Quan điểm của các chuyên gia về tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trẻ từ 5-11 tuổi cũng cần được tiêm chủng vaccine Covid-19, đạt độ bao phủ tương tự nhóm 12-17 tuổi.

 

Trước việc Chính phủ đặt mua vaccine phòng Covid-19 để tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, trong khi các phụ huynh đang băn khoăn do dự thì các chuyên gia y tế đã đưa ra những quan điểm như thế nào?

Vaccine đã được thử nghiệm an toàn

Những tháng gần đây, đặc biệt sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc Covid-19 ở các tỉnh miền Bắc tăng cao liên tiếp từng ngày khiến việc quay trở lại trường học của các em học sinh trở thành nỗi lo của các phụ huynh. Chỉ có bao phủ vaccine mới có thể cho trẻ đến trường an toàn. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trẻ từ 5-11 tuổi cũng cần được tiêm chủng vaccine Covid-19, đạt độ bao phủ tương tự nhóm 12-17 tuổi. Tiêm vaccine vừa giúp trẻ giảm lây nhiễm, giảm tỷ lệ chuyển nặng khi mắc Covid-19, sớm đi học và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ vẫn còn lo lắng do dự nên hay không nên tiêm vaccine cho con em mình.

Chúng ta cần phải có kế hoạch để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, bởi các cháu có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng đặc biệt ở trẻ béo phì, có bệnh nền. (Ảnh minh họa: HG)Chị Đỗ Thị Thúy, có con 6 và 9 tuổi ở quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Con của chị gái tôi 8 tuổi bị Covid rất nhẹ, chỉ sau 1 ngày mệt mỏi, nóng đầu là cháu chơi và ăn ngủ bình thường. Nên tôi nghĩ chỉ nên tiêm cho trẻ có bệnh nền. Tôi cũng nghe nói tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng tới nội tiết, và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sau này nên tôi rất lưỡng lự việc tiêm chủng cho con”.

Trước những do dự của nhiều cha mẹ có con ở độ tuổi 5-11 về việc lựa chọn tiêm chủng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: Chúng ta biết đến Covid đã hơn 2 năm rồi, và tôi có thể dám chắc chúng ta nắm rõ phần nào cơ chế lây bệnh, và cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong chống dịch này. Cho nên Covid dần dần nó cũng như một bệnh về đường hô hấp khác và cũng cần chủng ngừa, và chúng ta phải thay đổi tư duy để phòng chống dịch, chữa bệnh.

Covid ở trẻ gần như tự khỏi nhưng vẫn có trường hợp bị nặng và thậm chí tử vong. Và việc thay đổi tư duy phòng để không mắc bệnh là tốt nhất. “Với hệ thống phòng các loại bệnh có 4 cấp độ: Một là phòng không mắc, hai là phòng bị nặng nếu mắc, ba là phòng tử vong, bốn là phòng không để lại di chứng. Như thế vaccine là một lựa chọn mà chúng ta cần tính toán. Vaccine ngừa Covid-19 rõ ràng có lợi nhưng vẫn có tác dụng phụ như sốc phản vệ có thể tử vong, mà đã từng xảy ra. Vì vậy, tôi rất thông cảm với những lo lắng của của phụ huynh”, PGS Dũng chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai

Về những do dự trước tác dụng phụ lâu dài sau tiêm mà nhiều cha mẹ đang lo lắng, PGS Dũng cho rằng, vấn đề viêm cơ tim có gặp ở trẻ sau tiêm nhưng tỷ lệ rất thấp. Bệnh viêm cơ tim nếu nhẹ tự khỏi nhưng có thể để lại một di chứng lâu dài. Còn những vấn đề ảnh hưởng khác sau tiêm thì chưa thể biết vì chúng ta chưa đủ thời gian theo dõi.

“Về chiến lược chung của toàn xã hội thì chúng ta không thể để con em học online ở nhà mãi, bởi những hệ quả rất rõ khi trẻ không được hoạt động ngoài cộng đồng. Nếu học online mãi thì tỷ lệ tâm thần, trầm cảm, béo phì, tiểu đường và kể cả tự kỷ sẽ nhiều hơn. Vì vậy, việc cho con đến trường là rất quan trọng. Vaccine sẽ là “vũ khí” giúp cho các trẻ đến trường ít mắc bệnh hơn, nếu có mắc thì sẽ bị nhẹ hơn. Với phụ huynh trước khi ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19 cho con cũng cần tìm hiểu kỹ các thông tin khuyến cáo về lợi ích và tác dụng phụ của vaccine... Đặc biệt, với trẻ em có vấn đề về sức khỏe cha mẹ cần khai báo để được bác sĩ khám và sàng lọc, từ đó cân nhắc trước khi quyết định cho con em tiêm chủng hay không", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cần sự đồng thuận của cha mẹ

Nói về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, PGS.TS.BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định việc tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho trẻ là giải pháp căn bản để loại trừ đại dịch trong thời gian tới. Hiện tại, Việt Nam đã phủ vaccine kể cả liều bổ sung cho những người trên 18 tuổi rất tốt và đảm bảo bao phủ cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi. Với nhóm từ 5-11 tuổi thì được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Y tế đã có kế hoạch để chúng ta có thể thực hiện ngay trong giai đoạn tới đây.

PGS.TS.BS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: KT)

“Theo CDC Hoa Kỳ, tử vong do Covid-19 là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Đây là vấn đề khá trầm trọng. Còn tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc cũng tương tự người lớn. Trẻ dưới 18 tuổi chiếm đến 19,2% trong tổng số mắc chung cả nước trong thời gian vừa qua, nhiều nhất là nhóm từ 6-12 tuổi (chiếm đến 8% trong đó). Số liệu ở đây cho thấy, chúng ta cần phải có kế hoạch để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, bởi các cháu có thể có nguy cơ mắc bệnh nặng đặc biệt ở trẻ béo phì, có bệnh nền. Trẻ mắc Covid cũng có thể để lại những biến chứng ngắn hạn và dài hạn. Khi trẻ mắc còn có thể lây bệnh cho người khác, kể cả ở nhà hay trường học. Việc mở cửa lại trường học tới đây thì vấn đề tiêm phòng cho trẻ rất quan trọng đặc biệt là nhóm tuổi từ 5-11”, PGS Điển phân tích.

Trước lo lắng của phụ huynh về an toàn của vaccine, PGS.TS Trần Minh Điển nêu dẫn chứng: “Trước khi khuyến nghị tiêm cho trẻ em, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng với hàng nghìn trẻ em và không có mối lo ngại nghiêm trọng nào được xác định. Với vaccine Pfizer-BioNTech đã được FDA Hoa Kỳ cấp phép khẩn cấp tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tại Việt Nam, Hội đồng tư vấn vaccine cũng đã khuyến nghị tiêm cho nhóm tuổi từ 5 trở lên. Chúng ta phải thấy lợi ích được tiêm sẽ vượt xa hơn rủi ro và những nguy cơ khi chẳng may các cháu bị mắc Covid. Việc Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch nhập vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi vừa đảm bảo miễn dịch cho chính cơ thể các cháu vừa tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn để chống đỡ được Covid-19”.

“Trẻ mắc Covid-19 có thể bị nặng hơn nếu không được tiêm chủng trước đó, đặc biệt nhóm trẻ bị bệnh nền hay béo phì. Hậu quả sau mắc Covid-19 còn có thể lâu dài, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của trẻ” - PGS.TS.BS Trần Minh Điển.

Các chuyên gia cũng thông tin, hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia phê duyệt vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi nên chúng ta yên tâm hơn. Và với nhóm tuổi này chỉ cần tiêm 2 liều chứ không cần tiêm nhắc lại như trẻ trên 12 tuổi hay người trưởng thành. TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, để tiến hành tiêm chủng an toàn cho trẻ trong khi chờ đợi vaccine về Việt Nam thì vấn đề đánh giá đối tượng, ước tính nhu cầu và chuẩn bị cho công tác nhập khẩu vaccine cũng như tổ chức tập huấn, huấn luyện, rà soát đối tượng… rất quan trọng. Theo số liệu báo cáo của Viện Chiến lược, đến nay đã có 60% cha mẹ đồng ý tiêm. Và con số này tới đây sẽ còn tăng. “Cũng như đợt khảo sát ý kiến sự đồng thuận của cha mẹ ở đợt tiêm cho nhóm trẻ từ 12 -17 tuổi, mới đầu cha mẹ thường có tâm lý do dự vì còn nghe ngóng tình hình. Đợt tiêm cho đối tượng tuyến đầu từ 18 tuổi trở lên cũng vậy, mọi người cũng lo lắng khi đến lượt tiêm. Nhưng khi mọi thứ êm xuôi, cộng đồng nhận thấy rõ tác dụng của tiêm vaccine thì người dân lại hồ hởi đi tiêm, thậm chí họ tìm mọi mối quan hệ để được tiêm sớm”, ông Thái cho hay.

TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, trẻ em mắc Covid-19 không diễn biến nặng như người lớn song có thể gặp các di chứng vĩnh viễn gây suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Trong khi đó, nhiều cuộc thử nghiệm vaccine đã chỉ ra trẻ em được đảm bảo an toàn khi tiêm, do mức liều tiêm chỉ bằng 1/3 so với người lớn. Trẻ em 5-11 tuổi phần lớn chưa bước vào giai đoạn dậy thì, chưa trải qua quá trình cơ thể thay đổi hormone, do đó ít xảy ra các phản ứng phụ sau tiêm. Ngoài ra, tiêm chủng cho trẻ em giúp giảm nguy cơ lây truyền dịch trong cộng đồng. Đây là cơ sở để mở cửa trường học một cách an toàn trong thời gian tới.

"Vaccine Pfizer-BioNTech mà Chính phủ đặt mua đã được công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng trên thế giới ở nhóm từ 5-17 tuổi là an toàn. Và trên cơ sở đó, CDC Mỹ, CDC châu Âu và rất nhiều quốc gia đã triển khai tiêm chủng cho trẻ. Còn thử nghiệm lâm sàng với các liều khác nhau cho trẻ từ 5-11 tuổi thấy rằng, với liều 10mg như hiện tại (tương đương 1/3 liều của người lớn và trẻ lớn) thì có thể đạt hiệu quả an toàn. Phụ huynh cũng cần nắm được sự quan trọng của việc tiêm chủng và đả thông cho con em mình hiểu, bởi việc tiêm phòng nếu gặp sự không đồng thuận từ cha mẹ và trẻ sẽ gây những bất lợi”, TS.BS Phạm Quang Thái phân tích./.

“Bộ Y tế không bắt buộc song khuyến cáo người dân tiêm chủng. Sự đồng thuận của cha mẹ đóng góp quan trọng vào sự thành công của tiêm chủng. Do đó, trẻ em 5-11 tuổi nên được tiêm vaccine Covid-19 để chủ động bảo vệ sức khỏe và sớm trở lại cuộc sống bình thường” - TS.BS Phạm Quang Thái.

Hương Giang

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận