Thuốc có làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19?

Thuốc kháng virus điều trị Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu trứng có hiệu quả như thuốc Molnupiravir sẽ là công cụ rất hữu hiệu cho mục tiêu kiểm soát dịch...

 

Kết quả khả quan đặc biệt của thuốc Molnupiravir ở bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ giúp giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong… Liệu đây có là công cụ hữu hiệu làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19?

Công cụ giúp sống chung an toàn, linh hoạt với Covid-19

Mới đây, Bộ Y tế thông tin về kết quả Chương trình thí điểm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân (BN) thể nhẹ và không triệu chứng sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (bên trái) kiểm tra túi thuốc phát cho F0 tại TP.HCM.Molnupiravir là sản phẩm được hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, nhằm điều trị Covid-19 cho BN từ nhẹ đến trung bình. Hiện viên nang Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất. Gần đây, một kết quả nghiên cứu ban đầu của Merck cũng cho thấy Molnupiravir có thể ngăn chặn các biến thể Covid-19 phổ biến nhất, kể cả biến thể Delta và Gamma. Ưu điểm chính của loại thuốc kháng virus Molnupiravir là được dùng dưới dạng viên uống, cho phép BN được điều trị tại nhà.

Trao đổi về kết quả sơ bộ này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Bệnh viện Phổi Trung ương là đơn vị hỗ trợ các kỹ thuật rộng hầu hết các tỉnh, thành trong Chương trình thí điểm cho các F0 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng. “Các kết quả báo cáo giữa kỳ của Chương trình tại 3 tỉnh đầu tiên (Đồng Nai, Bình Dương và Long An) cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ BN có kết quả RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 rất cao, trên 70; tỷ lệ BN có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02 - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong. Các kết quả rất khả quan của Chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch tại các địa phương có dịch rất nặng nề trong thời gian qua”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho hay.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương.

“Trong tình hình mới, chúng ta chấp nhận có thể có F0 trong cộng đồng và số ca F0 có thể tạm thời duy trì ở một mức nhất định nhưng phải giảm thiểu tối đa tử vong. Bao phủ vaccine và thực hiện 5K là biện pháp hữu hiệu kiểm soát số ca F0 trong cộng đồng. Thuốc kháng virus điều trị Covid-19 thể nhẹ hoặc không triệu trứng có hiệu quả như thuốc Molnupiravir sẽ là công cụ rất hữu hiệu cho mục tiêu kiểm soát dịch hiện nay vì đó là thuốc viên dễ sử dụng có thể điều trị tại nhà, là 1 trong 3 túi thuốc được triển khai dưới dạng chương trình điều trị tại cộng đồng có kiểm soát tại TP.HCM từ ngày 28/8 và đến nay đang triển khai tại 22 tỉnh trên toàn quốc. Người dân có thể yên tâm và thực hiện thật tốt 5K + tiêm vaccine và nếu mắc thì đã có thuốc đặc trị hiệu quả để đạt được 3 không: không mắc, không chuyển năng và không tử vong”.  

  PGS.TS Nguyễn Viết Nhung

Được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng...

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, các chuyên gia nhận định, tới đây số ca mắc mới có thể gia tăng do có sự di chuyển từ vùng có dịch và ngược lại. Bên cạnh biện pháp vaccine + 5K, thuốc điều trị Covid-19 được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng giúp giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, việc virus biến đổi liên tục thì liệu thuốc điều trị Covid-19 có làm thay đổi cuộc chiến với Covid-19?

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn để thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới là giải pháp mà các quốc gia trên thế giới lựa chọn: Chấp nhận sống chung với SASR-CoV-2 và coi nó là một loại bệnh đặc hữu như cúm mùa, mục tiêu về mặt y tế là kiểm soát dịch bệnh chứ không để cho dịch kiểm soát mình. “Muốn kiểm soát được dịch thì tiêu chí chấp nhận có F0 ở trong cộng đồng, nhưng dù có F0 trong cộng đồng cũng không ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tức là phải đảm bảo 3 không: Không nhiễm (thực hiện vaccine + 5K); Nếu nhiễm thì không chuyển nặng; Nếu có chuyển nặng thì không tử vong. Nếu làm được “3 không” thì chúng ta vẫn hạnh phúc bên cạnh Covid-19”, ông Nhung khẳng định.

Thuốc Molnupiravir là 1 trong 3 túi thuốc được triển khai dưới dạng chương trình điều trị tại cộng đồng có kiểm soát tại TP.HCM từ ngày 28/8 và đến nay đang triển khai tại 22 tỉnh trên toàn quốc. (Ảnh: Kim Dung)Với những tiêu chí ông Nhung vừa đặt ra thì đến thời điểm này, vaccine vẫn là công cụ hữu hiệu số 1 bởi nó có thể giảm khả năng mắc và giảm khả năng chuyển nặng và không tử vong. Công cụ số 2 là vấn đề dự phòng - thì ý thức của người dân vẫn là tuân thủ 5K, trong đó quan trọng nhất là khẩu trang và khoảng cách, 3 tiêu chí còn lại thì tùy theo tình hình dịch để áp dụng linh hoạt. Mục tiêu thứ 3 nếu mắc thì không chuyển nặng, đồng thời đảm bảo không tử vong thì thuốc kháng virus Molnupiravir mà Việt Nam đang tiếp cận có vai trò rất quan trọng. Nếu có 3 công cụ đó thì chúng ta có thể chung sống hạnh phúc với Covid-19”, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng lưu ý, để BN không chuyển nặng, ngoài thuốc ra BN cần hỗ trợ tâm lý tốt để không hoảng loạn, tập luyện phục hồi chức năng và dinh dưỡng đầy đủ tăng cường sức khoẻ. Do vậy, việc cách ly tập trung nên xem xét để loại bỏ với các trường hợp có điều kiện cách ly tại nhà. Vấn đề này lãnh đạo các cấp cũng phải nắm chắc để từ đó mỗi địa phương đưa quyết định cho chuẩn và có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, tránh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân.

Ông Nhung cho biết, hiện nay độ phủ vaccine ở TP.HCM và Hà Nội khá cao, số F0 có thể vẫn tăng nhưng số liệu thống kê tử vong đã giảm nhiều. Kết quả này đã được chứng minh ở một số tỉnh như Đồng Nai mà BV Phổi Trung ương đang hỗ trợ thì số BN cần phải thở oxy cho đến nặng đến thời điểm này chỉ dưới 2%, còn lại là nhẹ và không triệu chứng. Điều này cho thấy, nếu số BN chuyển nặng ít thì số ca tử vong hoàn toàn có thể kiểm soát được. Molnupiravir có thể là một công cụ góp phần thay đổi được cuộc chiến để chúng ta yên tâm sống chung với Covid-19. Bên cạnh đó, để thích ứng an toàn, linh hoạt thì việc sàng lọc tại các bệnh viện sẽ càng phải chặt chẽ hơn bởi khi cộng đồng nhiều F0 thì chắc chắn sẽ là một thách thức lớn cho hệ thống y tế./.

Lưu Hường
 


 

Bình luận

    Chưa có bình luận