Lưu ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

Với vaccine Pfizer, trẻ trên 12 tuổi cũng cần lưu ý sau tiêm chủng như người lớn: Theo dõi 30 phút tại chỗ và 3 ngày đầu, 7 ngày và 28 ngày sau tiêm...

 

Trẻ em tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng sẽ có những phản ứng phụ như người lớn. Cha mẹ cần lưu ý gì trước và sau khi đồng ý tiêm chủng cho con em mình?

Liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài?

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Bộ Y tế chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên toàn quốc từ tháng 11, theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Bộ Y tế cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn cho 63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm cho trẻ em theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học…

Vaccine Pfizer ch trẻ em sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên, với 0,3ml mỗi liều tiêm bắp và tiêm 2 mũi cách nhau từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). (Ảnh minh họa: KT)

Dù Bộ Y tế thông tin hiện nay các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người từ 18 tuổi trở lên, tuy nhiên một số phụ huynh còn nhiều băn khoăn lo lắng trước khi ký phiếu đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 cho con em mình.

Trả lời câu hỏi về trẻ em có bị ảnh hưởng sức khỏe lâu dài khi tiêm vaccine phòng Covid-19 hay không, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, vaccine Covid-19 được cấp phép sử dụng cho trẻ em của Pfizer-BioNTech và Moderna hoàn toàn không tương tác với AND của người, không gây ra nguy cơ biến đổi gene,… như nhiều người lo lắng. Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine Comirnaty của Pfizer cho trẻ em 12-17 tuổi. Theo đó, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên, với 0,3ml mỗi liều tiêm bắp và tiêm 2 mũi cách nhau từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày). Trong thời gian tới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các loại vaccine khác được phép sử dụng cho trẻ nhỏ tuổi hơn, thì Bộ Y tế cũng sẽ xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho nhóm tuổi nhỏ hơn trong việc tiếp cận vaccine phòng Covid-19.

“Những vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA hoàn toàn không tương tác với AND của người. Do đó, không gây ra nguy cơ biến đổi gene, nên ảnh hưởng lâu dài liên quan đến bệnh ung thư hay rối loạn vô sinh… như nhiều người lo lắng thì chúng tôi hiện chưa hề tìm thấy có mối liên quan. Trên thế giới đã có 36 quốc gia triển khai tiêm vaccine Pfizer-BioNTech cho trẻ em - đây cũng là vaccine đã và đang triển khai tiêm cho trẻ em Việt Nam. Do vậy, các bậc phụ huynh hãy yên tâm đưa con em đi tiêm chủng để đảm bảo phòng Covid-19 một cách chủ động”, bà Hồng nhấn mạnh.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Những điều cần tránh sau tiêm

Giải thích thắc mắc về phản ứng phụ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ, các chuyên gia cho biết, cũng như người lớn, sau tiêm trẻ cũng có 1 tỷ lệ gặp phản ứng, trong đó có một phản ứng hiếm gặp không mong muốn là viêm cơ tim đã được ghi nhận ở một số quốc gia. Đã có số liệu thống kê trẻ em khi tiêm vaccine Covid-19 thì nguy cơ viêm cơ tim có thể xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và tỷ lệ ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái từ 6-10 lần (tùy từng nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau). Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Tuy nhiên đây mới chỉ là những số liệu ghi nhận sơ bộ ban đầu và cần tiếp tục được theo dõi.

“Hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine Covid-19 ở trẻ. Dù vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỷ lệ rất thấp. Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh”, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm, tại các điểm tiêm, chúng tôi cũng thực hiện sàng lọc tiêm chủng và đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho việc cấp cứu cho các trường hợp phản ứng sau tiêm xảy ra. Các điểm đều có thuốc, phương tiện, có đội cấp cứu nếu trường hợp phản ứng sau tiêm. Mặc dù phản ứng nặng sau tiêm là rất hiếm nhưng chúng tôi luôn luôn sẵn sàng khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

8 yếu tố người khám sàng lọc cần quan tâm trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em: Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng Covid-19; Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…); Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em cũng như quy trình tiêm cho người lớn, cần thực hiện khám sàng lọc để xác định các trường hợp chống chỉ định. Các chuyên gia đã nêu rõ những dấu hiệu nhận biết sớm nhất ở trẻ theo từng nhóm tuổi để xử trí kịp thời, không để đến khi trẻ có triệu chứng huyết áp thấp… mới có biện pháp xử trí. Theo dữ liệu hiện nay trên toàn thế giới số lượng trẻ em mắc Covid-19 không hề nhỏ, tuy nhiên tỷ lệ trẻ mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn so với nhóm người lớn trên 50 tuổi. Cần tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em để đảm bảo trẻ bớt được triệu chứng nặng của tình trạng bệnh và đặc biệt trong nhóm trẻ có bệnh nền như ung thư, thận, gan… thì vaccine sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những trẻ này.

PGS.TS Dương Thị Hồng cũng nhấn mạnh: “Với vaccine Pfizer, trẻ trên 12 tuổi cũng cần lưu ý sau tiêm chủng như người lớn: Theo dõi 30 phút tại chỗ và 3 ngày đầu, 7 ngày và 28 ngày sau tiêm. Cha mẹ cần theo dõi, cho trẻ ăn uống nghỉ ngơi, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cần đưa con đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời”./.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận