Đừng khóc một mình. Bài 1: Xâm hại tình dục trẻ em - Những nỗi đau bất tận

1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm tới hơn 75%. Hành vi XHTD trẻ em thời gian gần đây được nhận định là 'gia tăng đột biến".

 

Cách đây 2 năm, hành trình suốt 600 ngày đi tìm công lý cho con của người mẹ Khmer nghèo ở tỉnh Cà Mau làm dư luận dậy sóng. Con gái 12 tuổi bị gã hàng xóm xâm hại đã uống thuốc tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh: “Tôi đã sắp chết không còn trên trái đất này nữa. Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”. Kẻ xâm hại sau đó đã phải trả giá cho tội ác của mình. Nhưng không mức án nào có thể bù đắp được nỗi đau của người mẹ Khmer ấy.

Còn bao nhiêu gia đình đang phải chịu chung một nỗi đau về tinh thần khi có con em bị xâm hại tình dục? Có bao nhiêu đứa trẻ phải chịu nỗi đau về thể xác và bị đánh cắp ước mơ?

1 năm trước, thông tin một cô bé có thai làm xôn xao cả vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội. Sau những tò mò, cười cợt là sự bức xúc, cảm thương trước hoàn cảnh mẹ góa con côi của cô bé này, nhất là khi em mắc chứng chậm phát triển.

Trưa nắng gắt, trong ngôi nhà lúp xúp chưa đầy 15m2 trống hoác, nằm chỏn lỏn giữa cánh đồng, hình ảnh người mẹ thẫn thờ ngồi chải tóc cho cô con gái trong căn buồng tối đầy ám ảnh. 2 mẹ con họ gần như câm nín. Mọi giao tiếp xã hội đều nhờ vào bà ngoại, năm nay đã ngoài 70 tuổi.

Bà ngoại của cô bé cho biết: “Cháu không phải là bị một lần. Mà ông này ông ấy làm nhục cháu rất nhiều lần. Đấy nhìn thế kia ai cũng thương. Trí tuệ không thông minh như trẻ em khác. Khi phát hiện ra cháu nó có thai là 6 tuần rồi. Nó không thể nào mà nuôi con được nên chúng tôi quyết phá thai. Gia đình ông ấy sang nhận lỗi xin giải hòa, 5 lần 7 lượt. Khi nhà tôi đi vắng, ông ấy còn trèo tường dọa: Tôi có chết tôi chết một mình, nhà bà chết rất nhiều người. Nó luôn sợ hãi. Nó còn ít tuổi quá bị như này rồi tương lai sau này như thế nào đây”.

1 năm qua, 3 người phụ nữ trong ngôi nhà ấy, vốn đã khép mình, càng co cụm, rúm ró hơn trước nỗi đau và sợ hãi. Hình ảnh một cô bé ngây dại nấp trong căn buồng tối khi nhác thấy người lạ, bên cạnh là người mẹ lặng câm tựa cửa nhìn vào khoảng không còn bà ngoại cắp chiếc nón rách tất tả lo cho cháu con thực sự ám ảnh. Ba người phụ nữ, dù đang bộc lộc những tổn thương theo những cách khác nhau nhưng họ đều chờ đợi. Chờ đợi một phiên tòa của lẽ phải, của công lý.

Sẽ chẳng ai nỡ lòng nào cân đong nỗi đau nào nặng nhẹ, thế nhưng vụ việc 2 bé gái ở TX Sơn Tây (Hà Nội) bị 2 lão già tuổi gần 60 xâm hại đến mang thai thì thực sự là nỗi đau xé lòng.

Sinh hạ được 2 cô con gái xinh xắn vào năm 2003 và 2005, vì gia cảnh nghèo khó nên bố mẹ của 2 bé thường để 2 con ở nhà tự chăm nhau từ lúc chúng còn rất bé. Cùng thời gian, thấy các con vẫn chăm ngoan, học giỏi nên vợ chồng họ khá yên lòng. Cho đến 1 ngày, mẹ của hai bé nghe chị gái mình bảo một trong hai đứa cháu chửa, người mẹ không tin, chỉ bảo con thấy bụng to to, nghi bị tiểu đường rồi thử thai thấy 2 vạch. Đi siêu âm, bác sĩ bảo chửa gần 5 tháng rồi. Chị hỏi con thì con bảo khai ngủ với ông Chuyển, ngủ với ông Sinh.

Và trong lúc bấn loạn tìm giải pháp cho cô chị thì người mẹ mới bàng hoàng nhận ra, cả con bé T cũng là nạn nhân, từ khi nó mới là đứa trẻ 5 tuổi. “Thấy nó rơm rớm nước mắt. Hay mày cũng bị ông ấy làm gì? Lúc ấy nó mới bảo là ngày trước con bị ông ấy làm từ 2010, lúc chưa vào lớp 1”, người mẹ nức nở.

Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng ấy, thứ duy nhất gợi niềm lạc quan là 2 chiếc áo đồng phục học sinh vẫn được treo trên cửa sổ. Nỗi đau dường như được xoa dịu khi 2 cô bé ấy vẫn gắng gượng đến trường. Thế nhưng, những thứ mà các em đã bị đánh cắp, và nỗi đau xuyên qua nhiều thế hệ trong gia đình ấy sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai.

5 năm, 10 năm hay không bao giờ để quên đi? Hành trình đối diện với quá khứ luôn là nỗi ám ảnh với những nạn nhân của bị XHTD, nhất là khi kẻ xâm hại lại chính là người thân của mình như 1 nạn nhân ở TP.HCM: “Khi đó em khoảng 9, 10 tuổi đó. Ba em cứ bắt em cởi đồ nhìn vào thân thể em. Em rất sợ nhưng không biết làm thế nào. Tới lúc ba em cứ sờ soạng trên người em nhiều lần. Em bỏ nhà đi”.

Đã có những đứa trẻ mang theo bất ổn tâm lý đến hết đời. Đã có những đứa trẻ hận đời mà sa vào lao lý, hoặc tìm đến cái chết để mong đến được nơi chốn bình yên. Và dù ở kết cục nào, thì hành trình ấy vẫn luôn mang gương mặt của nỗi đau hằn sâu, dai dẳng và nhức nhối./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận