Cảnh báo nhầm tưởng sốt xuất huyết với Covid-19

Tại các BV nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, những ngày qua đã tiếp nhận nhiều trẻ SXH, trong đó có những ca bị sốc nặng, nguy kịch đến tính mạng.

 

Tính tới thời điểm này của năm đã có 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Ngành y tế dự báo, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng dịch rất lớn.

Bệnh nhi nhập viện do SXH gia tăng

Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết (SXH) lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố và thường tăng cao vào các tháng mùa mưa.Tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam, số bệnh nhân SXH đang gia tăng nhanh. Thống kê đến giữa tháng 4, TP.HCM ghi nhận gần 4.500 ca mắc SXH Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Điều đáng nói, một số bệnh nhân (BN) SXH bị bỏ sót, không được phát hiện sớm do nhầm với Covid-19. Đây là con số đáng báo động bởi thời điểm này cách đây 2 năm - SXH bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc nhưng số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38. Với số ca mắc SXH nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định khả năng cao là số mắc bệnh có thể nhiều hơn con số thống kê. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do chưa tính các ca bệnh nhẹ. TP.HCM cũng đã có 2 ca tử vong vì bệnh này, nguyên nhân là do bệnh nhân được phát hiện và nhập viện trễ.

Trường hợp bé gái (5 tuổi, ngụ Bình Dương) mắc SXH tử vong do tổn thương đa cơ quan. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc sâu, xuất huyết phổi, tổn thương gan, thận. Mặc dù được tích cực hồi sức, lọc máu kéo dài 48h nhưng tổn thương tạng không cải thiện. Bé gái có cơ địa thừa cân, nặng 34kg, trước đó 1 tháng đã mắc Covid-19.

Bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng ở TP.HCm. (Ảnh: Kim Dung)Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện điều trị và khám ngoại trú SXH tăng gấp đôi so với 2 tuần trước, trung bình có từ 30-35 ca bệnh nội trú, trong đó có 5-7 trẻ phải nằm ở phòng cấp cứu và truyền dịch. Đáng lưu ý là số trẻ mắc SXH nặng chiếm tỷ lệ nhiều hơn so với các năm trước do nhập viện trễ.

Chị Đỗ Thị Thùy Vân, ngụ quận 12, TP.HCM đang chăm sóc con bị SXH nặng cho biết, trước đó, thấy con sốt nhưng gia đình nghĩ con bị bệnh thông thường, có đưa con đi khám và được dặn cho uống men tiêu hóa, thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, sau 3 ngày thì bé chuyển nặng: “Con mới chỉ chuyển sốt nhưng 3 ngày sau đã trở nặng. Xét nghiệm máu thì bác sĩ bảo con bị đông máu, sau đó bị viêm phổi, men gan cao, rồi trở nặng luôn”, chị Vân chia sẻ.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, có khoảng 10% bệnh nhi bị SXH được cho nhập viện. Cũng trong số này có 10% trẻ được đưa vào khu vực hồi sức: “Những trường hợp đưa qua đây có thể có biểu hiện sốc, tức là mạch huyết áp khó đo hoặc là không đo được. Thứ hai là những trường hợp tổn thương rất nặng ngay từ đầu do virus tấn công trực tiếp, đa phần là vào gan, làm tổn thương gan rất nặng, gây rối loạn đông máu, rối loạn các chuyển hóa trong cơ thể và cuối cùng là sốc, ảnh hưởng lên não”.

Bệnh nhân không được phát hiện sớm

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca SXH đến khám và nhập viện tăng từ 1,5-2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng cao, nhất là các trường hợp SXH Dengue nặng (sốc SXH Dengue). Chỉ trong nửa tháng 4, khoa Hồi sức tích cực Chống độc đã tiếp nhận 10 ca nặng và sốc nặng, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước khi nhập viện. Hiện tại khoa còn 2 bệnh nhi sốc nặng, tổn thương đa cơ quan đang phải thở máy, trong đó có 1 bệnh nhi phải lọc máu.“Hai năm qua do dịch Covid-19 nên người dân hình như đã lãng quên SXH là một bệnh lý còn nguy hiểm hơn Covid bởi vì đều có biểu hiện sốt, tuy nhiên người dân chỉquan tâm đến Covid. Mặt khác, tâm lý người dân sợ vào bệnh viện, cho nên những ca nặng phần lớn do nhập viện trễ”, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, BV Nhi đồng 1 cho hay.

Nhiều trẻ diễn tiến nặng có cơ địa béo phì.Còn tại BV Nhi đồng TP mỗi ngày khám ngoại trú cho 100-150 ca SXH, trong đó có từ 10-15 bệnh nhi được chỉ định nhập viện. Số BN nặng từ 15-20, trong đó phần lớn là trẻ thừa cân béo phì nặng và trẻ nhũ nhi.

Tại các BV nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, những ngày qua đã tiếp nhận nhiều trẻ SXH, trong đó có những ca bị sốc nặng, nguy kịch đến tính mạng.Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi SXH đến khám và điều trị có xu hướng tăng nhanh và cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Nguyên nhân là do mùa mưa đến sớm hơn mọi năm. Đáng nói, trong vòng 1 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 400 trẻ SXH, trong đó tỷ lệ trẻ nhập viện chiếm khoảng 20%. Trong số bệnh nhi điều trị nội trú có một số trẻ bị biến chứng nặng do gia đình tự chăm sóc điều trị tại nhà, chỉ nghĩ đến Covid-19 mà không đưa trẻ đi khám và phát hiện sớm bệnh SXH.

Qua nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Trần Nam nhận thấy, một trong những nguyên nhân là do còn khoảng trống khá lớn giữa nhận thức và thực hành về việc phòng chống căn bệnh này.“Chúng tôi đã làm khảo sát rất nhiều về SXH và thấy rằng hơn 90% các bậc cha mẹ ai cũng biết SXH lây truyền ra sao, phòng chống SXH thế nào nhưng chỉ có 60% thực hành đúng. Ví dụ: ở nông thôn khi tôi hỏi xung quanh nhà có chỗ nào nước đọng không thì nhiều người khẳng định chắc chắn là không. Nhưng khi hỏi trước nhà có những vỏ dừa, mảnh sành vỡ hay những lá cây to đọng nước không thì lại bảo hình như là có. Tức là nó ở ngay trước mắt nhưng nhiều người không nhận ra. Rồi ở TP, nhiều người cũng nói nhà tôi không có chỗ nào đọng nước, xung quanh toàn nhà xây. Nhưng khi hỏi những nhà đang xây dựng đó có thùng phi đựng nước không, các hầm cầu có bị hở không thì lại trả lời hình như là có. Đặc biệt vùng ngoại vi TP có những khu công nghiệp, nhiều nhà trọ thì xung quanh đó là những vũng nước đọng từ nước thải sinh hoạt hay xô chậu đựng nước của công nhân trong khu trọ. Đó là những môi trường rất tốt để muỗi sinh sôi và truyền bệnh” - BS Nguyễn Trần Nam nêu ví dụ, đồng thời khuyến cáo mọi người nên chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ vỏ dừa, chai lọ, lốp xe, mảnh sành vỡ xung quanh nhà; úp các xô chậu không dùng đến hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước để hạn chế, không cho muỗi đẻ trứng, để ngăn ngừa dịch bệnh.

Lưu ý giai đoạn nguy hiểm của SXH

Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh SXH thường xảy ra qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn đầu của SXH (khoảng 3 ngày), thường người bệnh có triệu chứng sốt cao, có thể điều trị ở nhà. Và cũng là mục đích nhằm tránh nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện, nhất là trong thời điểm mùa dịch Covid-19. Nhưng từ 3-7 ngày tiếp theo, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần đến cơ sở y tế theo dõi và điều trị đề phòng những biến chứng xảy ra. Ở giai đoạn phục hồi (sau ngày thứ 7), lúc này người bệnh đã tạo ra kháng thể đào thải virus.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh thăm khám cho người bệnh.TS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết, với SXH người bệnh thường sốt cao 3-4 ngày đầu kèm đau mỏi khắp người nên không muốn ăn uống. Nếu không biết cách bù nước có thể xảy ra biến chứng ở giai đoạn nguy hiểm như giảm tiểu cầu, máu cô do tăng tính thấm thành mạch, gây thoát huyết tương. Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc. Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng, xuất huyết ồ ạt do giảm tiểu cầu. Nếu không được theo dõi, bù dịch, truyền khối tiểu cầu có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy, người bệnh cần ăn những thức ăn dễ tiêu và quan trọng nhất là bù nước. Ngoài sữa, nước canh, nước cháo, mỗi ngày BN cần bổ sung nước tối thiểu 3-3,5 lít. Đầu tiên là oresol, sau đó là nước cam, nước chanh, nước dừa… Những nước này có tác dụng bù nước điện giải và vitamin tăng cường sức đề kháng, giúp bảo vệ thành mạch và làm tình trạng bệnh sớm được cải thiện hơn.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho biết, bù nước điện giải giai đoạn đầu rất quan trọng, nó ảnh hưởng rất lớn cho kết quả điều trị cũng như tiên lượng của bệnh. Nếu bù dịch tốt, BN sẽ tránh được mất nước, giảm được biến chứng của bệnh và làm hạn chế những bất lợi giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, đây chỉ là giai đoạn đầu của SXH, còn giai đoạn nguy hiểm tiếp theo thì BN cần lưu ý để bác sĩ theo dõi chặt chẽ hơn. Do vậy, BN cần được khám để bác sĩ chỉ định có nên theo dõi tiếp ở nhà hay phải nhập viện. Đặc biệt, ở ngày thứ 5, 6, 7 là chuyển sang giai đoạn tái hấp thu dịch vào mạch máu. Nếu bù nước quá nhiều sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà./.

Cách phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Theo BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM: Dấu hiệu điển hình của SXH là BN sốt cao liên tục, khoảng 39-40 độ, uống thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ rất khó hạ hoặc chỉ giảm chút ít rồi lại tăng cao. Còn BN Covid-19 cũng có sốt nhưng thân nhiệt thường chỉ ở mức 38,5-39 độ, và BN chỉ cần uống loại thuốc thông thường như paracetamol là có thể hạ sốt.

Người SXH rất ít khi bị các biểu hiện của viêm long đường hô hấp trên như ho, đau họng nghẹt mũi, sổ mũi. Trong khi đó, đây lại triệu chứng thường gặp của bệnh Covid-19 và các bệnh lý nhiễm siêu vi khác như cảm cúm. Người mắc SXH cũng thường bị chán ăn, nôn ói, nếu bệnh nặng thì có dấu hiệu xuất huyết dưới da và niêm mạc. Còn BN mắc Covid-19, nhất là những trường hợp bệnh nhẹ hoặc trẻ em có thể bị sốt nhưng trẻ vẫn có thể ăn uống, chơi đùa bình thường./.

Nhóm phóng viên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận