Làng nghề chỉ 'sống' với ngày âm

Làng Phúc Am và Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) bày la liệt đồ hàng mã đủ các chủng loại, rực rỡ sắc màu.

 

Đây là làng nghề làm hình nộm hàng mã lớn nhất miền Bắc.

Về thủ phủ vàng mã

Không chỉ ngoài đường làng, mà trong sân hay bất cứ chỗ trống nào của mỗi ngôi nhà, người dân Phúc Am đều tận dụng làm nơi chứa hàng mã. Thấy chúng tôi hỏi han về nghề làm hàng mã, anh Phùng Quang Sơn, người dân Phúc Am, đang mải miết làm ngựa phát tấu (loại ngựa con - PV) ở sân chung của làng vui vẻ nói: “Làng tôi làm nhiều loại mã: Hình nhân thế mạng các loại, thuyền rồng, nhà sơn trang, ô tô, máy bay, biệt thự, ngựa, voi, nón công đồng, mũ thiên quan... Kể vậy thôi, chứ chẳng thể liệt kê hết các mẫu đồ mã của Phúc Am bởi mỗi khách hàng là một yêu cầu. Khách đặt mẫu gì, làng tôi làm nấy”.

Nhà anh Sơn chỉ chuyên làm ngựa phát tấu và giao hàng cho những nhà là đầu mối trong làng. Cầm khung mô hình ngựa được đan từ nan vầu, nứa, anh Sơn lắp ráp chân và nắn chỉnh để thế ngựa đẹp, cân đối. Sau khi mặc áo cho ngựa (dán giấy màu) và móng ngựa được dán giấy thiếc vàng sẫm cho nổi, phải đợi hồ dán khô thì mới đến công đoạn dán mắt, đeo đai, đeo yếm cho ngựa để hoàn thiện. Những con ngựa sau khi được hoàn thiện trở nên sống động, bắt mắt. Anh Sơn cho hay: “Một đàn mã phải có 5 ông phát tấu với 5 màu sắc khác nhau. Với những “ông ngựa” cỡ lớn, cao 2m, người làm phải bắn đinh, giằng gông thì ngựa mới đứng vững và chắc chắn”.

Ngồi kế bên anh Sơn, bà Nguyễn Thị Vỵ ngoài 60 tuổi đang chăm chỉ làm vàng thoi. Đồ nghề của bà là mấy bó lát gỗ mỏng, dài chừng 10cm, giấy màu các loại và miếng hồ dán. Bà Vỵ bảo: Hồ dán này có thể tự nấu bằng tinh bột sắn tàu, cho thêm chút vôi để chống ôi thiu và có độ bám hơn. Đôi tay thoăn thoắt, từng thoi vàng qua tay bà nhanh chóng thành hình, vuông thành sắc cạnh với đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng. Tôi cũng hào hứng bắt chước làm thử. Bỗng... roạc - tờ giấy màu mỏng manh đã bị rách toạc khi tôi đang loay hoay dán hồ. Bà Vỵ cười giòn tan: Nhìn vậy chứ không dễ làm đâu!

Theo lời mách của anh Sơn, tôi đến nhà anh Nguyễn Minh Tuấn ở làng Duyên Trường, xã Duyên Thái. Mới làm nghề được hơn năm nay nhưng anh Tuấn đã nổi tiếng là người có tay nghề cao và là một trong số rất ít hộ ở xã làm được những hàng khủng, độc như: máy bay, ô tô, thuyền chiến, thuyền rồng, xe loan phượng, hình nộm tướng lĩnh...

“Làm đồ “độc” có khó không anh?”, tôi buột miệng hỏi trong sự thán phục khi nhìn thấy chiếc thuyền rồng cỡ lớn có kích thước 1m6x2m được làm cầu kỳ. “Làm nghề này, để biết làm thì không khó, nhưng để làm tốt, nhất là với hàng “độc” thì phải có sáng tạo và chú ý từng chi tiết nhỏ. Tuy các nguyên vật liệu được máy cắt bằng nhau chằn chặn, nhưng nếu thao tác không khéo léo thì vẫn không khớp bởi nguyên liệu là giấy và gỗ nên rất dễ bị cong vênh nếu thời tiết hanh khô hay nồm ẩm. Nếu làm mà không tính, thì vừa hao tốn nguyên vật liệu mà hàng lại nặng nề và khiến giá thành sản phẩm bị đội lên. Khách đưa ảnh mẫu, nhưng mình phải tham khảo trên mạng và sáng tạo trong cách làm để hàng giống y đồ thật”, anh Tuấn cho biết.

Với quan niệm đã làm là phải chất, phải có đầu tư chất xám nên có những phụ kiện được bán sẵn nhưng anh Tuấn vẫn đặt làm riêng theo mẫu anh vẽ. Bởi sự cẩn thận, kỹ càng ấy nên hàng mã do anh Tuấn làm mang nét khác biệt, dấu ấn riêng, được khách hàng tín nhiệm, làm ra là có người đến lấy ngay. Thế nên trong xưởng rộng chừng 200m2 của anh, không mấy khi có sẵn hàng đã hoàn thiện.

“Làm hàng mã, chỉ nhớ ngày âm lịch”

5, 6 năm trước đây, làng Phúc Am chuyên nghề đan rổ, giá. Thế rồi khi rổ giá bằng tre đan không còn được ưa chuộng, làng chuyển sang làm hàng mã. Ông Phùng Quyết Thắng, Trưởng thôn Phúc Am cho hay: “Có khoảng 180 hộ dân trong làng sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã. Làng nghề chủ yếu làm theo hộ gia đình, rất ít xưởng lớn. Chỉ có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê”.

 “Nghề này rất vất vả, thậm chí phải làm cả đêm hôm, có khi lơ là việc học của con cái. Mấy hôm nay, vợ chồng tôi phải làm đến 2 - 3h sáng, đến 4h30 sáng đã phải dậy làm tiếp. Đó là những khi khách đặt hàng thêm nên mình phải làm cố cho kịp trả hàng. Những trường hợp này mình không thể từ chối bởi khách bảo đã làm quen ở đây rồi, nếu đặt nơi khác thì sẽ có độ vênh nhau, nhìn cọc cạch. Mà việc khách đặt thêm hàng lại khá thường xuyên”. Dứt lời, anh Tuấn cầm cây bút ghi vội những thông tin khách vừa đặt hàng lên chiếc bảng treo gần cửa để hạn chế thấp nhất việc quên làm hàng cho khách.

Theo lời anh Tuấn, nếu muốn một lễ cúng thật tươm tất, ngoài các mặt hàng truyền thống như “ông” ngựa, nhà lầu, xe hơi, quần áo, vàng tiền... thì khách hàng còn sắm thêm người giúp việc. Số tiền chi cho một lễ như vậy dao động từ 10 - 20 triệu đồng.

Theo người dân làng nghề, thu nhập từ nghề này chỉ đủ ăn đủ tiêu và phụ thuộc theo mùa. Bà Nguyễn Thị Vỵ cho hay: “Cứ 1 tiếng, tôi làm được khoảng 500 thoi vàng mã và đóng thành 5 phong. Mỗi phong như vậy có giá 10.000 đồng. Làm vàng thoi ngồi lâu rất mỏi lưng mà tiền công chỉ khoảng 15.000 đồng/ngày, nhưng tôi già rồi nên làm để kiếm dăm xu một hào”.

Ngay cả việc làm ngựa phát tấu, như nhà anh Sơn, nếu phải thuê thêm người làm công đoạn dán áo cho ngựa với mức 4.000 đồng/con thì số tiền còn lại sau khi trừ đầu trừ cuối cũng không đáng là bao. Một người dân chuyên làm mô hình nộm ngựa, voi loại to (cao 2m) cho hay: Mỗi “ông” ngựa to, phải làm qua 9 công đoạn, có giá 200.000 đồng, trừ các loại chi phí, chỉ lãi khoảng 30.000 đồng. Anh Tuấn cũng cho hay: Một chiếc ô tô cỡ to anh làm trong vòng 1 tuần đến 10 ngày được bán với giá hơn 2 triệu đồng. Trừ chi phí nguyên vật liệu, tính ra tiền công là quá thấp. Nếu quen thầy bà, nhận hàng đặt trực tiếp từ họ thì sẽ có giá tốt hơn. “Được cái làng nghề không gây ô nhiễm môi trường, bởi các nguyên vật liệu là từ nơi khác cung cấp, làng chỉ việc làm thành sản phẩm hoàn thiện. Mùn cưa thì mình ủ để bón cho cây. Còn giấy vụn và lọ keo được gom lại để bán đồng nát”, anh Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Nhắc tới câu chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị các phật tử không đốt vàng, mã tại các chùa bởi đây là điều không có trong kinh sách nhà Phật. Thế nhưng, người dân Phúc Am cho hay, ngày nào cũng vẫn có 5 - 6 chuyến ô tô loại tải trọng lớn tới lấy hàng đi. Lượng hàng tiêu thụ hiện có giảm nhưng không nhiều. Và rằng, họ sẵn lòng chuyển đổi nghề nếu nghề làm hàng mã không còn được khuyến khích và tiêu dùng nhiều.

Hơn 12h trưa, vợ chồng anh Tuấn vẫn miệt mài làm để hoàn thiện chiếc thuyền rồng kịp giao hàng vào đầu giờ chiều, quên cả bữa trưa. Con trai chị học lớp 8, vừa đi học về cũng phụ giúp bố mẹ. Chốc chốc, anh Tuấn lại phải ngừng tay để nghe điện thoại khách gọi đặt hàng. Tôi giục vợ chồng anh nghỉ tay, ăn cơm cho đúng giờ. Chị Loan tay vẫn không ngừng: “Mình cứ phải làm hàng xong thì ăn mới thấy ngon, kẻo đang ăn lại có người gọi giục”.

13h. Bữa cơm được dọn ra. Trên mâm, vỏn vẹn một đĩa xôi gấc và đĩa giò lụa mà chị Loan mang phần về khi đi lễ sáng. Anh Tuấn vừa giục con ăn cho nhanh, vừa đưa vội miếng xôi vào miệng, ăn gọi là cho xong bữa. Những bữa cơm tạm bợ và quá giờ ấy, dường như đã trở thành chuyện thường lệ với nhà chị Loan cũng như của người dân làng nghề hàng mã Phúc Am, Duyên Trường./.

Box:

“Làm nghề hàng mã chỉ quan tâm đến ngày âm, tính ngày âm và sống với ngày âm thôi. Nghề này có mùa. Vào những tháng nhiều việc (1, 2, 3, 8, 11, 12), cả nhà hối hả, tất bật làm cả đêm thì thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các tháng còn lại, thu nhập chỉ còn một nửa”.

Chị Hà Thị Loan, làng Duyên Trường.

Box 2:

Tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Hằng vừa lúc bà đang dán tua rua cho chân ngựa, áo ngựa. Bà Hằng cho hay, việc như bà đang làm, hoặc dán áo cho ngựa hay làm vàng thoi thì chỉ những người có tuổi hoặc có con mọn không đi làm công ty được mới tranh thủ làm bởi tiền công không đáng là bao.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận