Trắng đêm tìm người dưới đống bùn đất ở Trà Leng

Suốt đêm 29/10, các lực lượng cứu hộ thức trắng đêm để tìm kiếm 13 nạn nhân tích còn lại ở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

 

Vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra chiều 28/10 tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam làm người dân cả nước bàng hoàng. 33 trong số 52 người bị vùi lấp đã được cứu sống và đang được các bác sĩ cứu chữa, 6 người thiệt mạng đã được tìm thấy. Suốt đêm qua, các lực lượng cứu hộ thức trắng đêm để tìm kiếm 13 nạn nhân tích còn lại.

Các lực lượng tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trà Leng.

Sau gần một ngày đêm băng rừng, vượt núi cùng Đoàn cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đi cứu nạn, chúng tôi tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 52 người dân ở nóc Ông Đề, thôn 11, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Không ai nhận ra dưới đống bùn đất dày đặc kia là 11 căn nhà của nóc Ông Đề vừa bị vùi lấp. Những người có mặt tại đây không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh than khóc của bà con.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, một trong số 33 người may mắn thoát chết trong vụ sạt lở đất hôm 28/10 bàng hoàng nhớ lại: Lúc đó trời chập choạng tối, mưa như trút nước, gió bão giật mạnh. Bất ngờ, đất đá từ đầu nguồn con suối ầm ầm đổ sập xuống ngôi làng. Mọi người chỉ kịp chạy thoát thân, không còn kịp để cứu người thân.

Hiện trường lở núi vùi lấp ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Ông Sơn may mắn thoát nạn nhưng vợ ông và ngôi nhà bị vùi lấp. “Nước chảy từ trên núi xuống lấp ngay chỗ cống này. Bắt đầu nước tắc không rút hết bắt đầu tràn lên dâng ngập lên trên. Sau đó, đất đá trên đổ xuống tiếp rồi đẩy luôn cả xóm này luôn”, ông Sơn kể lại.

Nhiều ngày không có tin tức gì về gia đình, hôm nay, chị Hồ Thị Bình liên lạc được với người quen thì nhận đươc hung tin ba mẹ và ngôi nhà bị vùi lấp dưới bùn đất. Ba chị Bình là 1 trong 6 nạn nhân thiệt mạng vừa được tìm thấy, còn mẹ của chị bị thương nặng đang cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My. Chị Bình lấy chồng về sống cùng nhà chồng ở dưới huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Nghe tin gia đình gặp nạn, chị bắt xe đò trở về quê nhưng không được gặp cha lần cuối. Chị Bình nghẹn nghào nói, bây giờ ba mất, mẹ bị thương nặng, hai đứa cháu cũng bị thương nặng đang cấp cứu dưới bệnh viện Đa khoa Quảng Nam ở thành phố Tam Kỳ. “Tôi lấy chồng ở dưới kia, nghe tin tôi chạy về thì ba đã bị vùi trong đất. Má tôi chạy thoát, còn 2 đứa cháu bị gãy chân”, chị Bình xót xa nói.

Nạn nhân bị thương nặng được đưa lên xe cứu thương về bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu.

Thượng tá Hà Ra Diêu, Chủ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước khi lực lượng Quân khu 5 và tỉnh đến ứng cứu, các lực lượng tại chỗ gồm Quân sự, Công an huyện và Dân quân địa phương đã khản trương tìm kiếm, cứu 33 người còn sống. Theo Thượng tá Hà Ra Diêu, do hiện trường bị đất vùi lấp quá lớn, cần có nhiều phương tiện cơ giới hỗ trợ mới có thể đẩy nhanh công tác cứu hộ cứu nạn.

“Các phương tiện tiếp cận rất khó khăn, chủ yếu đi bằng đường bộ. Huy động bà con ở các khu dân cư khác dùng tăng võng, đi đường bộ cõng người ra ngoài, vì phương tiện vào rất khó khăn do đường sạt lở nhiều", Thượng tá Hà Ra Diêu cho hay.

Người bị thương được đưa về Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My cứu chữa.

Trước, trong và sau bão số 9, lực lượng cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam thức trắng đêm, triển khai phương án tiếp cận hiện trường, nhanh chóng cứu hộ cứu nạn. Có những cuộc họp vừa xong, nhìn đồng hồ đã thấy chuyển sang ngày mới. Các anh chưa kịp ngả lưng nghỉ ngơi đã vội mang ba lô lên đường, hành quân trong đêm tối hướng tới mục tiêu sớm tiếp cận hiện trường cứu người.

Người thân đau buồn chờ đợi tìm kiếm người thân dưới đống đổ nát, bùn đất dày đặc.

Gần một ngày đêm vượt qua những cung đường hiểm nguy, đất đá sạt lở, khi tiếp cận hiện trường ai cũng thấm mệt. Thế nhưng, khi nhìn cảnh tang thương bao trùm, chứng kiến bà con mình gào khóc tìm kiếm người thân, những người lính cứu hộ liền quên ăn, quên nghỉ lao vào cứu người. Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường cho rằng, chúng tôi là người lính Cụ Hồ không có khái niệm ngày đêm.

“Chúng tôi quyết tâm mở đường và đi cùng với địa phương mong tìm được bà con. Người lính chúng tôi mong muốn đi càng sớm càng tốt để tìm người về. Đến giờ phút này, 3 ngày 3 đêm chúng tôi không biết nghỉ là gì”, Trung tướng Nguyễn Long Cáng chia sẻ./.

Đình Thiệu-VOV-miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận