Cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh TCM ở trẻ nhưng việc chữa trị các triệu chứng và chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp cải thiện sớm bệnh.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương: bệnh tay chân miệng (TCM) có thể do nhiều loại virus gây nên và chủ yếu lây theo đường hô hấp và tiêu hóa, từ người sang người nên các yếu tố thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ ở trường không đảm bảo khiến nguy cơ lây bệnh tăng cao, có thể gây thành dịch lớn.

Do tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau đớn, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Do vậy cha mẹ cần cho trẻ dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Cha mẹ cho trẻ ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi. Khi vệ sinh cho trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Cha mẹ không kiêng tắm, gội cho trẻ và cũng không cần kiêng khem thực phẩm nào.

“Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa… Đặc biệt, vệ sinh da cho trẻ để tránh bội nhiễm vi khuẩn như: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm”, TS Thiện Hải lưu ý.

Mặc dù hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh TCM ở trẻ nhưng việc chữa trị các triệu chứng và chế độ chăm sóc tốt sẽ giúp cải thiện sớm bệnh. Cha mẹ cần chăm sóc tốt cho trẻ tại nhà bằng cách vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ mắc bệnh và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ tăng cường sức để kháng bởi sau khi mắc TCM, hệ thống miễn dịch của trẻ bị giảm, rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

Do vậy, việc phòng bệnh trong cộng đồng, tránh lây lan rất quan trọng bằng cách thực hiện tốt việc ăn uống chín; đảm bảo vệ sinh tốt những vật dụng ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. “Dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nếu thói quen vệ sinh cho trẻ ở nhà, ở lớp học hoặc khi vào viện thăm hoặc chăm sóc bệnh nhân không được tốt, thì nguy cơ lây chéo sẽ tăng nhanh. TCM lây truyền qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, qua giọt bắn khi nói chuyện/hắt hơi… vì thế những người chăm sóc, trước khi rời cơ sở điều trị nên vệ sinh tay chân sạch sẽ, đặc biệt khi con em mắc TCM nên thông báo tới nơi trẻ đang học để biết cách vệ sinh phòng bệnh cho trường lớp”, bác sĩ Thiện Hải lưu ý./.

PV

Bình luận

    Chưa có bình luận