sẽ rất bấp bênh nếu an phận “ăn sổi ở thì” với dòng sông quê hương, trong khi điều kiện mặt nước quá dồi dào để phát triển nghề nuôi cá lồng. Bởi vậy, So quyết tâm khởi nghiệp dù bước đầu rất khó khăn, vốn liếng trong tay chỉ vỏn vẹn 3 con trâu và 10 con lợn.

Tôi hỏi sao tự tin khởi nghiệp vậy? So trả lời bằng giọng từ tốn: Khi đưa ra ý tưởng nuôi cá lồng thì So đang là Bí thư chi đoàn thôn Hồng Ngài, xã Huổi Só. Vì không muốn thanh niên phải rời quê đi làm ăn xa nên So mạnh dạn vận động các đoàn viên ở lại tham gia nuôi cá lồng. Nhưng trong vùng chưa có ai làm thế bao giờ nên họ còn hoài nghi. Bản thân So từng được tham dự lớp tập huấn ở huyện về phát triển thủy sản, đồng thời cũng nghiền ngẫm nhiều tài liệu, tìm hiểu nhiều thông tin về nuôi cá lồng trên mạng internet nên anh càng thêm quyết tâm. Bán hết trâu, lợn, vay thêm ngân hàng chính sách, anh em họ tộc, So có hơn 200 triệu đồng để làm bè, mua cá giống thả lồng trên sông Ðà. Cuối cùng 14 ô bè bên trong thả các loại cá: lăng, trê, trắm, chép, rô phi lần đầu đã xuất hiện ở xã vùng cao Huổi Só. Năm 2016, So khai thác bán mẻ cá đầu tiên, thu về hơn 1 tạ cá. Sau đó, So tập trung đầu tư nuôi cá lăng sông Ðà cho giá trị cao. Học cách làm kinh tế của So, đến nay, xã Huổi Só đã có thêm 4 hộ khác nuôi cá lồng, với tổng số lượng lên đến 28 lồng cá, mỗi năm xuất bán ước tính lên đến 2.700kg thành phẩm, bình quân mỗi hộ thu về trên 50 triệu đồng/hộ/năm.

Bến Huổi Lóng.

Mặt trời ngả bóng, bến Huổi Lóng, xã Huổi Só lại nhộn nhịp. Hàng chục chiếc xuồng nằm gối bãi, dập dềnh theo sóng nước. Thanh niên trai tráng lại tất bật cho chuyến đánh bắt thuỷ sản dài ngày, nhiều phụ nữ cặm cụi với công việc vá lưới. Trên bờ trẻ con nô đùa, tiếng cười vang khắp bến sông. Nhiều chiếc xuồng chở sắn, ngô cũng vừa cập bến…

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi, đầy đủ những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, chủ nhà Lý A Hi (bản Huổi Lóng) hồ hởi khoe: “Về bản tái định cư, được Nhà nước hỗ trợ tiền, cho nhà ở nên cuộc sống của gia đình đã khá hơn nhiều. Tôi đã có tiền mua xuồng sắt đánh bắt tôm, cá trên sông, kinh tế gia đình cũng ổn định và có thu nhập đều hơn so với trước kia”.

Trên hành trình khám phá Đà giang, chúng tôi chứng kiến những bản làng vùng cao đổi thay, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Ánh điện từ dòng sông Đà tạo ra dần xua đi những tăm tối nơi đại ngàn thăm thẳm… Tất cả cho thấy mọi thứ đang chuyển mình kỳ diệu bên một dòng sông huyền thoại!./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận