'Níu' hồn cây pí Thái

Ở phần còn lại của cuộc đời, nghệ nhân Quàng Văn Hom (76 tuổi) vẫn miệt mài chế tác, truyền dạy cho các thế hệ với hy vọng níu giữ sự trường tồn của cây pí Thái

 

Tiếng pí - tiếng lòng của người Thái

Sau cuộc điện thoại liên hệ trước, nghệ nhân Quàng Văn Hom, bản Nà Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã nhận lời tiếp đón chúng tôi tại nhà riêng. Ngôi nhà của vợ chồng ông nằm ẩn mình dưới chân đồi, bao quanh bởi những rặng tre rừng xanh ngắt. Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà sàn truyền thống dân tộc Thái treo rất nhiều ảnh, các loại giấy khen, giấy chứng nhận là kỷ niệm của những lần ông Hom mang tiếng pí đi ngân nga trên khắp các sân khấu từ khu vực Tây Bắc đến Thủ đô Hà Nội.

Mang từ buồng ra chiếc hộp tròn hình trụ, bên trong cất giữ những cây pí gia truyền, nghệ nhân Hom lấy hơi thổi liền 2 giai điệu bằng nhạc cụ pí pặp và pí lắm văn cho chúng tôi nghe. Kết thúc giai điệu cuối cùng, ông cho biết: Những giai điệu dìu dặt, bay bổng đó, trước đây lúc còn trai trẻ ông thổi đã khiến bao người con gái xao xuyến, bồi hồi. Hai cây pí đó cũng được ví như “bảo bối” - vật bất ly thân của mỗi chàng trai Thái đang ở tuổi yêu đương, đi tìm hiểu bạn đời. Vào những đêm trăng thanh gió mát, mang theo cây pí bên mình, họ băng núi, vượt đồi đi hẹn hò, tìm hiểu người thương. Âm thanh của nó dìu dặt, trầm buồn gửi gắm nỗi niềm của chàng trai muốn bày tỏ với người con gái mình thương mến. Họ truyền nhau rằng, chàng trai càng thổi pí hay bao nhiêu thì càng có tâm hồn lãng mạn, bay bổng bấy nhiêu… Cũng lẽ đó, 12 tuổi ông Hom đã chăm chỉ theo chân người chú ruột học những giai điệu của pí và tập tành chế tác loại nhạc cụ này.

Nghệ nhân Quàng Văn Hom độc tấu pí láo nọi.

Trong đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của người Thái, cây pí có vai trò quan trọng, giúp con người thể hiện tình cảm, tâm hồn dân tộc. Nâng niu những cây pí, ông Hom chỉ cho chúng tôi cách phân biệt và mục đích sử dụng của từng loại pí khác nhau. Nếu pí láo nọi được chế tác với 6 nốt nhạc, âm thanh réo rắt, vui tươi để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, thì pí láo luông với 7 nốt dọc, khi thổi ngân lên những âm thanh trang trọng, sử dụng khi làm lý, lễ cúng theo các nghi thức truyền thống của dân tộc. Pí pếu được chế tác đơn giản, có 1 nốt nhưng âm thanh lại thảng thốt như tiếng con nai, con hoẵng gọi dụ bầy đàn, để những người đàn ông sử dụng đi săn bắn thú rừng.

Theo cách giới thiệu cặn kẽ của nghệ nhân Hom: Pí là loại nhạc cụ hơi, được làm từ ống giang, ống nứa, ống trúc lấy trên nương đồi và trong các khu rừng, nơi có đồng bào Thái sinh sống. Mỗi loại pí có âm điệu và cách chế tác từ các nguyên liệu khác nhau. Cây pí càng nhiều nốt thì âm điệu càng phong phú, tuy nhiên, âm thanh hay, dở thì lại phụ thuộc vào nguyên liệu làm ra nó và tài chế tác của nghệ nhân. Ông Hom bảo: Thời gian đi kiếm nguyên liệu chỉ diễn ra vào mùa Thu và mang về hong khô trên hiên nhà. Quá trình chế tác cần chú ý nhất đến công đoạn tạo lam pí. Lưỡi lam càng mỏng thì tiếng pí càng trong. Còn âm thanh vang, rền hay không lại nhờ vào chất liệu ống pí dày hay mỏng.

Người trẻ ở Điện Biên tìm hiểu về cây pí Thái.

Những thanh âm hy vọng…

Năm nay, nghệ nhân Quàng Văn Hom đã 76 tuổi. Ở phần còn lại của cuộc đời, ngày ngày vẫn miệt mài chế tác và tấu lên những thanh âm thổn thức nhưng cũng đầy hy vọng về sự trường tồn của một loại hình nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Ông cũng là một trong những nghệ nhân hiếm hoi của dân tộc Thái ở Điện Biên còn nắm giữ nguyên vẹn những làn điệu nhạc cổ truyền và “bí kíp” chế tác nhạc cụ pí Thái.

Ông Hom chia sẻ: “Ở tuổi già có cây pí làm bạn đỡ buồn. Ngày nào tôi cũng thổi pí, sáng sớm ngủ dậy, việc đầu tiên là chọn một cây pí thổi, ngân nga một bài chào ngày mới. Lúc vui hay buồn cũng đều thổi, thổi để tâm tình cùng vợ, động viên con cháu... Cứ rảnh tôi lại ngồi thổi, chiều hay tối cũng vậy. Một ngày không chạm vào cây pí thì cảm thấy bứt rứt. Và có lẽ sợ nhất cái tuổi già, trí nhớ không còn minh mẫn nữa thì thổi thường xuyên cũng là cách nhớ bài lâu và rèn ngón tay của mình không cứng đờ trước các nốt nhạc”.

Nghệ nhân Quàng Văn Hom ngân nga những cây pí do ông chế tác.

Nghe ông tâm sự vậy nhưng qua tiếng pí ông thổi, chúng tôi cảm nhận dường như hồn cốt cây pí Thái đã ngấm vào máu thịt và hằn trong tâm trí người đàn ông này. Bởi vậy mà dù tuổi cao, nhiều khi sức khỏe không cho phép nhưng ông vẫn miệt mài tập luyện và tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Suốt quãng thời gian hơn 60 năm dành trọn tình yêu với cây pí Thái, ông nhớ lại kỷ niệm: “Năm 2015, lần đầu tiên tôi được mời tham gia hòa tấu các nhạc cụ dân tộc truyền thống tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tôi biểu diễn độc tấu pí pặp, khi tiếng pí ngân lên, không khí hội trường hàng nghìn người bỗng lắng lại... Kết thúc giai điệu, tiếng vỗ tay rào rào làm tôi rất xúc động và thêm tự hào về âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”.

Pí Thái hay và độc đáo là vậy, nhưng theo chia sẻ của nghệ nhân Hom, lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người mặn mà học cách chế tác và kiên trì chơi pí hay nữa. Ông luôn trăn trở làm sao để nét văn hóa cổ truyền này không bị mai một và đang nỗ lực mỗi ngày tìm cách gìn giữ, truyền dạy cho con cháu. Bởi vậy, trong tất cả những nhạc cụ về pí được ông tỉ mẩn chế tác ra cốt để thỏa mãn thú đam mê nhưng quan trọng hơn là mong muốn góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống vốn có của dân tộc mình.

Nghệ nhân Hom có 6 người con nhưng duy nhất người con thứ 3 - anh Quàng Văn Dũng được cha “tiên đoán” có tố chất và gửi gắm niềm tin người kế nghiệp. “Năm đó, cậu chừng 10 tuổi, ngồi trên lưng chăn trâu, bên này quả đồi tôi thổi ngân vang giai điệu pí láo nọi. Khi giai điệu vừa kết thúc, màn ứng khẩu với những giai điệu tương tự dội lại. Tôi nhận ra những âm thanh quen thuộc, mừng rỡ và nghĩ đến người kế nghiệp cha ông” - ông Hom nói.

Vào những đêm trăng thanh gió mát, mang theo cây pí bên mình, các chàng trai Thái băng núi, vượt đồi đi hẹn hò, tìm hiểu người thương. Âm thanh của nó dìu dặt, trầm buồn gửi gắm nỗi niềm của chàng trai muốn bày tỏ với người con gái mình thương mến.

Kiên trì theo cha, anh Dũng được truyền dạy cách thổi pí một cách bài bản, từ cách lấy hơi, nhả hơi hòa nhịp với từng ngón tay để có thể thổi được những đoạn nhạc dài, khó và chuẩn âm điệu. Anh Dũng cho biết: Theo học bộ môn pí, ngoài đam mê thì tố chất con người rất quan trọng, đòi hỏi sự tinh tế và kết hợp nhuần nhuyễn được mọi giác quan. Người biết thuần thục các khâu chế tác pí sẽ là người chơi tốt nhạc cụ pí ở mức điêu luyện... Dẫu vậy, để lĩnh hội trọn vẹn những tinh túy của nhạc cụ pí dân tộc, Dũng tự nhủ mình cần nỗ lực rất nhiều và không ngừng trau dồi bản thân. Hiện nay, anh Dũng còn khơi dậy đam mê, dạy lại cách chơi pí cho nhiều bạn trẻ cùng chung ước muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận