Quảng Ngãi: Nhiều ca mắc bệnh tay chân miệng chuyển biến nặng

Đây là những ca mắc bệnh nhưng gia đình không biết hoặc chủ quan tự điều trị ở nhà đến khi trở nặng với các biến chứng mới đưa đến viện.

 

Những ngày gần đây, số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng ở tỉnh Quảng Ngãi tăng nhanh. Trong đó, nhiều trường hợp diễn biến nặng, biến chứng viêm não, suy hô hấp. Ngành Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường biện pháp phòng bệnh, hạn chế số ca mắc mới và tử vong do bệnh tay chân miệng.

Khoa hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đang điều trị nhiều ca bệnh tay chân miệng diễn biến nặng. Đây là những trường hợp mắc bệnh nhưng gia đình không biết hoặc chủ quan tự điều trị ở nhà đến khi trở nặng với các biến chứng như viêm não, suy hô hấp mới đưa đến bệnh viện.

Bác sĩ kiểm tra các bé mới nhập viện để phân tầng điều trị.

Chị Đinh Thị Nổ, có con vừa qua cơn nguy kịch cho biết, cháu mắc bệnh tay chân miệng, ở nhà sốt 2 ngày không đỡ mới đưa con xuống bệnh viện: "Cháu sốt ở nhà, xuống bệnh viện đây bác sĩ nói bị viêm não, rồi tay chân miệng, dạ dày nữa”.

Bác sỹ Trần Đình Điệp, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi, người trực tiếp điều trị cho biết, bệnh nhi này khi nhập viện điều trị 2 ngày tại khoa Bệnh nhiệt đới thì tình trạng cháu nặng hơn nên chuyển qua Hồi sức tích cực, chống độc để tiếp tục theo dõi.

 “Mùa này là mùa của bệnh tay chân miệng. Nếu không phát hiện sớm, để trẻ ở nhà thì nặng lên không cứu kịp. Bệnh này thường dẫn đến biến chứng viêm não, suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngưng thở ngừng tim, suy đa tạng. Quan trọng nhất không phải là tìm ra biến chứng mà phát hiện sớm, điều trị sớm, kịp thời, nặng hơn nữa thì can thiệp sớm”, Bác sĩ Trần Đình Điệp khuyến cáo.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi bị tay chân miệng chuyển nặng.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị từ 15 đến 20 trẻ mắc bệnh chân tay miệng. Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi đang điều trị cho 40 bệnh nhi chân tay miệng.

Đáng nói, tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng độ nặng chiếm 1/3. Trước thực trạng này, Bệnh viện đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, sàng lọc ngay từ khu khám bệnh và phân loại bệnh để có sự cách ly điều trị hiệu quả, tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân khác.

Bác sỹ Đỗ Duy Thanh, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những bệnh nhân tay chân miệng độ nhẹ, độ 1 thường có biểu hiện loét miệng, phát ban được theo dõi điều trị ở nhà. Khi trẻ sốt 39 độ, sốt không hạ, sốt lên tục và nôn ói thì phải đến ngay bệnh viện.

Các dấu hiệu khác như ngủ giật mình, co giật, chân tay run, đi đứng loạng choạng, thở nhanh thì phải nhập viện ngay. Để phòng ngừa tay chân miệng thì các em mắc bệnh này nên cách ly khoảng 10 ngày không cho chơi chung với các bé khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Nhiều trường hợp tự điều trị ở nhà đến khi biến chứng nặng mới đến viện.

Bác sỹ Đỗ Duy Thanh, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Việc phân tầng điều trị rất quan trọng. Bệnh nhân mắc tay chân miệng không phải tất cả đều bị nặng, khoảng 3 đến 5% em bé có dấu hiệu nặng. Khi có dấu hiệu nặng thì bệnh viện cho nằm theo dõi ở 1 khu riêng, còn những em bé chưa có dấu hiệu nặng thì sẽ nằm theo dõi khu khác. Quan trọng nhất là theo dõi điều trị ở nhà, theo dõi những dấu hiệu chuyển đổi nặng, lúc đó phải chuyển viện gấp”.

Tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ và có thể điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng dễ gây biến chứng nguy hiểm khi trở nặng. Trong đó, 2 biến chứng nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong nhanh cho trẻ là biến chứng thần kinh và suy hô hấp, suy tuần hoàn. Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Phụ huynh và người chăm trẻ cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ có các dấu hiệu như: sốt cao không hạ, nôn ói, tay chân nổi bọng nước thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời./.

Thành Long/VOV-Miền Trung

 

Bình luận

    Chưa có bình luận