Nút mạch hóa chất - cơ hội sống cho người bệnh ung thư gan

Nút mạch là biện pháp can thiệp tối ưu, ít xâm lấn, giúp kéo dài sự sống cho người bệnh ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật.

 

Với những khối u kích thước lớn không thể phẫu thuật thì nút mạch hóa chất đang được áp dụng rộng rãi để điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giúp kéo dài sự sống cho người bệnh.

Bệnh xuất hiện cả ở người trẻ

Ung thư (UT) gan nguyên phát hay còn gọi là UT biểu mô tế bào gan là 1 trong những UT phổ biến hàng đầu ở nước ta và trên thế giới. Theo một số nghiên cứu, tại nước ta, UT gan còn đứng trên cả UT phổi và dạ dày về tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong hằng năm. Điều này đặt ra một gánh nặng rất to lớn đối với ngành y tế trong công tác dự phòng, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

Theo bác sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Khoa ngoại tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, UT gan nguyên phát ở nước ta có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan B, viêm gan C; ngoài ra còn có các yếu tố khác như nghiện rượu, ăn phải thức ăn bị nhiễm nấm mốc Aflatoxin…

Các bác sĩ đang tiến hành can thiệp nút mạch cho bệnh nhân u gan tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, BV Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: KT)Đối với UT gan nguyên phát, cho đến nay phẫu thuật (bao gồm phẫu thuật cắt gan và phẫu thuật ghép gan) vẫn là phương pháp kinh điển điều trị tối ưu, vì có thể mang lại cơ hội sống thêm lâu dài cho người bệnh. Tuy nhiên, ở nước ta chỉ có một số ít bệnh nhân (BN) được chỉ định phẫu thuật tại thời điểm chẩn đoán ban đầu do bệnh đã ở giai đoạn tiến triển và giai đoạn muộn (u gan kích thước lớn, u gan đa ổ, chức năng gan suy giảm) hoặc tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật. Hơn nữa, phẫu thuật ghép gan hiện nay ở nước ta gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn tạng và chi phí rất tốn kém. Ngoài ra, UT gan còn có phương pháp điều trị khác như xạ trị, hóa trị và điều trị đích, tuy nhiên những phương pháp này kết quả sau điều trị cũng không được cao.

Bác sĩ Hưng cho biết, trong 2 năm qua, do dịch Covid-19 và tâm lý ngại khám bệnh, việc khám bệnh định kỳ và kiểm tra sức khỏe khi có những biểu hiện bất thường của người dân bị giảm đi. Đây cũng là lý do làm cho những bệnh lý khác tiến triển nặng hơn, đến khi được phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn.

“Đối với UT gan, thường bệnh tiến triển một cách âm thầm cả trên người có yếu tố nguy cơ và người không có yếu tố nguy cơ. Đặc biệt, gần đây UT gan được phát hiện tình cờ ở người trẻ khi khám bệnh, hoặc khi có triệu chứng nặng, hoặc khi phát hiện bệnh thường đã ở giai đoạn muộn với khối u lớn/có nhiều khối u/có thể đã có những di căn xa làm cho việc điều trị rất khó khăn và tiên lượng kết quả điều trị không được tốt như mong đợi”, BS Hưng khuyến cáo.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Hưng, Khoa ngoại tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

“Nút mạch là can thiệp xâm nhập tối thiểu qua da dưới màn hình số hóa xóa nền hết sức nhẹ nhàng, thời gian chỉ từ 45-60 phút. Trong quá trình thực hiện thủ thuật, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Sau 1-2 ngày, người bệnh có thể xuất viện và sinh hoạt như bình thường”.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Hưng

Cơ hội cho BN ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật

Trường hợp bệnh nhân M.V.C (32 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) là một ví dụ. Theo chị N, mẹ nuôi bệnh nhân, anh C được phát hiện khối u gan rất to (kích thước 5x8cm), chưa thể phẫu thuật cắt gan bởi phần gan còn lại sẽ không đảm bảo được chức năng. BN được chỉ định nút mạch hóa chất để khối u gan nhỏ lại, sau đó mới phẫu thuật được. “Nghe bác sĩ thông báo cháu C sắp được phẫu thuật, gia đình tôi mừng quá”, chị N xúc động nói.

Là bác sĩ điều trị cho C, bác sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho biết: “Sau 1 tháng nút động mạch, chúng tôi sẽ đánh giá để tiến hành nút mạch tiếp tĩnh mạch gan, giúp phần gan lành còn lại phì đại, to ra. Đây là bước đệm nhằm đảm bảo cho bước phẫu thuật tới đây cho anh C, bởi khi cắt bỏ khối u thì phần gan còn lại phải đáp ứng được chức năng phục vụ cơ thể. BN còn trẻ, gan không bị xơ nên có yếu tố tiên lượng tốt”.

Với các trường hợp có khối UT gan kích thước to, nhiều ổ, không còn khả năng phẫu thuật, BV Đại học Y Hà Nội sẽ áp dụng phương pháp nút mạch. Tức là dùng hóa chất gây tắc mạch bơm luồn qua động mạch đùi đến động mạch chính nuôi dưỡng khối u. Khi khối u gan bị cắt nguồn nuôi dưỡng sẽ bị chậm phát triển lại và dần hoại tử, dần nhỏ đi. “Sau 1 tháng nút mạch, người bệnh sẽ được đánh giá xem có đủ điều kiện để phẫu thuật cắt gan hay không. Có trường hợp chỉ cần nút mạch 1 lần, sau 3 năm sức khỏe vẫn ổn định. Tuy nhiên, có trường hợp sau một thời gian dòng máu sẽ tái thông trở lại, hoặc khối u gan huy động nguồn mạch máu nuôi khác đến và vẫn còn những mạch máu tân sinh thì chúng tôi có thể can thiệp lần 2, lần 3 hoặc nhiều lần để đạt được hiệu quả tối đa”, bác sĩ Hưng cho hay.

Theo bác sĩ Hưng, nút mạch là biện pháp can thiệp tối ưu, ít xâm lấn, được coi là bước đệm trước khi tiến hành phẫu thuật cắt gan cho BN, hoặc kết hợp nút mạch lồng ghép với bơm hóa chất khác (như hạt vi cầu phóng xạ) vào trong khối u để tiếp tục diệt tế bào UT... Nhưng tất cả những phương pháp này cũng chỉ nhằm kéo dài thời gian sống chứ không phải để điều trị triệt căn cho BN. Do vậy, người có tiền sử viêm gan B, C... nên đi khám định kỳ để được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bởi khi khối u quá to, chiếm gần như toàn bộ gan và quá nhiều khối u thì không nên thực hiện kỹ thuật này vì khi thực hiện sẽ có nguy cơ bị suy gan.

Nút mạch hiện đang được áp dụng rộng rãi điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đây là phương pháp điều trị tối ưu, mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống cho người bệnh. Khi có vấn đề liên quan đến bệnh lý ung thư gan, người bệnh có thể liên hệ đến tổng đài 1900 6422 để được đặt lịch khám và tư vấn.

Lưu Hường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận