Mô hình 'thanh long ôm gốc mắm' có một không hai ở vùng đất 'Cuối trời'

Giống thanh long lão nông 'thuần hóa' không chỉ cho trái ngọt mà ông còn đúc kết được kinh nghiệm cho 'cây thanh long ôm cây mắm' để đạt hiệu quả cao hơn.

 

Với ý chí vươn lên thoát nghèo, ông Mai Lam Phương (ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã thử nghiệm nhiều mô hình trên vùng đất mặn nhưng không thành công. Trong một lần tình cờ bắt gặp cây thăng long có sức sống mạnh mẽ, ông mang về trồng trên mảnh đất nuôi tôm của gia đình. Đến nay, giống thanh long được “thuần hóa” không chỉ cho trái ngọt mà ông còn đúc kết được kinh nghiệm cho “cây thanh long ôm cây mắm” để đạt hiệu quả cao hơn.

Trên mảnh đất nuôi tôm 1ha của gia đình, sau nhiều năm canh tác, ông Mai Lam Phương nhận thấy năng suất tôm ngày càng giảm. Lão nông đã thử nghiệm các mô hình trồng màu, trồng cây ăn trái trên bờ bao nhưng do đất nuôi tôm nhiễm mặn nặng, không cho hiệu quả. Trong một lần tình cờ bắt gặp giống thanh long bản địa có thể sống được ngay cạnh nước mặt, ông đã nảy sinh ý định nhân rộng giống thanh long này để làm “cây kinh tế”. Khoảng năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình đã bị nhiều người cho là làm việc lạ đời, khó có thể thành công. Ngay cả vợ ông cũng can ngăn nhưng lão nông vẫn quyết tâm thực hiện. Điều kiện kinh tế khó khăn nên ông Mai Lam Phương cho cây thanh long leo trực tiếp lên các loài cây sống trên bờ vuông tôm.

“Tôi tìm xem có giống gì để bổ trợ cho kinh tế của mình. Trước đó, tôi cũng lấy giống thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang mang về trồng nhưng không sống được. Trong khi, mình thấy cây thanh long địa phương ngã xuống nước mặn mà vẫn bò, vẫn sống được nên tôi đem về trồng. Ban đầu, gia đình tôi không có khả năng đổ trụ đá để trồng, nên đã khắc phục dần bằng cách cho leo lên thân các loại cây trên bờ vuông. Từ đó, có cây gì trồng được là tôi nhân ra trồng trên cây đó”, ông Mai Lam Phương chia sẻ.

Ông Mai Lam Phương - chủ nhân của vườn thanh long “có một không hai” giữa vùng đất ngập mặn tỉnh Cà Mau cũng mong muốn mô hình được nhân rộng để bà con địa phương có thêm lựa chọn trong phát triển kinh tế.

Ban đầu ông để thanh long leo lên tất cả các loạt cây có trong hệ sinh thái ngập mặn.

Đến khoảng năm 2014, ông Mai Lam Phương phát triển được khoảng 400 gốc thanh long. Nhiều người bất ngờ vì những dây thanh long leo trên thân cây đước, cây mắm, giá, vẹt... cho trái to tròn, đẹp mắt. Vườn thanh long giữa lòng vùng đất mặn mỗi năm đều đặn giúp gia đình ông có nguồn thu vài chục triệu đồng. Ông cũng tiến hành trồng các loại cây đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập mặn ở địa phương để làm trụ trồng thanh long nhiều hơn.

Tuy nhiên, các loại cây đước, giá, vẹt, thậm chí là cây dừa to lớn khi bị thanh long đeo bám dần bị chết khô và những dây thanh long đang cho trái ngọt cũng tàn theo. Chỉ có dây thanh long bám trên thân cây mắm vẫn không ngừng sinh trưởng mà bản thân cây mắm tốt tươi bình thường. Từ đó, ông Phương đúc kết được kinh nghiệm, cây thanh long trồng trên vùng đất mặn không hút dinh dưỡng chủ yếu từ đất mà hút trong thân cây chủ.

Chỉ cây mắm mới có thể cộng sinh bền vững với cây thanh long, còn các khác đều chết khô sau một khoảng thời gian.

Để mô hình trồng thanh long trong vùng đất ngập mặn “có một không hai” của mình bền vững, ông dần thay các loại cây khác bằng cây mắm. Nhiều năm qua, mô hình “thanh long ôm gốc mắm” của gia đình ông Mai Lam Phương vẫn cho nguồn thu nhập ổn định.

“Ban đầu tưởng thanh long trồng trên nước mặn thì quả sẽ mặn, chát, ai dè lại thơm ngon, bóng, đẹp hơn thanh long bình thường. Quả thanh long ăn rất ngọt mà lại thơm mùi nhãn, đọng mùi nhãn trong cổ họng nên ai cũng khen ngon. Ban đầu chúng tôi bán 5 ngàn đồng/kg, sau đó người ta chuộng rồi, tôi tăng lên 7 ngàn. Giờ tôi bán 10 ngàn đồng/kg người dân vẫn rất chuộng”, ông Phương bày tỏ.

Ông Phương đã ươm giống và cho cây thanh long cộng sinh với cây mắm lớn lên ngay dưới tán rừng ngập mặn.

Trong thời gian chờ những cây mắm trên bờ vuông tôm đủ lớn để trồng thanh long, ông Phương bắt đầu thử nghiệm ươm giống thanh long vào những chậu nhỏ, sau đó mang treo vào gốc cây mắm dưới vuông tôm nhà mình. Cây thanh long ôm gốc mắm ngay dưới mực nước mặn vẫn phát triển bình thường. Hiện trên diện tích đất vuông tôm 1ha của gia đình, nơi nào cây mắm đủ lớn để làm trụ đỡ thì ông đều trồng thanh long và đã được hơn 1.000 gốc.

Bà Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch hội nông dân huyện Cái Nước, Cà Mau đánh giá về mô hình trồng thanh long của ông Mai Lam Phương: “Giống thanh long này hồi xưa đã có ở địa phương mình nhưng qua thời gian dài người dân không quan tâm. Sau đó, anh Phương chọn giống này để thuần hóa lại và trồng trên gốc cây mắm. Nói chung chất lượng thanh long rất ngon, mẫu mã trái rất đẹp. Thứ hai là đặc tính của cây thanh long phát triển hầu như 70% nhờ phần rễ phụ trên thân nên khi bám trên cây mắm, cộng sinh thì phát triển rất tốt”, bà Lý Thị Lan chia sẻ.

Bằng ý chí phải vươn lên trong làm kinh tế, ông Mai Lam Phương - con người dám nghĩ, dám làm đã trồng thành công thanh long trên vùng đất ngập mặn. Mô hình không chỉ giúp gia đình lão nông làm chuyện lạ đời có nguồn thu ổn định hằng năm mà còn đang mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương. Chủ nhân của vườn thanh long “có một không hai” giữa vùng đất ngập mặn tỉnh Cà Mau cũng mong muốn mô hình được nhân rộng để bà con địa phương có thêm lựa chọn trong phát triển kinh tế./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận