Gặp nhiều khó khăn bệnh viện lớn xin dừng tự chủ

Nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, với những khó khăn của ngành y tế và yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, bệnh viện công lập chỉ nên thực hiện tự chủ chi thường xuyên mà chưa tự chủ chi đầu tư, nhất là các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật.

 

Nhiều tác động ràng buộc

Chúng ta đã xem tự chủ như là một phương thức để tăng cường hiệu quả hoạt động của bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh. Song cơ chế này chịu tác động từ nhiều phương diện mà bản thân các bệnh viện tự chủ không thể chủ động giải quyết được  như các chính sách, quy định như đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, chính sách về khám chữa bệnh cho người nghèo.

Tuy nhiên, hiện tại ngành y tế đứng trước những thử thách và khó khăn, trở nên cấp bách đối với các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ và tự chủ toàn diện.

Các vấn đề lớn cần quan tâm để điều chỉnh nhất là sau các biến cố liên quan đến hậu đại dịch Covid-19 là tài chính bệnh viện, mua sắm thuốc, vật tư y tế, đầu tư trang thiết bị, phương thức cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh và nguồn nhân lực tại các bệnh viện công lập.

Tương tự, về  tài chính y tế, bệnh viện thực hiện tự chủ gặp rất nhiều khó khăn từ các quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, cơ chế chi trả chi phí khám chữa từ quỹ BHYT, từ ngân sách nhà nước và từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.

Các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tự chủ bệnh viện như chuỗi cung ứng thuốc, vật tư y tế hay việc thực hiện các biện pháp xã hội, phải thực hiện trách nhiệm tham gia phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng hay hỗ trợ nguồn nhân lực cho các địa phương, đơn vị khác.

Về thực chất, tính tự chủ của bệnh viện bị hạn chế rất nhiều và vai trò tự chủ của bệnh viện không có nhiều ý nghĩa. Ví dụ như việc mua sắm vẫn phải theo quy định về đấu thầu, có loại hàng hóa mua theo kết quả đấu thầu tập trung. Tương tự, giá dịch vụ y tế không phản ánh đầy đủ chi phí thực tế như chưa tính khấu hao tài sản hay chi phí quản lý nên khả năng thu đủ bù chi và có tích lũy để phát triển là rất thấp.

Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện công lập, kể cả các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho hoạt động. Nguyên nhân do giá dịch vụ khám chữa bệnh do Bộ Y tế quy định chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố thuộc chi phí đầu vào, thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng và sự chưa phù hợp với thực tiễn và chuyên môn của quy định liên quan đến đấu thầu, dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu khó triển khai do thiếu trang thiết bị hoặc có trang thiết bị từ việc liên doanh, liên kết hay xã hội hóa. Những hạn chế sử dụng do việc liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn chưa phù hợp với các quy định chung về quản lý tài sản.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tại buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Trần Minh

TS. BS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện Bạch Mai hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu một số thuốc chuyên khoa và thiết bị y tế cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ. “Có sự bất bình đẳng giữa công và tư. Vì vậy, chúng ta thay đổi phải thay đổi các quy định. Giai đoạn vừa qua, quá nhiều biến động do dịch bệnh COVID-19, các bất cập lộ ra. Đây là hậu quả việc đó”- TS. BS Dương Đức Hùng, nói.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Một vấn đề xã hội cần được quan tâm đó là sự cân bằng giữa tự chủ bệnh viện với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám chữa bệnh.

Cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ  các bệnh viện có khuynh hướng phải tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản, khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu (có giá cao hơn khám chữa bệnh BHYT) dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.

Trong khi đó, các bệnh viện công lập phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình là “chất lượng, công bằng, hiệu quả và phát triển” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bệnh viện công lập có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ với ý nghĩa là dịch vụ công bao gồm các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản do ngân sách nhà nước và quỹ BHYT chi trả, các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của quỹ BHYT và các dịch vụ y tế bổ trợ có tính chất nâng cao.

Với các bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, ngoài việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh còn chỗ dựa cho tuyến trước, là cơ sở kỹ thuật chuyên sâu có tính nền tảng khoa học, kỹ thuật cho sự phát triển.

Đóng góp vào quá trình quản lý phát triển của nhà nước đối với hệ thống y tế các bệnh viện tuyến cuối như là người dẫn dắt về chuyên môn kỹ thuật, đồng thời là chỗ dựa cho hệ thống y tế trong những biến cố liên quan nên phải thực sự vững chắc và ổn định. Bất kỳ biến cố bất lợi nào xảy ra tại tuyến này sẽ kéo theo hệ lụy của hệ thống và cả sự ổn định xã hội và niềm tin của nhân dân.

Chủ động xin dừng tự chủ toàn diện

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng, tự chủ bệnh viện mặc dù được xem là có những lợi ích nhất định cần được nghiên cứu thấu đáo, có lộ trình và điều kiện cụ thể để áp dụng theo từng phạm vi và mức độ tự chủ.

Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã chủ động xin dừng tự chủ tài chính toàn diện sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ. Nguyên nhân xin dừng tự chủ được đưa ra là do gặp tình trạng khó khăn chung như các bệnh viện công: nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế, tự chủ trên danh nghĩa…

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020, bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ - làm mô hình mới. Tuy nhiên bệnh viện này chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ.Như vậy không đủ điều kiện để đánh giá việc tự chủ này. 3 điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ nhưng bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được tự chủ, mà chỉ tự chủ trên danh nghĩa.

Khi bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp do đó nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Về giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh là nguồn thu chính của Bệnh viện cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc rất lớn.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội

Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, do một số yếu tố khách quan, đến khi hết thời gian thí điểm tự chủ, Bộ Y tế cũng chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ nhưng lại không được tự chủ về giá.

Nếu thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn tài chính là một trong yếu tố quyết định hoàn thành mục tiêu của Đề án tự chủ toàn diện. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá; Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Từ thực tế nêu trên, Giám đốc Đào Xuân Cơ đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước.

Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, nhiệm vụ an sinh xã hội của bệnh viện không được đảm bảo.

Do đó chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, tính tự chủ hiện đang gây khó khăn về quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có tự chủ trong chi thường xuyên, đầu tư công, mua sắm công. Đây chính là cản trở tác động đến tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng ngại va chạm, né tránh dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, các vật tư tiêu hao… Từ đó dẫn đến hệ lụy là nhân viên ngành y tế bỏ việc hoặc chuyển công tác khác.

Thực tế này cần phải nghiêm túc đánh giá để làm sao phát hiện ra các kẻ hở pháp luật, vì có những quy định vô hình chung trở thành cái bẫy pháp lý mà vô tình khi thi hành sẽ vi phạm. Do đó cần rà soát lại các quy định này, qua đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian trước mắt chỉ nên thực hiện tự chủ chi thường xuyên trong một giới hạn nhất định mà không nên tự chủ đầu tư – theo đại biểu Lê Thanh Vân, vấn đề này cần phải đánh giá, tổng kết về tự chủ đầu tư để rút ra bài học và đề xuất thay đổi chính sách.

Tuy nhiên việc tự chủ cần theo lộ trình, những bài học thực tiễn trong phòng chống đại dịch vừa qua có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm xương máu cho ngành y tế- đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận