Phòng tránh diễn biến xấu ở bệnh tay chân miệng

Hiện nay, bệnh TCM có chiều hướng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, đặc biệt là khu vực phía Nam.

 

Bệnh tay chân miệng đang diễn tiến phức tạp và có chiều hướng tăng nhanh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dễ chuyển nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Diễn biến phức tạp

Dịch tay chân miệng (TCM) do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác gây ra, trong đó hay gặp là virus EV71 và Coxsackie A16. EV71 chính là tác nhân gây dịch tay chân miệng (TCM) lớn vào các năm 2011, 2018. Hiện nay, bệnh TCM có chiều hướng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, đặc biệt là khu vực phía Nam. Theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận 8.995 ca mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố. Tại BV Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng ghi nhận tới 20 - 30% ca mắc TCM do nhiễm chủng virus EV71; nhiều trường hợp biến chứng viêm não, thần kinh. Từ đầu năm đến nay, BV này đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc TCM đến khám; gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị.

Đáng nói, tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân cao so với năm trước và so với trung bình 5 năm vừa qua. Đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ ca nặng cao. PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Bệnh TCM đang ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca tử vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Bệnh nhân tay chân miệng cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm.

Theo thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca TCM nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc TCM chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt phân độ TCM hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở TP.HCM chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật. Ngoài ra, có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng.

Trong chuyến công tác triển khai phòng chống dịch bệnh tại TP.HCM mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có những chỉ đạo sát sao trong việc phòng và điều trị bệnh TCM. Số liệu báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy tình trạng bệnh TCM tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, có 4 ca tử vong. Nếu như những năm trước, vào tháng 8, 9 bệnh TCM mới tăng, nhưng năm nay đến thời điểm này bệnh đã tăng, và có thể đạt điểm đỉnh dịch trong thời gian tới. Bệnh cũng diễn tiến phức tạp. Điều đặc biệt, hầu hết các ca nhập viện đến từ các tỉnh lân cận, trong đó nhiều bé nhập viện khi tình trạng bệnh đã ở mức độ 3.

TS Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là bệnh theo mùa và diễn tiến nặng khá nhanh, nhiều phụ huynh chủ quan khi thấy trẻ chỉ có biểu hiện nhẹ nên không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, khi nhập viện trẻ đã trở nặng. Riêng tại BV Nhi đồng 1 những ngày qua tiếp nhận hơn 10 bé bệnh TCM nặng phải thở máy, trong khi hai tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực; có những trường hợp nguy kịch, ngưng thở, bác sĩ phải phối hợp nhiều biện pháp để cứu sống.

Phân loại sớm, tránh quá tải

Trước sự xuất hiện của virus EV71 khiến dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra tình trạng nặng ở trẻ em, các chuyên gia cũng cảnh báo, bệnh TCM hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra được kháng thể với một loại virus nhất định. Vì vậy trẻ vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Do vậy, bệnh nhân cần được phát hiện để được nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong. GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Thành phố và Bộ Y tế đã có những kịch bản cho tình hình hiện tại. Đối với thành phố, hay các bệnh viện, các phòng khoa đều có kế hoạch, chủ động điều trị và phối hợp với nhau. Trong trường hợp xấu, bệnh tăng nhanh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các chuyên gia đầu ngành cần đóng góp ý kiến, hướng dẫn thêm cho các cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca mắc, hạn chế tình trạng bệnh trở nặng và tử vong. Phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường, hạn chế tình trạng lây lan, phát tán ổ dịch.

Ghi nhận tình trạng bệnh TCM tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại và chuyển tuyến phù hợp, để không chuyển nặng, tử vong. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định với tình hình dịch bệnh hiện tại, TP cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục đến người dân. Đặc biệt, Sở Y tế TP.HCM phải phối hợp với Sở Giáo dục để giáo dục, phòng bệnh cho trẻ từ trong nhà trường. Hạn chế tình trạng lây lan, phát tán các ổ dịch trong trường học. Tuy nhiên, trước tình hình phần lớn ca bệnh đều đến từ các tỉnh lân cận, Thứ trưởng cho rằng các BV, đặc biệt là 4 BV truyền nhiễm ở TP.HCM phải hỗ trợ và phối hợp với các BV địa phương để có phân tuyến khoa học, phù hợp. Tùy mức độ bệnh để có thể chuyển lên tuyến trên hoặc điều trị được ở địa phương để tránh tình trạng quá tải. Còn các cơ sở địa phương phải chủ động phòng chống bệnh, phân luồng, phân loại bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến phù hợp.

Dấu hiệu và biện pháp phòng bệnh

Các triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc bệnh TCM: sốt, kém ăn, khó chịu, đau họng; Từ 1 - 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét, chủ yếu trên lưỡi, lợi và trong má; Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1 - 2 ngày với tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện ở mông hoặc ở cơ quan sinh dục; Trẻ cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc chỉ có thể bị phát ban hoặc loét miệng.

Để phòng bệnh TCM, người dân cần thực hiện rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; với người lớn, cần rửa tay sạch sẽ trước và sau bế ẵm, thay tã và chế biến thức ăn cho trẻ; Thực hiện ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay và ngậm đồ chơi; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang… Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh TCM để tránh lây nhiễm.

Giang Huơng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận