Người bị bệnh máu có nên tiêm vaccine phòng Covid-19?

Người bị bệnh máu nên tiêm bởi có nguy cơ gặp phải những diến biến nặng khi mắc Covid-19 do đặc điểm của bệnh là ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào sinh máu.

Theo BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương: Người bị bệnh máu nên tiêm bởi có nguy cơ gặp phải những diến biến nặng khi mắc Covid-19 do đặc điểm của bệnh là ảnh hưởng trực tiếp đến những tế bào sinh máu. Hơn nữa, trong quá trình điều trị ung thư máu phải sử dụng các loại thuốc, hóa chất và các phương pháp điều trị như ghép tế bào gốc, làm suy giảm hệ miễn dịch của bệnh nhân. Chính vì thế, người bị bệnh máu, đặc biệt bệnh nhân ung thư máu là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine, tuy nhiên sẽ phải có những lưu ý. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, vaccine Covid-19 an toàn với người bệnh ung thư máu.

Tại Mỹ, các chuyên gia đã nghiên cứu việc sử dụng 3 loại vaccine là Pfizer, Moderna và Jonhson and Jonhson ở hầu hết các nhóm BN bệnh máu ác tính ở các lứa tuổi, sử dụng các phương pháp điều trị khác nhau (từ ghép tế bào gốc, điều trị Car-T…), nhóm đã dừng điều trị và nhóm BN mới. Nghiên cứu trên cho thấy việc tiêm vaccine vẫn giúp cho BN có lượng kháng thể nhất định chống lại virus SARS-CoV-2 mặc dù hiệu quả có giảm. Theo nghiên cứu mới được đưa ra bởi tạp chí ASCO, việc tiêm vaccine Covid-19 cho BN bệnh máu ác tính có tính an toàn, chỉ có 25% BN không sinh kháng thể. Như vậy là vẫn có 75% BN có tạo ra kháng thể để chống lại Covid.

Theo BSCKII Võ Thị Thanh Bình, việc trì hoãn tiêm vaccine đã có sự thay đổi: Trước kia, theo các khuyến cáo không chỉ vaccine ngừa Covid mà cả các vaccine thông thường cần trì hoãn ít nhất 6 tháng với BN ghép tế bào gốc hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên hiện nay, Mạng lưới ung thư quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo, người bệnh có thể tiêm vaccine Covid 3 tháng sau khi ghép tế bào gốc tự thân/đồng loài, điều trị liệu pháp tế bào hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Với mỗi người bệnh, khả năng sinh kháng thể sau tiêm vaccine sẽ khác nhau. Vì vậy, tốt nhất người bệnh ghép tế bào gốc đồng loài vẫn nên tiêm vaccine 6 tháng sau khi ghép. Việc lựa chọn thời điểm tiêm còn cần cân nhắc dựa trên yếu tố dịch tễ, khả năng giữ gìn, hạn chế tiếp xúc của người bệnh…

Với BN mới chẩn đoán và BN có kế hoạch ghép tế bào gốc nên hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine trước khi điều trị/ghép tế bào gốc 2 tuần (nếu có thể). Có một số trường hợp sau khi tiêm vaccine có biểu hiện tăng sinh lympho. Vì vậy, các bác sĩ cần xem xét kỹ để tránh nhầm lẫn giữa phản ứng phụ sau khi tiêm với biểu hiện bệnh tái phát (ở nhóm BN tăng sinh lympho)./.

PV

Bình luận

    Chưa có bình luận