Nhận biết bệnh viêm khớp ở trẻ

Viêm khớp là bệnh có thể xảy ra ở trẻ. Cha mẹ cần nhận biết để chữa trị kịp thời, tránh các tổn thương tại khớp.

 

Viêm khớp là bệnh có thể xảy ra ở trẻ. Cha mẹ cần nhận biết để chữa trị kịp thời, tránh các tổn thương tại khớp.

Nhiều nguyên nhân gây bệnh

Theo BSCKII Nguyễn Quế Phương, Phó Trưởng khoa Nhi tim mạch và khớp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Viêm khớp là một thuật ngữ chung bao gồm rất nhiều bệnh lý gây tổn thương các khớp. Bệnh có thể xuất hiện cả ở trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, viêm khớp ở trẻ em thường bị bỏ qua vì suy nghĩ bệnh viêm khớp là bệnh của người lớn và người già.

BSCKII Nguyễn Quế Phương thăm khám cho bệnh nhi.Bác sĩ Quế Phương cho biết, mỗi độ tuổi có một số các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Ở trẻ em, một số nguyên nhân hay gặp có thể kể đến như: Đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, virus, viêm sau chấn thương… Trẻ nhỏ còn có thể bị bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch như thấp khớp cấp, viêm khớp mãn tính thiếu niên hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp. Tại khoa Nhi tim mạch và khớp, hàng năm số trẻ có biểu hiện đau khớp, sưng khớp đến khám khoảng 50 - 100 bệnh nhi.

“Mỗi nguyên nhân có độ tuổi khởi phát khác nhau. Ví dụ như bệnh thấp khớp cấp sau nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A thường xuất hiện ở lứa tuổi học đường 6 - 15 tuổi. Bệnh viêm khớp mãn tính thiếu niên (VKMTTN) ít gặp hơn viêm khớp dạng thấp ở người lớn. Một số thống kê tại Mỹ và châu Âu cho thấy, lứa tuổi mắc bệnh khoảng từ 2 - 16 tuổi, hàng năm tần suất mắc là 4 - 6/100.000 trẻ, trong đó nữ gặp nhiều hơn nam.

Nguyên nhân gây viêm khớp mãn tính ở trẻ em (JIA) chưa rõ, nhưng bệnh có khuynh hướng di truyền cũng như tự miễn và tự viêm. Phần lớn trẻ em bị JIA mắc bệnh khác biệt với bệnh viêm khớp dạng thấp ở người lớn (RA), nhưng ở 3 - 5% số trẻ bị JIA, căn bệnh này tương tự như RA. Điểm giống nhau giữa VKMTTN ở trẻ em và viêm khớp dạng thấp ở người lớn là triệu chứng sưng đau khớp và diễn tiến kéo dài.

Về triệu chứng lâm sàng của VKMTTN bao gồm biểu hiện sưng đau hạn chế vận động tại khớp, kèm theo các biểu hiện ngoài khớp như sốt, phát ban, viêm mống mắt thể mi, viêm đa màng trong thể hệ thống, nặng nề nhất là hội chứng hoạt hóa đại thực bào, bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Viêm khớp dạng thấp ở trẻ lớn thường khởi phát từ từ, bắt đầu với các triệu chứng toàn thân và khớp. Các triệu chứng toàn thân bao gồm cứng khớp vào buổi sáng, mệt mỏi vào buổi chiều và biếng ăn, yếu cơ, đôi khi sốt nhẹ. Các triệu chứng khớp bao gồm đau, sưng, và cứng khớp. Thỉnh thoảng, bệnh bắt đầu đột ngột, giả hội chứng nhiễm virus cấp tính. Bệnh tiến triển nhanh nhất trong 6 năm đầu, đặc biệt là năm đầu tiên; 80% bệnh nhân có một số tổn thương khớp vĩnh viễn trong vòng 10 năm. Tiến triển không thể đoán trước được ở mỗi bệnh nhân. Vì vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng, cha mẹ nên đưa con đi khám để được xác định phác đồ điều trị thuốc phù hợp và phục hồi chức năng, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng.

Điều trị sớm để bảo tồn chức năng

BSCKII Nguyễn Quế Phương cho biết, tùy theo thể bệnh, bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị đòi hỏi có sự kiên trì, tái khám thường xuyên để theo dõi diễn biến bệnh và phát hiện tác dụng phụ do thuốc. Tiên lượng của JIA đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây nhờ có sẵn các loại thuốc mới, có thể ức chế chọn lọc các cơ chế sinh học chịu trách nhiệm cho tình trạng viêm dai dẳng.

“Chẩn đoán và điều trị kịp thời và chính xác là điều cần thiết để ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn và bảo tồn chức năng khớp. Một số nghiên cứu ủng hộ khả năng tồn tại “cửa sổ cơ hội” ở giai đoạn đầu của bệnh, trong đó điều trị kịp thời, giúp tỷ lệ thuyên giảm cao hơn và cải thiện kết quả lâu dài”, BSCKII Nguyễn Quế Phương nhấn mạnh thêm: Một nghiên cứu gần đây trên 168 bệnh nhân cho thấy bệnh thuyên giảm khi dừng thuốc trong 48,8% trường hợp, bệnh thuyên giảm khi còn dùng thuốc (hoặc hoạt động của bệnh ở mức tối thiểu) trong 49,9% trường hợp và chỉ 1,3% bệnh nhân bệnh không thuyên giảm.

BSCKII Nguyễn Quế Phương, Phó Trưởng khoa Nhi tim mạch và khớp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

"Chẩn đoán và điều trị kịp thời và chính xác là điều cần thiết để ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn và bảo tồn chức năng khớp cho trẻ”.

BSCKII Nguyễn Quế Phươn

Bệnh lý viêm khớp có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. Đối với bệnh lý viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gây hủy hoại biến dạng khớp hay như viêm khớp dạng thấp thiếu niên thường để lại di chứng teo cơ cứng khớp, lệch độ dài các chi, viêm mống mắt, đục thủy tinh thể gây tàn tật suốt đời cho trẻ. Vì bệnh kéo dài mạn tính nên cần nâng đỡ về mặt tinh thần đối với bệnh nhi. Cần quan tâm đến việc học hành, phục hồi chức năng, tái giáo dục và chỉnh hình.

Điều quan trọng nhất mà bác sĩ Phương muốn khuyến cáo các bậc cha mẹ khi trẻ có viêm khớp cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây viêm khớp, phát hiện sớm các bệnh lý nặng để điều trị đạt hiệu quả cao nhất, để tránh các di chứng như biến dạng khớp, teo cơ, viêm mống mắt… Đặc biệt, bệnh viêm khớp dễ tái phát vào mùa lạnh. Cha mẹ lưu ý giữ ấm cơ thể cho trẻ, bởi nhiệt độ quá lạnh sẽ khiến các bé bị đau nhức xương khớp, cứng khớp nhiều hơn. Thời tiết lạnh các bé hay mắc các bệnh lý đường hô hấp, cũng là một nguyên nhân gây viêm khớp ở trẻ. Việc tránh áp lực lên hệ thống xương khớp của trẻ bằng ăn uống điều độ, không để trẻ bị béo phì hoặc thừa cân. Tránh mang vác các vật nặng hoặc phải di chuyển chúng liên tục trong suốt một quãng đường dài, bởi khi đó hệ thống xương khớp còn non yếu của trẻ sẽ bị áp lực và gặp vấn đề viêm khớp.

Bên cạnh đó, cha mẹ xây dựng thói quen luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cho bé để giúp tăng cường hệ miễn dịch tổng thể và phát triển xương khớp. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng bất cứ loại thuốc xương khớp nào khi trẻ có biểu hiện viêm khớp và nên cho trẻ đi khám để được chẩn đoán tình trạng bệnh và có phương án xử lý phù hợp nhất./.

Hương Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận